B? TÀI CHÍNHTHÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện việc hỗ trợ doanh nghiệp nông, lâm nghiệp Nhà nước,
Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ sử dụng lao động
là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp tại các tỉnh Tây Nguyên
Thi hành Quyết định số 231/2005/QĐ-TTg ngày 22/09/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ doanh nghiệp nông, lâm nghiệp Nhà nước, Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp tại các tỉnh Tây Nguyên, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Đối tượng áp dụng:
Là doanh nghiệp nông, lâm nghiệp nhà nước đóng tại địa bàn Tây Nguyên gồm: nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh, công ty, xí nghiệp, trạm trại sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ (sau đây gọi chung là đơn vị) có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp tại các tỉnh Tây Nguyên (sau đây gọi là người dân tộc thiểu số).
2. Phạm vi áp dụng:
2.1. Về đào tạo: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 300.000 đồng/người/tháng, trong thời gian không quá 6 tháng cho việc đào tạo nghề đối với lao động là người dân tộc thiểu số đã tuyển dụng nhưng chưa có tay nghề và số lao động phổ thông đủ điều kiện tuyển dụng vào làm việc theo yêu cầu phải đào tạo trong kế hoạch tuyển dụng, đào tạo của đơn vị.
2.2. Về bảo hiểm xã hội: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ nộp thay đơn vị 15% Bảo hiểm xã hội, 2% Bảo hiểm y tế cho lao động là người dân tộc thiểu số đã tuyển dụng nhưng chưa đủ thời gian 5 năm; được tuyển dụng mới hoặc ký hợp đồng lao động. Thời gian hỗ trợ nộp thay là 5 năm kể từ ngày người lao động vào làm việc.
2.3. Về áp dụng định mức lao động: Áp dụng định mức lao động bằng 80% định mức lao động chung của đơn vị để khoán hoặc trả công cho người lao động là người dân tộc thiểu số. Thời gian áp dụng là 5 năm kể từ ngày người lao động vào làm việc.
2.4. Về tiền thuê đất: Miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất của đơn vị thuộc diện phải thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai với đơn vị có sử dụng từ 30% lao động là người dân tộc thiểu số trở lên so với tổng số lao động có mặt làm việc tại đơn vị.
3. Việc lập dự toán, thực hiện chi, quyết toán nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/06/2003 của Chính phủ và Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/06/2003 của Bộ Tài chính và các quy định tại Thông tư này.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Về kinh phí cho đào tạo, kinh phí bảo hiểm xã hội được ngân sách hỗ trợ:
1.1. Lập kế hoạch dự toán kinh phí cho đào tạo, kinh phí bảo hiểm xã hội được ngân sách hỗ trợ:
a) Hàng năm căn cứ vào hướng dẫn lập kế hoạch ngân sách, các đơn vị xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ gửi cơ quan quản lý cấp trên: Tổng công ty đối với các đơn vị trực thuộc Tổng công ty; Bộ, ngành đối với đơn vị trực thuộc Bộ, ngành (sau đây gọi tắt là Bộ); Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) đối với đơn vị thuộc địa phương. Các Tổng công ty tổng hợp dự toán các đơn vị trực thuộc gửi cho Bộ quản lý ngành (đối với Tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, Tổng công ty do các Bộ quản lý ngành quyết định thành lập (sau đây gọi tắt là Tổng công ty Trung ương), gửi cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (đối với Tổng công ty do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thành lập).
b) Căn cứ lập dự toán:
- Về đào tạo:
+ Số lao động là dân tộc thiểu số đã tuyển dụng chưa được đào tạo ước đến ngày 31/12 năm báo cáo.
+ Số lao động dân tộc thiểu số cần tuyển dụng và đào tạo năm kế hoạch.
+ Ngành nghề đào tạo, số lượng lao động cần đào tạo theo từng ngành nghề do Thủ trưởng đơn vị quyết định theo nhu cầu của đơn vị.
+ Thời gian đào tạo: Tuỳ theo ngành nghề, phương thức đào tạo do Thủ trưởng đơn vị xác định thời gian đào tạo nhưng tối đa không quá 6 tháng cho 1 khoá học.
+ Hình thức đào tạo: Có thể đào tạo tập trung tại các trường lớp của tổ chức dạy nghề chuyên nghiệp, hoặc đào tạo kèm cặp tại đơn vị.
+ Mức phí: Theo mức thu phí của các tổ chức dạy nghề chuyên nghiệp đào tạo tập trung tại các trường (đối với hình thức đào tạo tập trung) hoặc đào tạo kèm cặp tại đơn vị (chi cho giáo viên, dụng cụ, phương tiện học tập
), mức phí tối đa không quá 300.000 đồng/người/tháng.
(Biểu lập dự toán theo Phụ lục số 1 đính kèm Thông tư này).
- Về bảo hiểm xã hội:
+ Số lao động thiểu số được hỗ trợ bảo hiểm xã hội, trong đó:
Lao động có đến 31/12 năm báo cáo.
Lao động tuyển mới năm kế hoạch.
+ Số tháng được hỗ trợ.
+ Mức hỗ trợ.
(Biểu lập dự toán theo phụ lục số 2 đính kèm Thông tư này).
c) Tổng hợp dự toán:
- Các Bộ tổng hợp dự toán kinh phí đào tạo, hỗ trợ đóng bảo hiểm của các đơn vị trực thuộc (gồm cả các Tổng công ty Trung ương) trong kế hoạch ngân sách chung của Bộ gửi Bộ Tài chính để tổng hợp chung trong kế hoạch ngân sách Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội.
- Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp dự toán kinh phí phí đào tạo, hỗ trợ đóng bảo hiểm của các đơn vị thuộc địa phương quản lý trong dự toán ngân sách cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét quyết định.
d) Giao và phân bổ dự toán:
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách cho các Bộ, trong đó có kinh phí hỗ trợ đào tạo và kinh phí đóng bảo hiểm cho các đối tượng quy định tại Thông tư này. Căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về phân bổ ngân sách cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao dự toán ngân sách cho các đơn vị thuộc địa phương quản lý, trong đó có kinh phí hỗ trợ đào tạo và kinh phí đóng bảo hiểm cho các đối tượng quy định tại Thông tư này.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao dự toán, các Bộ và các đơn vị địa phương có nhiệm vụ phân bổ và giao dự toán chi ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc, trong đó có kinh phí hỗ trợ đào tạo và kinh phí đóng bảo hiểm cho các đối tượng quy định tại Thông tư này, đồng gửi cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước cùng cấp, Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để phối hợp thực hiện.
1.2. Thực hiện chi:
Đối với các đơn vị Trung ương, căn cứ dự toán của từng đơn vị được các Bộ, cơ quan Trung ương phân bổ, Bộ Tài chính sẽ cấp bằng lệnh chi tiền trực tiếp cho từng đơn vị.
Đối với đơn vị địa phương, việc thực hiện chi bằng hình thức rút dự toán hay bằng hình thức cấp lệnh chi do địa phương quy định.
1.3. Công tác kiểm tra, quyết toán: Cơ quan tài chính, cơ quan Kho bạc Nhà nước, đơn vị chủ quản cấp trên có trách nhiệm thực hiện chế độ kiểm tra theo quy định hiện hành đối với việc hỗ trợ này.
Hàng năm, các đơn vị được hỗ trợ kinh phí phải thực hiện quyết toán kinh phí với nhà nước. Việc quyết toán kinh phí thực hiện theo hướng dẫn quyết toán chi sự nghiệp. Đối với đơn vị Trung ương quyết toán gửi cho Bộ chủ quản, Bộ chủ quản có trách nhiệm xét duyệt quyết toán cho từng đơn vị và tổng hợp vào quyết toán của Bộ gửi Bộ Tài chính, Bộ Tài chính thẩm định quyết toán của các Bộ, trong đó có thẩm định quyết toán kinh phí hỗ trợ và đóng bảo hiểm cho các đối tượng quy định tại Thông tư này.
Đối với các đơn vị ở địa phương, quyết toán gửi cho Sở chủ quản, Sở chủ quản có trách nhiệm xét duyệt quyết toán cho từng đơn vị và tổng hợp vào quyết toán của Sở gửi cho Sở Tài chính, Sở Tài chính thẩm định quyết toán của các Sở, trong đó có thẩm định quyết toán kinh phí hỗ trợ và đóng bảo hiểm cho các đối tượng quy định tại Thông tư này.
1.4. Hạch toán kế toán:
1.4.1. Đối với công ty Nhà nước:
a) Trường hợp cấp bằng hạn mức.
- Đối với khoản kinh phí hỗ trợ đào tạo theo hình thức không tập trung (đào tạo tại đơn vị), khi nhận kinh phí hỗ trợ, đơn vị hạch toán:
Nợ TK.111 "Tiền mặt"
Có TK. 461 "Nguồn kinh phí nghiệp".
Khi chi tiền cho công tác đào tạo:
Nợ TK.161 "Chi sự nghiệp"
Có TK.111 "Tiền mặt".
- Đối với khoản kinh phí hỗ trợ cho hình thức đào tạo tập trung và hỗ trợ nộp bảo hiểm xã hội: Căn cứ hợp đồng đào tạo, số tiền phải nộp bảo hiểm của số lao động là người dân tộc thiểu số, đơn vị hạch toán:
Nợ TK.138 "Phải thu khác"
Có TK.331 "Phải trả cho người khác", hoặc
Có TK.338 "Phải trả, phải nộp khác"
(chi tiết TK.3383 "Bảo hiểm xã hội", TK.3384 "Bảo hiểm y tế")
Khi làm thủ tục chuyển tiền tại kho bạc thanh toán hợp đồng đào tạo và nộp Bảo hiểm, đơn vị hạch toán:
Nợ TK.331 "Phải trả cho người bán", hoặc
Nợ TK.338 "Phải trả, phải nộp khác"
(chi tiết TK.3383 "Bảo hiểm xã hội", TK.3384 "Bảo hiểm y tế")
Có TK. 461 "Nguồn kinh phí nghiệp".
Đồng thời ghi:
Nợ TK.161 "Chi sự nghiệp"
Có TK.138 "Phải thu khác".
- Khi quyết toán được phê duyệt, đơn vị hạch toán:
Nợ TK. 461 "Nguồn kinh phí sự nghiệp"
Có TK.161 "Chi sự nghiệp".
b) Trường hợp cấp hỗ trợ bằng lệnh chi tiền.
- Đối với khoản kinh phí hỗ trợ đào tạo theo hình thức không tập trung (đào tạo tại đơn vị), khi nhận kinh phí hỗ trợ, đơn vị hạch toán:
Nợ TK.112 "Tiền gửi Ngân hàng"
Có TK. 461 "Nguồn kinh phí nghiệp".
Khi chi tiền cho công tác đào tạo:
Nợ TK.161 "Chi sự nghiệp"
Có TK.111 "Tiền mặt" hoặc
Có TK.112 "Tiền gửi".
- Đối với khoản kinh phí hỗ trợ cho hình thức đào tạo tập trung và hỗ trợ nộp bảo hiểm xã hội: Căn cứ hợp đồng đào tạo, số tiền phải nộp bảo hiểm của số lao động là người dân tộc thiểu số, đơn vị hạch toán:
Nợ TK.161 "Chi sự nghiệp"
Có TK.331 "Phải trả cho người bán", hoặc
Có TK.338 "Phải trả, phải nộp khác"
(chi tiết TK.3383 "Bảo hiểm xã hội", TK.3384 "Bảo hiểm y tế")
Khi làm thủ tục chuyển tiền thanh toán hợp đồng đào tạo và nộp Bảo hiểm, đơn vị hạch toán:
Nợ TK.331 "Phải trả cho người bán", hoặc
Nợ TK.338 "Phải trả, phải nộp khác"
(chi tiết TK.3383 "Bảo hiểm xã hội", TK.3384 "Bảo hiểm y tế")
Có TK.111 "Tiền mặt" hoặc,
Có TK.112 "Tiền gửi Ngân hàng".
- Khi quyết toán được phê duyệt, đơn vị hạch toán:
Nợ TK. 461 "Nguồn kinh phí sự nghiệp"
Có TK.161 "Chi sự nghiệp".
1.4.2. Đối với đơn vị sự nghiệp:
- Khi nhận kinh phí hỗ trợ: Đối với khoản kinh phí hỗ trợ đào tạo theo hình thức không tập trung (đào tạo tại đơn vị), đơn vị hạch toán:
Nợ TK.111 "Tiền mặt"
Có TK. 461 "Nguồn kinh phí hoạt động".
Khi chi tiền cho công tác đào tạo:
Nợ TK.661 "Chi hoạt động"
Có TK.111 "Tiền mặt".
- Đối với khoản kinh phí hỗ trợ cho hình thức đào tạo tập trung và hỗ trợ nộp Bảo hiểm: Căn cứ hợp đồng đào tạo, số tiền phải nộp bảo hiểm của số lao động là người dân tộc thiểu số, đơn vị hạch toán:
Nợ TK.161 "Chi hoạt động"
Có TK.331 "Phải trả", hoặc
Có TK.332 "Phải nộp bảo hiểm".
Khi làm thủ tục chuyển tiền tại kho bạc thanh toán hợp đồng đào tạo và nộp Bảo hiểm, đơn vị hạch toán:
Nợ TK.331 "Phải trả", hoặc
Nợ TK.332 "phải nộp bảo hiểm"
Có TK.461 "Nguồn kinh phí hoạt động".
- Khi quyết toán được phê duyệt, đơn vị hạch toán:
Nợ TK. 461 "Nguồn kinh phí hoạt động"
Có TK.161 "Chi hoạt động".
2. Về áp dụng định mức lao động:
Căn cứ số lao động là người dân tộc thiểu số đã được đơn vị tuyển dụng mới và thực tế làm việc tại đơn vị chưa quá 5 năm. Đơn vị giao nhiệm vụ hoặc ký hợp đồng lao động cho số lao động này theo định mức lao động bằng 80% định mức chung của đơn vị. Định mức áp dụng cho người lao động dân tộc thiểu số, được áp dụng làm căn cứ xác định đơn giá tiền lương và quỹ lương của đơn vị và để thanh toán tiền lương, tiền công cho số lao động dân tộc thiểu số.
3. Về tiền thuê đất:
Căn cứ vào tỷ lệ lao động bình quân là người dân tộc thiểu số so với tổng số lao động của đơn vị đến thời điểm 30 tháng 6 hàng năm để xét miễn tiền thuê đất cho đơn vị. Những đơn vị sử dụng từ 30% trở lên lao động dân tộc thiểu số được xét miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất của đơn vị thuộc diện phải thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Thủ tục, hồ sơ xét miễn nộp tiền thuê đất, đơn vị thực hiện theo quy định của Thông tư số 120/2005/TT-BTC ngày30/12/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Hàng năm, nếu tỷ lệ lao động dân tộc thiểu số không thay đổi, hoặc thay đổi nhưng không ảnh hưởng đến việc miễn tiền thuê đất đơn vị chỉ gửi báo cáo cho cơ quan thuế để theo dõi. Nếu tỷ lệ lao động thiểu số thay đổi xuống dưới 30% đơn vị phải báo cáo cơ quan thuế để làm quyết định bãi bỏ quyết định miễn tiền thuê đất và phải thực hiện nộp tiền thuê đất theo quy định của Luật đất đai.
4. Xử lý vi phạm:
Nếu đơn vị, cá nhân lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với lao động dân tộc thiểu số quy định trong Quyết định số 231/2005/QĐ-TTg ngày 22/09/2005 của Thủ tướng Chính phủ để trục lợi cho đơn vị và cá nhân sẽ bị xử lý theo luật pháp và quy định dưới đây:
4.1. Báo cáo sai số lượng lao động dân tộc thiểu số, kinh phí đào tạo, kinh phí bảo hiểm xã hội dẫn đến việc rút tiền hỗ trợ của Nhà nước cao hơn thực tế được hưởng thì Thủ trưởng đơn vị phải bỏ tiền cá nhân bồi hoàn cho Ngân sách Nhà nước.
4.2. Nếu báo cáo sai tỷ lệ lao động dân tộc thiểu số để được miễn tiền thuê đất thì ngoài việc phải truy nộp tiền thuê đất, Thủ trưởng đơn vị bị xử lý như trường hợp báo cáo không trung thực tình hình tài chính của đơn vị được quy định tại Quy chế tài chính Công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác ban hành kèm theo Nghị định số 199/2004/NĐ-CP ngày 29/04/2004 của Chính phủ.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tổng công ty nhà nước và các đơn vị liên quan có văn bản phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.