THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996, Nghị định số 60/CP
ngày 06/06/1997 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định
về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự
Căn cứ Nghị định số 81/CP ngày 08/11/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Văn hoá - Thông tin.
Căn cứ Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự (dưới đây viết tắt là Nghị định số 76/CP); Nghị định số 60/CP ngày 06/06/1997 của Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (dưới đây viết tắt là Nghị định số 60/CP).
Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn một số quy định về quyền tác giả như sau:
I. GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ
Một số thuật ngữ sử dụng trong các quy định về quyền tác giả được hiểu như sau:
1. "Sáng tạo" văn học, nghệ thuật, khoa học là hoạt động tư duy của tác giả trực tiếp làm ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định.
2. "Bản gốc" tác phẩm là bản đầu tiên của tác phẩm do tác giả sáng tạo ra.
"Tác phẩm được bảo hộ phải là bản gốc" được hiểu là những tác phẩm được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định và có tính nguyên gốc.
3. "Tác phẩm gốc" là tác phẩm được sử dụng để sáng tạo ra tác phẩm dịch, phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể, tuyển tập, hợp tuyển, chú giải.
4. "Sao chép" tác phẩm là việc thể hiện lại phần trọng yếu hoặc toàn bộ tác phẩm dưới bất kỳ hình thức vật chất nào.
5. "Sao chụp" tác phẩm được hiểu là hành vi sao chép y nguyên tác phẩm hoặc một phần tác phẩm bằng cách photocopy, chụp ảnh hay các cách thức tương tự khác;
6. "Bản sao" tác phẩm là bản sao chép hoặc sao chụp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm.
7. "Chủ sở hữu tác phẩm" là cá nhân hoặc tổ chức sở hữu các quyền của tác giả có thể chuyển giao được theo quy định của pháp luật.
8. "Tác phẩm đồng tác giả" là tác phẩm do 2 hoặc nhiều tác giả sáng tạo.
9. "Tác phẩm khuyết danh" là tác phẩm không có tên tác giả (tên thật hoặc bút danh) trên tác phẩm khi công bố.
10. "Tác phẩm không rõ tác giả" là tác phẩm khi được công bố chưa xác định được tác giả.
11. "Tác phẩm di cảo" là tác phẩm được công bố lần đầu sau khi tác giả đã chết.
12. "Công bố, phổ biến tác phẩm":
"Công bố, phổ biến tác phẩm" là thể hiện tác phẩm trước công chúng dưới dạng thuyết trình, trưng bầy, xuất bản, biểu diễn, phát thanh, truyền hình và các hình thức vật chất khác.
Xuất bản phẩm gồm các loại hình: sách, tài liệu, tranh, ảnh, áp phích, catalô, tờ rơi, tờ gấp, lịch, bản đồ, át lát, bản nhạc, cờ, truyền đơn, khẩu hiệu, câu đối, cuốn thư, băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình thay sách hoặc kèm theo sách.
"Tác phẩm lần đầu tiên được công bố, phổ biến tại Việt Nam" là tác phẩm của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài chưa được công bố, phổ biến ở bất kỳ nước nào trước khi được công bố, phổ biến tại Việt Nam.
Tác phẩm được coi là tác phẩm lần đầu tiên được công bố, phổ biến tại Việt Nam khi tác phẩm đó được công bố, phổ biến ở Việt Nam trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày tác phẩm đó được công bố, phổ biến lần đầu tiên ở bất kỳ nước nào.
II. TÁC PHẨM ĐƯỢC BẢO HỘ
1. Các tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam:
a) Tác phẩm của tác giả là công dân Việt Nam;
b) Tác phẩm thuộc sở hữu của công dân, pháp nhân, tổ chức Việt Nam;
c) Tác phẩm của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam;
d) Tác phẩm của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài lần đầu tiên được công bố, phổ biến tại Việt Nam;
e) Tác phẩm của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài được bảo hộ tại Việt Nam theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia;
2. Các tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam phải là các loại hình tác phẩm quy định tại Điều 4 Nghị định số 76/CP; không là đối tượng bảo hộ sở hữu công nhiệp; không có nội dung như quy định tại khoản 1 Điều 749 Bộ luật Dân sự.
III. QUYỀN CỦA TÁC GIẢ, CHỦ SỞ HỮU TÁC PHẨM
1. Tác giả sáng tạo tác phẩm theo nhiệm vụ được giao được hưởng các quyền quy định tại Điều 752 Bộ luật Dân sự.
Tác giả sáng tạo tác phẩm theo hợp đồng được hưởng các quyền quy định tại Điều 752 Bộ luật Dân sự trên cơ sở hợp đồng đã ký kết.
2. Việc hưởng các quyền tài sản của tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm quy định tại khoản 2 Điều 752 Bộ luật Dân sự được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa tác giả và chủ sở hữu tác phẩm.
3. Cá nhân, tổ chức dựa vào tác phẩm dịch, phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể của người khác để sáng tạo ra tác phẩm mới, quy định tại Điều 11 Nghị định số 76/CP, phải xin phép tác giả (và chủ sở hữu nếu chủ sở hữu không đồng thời là tác giả) tác phẩm dịch, phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể và tác giả tác phẩm gốc trừ trường hợp giữa tác giả tác phẩm dịch, phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể và tác giả tác phẩm gốc có thoả thuận khác.
4. Đối với tác phẩm di cảo, trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế thì người chiếm giữ hợp pháp tác phẩm di cảo được hưởng các quyền nhân thân quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 751 và quyền tài sản quy định tại điểm a, b, c, khoản 2 Điều 751 Bộ luật Dân sự trong thời hạn 50 năm kể từ ngày tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Nếu trong thời hạn 50 năm kể từ ngày tác phẩm được công bố lần đầu tiên mà xác định được người thừa kế thì người thừa kế được tiếp tục hưởng các quyền nói trên trong thời hạn bảo hộ còn lại trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
5. Các quyền và nghĩa vụ giữa người biểu diễn và các cá nhân, tổ chức đầu tư tài chính cho chương trình biểu diễn được xác định trên cơ sở hợp đồng.
IV. SỬ DỤNG TÁC PHẨM
1. Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm quản lý các tác phẩm thuộc về nhà nước trong trường hợp không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận di sản hoặc không được quyền hưởng di sản quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 764, Điều 765 Bộ luật Dân sự và khoản 2 Điều 13 Nghị định số 76/CP; tác phẩm không rõ tác giả hoặc tác phẩm khuyết danh quy định tại khoản 5 Điều 766 Bộ luật Dân sự; Nhận và quản lý nhuận bút đối với các tác phẩm đó.
Cá nhân, tổ chức khi sử dụng các tác phẩm nói trên phải thực hiện các quy định sau đây:
Xin phép và trả nhuận bút cho Cục Bản quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm;
Đề tên thật hoặc bút danh của tác giả (nếu có) trên tác phẩm, đề đúng tên tác phẩm, đảm bảo sự toàn vẹn nội dung tác phẩm.
2. Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm quản lý quyền nhân thân đối với những tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ quy định tại Điều 766 Bộ luật Dân sự. Cá nhân, tổ chức khi sử dụng tác phẩm đó phải thực hiện các quy định sau đây:
Thông báo với Cục Bản quyền tác giả về việc sử dụng tác phẩm;
Đề tên thật hoặc bút danh của tác giả (nếu có) trên tác phẩm, đề đúng tên tác phẩm, đảm bảo sự toàn vẹn nội dung tác phẩm.
Nộp 01 bản sao tác phẩm cho Cục Bản quyền tác giả trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày phổ biến, lưu hành.
3. Cá nhân, tổ chức khi sử dụng tác phẩm đã công bố nhằm mục đích kinh doanh hoặc việc sử dụng tác phẩm đã công bố không nhằm mục đích kinh doanh nhưng làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm thì phải xin phép và trả nhuận bút hoặc thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm theo hợp đồng sử dụng tác phẩm;
Nếu sử dụng tác phẩm trong lĩnh vực xuất bản thì bên sử dụng tác phẩm còn phải thực hiện quy định của Luật Xuất bản và các quy định pháp luật khác có liên quan;
Trường hợp sử dụng bài hát, bản nhạc đã công bố để biểu diễn nhằm mục đích kinh doanh thì phải trả nhuận bút hoặc thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm theo thoả thuận;
Cá nhân, tổ chức khi sử dụng tác phẩm có thể trực tiếp ký hợp đồng sử dụng tác phẩm với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm hoặc thông qua tổ chức đại diện hợp pháp được tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm uỷ quyền.
Các trường hợp sử dụng tác phẩm không phải xin phép, không phải trả thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm thực hiện theo quy định tại Điều 760, 761 Bộ luật Dân sự.
V. ĐĂNG KÝ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN SỞ HỮU TÁC PHẨM
Theo quy định tại Điều 23, 24, 27 Nghị định số 76/CP, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có quyền trực tiếp hoặc uỷ quyền cho cá nhân hoặc Tổ chức Dịch vụ bản quyền tác giả xin cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả hoặc Sở Văn hoá - Thông tin các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tác giả, chủ sở hữu tác phẩm cư trú.
Cá nhân, pháp nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ theo quy định tại Điểm 1 (c), 1 (d) và 1 (e), Mục II của Thông tư này có quyền trực tiếp hoặc uỷ quyền cho Tổ chức Dịch vụ bản quyền tác giả xin cấp Giấy Chứng nhận Bản quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả hoặc Sở Văn hoá - Thông tin các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
1. Hồ sơ xin cấp Giấy Chứng nhận bản quyền tác giả bao gồm:
a) Đơn xin cấp Giấy Chứng nhận bản quyền tác giả (theo mẫu).
Đơn xin cấp Giấy Chứng nhận bản quyền tác giả phải được viết bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu tác phẩm hoặc người được uỷ quyền nộp đơn ký tên. Nếu pháp nhân nộp đơn thì phải ký tên đóng dấu theo quy định;
b) Tác phẩm đăng ký quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm, 2 bản.
Đối với những tác phẩm có đặc thù riêng như tranh, tượng, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng gắn với công trình kiến trúc và những loại hình tương tự, tác phẩm trong hồ sơ đăng ký là bản thiết kế, phác thảo hoặc ảnh chụp (đen trắng) thể hiện đầy đủ ý tưởng sáng tạo.
2. Giấy tờ tuỳ thân (chứng minh thư, hộ chiếu) của người đến nộp hồ sơ.
Ngoài các giấy tờ quy định trên, nếu người nộp hồ sơ xin cấp Giấy Chứng nhận bản quyền tác giả là người được uỷ quyền thì phải có giấy uỷ quyền; chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả thì phải có giấy tờ chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp. Các giấy tờ này nếu bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch ra tiếng Việt và có chứng thực của công chứng nhà nước.
3. Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm xem xét hồ sơ xin cấp Giấy Chứng nhận Bản quyền tác giả và trả kết quả tại nơi thụ lý hồ sơ ban đầu trong thời hạn 10 ngày làm việc tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ như quy định tại Điểm 2, Mục V của Thông tư này. Trường hợp không cấp Giấy Chứng nhận bản quyền tác giả phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
4. Sở Văn hoá - Thông tin các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn người đến đăng ký làm các thủ tục xin đăng ký, tiếp nhận và gửi hồ sơ xin cấp Giấy Chứng nhận bản quyền tác giả đến Cục Bản quyền tác giả ngay sau khi thụ lý hồ sơ hợp lệ như quy định tại Điểm 2 Mục V của Thông tư này; thu lệ phí đăng ký quyền tác giả theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và những chi phí phát sinh do chuyển hồ sơ; trả kết quả cho người đến nộp hồ sơ ngay sau khi nhận được kết quả từ Cục Bản quyền tác giả.
5. Các loại Giấy Chứng nhận Bản quyền tác giả do Hãng Bảo hộ quyền tác giả Việt Nam, Cơ quan Bảo hộ quyền tác giả Việt Nam, Cục Bản quyền tác giả cấp trước ngày Bộ luật Dân sự có hiệu lực thi hành vẫn có hiệu lực. Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm được hưởng các quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có nhu cầu xin cấp lại hoặc đổi Giấy Chứng nhận bản quyền tác giả phải có đơn nêu rõ lý do và nộp hồ sơ theo quy định tại Điểm 2 Mục V Thông tư này.
Cá nhân, tổ chức được cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả phải nộp lệ phí theo quy định của Nhà nước.
6. Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả có quyền cấp và thu hồi Giấy Chứng nhận bản quyền tác giả trong trường hợp xác định người đã được cấp Giấy Chứng nhận bản quyền tác giả không phải là tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và những trường hợp tác phẩm không thuộc đối tượng bảo hộ theo quy định pháp luật về quyền tác giả.
VI. TỔ CHỨC DỊCH VỤ BẢN QUYỀN TÁC GIẢ
Tổ chức Dịch vụ bản quyền tác giả quy định tại Điều 27 Nghị định số 76/CP là doanh nghiệp có chức năng hoạt động dịch vụ và tư vấn pháp luật về quyền tác giả và được thành lập hợp pháp.
1. Điều kiện hoạt động dịch vụ bản quyền tác giả
Người đứng đầu, những người phó của người đó và những người trực tiếp hành nghề dịch vụ bản quyền tác giả là công dân Việt Nam có địa chỉ thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và tốt nghiệp đại học luật;
Người đứng đầu, những người phó của người đó và những người trực tiếp hành nghề dịch vụ bản quyền tác giả phải có chứng chỉ đã qua các lớp bồi dưỡng kiến thức về quyền tác giả do Cục Bản quyền tác giả cấp.
2. Tổ chức dịch vụ bản quyền tác giả có nhiệm vụ sau:
Tư vấn những vấn đề có liên quan đến các quy định pháp luật về quyền tác giả;
Thay mặt tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm xin cấp Giấy Chứng nhận bản quyền tác giả theo sự uỷ quyền;
3. Tham gia các quan hệ pháp luật khác về quyền tác giả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm theo uỷ quyền.
4. Tổ chức Dịch vụ bản quyền tác giả chỉ được phép hoạt động khi được thành lập hợp pháp, khi người đứng đầu, những người phó của người đó thuộc Tổ chức Dịch vụ bản quyền tác giả và những người hành nghề dịch vụ bản quyền tác giả đã được cấp Thẻ Người đại diện quyền tác giả.
5. Tổ chức Dịch vụ bản quyền tác giả hoạt động theo quy định của pháp luật, theo giấy phép thành lập do cơ quan có thẩm quyền cấp và trong phạm vi được uỷ quyền.
6. Tổ chức Dịch vụ bản quyền tác giả phải thực hiện chế độ báo cáo, thông tin cho Cục Bản quyền tác giả theo định kỳ 6 tháng, một năm về các hoạt động dịch vụ bản quyền. Khi có thay đổi về tổ chức hoặc về nhân sự chịu trách nhiệm quản lý Tổ chức Dịch vụ bản quyền tác giả, những người hành nghề dịch vụ bản quyền tác giả thì phải báo cáo kịp thời cho Cục Bản quyền tác giả.
7. Cục Bản quyền tác giả có thẩm quyền cấp và thu hồi Thẻ Người đại diện quyền tác giả; quy định việc sử dụng Thẻ Người đại diện.
Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các Tổ chức Dịch vụ bản quyền tác giả đang hoạt động phải làm thủ tục xin cấp Thẻ Người đại diện quyền tác giả. Thẻ Người đại diện quyền tác giả được Cục Bản quyền tác giả cấp lại theo định kỳ 2 năm.
VII. KIỂM TRA, THANH TRA VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ QUYỀN TÁC GIẢ
1. Theo quy định tại Điều 33 và Điều 36 Nghị định số 76/CP:
a) Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm khi bị người khác xâm hại quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm có quyền yêu cầu người có hành vi xâm hại chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại; yêu cầu hoặc khiếu nại Thanh tra Nhà nước về văn hoá thông tin (Thanh tra Bộ Văn hoá - Thông tin, Thanh tra Sở Văn hoá - Thông tin) hoặc Toà án Nhân dân để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
b) Cá nhân, tổ chức khi phát hiện hành vi xâm hại quyền tác giả, quyền chủ sở hữu tác phẩm, có quyền gửi đơn kiến nghị, tố cáo đến Bộ Văn hoá - Thông tin (Cục Bản quyền tác giả), Sở Văn hoá - Thông tin hoặc các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Cục Bản quyền tác giả, cơ quan của Bộ Văn hoá - Thông tin thực hiện quyền quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả trong cả nước, có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tác giả trên phạm vi cả nước;
b) Trả lời các đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến việc bảo hộ quyền tác giả hoặc chuyển cho cơ quan Thanh tra Bộ Văn hoá - Thông tin, Thanh tra Sở Văn hoá - Thông tin và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật;
c) Phối hợp với các Sở Văn hoá - Thông tin, Thanh tra Bộ Văn hoá - Thông tin và các cơ quan hữu quan để xử lý kịp thời hành vi vi phạm các quy định pháp luật về quyền tác giả.
3. Sở Văn hoá - Thông tin hoặc Sở Văn hoá - Thông tin - Thể thao là cơ quan giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quyền quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả ở địa phương, có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện những quy định của pháp luật về quyền tác giả tại địa phương;
b) Trả lời các đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến việc bảo hộ quyền tác giả hoặc yêu cầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;
c) Phối hợp với Cục Bản quyền tác giả, Thanh tra Bộ Văn hoá - Thông tin và các cơ quan hữu quan để xử lý kịp thời những hành vi vi phạm các quy định pháp luật về quyền tác giả.
4. Thanh tra Bộ Văn hoá - Thông tin, Thanh tra Sở Văn hoá - Thông tin thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành văn hoá thông tin theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 76/CP.
VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Cục Bản quyền tác giả, Sở Văn hoá - Thông tin các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thanh tra Bộ Văn hoá - Thông tin, Thanh tra Sở Văn hoá - Thông tin, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quyền tác giả chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Ban hành kèm theo Thông tư này các phụ lục số 1, phụ lục số 2, phụ lục số 3, phụ lục số 4, phụ lục số 5.