Thi hành Nghị định số 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành việc phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tập trung, quản lý các khoản thu ngân sách nhà nước qua hệ thống Kho bạc Nhà nước như sau:
1. Thông báo thu và giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước:
1.1. Thông báo thu:
Căn cứ vào tờ khai thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước của đối tượng nộp theo quy định của pháp luật, cơ quan thu kiểm tra, xác định số thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước và ra thông báo thu ngân sách nhà nước gửi đối tượng nộp, đồng gửi Kho bạc Nhà nước trước thời hạn nộp ít nhất 3 ngày.
Thông báo thu ngân sách nhà nước (gọi tắt là thông báo thu) do Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) in và thống nhất phát hành, quản lý trong cả nước.
Hết thời hạn nộp tiền trong thông báo thu mà tổ chức, cá nhân vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thì cơ quan thuế, cơ quan hải quan đối với các khoản chậm nộp về thuế và phí, cơ quan tài chính đối với việc chậm nộp các khoản thu khác được quyền yêu cầu Ngân hành hoặc Kho bạc Nhà nước trích số tiền phải nộp từ tài khoản của tổ chức, cá nhân đó để nộp ngân sách (đối với trường hợp có mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước) và được phép áp dụng các biện pháp xử lý theo pháp luật quy định để thu cho ngân sách (mẫu lệnh thu ngân sách nhà nước số 01/TNS đính kèm).
Những trường hợp được coi là chậm nộp có lý do chính đáng, tạm thời chưa áp dụng biện pháp trích tài khoản và xử phạt nêu trên là:
Doanh nghiệp đã có quyết định giải thể, đang trong giai đoạn xử lý tồn tại.
Doanh nghiệp đang có những khó khăn khách quan, được cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại điểm 3 Điều 43 Nghị định 87/CP ra ngày 19/12/1996 trình Uỷ ban nhân dân đồng cấp (đối với doanh nghiệp do địa phương thành lập) hoặc Thủ tướng Chính phủ (đối với doanh nghiệp do Trung ương thành lập).
Việc xử lý chậm nộp được thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh.
1.2. Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước:
Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước (bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản) là chứng từ thu do Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) in và thống nhất quản lý trong cả nước theo mẫu đính kèm thông tư này; bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước.
Lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh.
Nội dung nộp và ngày nộp tiền.
Nơi nộp tiền.
Chi tiết các khoản thu tương ứng với Mục lục ngân sách nhà nước.
Số tiền nộp (bằng số và bằng chữ).
2. Phương thức thu ngân sách nhà nước:
2.1. Thuế, phí, lệ phí:
a) Thu qua Kho bạc Nhà nước:
Các khoản thuế, phí, lệ phí được nộp trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước bao gồm các đối tượng sau đây:
Các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, xí nghiệp liên doanh, liên kết và các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân.
Các tổ chức kinh tế tập thể và cá thể có địa điểm kinh doanh cố định, có mức thu nộp lớn thuộc các loại A và B.
Tuỳ tình hình thực tế trên địa bàn, cơ quan thu thống nhất với Kho bạc Nhà nước để các hộ kinh doanh cá thể loại C và một số đối tượng khác có điều kiện nộp trực tiếp các khoản phải nộp ngân sách nhà nước vào Kho bạc Nhà nước.
Nhận được thông báo thu, các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp đầy đủ, đúng thời hạn các khoản phải nộp ngân sách nhà nước vào Kho bạc Nhà nước dưới hình thực nộp bằng tiền mặt, ngân phiếu thanh toán hoặc chuyển khoản.
Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm thu nhận và tập trung tiền thu nộp vào ngân sách nhà nước.
b) Thu qua cơ quan thu:
Các khoản thuế, phí, lệ phí... được nộp qua cơ quan thu bao gồm:
Thuế, phí, lệ phí của các đối tượng nộp không cố định.
Các hộ có mức thu nhập nhỏ thuộc loại C (không có điều kiện nộp trực tiếp vào Kho bạc Nhà nước).
Thu thuế sử dụng đất nông nghiệp, các khoản thu ở các địa bàn xã, các cửa khẩu nơi không có điểm thu của Kho bạc Nhà nước.
Cơ quan thu có trách nhiệm thu tiền bằng tiền mặt hoặc ngân phiếu thanh toán từ đối tượng nộp và nộp toàn bộ số tiền đã thu vào Kho bạc Nhà nước.
2.2. Đối với các khoản thu từ hoạt động kinh tế của Nhà nước, hoạt động sự nghiệp, tiền sử dụng đất, tiền bán hoặc cho thuê tài sản thuộc sở hữu Nhà nước tại các đơn vị hành chính sự nghiệp...: phải được nộp trực tiếp vào Kho bạc Nhà nước (hoặc cơ quan thu) theo thông báo của cơ quan thu.
2.3. Đối với các khoản thu tiền phạt, căn cứ vào quyết định xử phạt của cơ quan có thẩm quyền, các đối tượng nộp phạt có trách nhiệm nộp tiền phạt vào Kho bạc Nhà nước. Trường hợp đặc biệt (thu phạt ở biên giới, hải đảo, trên biển,...) mà việc nộp tiền trực tiếp và Kho bạc Nhà nước có khó khăn, cơ quan ra quyết định phạt có thể thu tiền phạt trực tiếp và nộp toàn bộ số tiền phạt đã thu vào Kho bạc Nhà nước.
2.4. Các khoản thu từ vay trong nước và vay nước ngoài:
Các khoản vay trong nước dưới hình thức phát hành các loại trái phiếu Chính phủ (kể cả phần huy động cho ngân sách Trung ương và huy động cho ngân sách cấp tỉnh để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ): Kho bạc Nhà nước tổ chức phát hành trái phiếu theo chế độ quy định và chuyển số tiền vay vào quỹ ngân sách nhà nước.
Đối với các khoản vay trong nước khác (tạm ứng từ Ngân hàng Nhà nước đối với ngân sách Trung ương và các khoản vay khác): căn cứ vào chứng từ chuyển tiền vay, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục ghi thu ngân sách nhà nước.
Đối với các khoản vay nước ngoài (phần được ghi vào ngân sách nhà nước):
Đối với khoản vay bằng tiền (ngoại tệ chuyển về quỹ ngoại tệ tập trung), căn cứ vào chứng từ chuyển tiền, Kho bạc Nhà nước quy đổi ra tiền Việt Nam theo tỷ giá hạch toán do Bộ Tài chính công bố tại thời điểm chuyển tiền và làm thủ tục ghi thu ngân sách nhà nước.
Trường hợp tiền vay không chuyển về quỹ ngoại tệ tập trung, căn cứ vào thông báo của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước quy đổi ra tiền Việt Nam theo tỷ giá hạch toán và làm thủ tục ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước.
Đối với khoản vay bằng vật tư, thiết bị, hàng hoá: được quy đổi ra đồng Việt Nam để hạch toán ngân sách nhà nước theo quy định tại điểm B.H.3.3 thông tư này.
2.5. Đối với các khoản tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính, thu bổ sung từ ngân sách cấp trên,...: căn cứ quyết định của cơ quan có thẩm quyền, Kho bạc Nhà nước thực hiện ghi thu ngân sách nhà nước.
Đối với khoản thu kết dự ngân sách: căn cứ vào quyết toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Kho bạc Nhà nước kết chuyển kết dư ngân sách vào quỹ dự trữ tài chính hoặc vào thu ngân sách năm sau theo chế độ quy định.
2.6. Đối với các khoản thu của các tổ chức, cá nhân người Việt Nam tại nước ngoài, các khoản thu của ngân sách xã: Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn riêng.
3. Quy trình thu các khoản thu của ngân sách nhà nước:
3.1. Thu bằng tiền Việt Nam:
3.1.1. Thu bằng chuyển khoản:
Khi nộp ngân sách nhà nước bằng chuyển khoản, đối tượng nộp lập 05 liên giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước bằng chuyển khoản (mẫu giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước bằng chuyển khoản số 03/TNS đính kèm), lưu 01 liên gốc và 04 liên chuyển đến ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản đề nghị trích chuyển số tiền phải nộp từ tài khoản của đối tượng nộp để nộp ngân sách nhà nước.
Ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước nơi đối tượng nộp mở tài khoản có trách nhiệm trích tài khoản tiền gửi của đơn vị để nộp ngân sách nhà nước ngay trong ngày nhận được chứng từ, ký xác nhận vào 04 liên giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước bằng chuyển khoản và xử lý các liên giấy chứng từ như sau:
01 liên được sử dụng làm chứng từ ghi nợ tài khoản tiền gửi của đối tượng nộp, lưu tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước nơi đối tượng mở tài khoản.
01 liên làm giấy báo nợ cho đối tượng.
01 liên gửi cơ quan thu.
01 liên gửi Kho bạc Nhà nước kèm theo bảng kê thanh toán các khoản nộp ngân sách nhà nước (đối với trường hợp đối tượng nộp mở tài khoản tại ngân hàng).
Nhận được bảng kê thanh toán và chứng từ kèm theo của ngân hàng, Kho bạc Nhà nước thực hiện hạch toán thu ngân sách nhà nước.
3.1.2. Thu bằng tiền mặt, ngân phiếu thanh toán:
a- Thu trực tiếp qua Kho bạc Nhà nước:
Căn cứ vào thông báo thu, cán bộ của cơ quan thu (Thuế, hải quan,...) hướng dẫn đối tượng nộp viết 04 liên giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước bằng tiền mặt hoặc ngân phiếu thanh toán (mẫu giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước bằng tiền mặt số 02/TNS đính kèm) theo đúng Mục lục ngân sách nhà nước, kiểm tra và ký xác nhận vào các liên giấy nộp tiền, giữ lại liên 04 (lưu tại gốc), 03 liên còn lại đối tượng nộp mang đến Kho bạc Nhà nước.
Đối tượng nộp phải mang tiền, ngân phiếu thanh toán kèm 03 liên giấy nộp tiền đến điểm thu của Kho bạc Nhà nước để làm thủ tục nộp tiền.
Kho bạc Nhà nước kiểm tra, đối chiếu, thu tiền và ký tên, đóng dấu đã thu tiền lên 03 liên giấy nộp tiền:
01 liên gửi lại đối tượng nộp.
01 liên gửi cơ quan thu (vào cuối ngày cùng bảng kê các khoản thu).
01 liên lưu Kho bạc Nhà nước làm chứng từ hạch toán thu ngân sách nhà nước.
b- Thu qua cơ quan thu:
Cán bộ của cơ quan thu (Thuế, Hải quan, ...) hướng dẫn đối tượng nộp viết 04 liên giấy nộp tiền theo đúng Mục lục ngân sách nhà nước. Sau khi kiểm tra giấy nộp tiền, cán bộ của cơ quan thu làm thủ tục thu tiền, đóng dấu đã thu tiền và ký xác nhận vào các liên giấy nộp tiền:
01 liên lưu tại gốc.
01 liên gửi lại người nộp.
01 liên làm chứng từ hạch toán tại cơ quan thu.
01 liên gửi Kho bạc Nhà nước (gửi cùng bảng kê các khoản thu vào cuối ngày hoặc đầu ngày hôm sau cùng toàn bộ số tiền đã thu nộp vào Kho bạc Nhà nước.
Trường hợp đối với các hộ kinh doanh nhỏ và không cố định, cơ quan thu tổ chức thu lưu động. Cán bộ của cơ quan thu (Thuế, Hải quan, ...) viết biên lai thu gồm 03 liên:
01 liên lưu tại gốc.
01 liên gửi đối tượng nộp.
01 liên báo soát (làm chứng từ để lập bảng kê và giấy nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước.
Hằng ngày (vào cuối ngày hoặc đầu ngày hôm sau), cơ quan thu căn cứ vào bảng kê các biên lai thu lập 03 liên giấy nộp tiền (01 liên lưu tại gốc) kèm theo bảng kê cùng toàn bộ số tiền đã thu để nộp vào Kho bạc Nhà nước. Kho bạc Nhà nước thu tiền, kỹ xác nhận vào các liên giấy nộp tiền gửi trả lại cơ quan thu 01 liên, 01 liên lưu tại Kho bạc Nhà nước cùng bảng kê đã sử dụng làm chứng từ hạch toán thu ngân sách nhà nước.
Kho bạc Nhà nước, cơ quan thu không nhận tiền đồng Việt Nam, ngân phiếu thanh toán không đủ tiêu chuẩn lưu thông hoặc đã quá hạn thanh toán.
3.2. Thu ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ:
3.2.1. Phương thức quản lý:
Các khoản thu ngân sách bằng ngoại tệ (kể cả thu vay nợ, viện trợ nước ngoài bằng ngoại tệ), Kho bạc Nhà nước ghi thu quỹ ngoại tệ tập trung (theo nguyên tệ) đồng thời quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá hạch toán do Bộ Tài chính công bộ để hạch toán thu quỹ ngân sách nhà nước và phân chia số thu cho các cấp ngân sách theo chế độ quy định.
Quỹ ngoại tệ tập trung được thống nhất quản lý tại Kho bạc Nhà nước Trung ương. Ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã) không được phép thành lập quỹ ngoại tệ. Toàn bộ số thu ngoại tệ phát sinh tại Kho bạc Nhà nước ở địa phương phải chuyển về Kho bạc Nhà nước Trung ương. Phí chuyển ngoại tệ Kho bạc Nhà nước hạch toán riêng để quyết toán với ngân sách nhà nước.
Quỹ ngoại tệ tập trung được sử dụng để thanh toán, chi trả các khoản chi bằng ngoại tệ theo quy định của Bộ Tài chính. Phần ngoại tệ còn lại, Kho bạc Nhà nước Trung ương được phép bán cho Ngân hàng Nhà nước hoặc các Ngân hàng thương mại quốc doanh lấy tiền Việt Nam để thành toán, chi trả các khoản chi bằng tiền Việt Nam. Chênh lệch tỷ giá mua ngoại tệ của Ngân hàng và tỷ giá hạch toán. Kho bạc Nhà nước nộp ngân sách trung ương (nếu có chênh lệch tăng) hoặc được ngân sách Trung ương cấp bù (nếu có chênh lệch giảm). Định kỳ hàng tháng Kho bạc Nhà nước Trung ương tổng hợp chêng lệch tỷ giá phát sinh trong tháng gửi Bộ Tài chính (Vụ ngân sách nhà nước) để xử lý.
Bộ trưởng Bộ Tài chính uỷ quyền cho Vụ trưởng Vụ Tài chính đối ngoại xác định và công bố tỷ giá hạch toán ngoại tệ, đảm bảo nguyên tắc sau:
Công bố mỗi tháng một lần trước ngày 25 hàng tháng để áp dụng cho tháng sau.
Tỷ giá hạch toán được tình bình quân theo tỷ giá ngoài tệ hàng ngày của Ngân hàng Nhà nước Trung ương trong thời gian 30 ngày trước ngày công bố.
Trường hợp trong tháng tỷ giá ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước có biến động lớn (tăng hoặc giảm trên 5% so với tỷ giá hạch toán), Bộ Tài chính sẽ xem xét, điều chỉnh lại tỷ giá hạch toán cho phù hợp.
Tỷ giá hạch toán được áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước trong các nghiệp vụ:
Quy đổi và hạch toán thu, chi ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ (kể cả các khoản thu hiện vật có gốc bằng ngoại tệ).
Quy đổi và hạch toán sổ sách kế toán của Kho bạc Nhà nước.
3.2.2. Phương thức tập trung các khoản thu ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ:
a- Đối với thu ngoại tệ bằng chuyển khoản:
Căn cứ giấy báo Có của Ngân hàng (kèm theo chứng từ nộp tiền), Kho bạc Nhà nước ghi thu quỹ ngoại tệ tập trung và quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá hạch toán để ghi thu ngân sách nhà nước.
b- Đối với thu ngoại tệ bằng tiền mặt:
Quy trình thu được thực hiện như sau:
Đối tượng nộp lập 05 liên giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước bằng tiền mặt (ghi rõ thu bằng tiền mặt ngoại tệ), lưu 01 liên tại gốc và 04 liên còn lại đối tượng nộp mang đến ngân hàng nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản ngoại tệ để nộp ngoại tệ tiền mặt. Ngân hàng thu ngoại tệ, xác nhận số ngoài tệ nộp vào 04 liên giấy nộp tiền: 01 liên được sử dụng làm chứng từ ghi Có tài khoản tiền gửi ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước mở tại ngân hàng, 01 liên gửi đối tượng nộp, 01 liên gửi cơ quan thu và 01 liên gửi Kho bạc Nhà nước (kèm theo bảng kê các khoản nộp ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ tiền mặt).
Nhận được chứng từ nộp tiền và bảng kê các khoản nộp ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ tiền mặt. Kho bạc Nhà nước ghi thu quỹ ngoại tệ tập trung và quy đổi số ngoại tệ đó ra động Việt Nam theo tỷ giá hạch toán để ghi thu ngân sách nhà nước.
Phí nộp tiền mặt ngoại tệ do đơn vị, cá nhân nộp tiền trả cho Ngân hàng.
c- ở những nơi không thể nộp ngoại tệ tiền mặt vào ngân hàng:
Cơ quan thu có thể trực tiếp thu tiền mặt ngoại tệ. Việc thu ngoại tệ bằng tiền mặt chỉ được thực hiện đối với các loại ngoại tệ mạnh tự do chuyển đổi theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan thu kiểm tra xác định bảo đảm tiền thật, tiến hành thu tiền và nộp số ngoại tệ đã thu vào Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Kho bạc Nhà nước nộp tiền vào tài khoản ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước tại ngân hàng, đồng thời thực hiện quy đổi ra động tiền Việt Nam theo tỷ giá hạch toàn để ghi thu ngân sách nhà nước. Số phí nộp tiền mặt ngoại tệ vào ngân hàng, Kho bạc Nhà nước hạch toán riêng để quyết toán với ngân sách nhà nước.
Trường hợp Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố không có tài khoản ngoại tệ tại ngân hàng (do Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại quốc doanh tên địa bàn chưa tổ chức mở tài khoản tiền gửi ngoại tệ), Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố được bán ngoại tệ tiền mặt cho ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại quốc doanh (theo tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng đó) lấy tiền Việt Nam để hạch toán thu ngân sách nhà nước.
3.3. Thu ngân sách nhà nước bằng hiện vật:
Đối với hiện vật đã xác định đối tượng sử dụng: cơ quan Tài chính (Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính - Vật giá tỉnh, thành phố) quy đổi ra đồng Việt Nam và lập lệnh ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước gửi cho Kho bạc Nhà nước để hạch toán thu, chi ngân sách nhà nước.
Việc quy đổi giá trị hiện vật sang đồng Việt Nam được thực hiện như sau:
Hiện vật có giá gốc ngoại tệ được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá hạch toán.
Hiện vật không có giá gốc ngoại tệ, cơ quan tài chính thành lập Hội đồng định giá để quy đổi ra đồng Việt Nam theo giá thị trường phổ biến tại khu vực tại thời điểm định giá.
Đối với hiện vật chưa xác định được đối tượng sử dụng: cơ quan tài chính (Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính - Vật giá tỉnh, thành phố) phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức bán hiện vật lấy tiền Việt Nam để nộp ngân sách nhà nước.
3.4. Thu ngân sách nhà nước bằng ngày công lao động:
Các khoản thu ngân sách nhà nước bằng ngày công lao động được quy đổi ra đồng Việt Nam để hạch toán thu, chi ngân sách nhà nước.
Cơ quan tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan quy đổi theo đơn giá ngày công lao động quy định, đồng thời lập lệnh ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước gửi Kho bạc Nhà nước để hạch toán thu, chi ngân sách nhà nước.
4. Kiểm tra, đối chiếu và xử lý:
Cơ quan thu và Kho bạc Nhà nước thường xuyên kiểm tra, đối chiếu tình hình thu nộp ngân sách nhà nước; kịp thời phát hiện các trường hợp chậm nộp, nợ đọng thu ngân sách nhà nước.
Hàng ngày, việc kiểm tra, đối chiếu tổng số thu ngân sách nhà nước và số thu từng cấp ngân sách giữa Kho bạc Nhà nước và cơ quan thu trên địa bàn từng cấp được thực hiện vào cuối ngày hoặc đầu ngày hôm sau.
Hàng tháng, trong 5 ngày đầu tháng sau đối với cấp quận, huyện; trong 10 ngày đầu tháng sau đối với cấp tỉnh, thành phố, Kho bạc Nhà nước và cơ quan thu phải tiến hành kiểm tra, đối chiếu số liệu thu ngân sách nhà nước theo tổng số, từng cấp ngân sách và chi tiết theo từng đối tượng nộp và từng loại thuế. Riêng việc khoá sổ và thực hiện đối chiếu số liệu thu ngân sách tháng 12 hàng năm được thực hiện thống nhất vào ngày 31/12.
Hàng năm, trước ngày 10 tháng 2 năm sau đối với cấp quận, huyện; trước ngày 10 tháng 3 năm sau đối với cấp tỉnh, thành phố, Kho bạc Nhà nước và cơ quan thu phải tiến hành kiểm tra đối chiếu số liệu thu ngân sách nhà nước theo tổng số, từng cấp ngân sách và chi tiết theo từng đối tượng nộp và từng loại thuế.
Trong quá trình kiểm tra, đối chiếu số liệu giữa Kho bạc Nhà nước và cơ quan thu, nếu có sai sót cần phối hợp điều chỉnh kịp thời. Cơ quan nào ghi hoặc tổng hợp số liệu sai thì cơ quan đó phải có văn bản đề nghị điều chỉnh. Hết năm ngân sách Kho bạc Nhà nước phối hợp với cơ quan tài chính chỉnh lý quyết toán ngân sách nhà nước.
Căn cứ kết quả kiểm tra, đối chiếu, cơ quan thu có trách nhiệm đôn đốc và xử lý theo chế độ quy định.
Các trường hợp chiếm dụng, ẩn lậu nguồn thu ngân sách do các cơ quan thu, cơ quan pháp luật, thanh tra,... phát hiện được xử lý theo chế độ quy định.
Các trường hợp chiếm dụng, ẩn lậu nguôn thu ngân sách do các cơ quan thu, cơ quan pháp luật, thanh tra,... phát hiện được xử lý theo chế độ quy định.
5. Hoàn trả các khoản thu ngân sách nhà nước:
Trường hợp các khoản thu không đúng chính sách, chế độ đã tập trung vào quỹ ngân sách nhà nước thì phải hoàn trả.
Căn cứ vào lệnh hoàn trả, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục ghi giảm thu quỹ ngân sách nhà nước và hoàn trả trực tiếp cho các đối tượng được hưởng.
Trường hợp hoàn trả cho khoản thu đã quyết toán vào niên độ ngân sách năm trước, cơ quan thu phải có văn bản báo cáo cơ quan tài chính ra lệnh cấp hoàn trả vào ngân sách năm hiện hành. Căn cứ vào lệnh chi của cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước thực hiện hoàn trả cho các đối tượng được hưởng.
6. Hạch toán kế toán và báo cáo thu ngân sách nhà nước:
Căn cứ vào số tiền nộp ngân sách nhà nước, Kho bạc Nhà nước hạch toán thu quỹ ngân sách nhà nước theo đúng niên độ và Mục lục ngân sách nhà nước; đồng thời phân chia số thu cho từng cấp ngân sách theo quy định.
Đối với các khoản thu chưa xác định rõ Mục lục ngân sách nhà nước, Kho bạc Nhà nước hạch toán vào tài khoản tạm thu; khi xác định rõ Mục lục ngân sách nhà nước, Kho bạc Nhà nước hạch toán thu ngân sách nhà nước theo quy định.
Báo cáo thu ngân sách nhà nước ngày:
Hàng ngày (vào cuối ngày hoặc đầu ngày hôm sau), sau khi tiến hành kiểm tra, đối chiếu tổng số thu ngân sách Nhà nước với cơ quan thu trên địa bàn từng cấp, các đơn vị Kho bạc Nhà nước báo cáo tổng số thu ngân sách nhà nước và số thu từng cấp ngân sách trong ngày cho UBND, cơ quan tài chính, cơ quan thu cùng cấp và Kho bạc Nhà nước cấp trên.
Báo cáo thu ngân sách nhà nước tháng:
Hàng tháng (trước ngày 07 tháng sau đối với cấp quận, huyện; trước ngày 10 tháng sau đối với cấp tỉnh, thành phố), sau khi kiểm tra, đối chiếu số liệu với cơ quan thu, các đơn vị Kho bạc Nhà nước lập báo cáo thu ngân sách nhà nước theo Mục mục ngân sách nhà nước và từng cấp ngân sách, có xác nhận của cơ quan thu, gửi UBND, cơ quan tài chính, cơ quan thu cùng cấp, đồng gửi Kho bạc Nhà nước cấp trên; Kho bạc Nhà nước Trung ương tổng hợp tình hình thu ngân sách nhà nước báo cáo Bộ Tài chính trước ngày 15 tháng sau.
Báo cáo ngân sách nhà nước năm:
Hàng năm (trước ngày 15 tháng 02 năm sau đối với cấp quận, huyện; trước ngày 15 tháng 03 năm sau đối với cấp tỉnh, thành phố), các đơn vị Kho bạc Nhà nước lập báo cáo thu ngân sách nhà nước năm theo Mục lục ngân sách nhà nước và theo từng cấp ngân sách, có xác nhận của cơ quan thu, gửi UBND, cơ quan tài chính, cơ quan thu cùng cấp, đồng gửi Kho bạc Nhà nước cấp trên; Kho bạc Nhà nước Trung ương tổng hợp quyết toán thu ngân sách nhà nước năm báo cáo Bộ Tài chính.