Văn bản pháp luật: Thông tư 23/2010/TT-BKH

Võ Hồng Phúc
Toàn quốc
Công báo số 739+740
Thông tư 23/2010/TT-BKH
Thông tư
26/01/2011
13/12/2010

Tóm tắt nội dung

Quy định điều kiện năng lực của tổ chức và cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư

Bộ trưởng
2.010
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Toàn văn

THÔNG TƯ

Quy định điều kiện năng lực của tổ chức và cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư

__________________________

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12;

Căn cứ Luật Đầu tư số 59/2005/QH11;

Căn cứ Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư;

Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết về điều kiện năng lực của tổ chức và cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này quy định chi tiết về điều kiện năng lực của tổ chức và cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư quy định tại Khoản 4 và Khoản 5, Điều 7, Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư (sau đây viết tắt là Nghị định 113/CP).

2. Đối tượng áp dụng:

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư tại Việt Nam.

Điều 2. Năng lực của cá nhân khi thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư

1. Cá nhân khi thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định và phù hợp với tính chất công việc của từng dự án đầu tư.

2. Cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá dự án đầu tư do các cơ sở đào tạo hợp pháp của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp.

Quy định tại khoản này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2011.

3. Năng lực của cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư được phân hạng dựa trên các tiêu chí sau:

a) Trình độ chuyên môn được đào tạo;

b) Kinh nghiệm thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư hoặc kinh nghiệm thực hiện các công việc liên quan đến quản lý đầu tư (lập dự án đầu tư; thẩm định, thẩm tra dự án đầu tư; quản lý dự án đầu tư).

Điều 3. Năng lực của tổ chức thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư

1. Các tổ chức thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với các quy định tại Thông tư này.

2. Năng lực của tổ chức thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư được phân hạng dựa trên cơ sở các tiêu chí sau:

a) Năng lực của các cá nhân trong tổ chức;

b) Khả năng tài chính, số lượng lao động, thiết bị máy móc (kể cả các phần mềm hỗ trợ) thực có của tổ chức hoặc do tổ chức thuê để thực hiện theo yêu cầu của công việc.

Chương II

ĐIỀU KIỆN NĂNG LỰC CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THỰC HIỆN TƯ VẤN ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN ĐẦU TƯ

Điều 4. Điều kiện năng lực của cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư

1. Năng lực của cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư được phân thành 02 hạng: Hạng 1 và Hạng 2.

2. Năng lực của cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư hạng 2:

a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên;

b) Đã có thời gian tham gia các công việc liên quan đến quản lý đầu tư tối thiểu là 5 năm;

c) Đáp ứng một trong những điều kiện sau:

- Đã tham gia thực hiện đánh giá dự án đầu tư tối thiểu 01 dự án nhóm B;

- Đã tham gia thực hiện đánh giá dự án đầu tư tối thiểu 02 dự án nhóm C;

- Đã tham gia lập dự án đầu tư (Báo cáo nghiên cứu khả thi) tối thiểu 05 dự án nhóm B;

- Đã tham gia lập dự án đầu tư (Báo cáo nghiên cứu khả thi) tối thiểu 10 dự án;

- Đã tham gia thẩm tra, thẩm định tối thiểu 05 dự án nhóm B;

- Đã tham gia thẩm tra, thẩm định tối thiểu 10 dự án;

- Đã tham gia quản lý đầu tư tối thiểu 02 dự án nhóm B;

- Đã tham gia quản lý đầu tư tối thiểu 04 dự án.

d) Đã được học qua lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá dự án đầu tư và được cấp chứng chỉ đào tạo do các Cơ sở đào tạo đánh giá dự án đầu tư hợp pháp của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp.

3. Năng lực của cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư hạng 1:

a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên;

b) Đã đạt tiêu chuẩn tư vấn đánh giá dự án đầu tư hạng 2 tối thiểu 3 năm hoặc có thời gian tham gia các công việc liên quan đến quản lý đầu tư tối thiểu là 8 năm;

c) Đáp ứng một trong những điều kiện sau:

- Đã tham gia thực hiện đánh giá dự án đầu tư tối thiểu 01 dự án quan trọng quốc gia;

- Đã tham gia thực hiện đánh giá dự án đầu tư tối thiểu 02 dự án nhóm A;

- Đã tham gia thực hiện đánh giá dự án đầu tư tối thiểu 05 dự án nhóm B;

- Đã tham gia lập dự án đầu tư (Báo cáo nghiên cứu khả thi) tối thiểu 01 dự án quan trọng quốc gia;

- Đã tham gia lập dự án đầu tư (Báo cáo nghiên cứu khả thi) tối thiểu 02 dự án nhóm A;

- Đã tham gia thẩm tra, thẩm định tối thiểu 01 dự án quan trọng quốc gia;

- Đã tham gia thẩm tra, thẩm định tối thiểu 02 dự án nhóm A;

- Đã tham gia quản lý đầu tư tối thiểu 01 dự án quan trọng quốc gia;

- Đã tham gia quản lý đầu tư tối thiểu 02 dự án nhóm A.

d) Đã được học qua lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá dự án đầu tư và được cấp chứng chỉ đào tạo do Các cơ sở đào tạo đánh giá dự án đầu tư hợp pháp của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp.

4. Phạm vi hoạt động:

a) Hạng 2: Được tham gia thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư đối với dự án nhóm B, C;

b) Hạng 1: Được tham gia thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C.

Điều 5. Điều kiện năng lực của chủ trì thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư

1. Chủ trì thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư được phân thành 02 hạng: Hạng 1 và Hạng 2.

2. Năng lực chủ trì thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư hạng 2:

a) Đáp ứng điều kiện của cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư hạng 2 theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư này;

b) Đáp ứng một trong những điều kiện sau:

- Đáp ứng điều kiện của cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư hạng 1 theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư này;

- Đã tham gia thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư tối thiểu 05 dự án nhóm B;

- Đã tham gia thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư tối thiểu 10 dự án;

- Đã chủ trì lập dự án đầu tư (Báo cáo nghiên cứu khả thi) tối thiểu 05 dự án nhóm B;

- Đã chủ trì lập dự án đầu tư (Báo cáo nghiên cứu khả thi) tối thiểu 10 dự án;

- Đã chủ trì thẩm tra, thẩm định tối thiểu 05 dự án nhóm B;

- Đã chủ trì thẩm tra, thẩm định tối thiểu 10 dự án;

- Đã có thời gian làm Giám đốc Ban quản lý dự án tối thiểu là 5 năm.

3. Năng lực chủ trì thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư hạng 1:

a) Đáp ứng điều kiện của cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư hạng 1 theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư này;

b) Đáp ứng một trong những điều kiện sau:

- Đã tham gia thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư tối thiểu 02 dự án quan trọng quốc gia;

- Đã tham gia thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư tối thiểu 03 dự án nhóm A;

- Đã chủ trì thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư 05 dự án nhóm B;

- Đã chủ trì lập dự án đầu tư (Báo cáo nghiên cứu khả thi) tối thiểu 01 dự án quan trọng quốc gia;

- Đã chủ trì lập dự án đầu tư (Báo cáo nghiên cứu khả thi) tối thiểu 02 dự án nhóm A;

- Đã chủ trì thẩm tra, thẩm định tối thiểu 01 dự án quan trọng quốc gia;

- Đã chủ trì thẩm tra, thẩm định tối thiểu 02 dự án nhóm A;

- Có thời gian làm Giám đốc Ban quản lý dự án nhóm B trở lên tối thiểu 10 năm.

4. Phạm vi hoạt động:

a) Hạng 2: Được chủ trì thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư đối với dự án nhóm B, C;

b) Hạng 1: Được chủ trì thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C.

Điều 6. Điều kiện năng lực của tổ chức thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư

1. Năng lực của tổ chức khi thực hiện hoạt động tư vấn đánh giá dự án đầu tư được phân thành 2 hạng như sau:

a) Hạng 2: Có ít nhất 5 người có đủ điều kiện năng lực thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư, trong đó có người đã từng làm chủ trì thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư 1 dự án nhóm B hoặc 2 dự án nhóm C.

b) Hạng 1: Có ít nhất 5 người có đủ điều kiện năng lực của cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư hạng 1, trong đó có người đã từng làm chủ trì thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư 1 dự án nhóm A trở lên.

2. Phạm vi hoạt động của tổ chức thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư:

a) Hạng 2: Được thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư dự án nhóm B, C;

b) Hạng 1: Được thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C.

Chương III

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN ĐẦU TƯ

Điều 7. Điều kiện của Cơ sở đào tạo đánh giá dự án đầu tư

1. Có tư cách pháp nhân và chức năng hoạt động phù hợp theo quy định của pháp luật;

2. Có ít nhất 5 giảng viên đánh giá dự án đầu tư đáp ứng quy định tại Thông tư này;

3. Có tài liệu giảng dạy đáp ứng quy định tại Thông tư này.

Điều 8. Giảng viên và Cơ sở đào tạo đánh giá dự án đầu tư

1. Giảng viên đánh giá dự án đầu tư:

Cá nhân độc lập hoặc tổ chức của cá nhân có nhu cầu làm giảng viên đánh giá dự án đầu tư gửi văn bản đề nghị đăng ký và hồ sơ năng lực theo mẫu đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được xem xét đưa vào danh sách giảng viên đánh giá dự án đầu tư.

Giảng viên đánh giá dự án đầu tư phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Tốt nghiệp đại học trở lên;

b) Có ít nhất 8 năm kinh nghiệm một trong các hoạt động: Tư vấn đánh giá dự án đầu tư; lập, thẩm định, thẩm tra dự án đầu tư; quản lý nhà nước về đầu tư; thực hiện soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về lập, thẩm định, đánh giá, quản lý dự án đầu tư;

c) Có tên trong danh sách giảng viên đánh giá dự án đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý.

2. Cơ sở đào tạo đánh giá dự án đầu tư:

a) Cơ sở đào tạo đánh giá dự án đầu tư gửi hồ sơ đăng ký đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được xem xét đưa vào hệ thống cơ sở đào tạo và cấp quyết định công nhận Cơ sở đào tạo đánh giá dự án đầu tư.

Hồ sơ đăng ký bao gồm:

- Bản chụp được chứng thực của một trong các văn bản sau: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập;

- Bản kê khai về năng lực của cơ sở đào tạo (cơ sở vật chất, nhân sự của cơ sở đào tạo, tài liệu liên quan đến quy trình quản lý đào tạo);

- Bản đề nghị đăng ký cơ sở đào tạo, phiếu cung cấp thông tin đăng ký cơ sở đào tạo đánh giá dự án đầu tư theo mẫu.

b) Thời hạn cấp quyết định công nhận Cơ sở đào tạo đánh giá dự án đầu tư:

- Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký, bộ phận tiếp nhận sẽ tiến hành kiểm tra, xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ thông báo bằng văn bản cho Cơ sở đào tạo đánh giá dự án đầu tư có hồ sơ đăng ký.

- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định công nhận Cơ sở đào tạo đánh giá dự án đầu tư.

Điều 9. Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá dự án đầu tư

1. Chương trình:

Nội dung: Theo Chương trình khung được quy định tại Thông tư này.

Thời lượng: Thời lượng của khóa học là 03 ngày, tương đương với 24 tiết học.

2. Tài liệu giảng dạy của khóa học:

Tài liệu giảng dạy của khóa học bao gồm giáo trình được biên soạn dưới dạng văn bản sách, tài liệu trình bày được biên soạn dưới dạng bản trình chiếu và các tài liệu liên quan khác.

Tài liệu giảng dạy phải ghi tên của Cơ sở đào tạo đánh giá dự án đầu tư.

Có 02 bộ đề kiểm tra trắc nghiệm của chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ dự án đánh giá dự án đầu tư.

Giáo trình, tài liệu trình bày do các cơ sở đào tạo biên soạn theo Chương trình khung quy định tại Phụ lục Thông tư này.

Điều 10. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá dự án đầu tư

1. Cơ sở đào tạo đánh giá dự án đầu tư thực hiện các quy định về tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá dự án đầu tư như sau:

a) Thông báo tuyển sinh, trong đó nêu rõ: lĩnh vực bồi dưỡng, yêu cầu đối với học viên, chương trình và nội dung khóa học bồi dưỡng, thời gian, địa điểm, kinh phí và các thông tin cần thiết khác;

b) Thông báo kế hoạch tổ chức (thời gian, địa điểm, thời lượng, giảng viên) về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương nơi tổ chức khóa học trước ngày khai giảng tối thiểu 10 ngày để theo dõi, kiểm tra khi cần thiết. Trường hợp có thay đổi kế hoạch thì cơ sở đào tạo phải thông báo kịp thời về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương;

c) Quyết định tổ chức khóa học bằng văn bản, trong đó bao gồm nội dung chương trình, giảng viên, thời gian, địa điểm và các thông tin cần thiết khác;

d) Phổ biến quy định của khóa học và cung cấp đầy đủ tài liệu theo chương trình cho học viên trước khi bắt đầu khóa học;

e) Tổ chức khóa học đảm bảo nội dung theo chương trình khung và thời lượng quy định tại Thông tư này. Theo dõi thời gian tham dự khóa học của học viên;

g) Tổ chức kiểm tra và xếp loại kết quả học tập để cấp chứng chỉ cho học viên;

h) Gửi Quyết định cấp chứng chỉ và danh sách học viên được cấp chứng chỉ, báo cáo việc thực hiện kế hoạch thay đổi (nếu có) về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức khóa học trong thời gian không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc khóa học.

2. Các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá dự án đầu tư có cấp chứng chỉ phải được tổ chức học tập trung; đảm bảo đủ thời gian, nội dung theo quy định của chương trình khung đào tạo.

Điều 11. Đánh giá kết quả học tập và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá dự án đầu tư

1. Học viên được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá dự án đầu tư khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Tham dự ít nhất 90% thời lượng của khóa học. Trường hợp học viên không đảm bảo thời lượng tham dự khóa học nhưng có lý do chính đáng, cơ sở đào tạo cho phép học viên bảo lưu thời lượng đã học và học tiếp tại khóa học khác của cùng một cơ sở đào tạo trong thời gian bảo lưu tối đa ba tháng kể từ ngày đầu tiên của khóa học tham gia trước đó.

b) Làm bài kiểm tra và có kết quả kiểm tra cuối khóa học được đánh giá từ đạt yêu cầu trở lên.

2. Kiểm tra cuối khóa học:

a) Kiểm tra có thể dưới hình thức trắc nghiệm kết hợp hình thức trắc nghiệm và trả lời bài tập tình huống.

b) Thời gian kiểm tra tối thiểu là 45 phút.

c) Xếp loại bài kiểm tra để cấp chứng chỉ:

Bài kiểm tra đạt từ 90% tổng số điểm trở lên: Xuất sắc

Bài kiểm tra đạt từ 80% đến 89% tổng số điểm: Giỏi

Bài kiểm tra đạt từ 70% đến 79% tổng số điểm: Khá

Bài kiểm tra đạt từ 50% đến 69% tổng số điểm: Trung bình

Bài kiểm tra đạt từ 49% tổng số điểm trở xuống: Không đạt yêu cầu.

3. Người đứng đầu Cơ sở đào tạo đánh giá dự án đầu tư chịu trách nhiệm cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá dự án đầu tư cho học viên đạt yêu cầu.

4. Cơ sở đào tạo đánh giá dự án đầu tư chịu trách nhiệm in, quản lý chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá dự án đầu tư. Nội dung, hình thức, quy cách của chứng chỉ lập theo mẫu tại Thông tư này.

5. Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá dự án đầu tư có giá trị trong 5 năm kể từ ngày cấp.

Điều 12. Cấp lại chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá dự án đầu tư

1. Cá nhân đã được cấp chứng chỉ có thể đề nghị Cơ sở đào tạo đánh giá dự án đầu tư cấp lại chứng chỉ trong trường hợp chứng chỉ còn trong thời hạn nhưng bị rách nát, hư hại hoặc bị mất.

2. Cá nhân có nhu cầu cấp lại chứng chỉ phải làm đơn đề nghị. Đơn đề nghị phải được dán ảnh và gửi kèm bản chụp chứng minh nhân dân hợp lệ. Cơ sở đào tạo đánh giá dự án đầu tư đã cấp chứng chỉ cho học viên phải căn cứ hồ sơ gốc để thực hiện cấp lại chứng chỉ. Nội dung của chứng chỉ cấp lại được ghi đúng như bản cấp trước đó.

Điều 13. Lưu trữ hồ sơ

Cơ sở đào tạo đánh giá dự án đầu tư có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ từng khóa học trong thời gian tối thiểu là 7 năm kể từ ngày cuối cùng của khóa học để phục vụ công tác kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và việc cấp lại chứng chỉ cho học viên theo quy định tại Thông tư này. Hồ sơ của từng khóa học bao gồm:

1. Danh sách, thông tin về học viên, danh sách học viên được cấp chứng chỉ cùng kết quả kiểm tra có xác nhận của cơ sở đào tạo, hồ sơ học viên (bao gồm thông tin: họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu, nghề nghiệp, địa chỉ liên hệ);

2. Danh sách giảng viên tham gia giảng dạy (bao gồm thông tin: họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, nghề nghiệp, địa chỉ nơi công tác; hồ sơ về năng lực, trình độ chuyên môn);

3. Giáo trình, tài liệu trình bày, đề bài kiểm tra và bài làm của học viên.

Điều 14. Báo cáo, quản lý, kiểm tra trong hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá dự án đầu tư

1. Trước ngày 15 tháng 1 hàng năm, Cơ sở đào tạo đánh giá dự án đầu tư có nghĩa vụ báo cáo hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá dự án đầu tư năm trước gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, đồng thời gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư (nơi đặt trụ sở chính và nơi tổ chức khóa học) để theo dõi. Nội dung báo cáo thực hiện theo mẫu kèm theo Phụ lục Thông tư này.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất quản lý về hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá dự án đầu tư, kiểm tra hoặc phối hợp với các Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan kiểm tra hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá dự án đầu tư và xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với các Cơ sở đào tạo đánh giá dự án đầu tư.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, địa phương, Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo việc kiểm tra hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá dự án đầu tư đối với các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình. Đối với địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, tổ chức kiểm tra hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá dự án đầu tư đối với các Cơ sở đào tạo đánh giá dự án đầu tư đăng ký kinh doanh và có trụ sở chính tại địa phương mình.

4. Cơ quan, đơn vị thực hiện kiểm tra có trách nhiệm xử lý vi phạm hoặc kiến nghị người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các Cơ sở đào tạo đánh giá dự án đầu tư có hành vi vi phạm pháp luật.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Trách nhiệm của chủ đầu tư

1. Căn cứ vào quy mô, tính chất công việc cụ thể để lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư.

2. Lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động tư vấn đánh giá dự án đầu tư theo quy định của Nghị định 113/CP và quy định của Thông tư này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực để thực hiện các công việc dẫn đến không đảm bảo chất lượng hoặc xảy ra sự cố gây thiệt hại về người và tài sản.

3. Phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, tạm dừng hoặc đình chỉ thực hiện công việc đến khi tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện năng lực theo hợp đồng đã ký kết, theo quy định của Nghị định 113/CP và quy định của Thông tư này.

4. Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi hoạt động tư vấn đánh giá dự án đầu tư

1. Chỉ được thực hiện hoạt động tư vấn đánh giá dự án đầu tư khi có đủ điều kiện năng lực theo quy định.

2. Tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn để đánh giá dự án đầu tư, đảm bảo chất lượng và hiệu quả; tổ chức tự giám sát đảm bảo chất lượng sản phẩm, nghiệm thu theo quy định hiện hành.

3. Chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về việc khi thực hiện hoạt động tư vấn đánh giá dự án đầu tư không có đủ điều kiện năng lực theo quy định.

4. Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

a) Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này;

b) Kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu xử lý đối với các tổ chức, cá nhân khi hoạt động tư vấn đánh giá dự án đầu tư vi phạm các quy định về điều kiện năng lực trên phạm vi cả nước.

2. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này đối với các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân khi hoạt động tư vấn đánh giá dự án đầu tư vi phạm các quy định về điều kiện năng lực trên địa bàn.

3. Các Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

a) Tổ chức kiểm tra điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân khi hoạt động tư vấn đánh giá dự án đầu tư trên địa bàn theo quy định của Nghị định 113/CP và quy định của Thông tư này.

b) Tạm dừng hoặc đình chỉ khi tổ chức hoạt động tư vấn đánh giá dự án đầu tư vi phạm các quy định của Nghị định 113/CP và của Thông tư này.

Điều 18. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 26/01/2011.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tư vấn đánh giá dự án đầu tư và tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện các quy định của Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá nhân có liên quan gửi ý kiến về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để kịp thời xem xét, điều chỉnh./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=26022&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận