Văn bản pháp luật: Thông tư 24/2010/TT-BGTVT

Hồ Nghĩa Dũng
Toàn quốc
Công báo số 562+563
Thông tư 24/2010/TT-BGTVT
Thông tư
Hết hiệu lực một phần
15/10/2010
31/08/2010

Tóm tắt nội dung

Quy định về bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ

Bộ trưởng
2.010
Bộ Giao thông vận tải

Toàn văn

THÔNG TƯ

Quy định về bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và

dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ

_________________

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Bộ Giao thông vận tải quy định về bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về quản lý, khai thác, kinh doanh bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ; quản lý, kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý và hoạt động khai thác, kinh doanh bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ; quản lý, kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bến xe ô tô khách (bến xe khách) là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện chức năng phục vụ xe ô tô đón, trả hành khách và các dịch vụ hỗ trợ vận tải hành khách.

2. Bến xe ô tô hàng (bến xe hàng) là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện chức năng phục vụ xe ôtô vận tải hàng hóa nhận, trả hàng và các dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng hóa.

3. Bãi đỗ xe là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện chức năng phục vụ trông giữ xe ô tô và các phương tiện giao thông đường bộ khác.

4. Trạm dừng nghỉ là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện chức năng phục vụ người và phương tiện dừng, nghỉ trong quá trình tham gia giao thông trên các tuyến vận tải đường bộ.

5. Đại lý vận tải là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, trong đó tổ chức, cá nhân được người kinh doanh vận tải hoặc chủ hàng ủy quyền thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình vận tải và được trả tiền công.

6. Đại lý bán vé là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, trong đó tổ chức, cá nhân được đơn vị kinh doanh vận tải ủy quyền bán vé cho hành khách và được trả tiền công.

7. Dịch vụ thu gom hàng là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, trong đó tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thực hiện việc thu gom hàng hóa đến một địa điểm nhất định theo yêu cầu của người kinh doanh vận tải hoặc chủ hàng và được trả tiền công.

8. Dịch vụ chuyển tải là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, trong đó tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ để vận chuyển người hoặc hàng hóa trên một chặng của hành trình nhất định.

9. Dịch vụ kho hàng là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, trong đó tổ chức, cá nhân thực hiện việc cho đơn vị vận tải hoặc người có hàng thuê kho thuộc quyền sử dụng của mình để chứa hàng hóa.

10. Dịch vụ cứu hộ vận tải đường bộ là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, trong đó tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ cứu hộ phương tiện khi phương tiện giao thông đường bộ bị tai nạn hoặc gặp sự cố kỹ thuật trên đường và được trả tiền công.

Điều 4. Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ

1. Yêu cầu chung:

a) Phù hợp với quy hoạch giao thông vận tải đường bộ đã được phê duyệt;

b) Thuận lợi trong việc kết nối giao thông và chuyển tiếp với các phương thức vận tải khác, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, lưu thông hàng hóa tại địa phương và khu vực;

c) Công bố công khai quy hoạch sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Trách nhiệm xây dựng quy hoạch:

a) Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì phối hợp với các địa phương tổ chức xây dựng quy hoạch hệ thống trạm dừng nghỉ trên các quốc lộ trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt;

b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ xe trên địa bàn và trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường (trừ trạm dừng nghỉ trên quốc lộ) thuộc địa phương.

Điều 5. Đầu tư xây dựng, quản lý khai thác, kinh doanh bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ

1. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng mới hoặc đầu tư nâng cấp, cải tạo bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ.

2. Việc khai thác, kinh doanh bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ do doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất tổ chức và quản lý bến xe, bãi đỗ xe phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải và yêu cầu đặc thù của địa phương.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ BẾN XE

Điều 6. Yêu cầu đối với bến xe

1. Bến xe phải được xây dựng phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

2. Đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho người, hàng hóa và phương tiện trong bến xe và khi ra, vào bến.

3. Bến xe phải xây dựng theo quy chuẩn tương ứng với từng loại bến xe.

Điều 7. Quy chuẩn bến xe

1. Quy chuẩn bến xe khách:

Bến xe khách được phân thành 6 loại tương ứng với quy chuẩn từng loại tại bảng sau:

TT

Tiêu chí phân loại

Đơn vị tính

Loại bến xe

Loại 1

Loại 2

Loại 3

Loại 4

Loại 5

Loại 6

1

Tổng diện tích (tối thiểu)

m2

15.000

10.000

5.000

2.500

1.500

500

2

Số vị trí đỗ xe đón, trả hành khách (tối thiểu)

Vị trí

40

30

20

10

6

4

3

Diện tích đỗ xe đón, trả hành khách (tối thiểu)

m2

2.000

1.200

800

400

250

150

4

Diện tích đỗ xe qua đêm và chờ vào vị trí đón trả hành khách

m2

6.000

4.000

2.000

1.000

500

300

5

Diện tích bãi đỗ xe cho các phương tiện khác

m2

2.000

1.500

900

400

50

50

6

Diện tích phòng hành khách chờ (tối thiểu)

m2

500

300

150

100

50

30

7

Số chỗ ngồi tối thiểu khu vực phòng hành khách chờ

Chỗ

200

100

50

40

20

10

8

Hệ thống điều hòa, quạt điện khu vực phòng hành khách chờ

-

Điều hòa

Điều hòa

Điều hòa

Quạt điện

Quạt điện

Quạt điện

9

Diện tích khu vực làm việc

-

Bình quân 4,5 m2/người

10

Diện tích phòng y tế

m2

24

18

12

9

 

 

11

Diện tích khu vệ sinh

-

> 1% Tổng diện tích bến (Có nơi vệ sinh phục vụ người khuyết tật)

> 1% Tổng diện tích bến (khuyến khích có nơi vệ sinh phục vụ người khuyết tật)

12

Cửa bán vé (tối thiểu)

Cửa

22

15

10

5

2

2

13

Đường ra xe, vào bến

-

riêng biệt

riêng biệt

riêng biệt

chung

chung

chung

14

Mặt sân bến

-

Thảm nhựa hoặc bê tông

Thảm nhựa hoặc bê tông hoặc cấp phối đá

15

Hệ thống thoát nước

Có hệ thống tiêu thoát nước bảo đảm không ứ đọng nước

16

Hệ thống phát thanh, thông tin chỉ dẫn

Có hệ thống phát thanh, thông tin chỉ dẫn hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ

17

Độ chiếu sáng chung trong bến

Theo quy định

18

Hệ thống cứu hỏa

Theo quy định

2. Quy chuẩn bến xe hàng:

TT

Tiêu chí

Đơn vị tính

Yêu cầu

1

Tổng diện tích (tối thiểu)

m2

2.000

2

Diện tích kho hàng kín tối thiểu

m2

500

3

Trang thiết bị bốc, xếp bằng cơ giới

 

4

Diện tích đỗ xe (tối thiểu)

m2

800

5

Văn phòng làm việc và các công trình phụ trợ (tối thiểu)

-

2-4 % Tổng diện tích bến

6

Đường xe ra, vào

-

Riêng biệt hoặc chung

7

Hệ thống thoát nước

-

Có hệ thống tiêu thoát nước bảo đảm không ứ đọng nước

8

Hệ thống cứu hỏa

-

Theo quy định của cơ quan phòng cháy, chữa cháy

Điều 8. Nội dung kinh doanh tại bến xe

1. Nội dung kinh doanh bến xe khách:

a) Dịch vụ phục vụ xe ra, vào bến xe;

b) Cho thuê quầy bán xe hoặc nhận ủy thác bán vé;

c) Dịch vụ cho thuê nơi đỗ xe ô tô qua đêm;

d) Dịch vụ cho thuê mặt bằng kinh doanh phục vụ hoạt động vận tải hành khách trong bến xe;

đ) Kinh doanh các dịch vụ phục vụ phương tiện và hành khách khác tại bến xe theo quy định của pháp luật.

2. Nội dung kinh doanh bến xe hàng:

a) Dịch vụ xếp, dỡ, đóng gói và bảo quản hàng hóa;

b) Dịch vụ trông giữ xe;

c) Kinh doanh các dịch vụ khác có liên quan đến hoạt động vận tải hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Công bố đưa bến xe vào khai thác

1. Hồ sơ đề nghị công bố gồm:

a) Giấy đề nghị công bố đưa bến xe vào khai thác (theo mẫu quy định tại Phụ lục số 1);

b) Sơ đồ mặt bằng tổng thể bến xe;

c) Biên bản nghiệm thu các tiêu chí theo quy chuẩn bến xe.

2. Quy trình xử lý hồ sơ:

a) Chậm nhất trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị công bố, cơ quan có thẩm quyền công bố tổ chức kiểm tra và lập biên bản kiểm tra theo các tiêu chí quy chuẩn kỹ thuật bến xe;

b) Căn cứ quy chuẩn bến xe, cơ quan có thẩm quyền công bố bến xe phải xếp loại bến xe sau khi tổ chức kiểm tra;

c) Trường hợp sau khi kiểm tra, nếu bến xe không đáp ứng đúng theo quy chuẩn loại bến xe mà đơn vị khai thác bến xe đề nghị thì cơ quan kiểm tra phải ghi rõ nội dung không đáp ứng và thông báo với đơn vị khai thác bến xe.

3. Thẩm quyền công bố: Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố các loại bến xe khách và bến xe hàng.

4. Bến xe chỉ được đưa vào khai thác sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền công bố (theo mẫu quy định tại Phụ lục số 2).

5. Văn bản công bố được gửi đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam để phối hợp quản lý.

Điều 10. Trách nhiệm và quyền hạn của đơn vị quản lý khai thác, kinh doanh bến xe khách

1. Trách nhiệm:

a) Là đơn vị kinh doanh chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải và các cơ quan quản lý chức năng khác;

b) Thực hiện thời gian biểu chạy xe do cơ quan quản lý tuyến ban hành và các quy định khác về quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định;

c) Đảm bảo trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường trong bến xe, chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động kinh doanh trong phạm vi bến xe;

d) Thu giá dịch vụ phục vụ xe ra, vào bến theo đúng quy định;

đ) Tổ chức các dịch vụ phục vụ phương tiện, hành khách ra, vào bến thuận tiện, an toàn;

e) Duy trì cơ sở vật chất của bến xe theo đúng quy chuẩn; từng bước nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và phương tiện;

g) Kiểm tra và xác nhận vào Sổ nhật trình chạy xe các thông tin do bến xe chịu trách nhiệm;

h) Báo cáo các quy định của đơn vị về quyền hạn, trách nhiệm, danh sách, chức vụ và chữ ký của những người được giao nhiệm vụ kiểm tra, xác nhận vào Sổ nhật trình chạy xe với Sở Giao thông vận tải địa phương để theo dõi và quản lý;

i) Bố trí vị trí để doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải thuê quầy bán vé khi có nhu cầu và niêm yết thông tin theo quy định; có hòm thư góp ý, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố cáo của hành khách về chất lượng phục vụ;

k) Báo cáo định kỳ hàng tháng (theo mẫu quy định tại Phụ lục số 3); Báo cáo đột xuất phục vụ công tác quản lý Nhà nước theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải;

l) Báo cáo hệ số có khách bình quân trên tuyến của doanh nghiệp, hợp tác xã trong một khoảng thời gian theo yêu cầu của cơ quan quản lý tuyến và xác định hệ số có khách bình quân trên tuyến phục vụ việc tăng doanh nghiệp hoạt động trên tuyến, tăng số lượng phương tiện của doanh nghiệp đang hoạt động.

2. Quyền hạn:

a) Được kinh doanh các nội dung quy định tại Điều 8 Thông tư này;

b) Không cho xe xuất bến nếu biển kiểm soát xe và lái xe không đúng với nội dung trong Sổ nhật trình chạy xe; báo cáo Sở Giao thông vận tải địa phương để trực tiếp hoặc phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam (đối với các tuyến có cự ly trên 1000 (một nghìn) ki lô mét) xử lý theo quy định;

c) Báo cáo cơ quan quản lý tuyến các doanh nghiệp, hợp tác xã có các hành vi vi phạm các quy định về quản lý hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định bằng ô tô;

d) Thực hiện hợp đồng đã ký kết giữa đơn vị kinh doanh bến xe và đơn vị kinh doanh vận tải; yêu cầu chấm dứt hợp đồng nếu đơn vị kinh doanh vận tải có các hành vi vi phạm các điều khoản trong hợp đồng mà hai Bên không tự thỏa thuận được.

3. Cơ cấu tổ chức: Có các bộ phận thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát xe ra vào bến, xác nhận Sổ nhật trình chạy xe, theo dõi tổng hợp thống kê; hướng dẫn hành khách tại bến xe và các bộ phận chức năng khác để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định.

Điều 11. Trách nhiệm và quyền hạn của đơn vị kinh doanh vận tải tại bến xe khách.

1. Trách nhiệm:

a) Chấp hành các quy định liên quan đến vận tải hành khách bằng xe ô tô và các quy định khác liên quan đến trật tự an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường tại bến xe;

b) Niêm yết tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ và cam kết thực hiện tại vị trí và cách thức theo quy định của bến xe;

c) Bố trí đủ xe, đúng biển kiểm soát xe và chấp hành đúng thời gian biểu chạy xe như hợp đồng đã ký kết với đơn vị khai thác bến xe;

d) Bảo đảm hành khách lên xe phải có vé hợp lệ, thực hiện quy định về bảo hiểm hành khách; bố trí cho hành khách ngồi đúng số ghế ghi trên vé; sắp xếp hành lý cho hành khách;

đ) Khi xe vào và ra khỏi bến phải xuất trình Sổ nhật trình chạy xe cho bộ phận chức năng được giao nhiệm vụ tại bến xe để kiểm tra và xác nhận các thông tin thuộc thẩm quyền của bến xe;

e) Chuyển giao vé đủ và kịp thời cho đơn vị khai thác bến xe để bán cho hành khách theo hợp đồng ủy thác bán vé.

2. Quyền hạn:

a) Tổ chức bán vé cho hành khách đi xe của đơn vị mình hoặc yêu cầu bến xe bán vé cho đơn vị theo hợp đồng ủy thác;

b) Được thông tin quảng cáo phục vụ hoạt động vận tải hành khách phù hợp với quy định của bến xe tại nơi đơn vị vận tải đã thuê để bán vé;

c) Thực hiện hợp đồng đã ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị kinh doanh bến xe; yêu cầu chấm dứt hợp đồng nếu đơn vị kinh doanh bến xe có các hành vi vi phạm các điều khoản trong hợp đồng mà hai Bên không tự thỏa thuận được.

Điều 12. Trách nhiệm và quyền hạn của hành khách tại bến xe

1. Trách nhiệm:

a) Chấp hành nội quy và sự hướng dẫn của nhân viên bến xe, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe; lên, xuống xe theo sự hướng dẫn của nhân viên bến xe;

b) Chấp hành các quy định về giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ trong bến xe;

c) Không mang theo hàng hóa, các chất, vật liệu thuộc diện Nhà nước cấm tàng trữ, cấm sử dụng và cấm lưu thông;

d) Mua vé xe, thanh toán cước hành lý quá mức quy định được miễn cước; tự bảo quản hành lý xách tay trong suốt hành trình.

2. Quyền hạn:

a) Được cung cấp các thông tin về đơn vị vận tải, chất lượng dịch vụ, hành trình, lịch trình chuyến xe để có sự lựa chọn phù hợp;

b) Được yêu cầu bán vé theo đúng giá vé mà đơn vị vận tải đã đăng ký và bố trí chỗ ngồi trên ô tô theo đúng số ghế đã được ghi trên vé, được mang theo hành lý xách tay theo quy định, yêu cầu bên vận tải cấp phiếu gửi hành lý trong trường hợp hành lý không để trong khoang hành khách;

c) Được từ chối chuyến đi trước khi phương tiện khởi hành và được hoàn trả tiền vé theo quy định;

d) Được phản ánh, kiến nghị về tổ chức quản lý, chất lượng dịch vụ của bến xe và đơn vị vận tải.

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ BÃI ĐỖ XE

Điều 13. Yêu cầu đối với bãi đỗ xe

1. Đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường trong khu vực bãi đỗ xe.

2. Cổng ra, vào bãi đỗ xe phải được bố trí bảo đảm an toàn giao thông và không gây ùn tắc giao thông.

Điều 14. Nội dung kinh doanh tại bãi đỗ xe

1. Dịch vụ trông giữ phương tiện.

2. Tổ chức các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện.

3. Kinh doanh các dịch vụ khác có liên quan đến trông giữ phương tiện theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Trách nhiệm, quyền hạn của đơn vị quản lý khai thác, kinh doanh bãi đỗ xe

1. Trách nhiệm:

a) Bảo đảm trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ tại bãi đỗ xe;

b) Niêm yết công khai giá các dịch vụ tại bãi đỗ xe;

c) Phải bồi thường thiệt hại cho người gửi xe nếu để xảy ra mất mát, hư hỏng phương tiện nhận gửi;

d) Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Quyền hạn:

a) Được kinh doanh các loại dịch vụ quy định tại Điều 14 Thông tư này;

b) Được thu các khoản thu từ việc trông giữ xe, cung cấp dịch vụ cho các chủ phương tiện theo quy định;

c) Được từ chối phục vụ đối với chủ phương tiện không chấp hành nội quy bãi đỗ xe.

Điều 16. Trách nhiệm, quyền hạn của chủ phương tiện hoặc lái xe tại bãi đỗ xe

1. Trách nhiệm:

a) Thực hiện theo nội quy của bãi đỗ xe;

b) Không mang theo hàng hóa, các chất, vật liệu thuộc diện Nhà nước cấm tàng trữ, cấm sử dụng và cấm lưu thông;

c) Bảo đảm an ninh trật tự và vệ sinh môi trường trong bãi đỗ xe;

d) Thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên trực điều hành bãi đỗ xe.

2. Quyền hạn:

a) Được tùy chọn sử dụng các dịch vụ tại bãi đỗ xe;

b) Được phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền về các hành vi vi phạm của bãi đỗ xe.

Chương IV

QUY ĐỊNH VỀ TRẠM DỪNG NGHỈ

Điều 17. Yêu cầu đối với trạm dừng nghỉ

1. Trạm dừng nghỉ phải được xây dựng phù hợp với quy hoạch hệ thống trạm dừng nghỉ đã được phê duyệt, phù hợp với quy chuẩn trạm dừng nghỉ quy định tại Điều 18 Thông tư này.

2. Đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

Điều 18. Quy chuẩn trạm dừng nghỉ

Trạm dừng nghỉ được phân thành 3 loại tương ứng với quy chuẩn của từng loại như sau:

TT

Tiêu chí

Đơn vị tính

Loại trạm dừng nghỉ

Loại 1

Loại 2

Loại 3

1

Tổng diện tích (tối thiểu)

m2

10.000

5.000

3.000

2

Diện tích đỗ xe (tối thiểu)

m2

5.000

2.500

1.500

3

Văn phòng làm việc

 

Bình quân 4,5 m2/người

4

Diện tích khu vệ sinh

m2

> 1% Tổng diện tích

(Có công trình vệ sinh phục vụ người tàn tật)

5

Trạm cấp nhiên liệu

 

Khuyến khích có

6

Khu ăn uống phục vụ hành khách

-

7

Phòng cung cấp thông tin

-

Tùy theo nhu cầu

8

Phòng giới thiệu và bán sản phẩm địa phương

-

Tùy theo nhu cầu

9

Mặt sân khu vực bãi đỗ xe

-

Thảm nhựa hoặc bê tông

10

Hệ thống thoát nước

-

Có hệ thống tiêu nước đảm bảo không ứ đọng

11

Đường xe ra vào

-

Đường xe ra và vào riêng biệt

Có đường xe ra vào

12

Độ chiếu sáng

-

Theo quy định

13

Hệ thống cứu hỏa

-

Theo quy định về phòng cháy chữa cháy

14

Khu bảo dưỡng sửa chữa, kiểm tra kỹ thuật phương tiện

-

Khuyến khích đầu tư

Điều 19. Nội dung kinh doanh tại trạm dừng nghỉ

1. Dịch vụ phục vụ hành khách và phương tiện khi dừng nghỉ.

2. Kinh doanh các dịch vụ khác có liên quan đến hành khách và ô tô theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Công bố đưa trạm dừng nghỉ vào khai thác

1. Hồ sơ đề nghị công bố gồm:

a) Giấy đề nghị công bố đưa trạm dừng nghỉ vào khai thác (theo mẫu quy định tại Phụ lục số 1);

b) Sơ đồ mặt bằng tổng thể, thiết kế kỹ thuật trạm dừng nghỉ;

c) Biên bản nghiệm thu các tiêu chí theo quy chuẩn trạm dừng nghỉ;

2. Quy trình xử lý hồ sơ:

a) Chậm nhất trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền công bố tổ chức kiểm tra và lập biên bản kiểm tra theo các tiêu chí của quy chuẩn kỹ thuật trạm dừng nghỉ;

b) Trường hợp sau khi kiểm tra, nếu trạm dừng nghỉ không đáp ứng đúng theo quy chuẩn loại trạm dừng nghỉ mà đơn vị khai thác trạm dừng nghỉ đề nghị thì cơ quan kiểm tra phải ghi rõ nội dung không đáp ứng và thông báo với đơn vị quản lý trạm dừng nghỉ.

3. Thẩm quyền công bố:

a) Tổng cục Đường bộ Việt Nam công bố đưa trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ vào khai thác.

b) Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố đưa trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường (trừ trạm dừng nghỉ trên quốc lộ) thuộc địa phương vào khai thác.

4. Văn bản công bố (quy định tại Phụ lục 4) được đồng thời gửi đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải để thực hiện và phối hợp quản lý.

Điều 21. Trách nhiệm, quyền hạn của đơn vị khai thác, kinh doanh trạm dừng nghỉ

1. Trách nhiệm:

a) Bảo đảm trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ tại trạm dừng nghỉ;

b) Niêm yết công khai giá dịch vụ tại trạm dừng nghỉ;

c) Chịu sự quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Định kỳ báo cáo tình hình hoạt động theo yêu cầu của Sở Giao thông vận tải địa phương.

2. Quyền hạn:

a) Kinh doanh các dịch vụ quy định tại Điều 19 Thông tư này;

b) Ký hợp đồng với đơn vị vận tải để thực hiện các dịch vụ phục vụ tại trạm dừng nghỉ;

c) Được thu các khoản từ việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các đơn vị vận tải và hành khách theo giá đã niêm yết;

d) Được từ chối phục vụ đối với các đơn vị vận tải, hành khách không chấp hành nội quy, quy định tại trạm dừng nghỉ.

Điều 22. Trách nhiệm, quyền hạn của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách tại trạm dừng nghỉ

1. Trách nhiệm:

a) Giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy, nổ trong khu vực trạm dừng nghỉ;

b) Chấp hành nội quy và hướng dẫn của nhân viên tại trạm dừng nghỉ;

2. Quyền hạn:

a) Được cung cấp các thông tin về giá cả, chất lượng các hàng hóa, dịch vụ phục vụ tại trạm dừng nghỉ;

b) Được tùy chọn sử dụng các dịch vụ khi vào trạm dừng nghỉ;

c) Được phản ánh, khiếu nại về chất lượng dịch vụ tại trạm dừng nghỉ với các cơ quan có thẩm quyền.

Chương V

QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI CÁC DỊCH VỤ HỖ TRỢ VẬN TẢI

Điều 23. Đại lý bán vé

1. Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2. Hợp đồng đại lý bán vé với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định trong đó có các quy định cụ thể về nghĩa vụ, quyền hạn của các bên, tiền công bán vé.

3. Hướng dẫn hành khách đến bến xe để đi xe.

4. Tổ chức, cá nhân kinh doanh đại lý bán vé chịu sự quản lý chuyên ngành của Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 24. Đại lý vận tải

1. Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2. Đơn vị kinh doanh đại lý vận tải được hưởng tiền công dịch vụ đại lý vận tải theo thỏa thuận với chủ hàng và được ghi trong hợp đồng.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh đại lý vận tải chịu sự quản lý chuyên ngành của Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 25. Dịch vụ thu gom hàng, dịch vụ chuyển tải, dịch vụ kho hàng

1. Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ gom hàng, dịch vụ chuyển tải hoặc kho hàng phải bảo quản hàng hóa theo quy định của chủ hàng và phải có hợp đồng về việc gom hàng, chuyển tải hàng hoặc cho thuê kho hàng với chủ hàng.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ thu gom hàng, dịch vụ chuyển tải, dịch vụ kho hàng chịu sự quản lý chuyên ngành của Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 26. Dịch vụ cứu hộ vận tải đường bộ

1. Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ cứu hộ vận tải đường bộ phải bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình thực hiện cứu hộ và chấp hành theo sự điều khiển giao thông của lực lượng chuyên ngành.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ cứu hộ vận tải đường bộ chịu sự quản lý chuyên ngành của Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chương VI

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Điều 27. Trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam

1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành đối với hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và các dịch vụ hỗ trợ vận tải trong phạm vi cả nước.

2. Tổ chức thanh tra kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và các dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

3. Quyết định công bố đưa trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ vào khai thác.

4. Tổng hợp và thông báo hệ thống bến xe khách, bến xe hàng, trạm dừng nghỉ trong toàn quốc.

Điều 28. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và các dịch vụ hỗ trợ vận tải tại địa phương.

2. Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và các dịch vụ hỗ trợ vận tải trên địa bàn địa phương.

3. Quyết định công bố đưa các bến xe khách và bến xe hàng vào khai thác.

4. Quyết định công bố đưa trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường (trừ trạm dừng nghỉ trên quốc lộ) thuộc địa phương vào khai thác.

Chương VII

THANH TRA, KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ

KHIẾU NẠI TỐ CÁO

Điều 29. Thanh tra, kiểm tra

1. Thanh tra Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan tham mưu có liên quan, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải, Thanh tra đường bộ theo thẩm quyền của mình thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý, khai thác, kinh doanh bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ; quản lý, kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Việc tổ chức thanh tra, kiểm tra phải thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về thanh tra, kiểm tra.

Điều 30. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định tại Thông tư này tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý như sau:

1. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành.

2. Đơn vị kinh doanh vận tải nếu vi phạm nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần đã chấn chỉnh, nhắc nhở mà không khắc phục sẽ bị xử lý giảm tần suất chạy xe hoặc chấm dứt hợp đồng cho xe ra, vào bến.

3. Đơn vị kinh doanh bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ nếu vi phạm nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần đã yêu cầu chấn chỉnh nhưng không khắc phục sẽ bị đình chỉ hoạt động một số dịch vụ hoặc toàn bộ hoạt động khai thác kinh doanh.

4. Đơn vị kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ có hành vi vi phạm các quy định bị xử phạt vi phạm hành chính theo các quy định hiện hành của pháp luật.

5. Cơ quan công bố đưa bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ vào khai thác kinh doanh, có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định tại khoản 2, khoản 3 điều này.

Điều 31. Khiếu nại, tố cáo

Tổ chức, cá nhân kinh doanh, khai thác bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; đơn vị kinh doanh vận tải; hành khách đi xe và những người có liên quan có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật về việc cơ quan quản lý Nhà nước, cá nhân thi hành công vụ, các đơn vị kinh doanh vận tải, quản lý khai thác kinh doanh bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ có hành vi vi phạm Thông tư này.

Chương VIII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 32. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ các Quyết định sau:

a) Quyết định số 08/2005/QĐ-BGTVT ngày 10 tháng 01 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về ban hành quy định về bến xe ô tô khách;

b) Quyết định số 15/2007/QĐ-BGTVT ngày 26 tháng 3 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về ban hành quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản trong “Quy định về bến xe ô tô khách” ban hành kèm theo Quyết định số 08/2005/QĐ-BGTVT ngày 10 tháng 01 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

2. Các bến xe khách, bến xe hàng đang hoạt động phải hoàn tất thủ tục để được công nhận loại bến xe theo quy định trước ngày 31 tháng 12 năm 2011.

Điều 33. Trách nhiệm thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=25821&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận