Văn bản pháp luật: Thông tư 31/2010/TT-BLĐTBXH

Đàm Hữu Đắc
Toàn quốc
Công báo số 622+623
Thông tư 31/2010/TT-BLĐTBXH
Thông tư
28/11/2010
08/10/2010

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình dạy nghề trình độ sơ cấp

Thứ trưởng thường trực
2.010
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Toàn văn

THÔNG TƯ

Hướng dẫn xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình dạy nghề trình độ sơ cấp

_________________________________

Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 70/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về dạy nghề;

Căn cứ Quyết định số 86/2008/QĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Quyết định số 1956/2009/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình dạy nghề trình độ sơ cấp như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Thông tư này hướng dẫn nguyên tắc, nội dung, cấu trúc, thời gian, quy trình tổ chức xây dựng, thẩm định, phê duyệt chương trình, giáo trình dạy nghề trình độ sơ cấp, để người đứng đầu cơ sở dạy nghề có đăng ký hoạt động dạy nghề trình độ sơ cấp làm căn cứ khi xây dựng chương trình, giáo trình.

Điều 2. Nguyên tắc xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình

1. Nguyên tắc xây dựng chương trình

a) Bảo đảm được mục tiêu dạy nghề trình độ sơ cấp theo Điều 10, chương II của Luật Dạy nghề;

b) Căn cứ vào phân tích nghề, phân tích công việc để xác định chuẩn kiến thức, kỹ năng đào tạo của nghề và dựa trên năng lực thực hiện;

c) Bảo đảm tính hệ thống, tính khoa học, tính thực tiễn, tính linh hoạt theo nhu cầu của thị trường lao động, tính liên thông trong đào tạo nghề và đảm bảo thời gian học thực hành là chủ yếu;

2. Nguyên tắc biên soạn giáo trình

a) Bảo đảm cụ thể hóa chương trình; cung cấp những kiến thức cần thiết để thực hiện được công việc;

b) Bảo đảm được tính hệ thống, tính sư phạm và tự kiểm tra, đánh giá trong học tập; bảo đảm sự cân đối và phù hợp giữa kênh chữ và kênh hình;

c) Trình bày ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu; sử dụng thuật ngữ nghề nghiệp phổ biến, nhất quán.

Điều 3. Nội dung, cấu trúc của chương trình, giáo trình

1. Nội dung, cấu trúc chương trình

a) Nội dung chương trình quy định về thời gian khóa học; cơ cấu nội dung; số lượng, thời lượng các mô đun, môn học; phân bổ thời gian giữa lý thuyết và thực hành;

b) Cấu trúc chương trình: Mục tiêu của khóa học; thời gian của khóa học; danh mục, thời gian, phân bổ thời gian và chương trình của từng mô đun/môn học; hướng dẫn sử dụng chương trình.

2. Nội dung, cấu trúc giáo trình mô đun/môn học:

a) Các nội dung chính của giáo trình mô đun/môn học gồm: Thông tin chung; mục tiêu của giáo trình; mục tiêu bài/chương; kiến thức cần thiết để thực hiện công việc; quy trình và cách thức thực hiện công việc; bài tập và sản phẩm thực hành của học viên;

b) Yêu cầu về đánh giá kết quả học tập khi kết thúc bài/chương và mô đun/môn học.

Điều 4. Cấu trúc thời gian khóa học và đơn vị thời gian trong chương trình

1. Thời gian khóa học bao gồm thời gian học tập và thời gian cho các hoạt động chung.

2. Đơn vị thời gian:

a) Thời gian khóa học được tính theo tháng và tuần;

b) Một giờ học thực hành hoặc học theo mô đun là 60 phút, được tính bằng một giờ chuẩn;

c) Một giờ học lý thuyết là 45 phút, được tính bằng một giờ chuẩn;

d) Một ngày học lý thuyết không quá 6 giờ chuẩn;

đ) Một ngày học theo mô đun hoặc thực hành không quá 8 giờ chuẩn;

e) Một tuần học lý thuyết không quá 30 giờ chuẩn;

f) Một tuần học theo mô đun hoặc thực hành không quá 40 giờ chuẩn;

g) Một tuần thực học tối thiểu là 25 giờ chuẩn.

3. Thời gian thực học là thời gian tối thiểu cần phải thực hiện để đảm bảo cho học sinh sau khi kết thúc khóa học đạt được mục tiêu đào tạo của khóa học, được tính bằng giờ.

Điều 5. Thời gian và phân bổ thời gian của khóa học

1. Thời gian của khóa học được thực hiện từ 03 tháng đến dưới 1 năm tùy theo mục tiêu dạy nghề của từng khóa học và nghề đào tạo đối với người có trình độ học vấn, sức khỏe phù hợp với nghề cần học.

2, Phân bổ thời gian khóa học các mô đun, môn học theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này; lý thuyết chiếm 10% - 30%, thực hành chiếm 70% - 90%.

Điều 6. Quy trình xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình

1. Chuẩn bị

Thành lập Ban chủ nhiệm do người đứng đầu cơ sở dạy nghề trình độ sơ cấp hoặc cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để xây dựng đề cương tổng hợp và chi tiết; ký kết hợp đồng; tập huấn xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình cho Ban chủ nhiệm.

2. Phân tích nghề, phân tích công việc

Phân tích nghề, phân tích công việc để xây dựng chuẩn kiến thức kỹ năng đào tạo nghề (theo mẫu quy định tại Phụ lục I và II của Quyết định 09/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 27/3/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc Ban hành quy định nguyên tắc, quy trình xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia) bao gồm: khảo sát, xin ý kiến chuyên gia bộ phiếu phân tích nghề; biên soạn phiếu phân tích nghề từ 3 bước trở lên; xin ý kiến chuyên gia bộ phiếu phân tích công việc; nghiệm thu; tổng hợp hoàn thiện báo cáo phân tích nghề, phân tích công việc.

3. Thiết kế chương trình

Thiết kế chương trình gồm sắp xếp danh mục các công việc trong chương trình; tổng hợp kiến thức, kỹ năng nghề cần đào tạo; lập mối quan hệ giữa các mô đun/môn học với các nhiệm vụ và công việc; lập sơ đồ quan hệ giữa các mô đun/môn học với nhau; thiết kế cấu trúc của chương trình, xác định mục tiêu đào tạo, thời gian của khóa học, thời gian thực học, danh mục các mô đun, môn học, thời gian và phân bổ thời gian của từng mô đun/môn học, xác định yêu cầu và cách thức đánh giá kết quả học tập của người học theo mẫu quy định tại Phụ lục 2, 3, 4, 5, 6 tương ứng của Thông tư này.

4. Biên soạn chương trình, giáo trình

a) Biên soạn chương trình: Biên soạn chương trình mô đun, môn học gồm nêu vị trí, tính chất; mục tiêu mô đun/môn học; nội dung mô đun/môn học; điều kiện thực hiện mô đun/môn học; phương pháp và nội dung đánh giá; hướng dẫn thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 7, 8 tương ứng của Thông tư này; hướng dẫn giám sát xây dựng chương trình; xin ý kiến chuyên gia về chương trình.

b) Biên soạn giáo trình: Xác định vị trí, ý nghĩa vai trò, mục tiêu cụ thể, số lượng bài/chương của mô đun/môn học; nội dung chính, kiến thức cần thiết, các bước thực hiện công việc, các bài tập để hình thành kỹ năng, đánh giá kết quả học tập theo bài/chương và mô đun/môn học; biên soạn giáo trình mô đun/môn học theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 của Thông tư này; hướng dẫn giám sát biên soạn giáo trình; xin ý kiến chuyên gia về giáo trình.

4. Hội thảo hoàn chỉnh dự thảo về thiết kế và biên soạn chương trình; Hội thảo biên soạn giáo trình

Thành phần Hội thảo gồm đại diện chuyên gia trong các doanh nghiệp, các nhà quản lý, nghiên cứu và giáo viên dạy nghề (số lượng từ 15 - 20 người).

5. Sửa chữa, biên tập tổng thể chương trình, giáo trình

Sửa chữa, biên tập tổng thể chương trình và giáo trình.

6. Bảo vệ chương trình, giáo trình

Gửi dự thảo chương trình, giáo trình cho Hội đồng nghiệm thu và đơn vị ký hợp đồng; bảo vệ chương trình, giáo trình trước Hội đồng nghiệm thu; giao nộp sản phẩm đã được Hội đồng nghiệm thu cho đơn vị ký hợp đồng.

Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị chủ trì và ban chủ nhiệm xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình

1. Đơn vị chủ trì: Là cơ sở dạy nghề, hoặc đơn vị được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chương trình, giáo trình lựa chọn; có trách nhiệm lựa chọn hoặc đề xuất danh sách các thành viên ban chủ nhiệm với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chi tiêu kinh phí của Ban chủ nhiệm và lưu giữ chứng từ thanh quyết toán tại đơn vị theo đúng quy định.

2. Thành phần ban chủ nhiệm gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý dạy nghề, chuyên gia trong các doanh nghiệp, trong đó có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy các nghề tương ứng; cơ cấu gồm chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, ủy viên thư ký và các ủy viên; số lượng từ 5 đến 7 người; tiêu chuẩn các thành viên có trình độ cao đẳng nghề, cao đẳng trở lên, có ít nhất 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực của nghề cần xây dựng.

3. Trách nhiệm, quyền hạn của Ban Chủ nhiệm:

a) Tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quá trình tổ chức xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình;

b) Tổ chức xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình;

c) Chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng của chương trình, giáo trình cho nghề được giao; báo cáo trước Hội đồng nghiệm thu và hoàn thiện Dự thảo; giao nộp chương trình, giáo trình đã được nghiệm thu cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

d) Ban chủ nhiệm được sử dụng con dấu, tài khoản và các bộ phận có liên quan của đơn vị chủ trì để thực hiện công việc.

Điều 8. Quy trình nghiệm thu chương trình, giáo trình

1. Chuẩn bị

Thành lập Hội đồng do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để lập kế hoạch nghiệm thu; tập huấn xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình cho Hội đồng nghiệm thu; nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị ý kiến nhận xét, đánh giá bằng văn bản của dự thảo chương trình, giáo trình gửi Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu và thông báo kế hoạch nghiệm thu cho Ban chủ nhiệm.

2. Tổ chức nghiệm thu

Báo cáo của Ban Chủ nhiệm; các thành viên của Hội đồng nghiệm thu thảo luận, đánh giá công khai về bản dự thảo chương trình, giáo trình; bỏ phiếu đánh giá chất lượng của dự thảo chương trình, giáo trình theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 của Thông tư này. Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu tổng hợp các ý kiến đánh giá của các thành viên Hội đồng và kết luận về chất lượng của dự thảo chương trình, giáo trình và đưa ra các hình thức tổ chức nghiệm thu tiếp theo.

3. Báo cáo kết quả nghiệm thu

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu báo cáo kết quả thẩm định chương trình, giáo trình với người đứng đầu cơ sở dạy nghề hoặc cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Điều 9. Hội đồng nghiệm thu chương trình, giáo trình

1. Hội đồng nghiệm thu do cơ quan có thẩm quyền hoặc người đứng đầu cơ sở dạy nghề phê duyệt chương trình, giáo trình thành lập.

2. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng nghiệm thu: Tư vấn về chuyên môn; nhận xét, đánh giá, tổ chức nghiệm thu, chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình, giáo trình được nghiệm thu; báo cáo kết quả nghiệm thu, kiến nghị phê duyệt chương trình, giáo trình với cơ quan có thẩm quyền.

3. Thành phần của Hội đồng nghiệm thu gồm: Các nhà giáo, cán bộ quản lý dạy nghề, chuyên gia trong các doanh nghiệp; cơ cấu gồm chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên thư ký và các ủy viên; số lượng từ 5 đến 7 người; tiêu chuẩn có trình độ cao đẳng nghề, cao đẳng trở lên hoặc là các nghệ nhân, người có tay nghề cao, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực của nghề nghiệm thu.

4. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng nghiệm thu: Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng; phiên họp của Hội đồng nghiệm thu phải đảm bảo có mặt ít nhất 2/3 tổng số thành viên của Hội đồng thì mới hợp lệ; Hội đồng nghiệm thu phải lập biên bản nghiệm thu để báo cáo với người đứng đầu cơ sở dạy nghề hoặc cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 10. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Hướng dẫn, các cơ sở dạy nghề thuộc thẩm quyền quản lý căn cứ vào thông tư này để tổ chức xây dựng, thẩm định và phê duyệt chương trình, giáo trình.

Điều 11. Trách nhiệm của Tổng cục Dạy nghề

1. Hướng dẫn cơ sở dạy nghề; Ban Chủ nhiệm xây dựng chương trình, giáo trình và Hội đồng nghiệm thu thực hiện Thông tư này;

2. Tổ chức cho các cơ sở dạy nghề xây dựng, nghiệm thu và phê duyệt chương trình, giáo trình những nghề phổ biến để khuyến nghị áp dụng chung trong toàn quốc.

Điều 12. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 11 năm 2010.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để được giải đáp./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=25779&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận