Văn bản pháp luật: Thông tư 22/2008/TT-BTC

Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Toàn quốc
Công báo số 199 + 200, năm 2008
Thông tư 22/2008/TT-BTC
Thông tư
10/04/2008
10/03/2008

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Quy chế tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung ban hành kèm theo Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ

Thứ trưởng
2.008
Bộ Tài chính

Toàn văn

B? TÀI CHÍNH

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Quy chế tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung ban hành kèm theo Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Quy chế như sau:

I. Phạm vi áp dụng:

Thông tư này áp dụng cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương) thực hiện thí điểm mua sắm tài sản, hàng hoá từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung theo quy định tại Quy chế tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung ban hành kèm theo Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ (Sau đây gọi tắt là Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg) gồm: Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Gia Lai, tỉnh Hà Tây, tỉnh Cần Thơ, tỉnh ĐắkLắk, tỉnh Cà Mau, tỉnh Bắc Giang.

II. Nguồn kinh phí mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung:

1. Kinh phí ngân sách nhà nước cấp được cơ quan có thẩm quyền giao trong dự toán cho ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị.

2. Nguồn vốn viện trợ, dự án thuộc Nhà nước quản lý cấp cho đơn vị để mua sắm tài sản, hàng hóa. Trường hợp nhà tài trợ nước ngoài có quy định khác về mua sắm tài sản, hàng hóa từ nguồn vốn viện trợ, dự án thì thực hiện theo quy định của nhà tài trợ.

3. Các nguồn kinh phí khác của đơn vị được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng để đầu tư trang bị mới tài sản.

III. Đối tượng áp dụng mua sắm theo phương thức tập trung:

Đối tượng tài sản, hàng hoá áp dụng mua sắm theo phương thức tập trung được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg; một số nội dung cụ thể như sau:

1. Các loại tài sản, hàng hoá được sử dụng trong hệ thống ngành dọc từ trung ương đến địa phương phải thực hiện mua sắm, trang bị theo phương thức tập trung gồm:

a) Xe ôtô các loại (xe ôtô từ 4 - 16 chỗ ngồi phục vụ công tác, xe ôtô chuyên dùng, xe tải, xe ôtô trên 16 chỗ ngồi);

b) Phương tiện vận tải chuyên dùng, trang thiết bị chuyên dùng là các phương tiện vận tải, trang thiết bị mà công dụng của nó chỉ dùng để phục vụ cho hoạt động đặc thù của một ngành, một lĩnh vực nhất định như: trang thiết bị ytế, trang thiết bị giáo dục, tàu (xuồng) chống buôn lậu, trang thiết bị, máy móc phục vụ điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản...;

c) Trang thiết bị tin học (máy vi tính, máy in...).

2. Đối với các loại tài sản, hàng hoá không thuộc đối tượng quy định tại điểm 1 Mục này, việc quy định cụ thể danh mục mua sắm theo phương thức tập trung do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định; bao gồm:

- Thuốc chữa bệnh, y cụ, dụng cụ y tế, sách giáo khoa, văn phòng phẩm; trang phục ngành;

- Máy Fax, máy Photocopy, điện thoại, trang thiết bị làm việc;

- Xe ôtô, phương tiện vận tải chuyên dùng, trang thiết chuyên dùng, trang thiết bị tin học đối với các địa phương và các Bộ, cơ quan Trung ương không có hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương;

- Các tài sản, hàng hoá khác có số lượng mua sắm nhiều, tổng giá trị mua sắm lớn và yêu cầu được trang bị đồng bộ, hiện đại.

IV. Hình thức tổ chức:

1. Căn cứ nhu cầu mua sắm, trang bị và đặc điểm của từng loại tài sản, hàng hoá, các Bộ, cơ quan Trung ương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao một đơn vị trực thuộc (Vụ Tài vụ - Quản trị, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Sở Tài chính, đơn vị sự nghiệp có chức năng mua sắm tài sản nhà nước.v.v...) tổ chức thực hiện việc mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung và giao tài sản, hàng hoá cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng thuộc và trực thuộc Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đó theo quy định tại Điều 4 của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg.

Trường hợp Bộ có Tổng cục, Cục loại I và tương đương (sau đây gọi chung là Tổng cục) được tổ chức theo hệ thống dọc từ Trung ương tới địa phương, thì Bộ trưởng xem xét, quyết định việc giao cho thủ trưởng của từng Tổng cục tổ chức thực hiện việc mua sắm đối với tài sản, hàng hoá phù hợp theo phương thức tập trung để phục vụ hoạt động của các đơn vị thuộc Tổng cục.

2. Đơn vị được giao tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung có nhiệm vụ:

a) Xây dựng phương án mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng đơn vị được uỷ quyền phê duyệt;

b) Tổ chức việc mua sắm tài sản theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định tại Luật Đấu thầu, Nghị định 111/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

c) Tổ chức nghiệm thu, bàn giao tài sản, hàng hoá đã mua sắm và hồ sơ, tài liệu liên quan tới tài sản cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Khi bàn giao tài sản, hàng hoá cho đơn vị trực tiếp sử dụng phải lập Biên bản giao nhận tài sản theo mẫu quy định tại Thông tư số 122/2007/TT-BTC ngày 18/10/2007 của Bộ Tài chính sửa đổi một số nội dung của Thông tư số 43TC/QLCS ngày 31/7/1996 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc tiếp nhận và bàn giao tài sản giữa các cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức kinh tế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Hồ sơ, tài liệu liên quan tới tài sản bàn giao cho đơn vị trực tiếp sử dụng gồm:

- Hợp đồng mua, bán tài sản, hàng hoá (bản sao);

- Hoá đơn do người bán cấp cho đơn vị được giao tổ chức mua sắm tập trung (bản sao);

- Phiếu bảo hành, hồ sơ kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng (bản chính - nếu có).

d) Thực hiện công khai việc mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 179/2007/QĐ-TTg;

e) Ký hợp đồng với nhà cung cấp; liên hệ với nhà cung cấp để thực hiện chế độ bảo hành sản phẩm theo đúng hợp đồng đã ký kết.

V. Lập và phê duyệt Kế hoạch mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung quy định tại Điều 5 của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 179/2007/QĐ-TTg được thực hiện như sau:

1. Hàng năm, các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các Ban Quản lý dự án đề xuất nhu cầu mua sắm tài sản, hàng hoá để phục vụ hoạt động của cơ quan, đơn vị cùng với việc lập dự toán ngân sách hàng năm trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; trong đó, xác định cụ thể chủng loại, số lượng tài sản, hàng hoá thuộc danh mục mua sắm theo phương thức tập trung.

2. Căn cứ chế độ, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; nhu cầu thực tế của các cơ quan, đơn vị trực thuộc về sử dụng tài sản, hàng hoá; Đề án mua sắm tài sản, hàng hoá trang bị cho toàn ngành được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có); danh mục tài sản, hàng hoá thực hiện mua sắm theo phương thức tập trung và dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch mua sắm tài sản, hàng hoá thuộc đối tượng mua sắm tập trung theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg.

3. Nội dung kế hoạch mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Chủng loại, số lượng tài sản, hàng hoá mua sắm theo phương thức tập trung;

b) Thời gian thực hiện việc mua sắm tài sản, hàng hoá;

c) Cơ quan, đơn vị được giao trực tiếp sử dụng tài sản;

d) Kinh phí thực hiện mua sắm tài sản, hàng hoá.

4. Căn cứ kế hoạch mua sắm tài sản, hàng hóa theo phương thức tập trung được phê duyệt, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao dự toán mua sắm cho đơn vị được giao tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; đồng thời thông báo cho cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản để phối hợp thực hiện.

Trường hợp năm 2008, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, Ban quản lý dự án đã được giao dự toán ngân sách về mua sắm tài sản, hàng hoá thuộc danh mục mua sắm theo phương thức tập trung thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc điều chỉnh dự toán mua sắm tài sản, hàng hoá thuộc danh mục mua sắm tập trung của những đơn vị đã được giao dự toán để giao dự toán cho đơn vị được giao tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá tập trung theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

VI. Phương án mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung:

Nội dung phương án mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg; một số nội dung cụ thể như sau:

1. Tài sản, hàng hoá có yêu cầu kỹ thuật cao, trang bị đồng bộ, hiện đại, phải có ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, đơn vị chuyên môn có liên quan trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định kế hoạch đấu thầu mua sắm gồm:

a) Đối với tài sản, hàng hoá là trang thiết bị tin học phải có ý kiến của cơ quan, đơn vị chuyên môn về tin học thuộc Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; Trường hợp Bộ, cơ quan Trung ương không có cơ quan, đơn vị chuyên môn về tin học thì phải có ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông;

b) Đối với tài sản, hàng hoá là trang thiết bị y tế phải có ý kiến của Bộ Y tế (đối với cơ quan Trung ương), của Sở Y tế (đối với cơ quan địa phương);

c) Đối với tài sản, hàng hoá là trang thiết bị giáo dục phải có ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo (đối với cơ quan Trung ương), của Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cơ quan địa phương).

Việc lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị chuyên môn được thực hiện theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản hoặc mời đại diện có thẩm quyền của cơ quan, đơn vị chuyên môn tham gia Hội đồng đấu thầu và tổ chuyên gia tư vấn đấu thầu.

2. Trường hợp mua sắm tài sản, hàng hoá được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu, Nghị định 111/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng và điểm 3 Mục III Phần II Thông tư số 63/2007/TT-BTC ngày 15/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước bằng vốn nhà nước, thì đơn vị được giao tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để thẩm định giá tài sản, hàng hoá, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cùng với việc phê duyệt phương án mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung.

3. Việc thanh toán tiền mua tài sản, hàng hoá cho nhà cung cấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh toán các khoản chi từ ngân sách nhà nước và theo hợp đồng đã ký với nhà cung cấp. Đối với những tài sản, hàng hoá phải thực hiện chế độ bảo hành, bảo trì, thì tùy theo giá trị, loại hàng hoá mua sắm, đơn vị được giao tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung thoả thuận mức tiền giữ lại để đảm bảo nghĩa vụ thực hiện bảo hành, bảo trì của nhà cung cấp; cuối năm (ngày 31/12) đơn vị chuyển số tiền giữ lại trong năm ra tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước để theo dõi và hạch toán, quyết toán chi ngân sách năm thực hiện. Khi hết thời hạn bảo hành, bảo trì và nhà cung cấp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hành, bảo trì của mình thì thanh toán cho nhà cung cấp.

VII. Hình thức mua sắm tài sản, hàng hoá:

1. Thủ trưởng đơn vị được giao tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung lựa chọn hình thức mua sắm tài sản, hàng hoá theo quy định tại Luật Đấu thầu, Nghị định số 111/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ, Mục III Phần II Thông tư số 63/2007/TT-BTC ngày 15/6/2007 và điểm 1 Thông tư số 131/2007/TT-BTC ngày 5/11/2007 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2007/TT-BTC ngày 15/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước bằng vốn nhà nước.

2. Việc phân chia tài sản, hàng hoá mua sắm thành các gói thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, đảm bảo tính đồng bộ trong việc mua sắm, quy mô gói thầu hợp lý, đảm bảo khả năng bảo hành và các dịch vụ sau bán hàng của nhà cung cấp. Nghiêm cấm việc chia nhỏ các gói thầu để áp dụng các hình thức mua sắm không phải đấu thầu.

VIII. Kinh phí tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung:

1. Đơn vị được giao tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung được thu các khoản sau:

a) Thu từ việc bán hồ sơ mời thầu theo quy định tại tiết a điểm 3 Mục VII Phần II Thông tư số 63/2007/TT-BTC ngày 15/6/2007 của Bộ Tài chính;

b) Thu từ nhà thầu trong trường hợp có kiến nghị xem xét về kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định tại tiết b điểm 3 Mục VII Phần II Thông tư số 63/2007/TT-BTC ngày 15/6/2007 của Bộ Tài chính;

c) Các khoản thu về bảo đảm dự thầu theo quy định tại Điều 27 Luật Đấu thầu, thu về bảo đảm thực hiện hợp đồng quy định tại Điều 55 Luật Đấu thầu;

d) Hoa hồng từ mua sắm tài sản, hàng hoá; quà tặng, quà khuyến mãi của nhà cung cấp (nếu có).

2. Nguồn kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá:

Đơn vị được giao tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung được sử dụng các khoản thu quy định tại điểm 1 Mục này để chi phí cho quá trình mua sắm tài sản, hàng hoá, giải quyết các kiến nghị của nhà thầu (nếu có). Riêng khoản thu quy định tại tiết c điểm 1 Mục này, đơn vị chỉ được sử dụng khi nhà thầu có sự vi phạm theo quy định tại khoản 6 Điều 27 và khoản 4 Điều 55 Luật Đấu thầu. Trường hợp nguồn kinh phí quy định tại điểm 1 Mục này không đảm bảo để chi cho quá trình đấu thầu thì đơn vị được phép sử dụng nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của đơn vị mình để bù đắp. Trường hợp không sử dụng hết nguồn kinh phí quy định tại điểm 1 Mục này để chi cho quá trình đấu thầu, thì số tiền không sử dụng hết được bổ sung kinh phí hoạt động của đơn vị.

IX. Tổ chức thực hiện:

1. Các Bộ, cơ quan Trung ương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện việc mua sắm tài sản, hàng hóa thuộc đối tượng mua sắm tập trung; kiểm tra việc thực hiện mua sắm tài sản, hàng hóa theo phương thức tập trung theo quy định tại Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg và hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Đơn vị được giao tổ chức thực hiện việc mua sắm tài sản, hàng hóa theo phương thức tập trung có trách nhiệm báo cáo tình hình và kết quả thực hiện mua sắm gửi Bộ, cơ quan Trung ương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để tổng hợp gửi Bộ Tài chính trước ngày 31 tháng 01 năm 2009.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, phối hợp giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=24428&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận