Văn bản pháp luật: Thông tư 32/2012/TT-BTC

Toàn quốc
Công báo số 269+270, năm 2012
Thông tư 32/2012/TT-BTC
Thông tư
15/04/2012
29/02/2012

Tóm tắt nội dung

Quy định chế độ, quản lý và sử dụng kinh phí đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế

Thứ trưởng
2.012
Bộ Tài chính

Toàn văn

THÔNG TƯ

Quy định chế độ, quản lý và sử dụng kinh phí đối với người bị

áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế

_____________________

 

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Bộ Tài chính quy định chế độ áp dụng đối với người bị áp dụng các biện pháp cách ly y tế và việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng đối với người bị áp dụng các biện pháp cách ly y tế như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định cụ thể chế độ áp dụng đối với người bị áp dụng các biện pháp cách ly y tế, bao gồm: cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế (sau đây gọi tắt là người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế); nguồn kinh phí thực hiện; trách nhiệm chi trả và công tác quản lý kinh phí thực hiện chế độ áp dụng đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế.

2. Đối tượng áp dụng

a) Cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện cách ly y tế (sau đây gọi tắt là cơ sở cách ly y tế).

b) Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 1 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ.

c) Người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ.

3. Việc áp dụng cách ly y tế đối với đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao thực hiện theo quy định tại văn bản hướng dẫn của Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Công an và Bộ Tư pháp; không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Thông tư này.

Điều 2. Chế độ đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế

Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định tại các điểm b và c, khoản 2, Điều 1 Thông tư này được hưởng các chế độ sau:

1. Được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định hiện hành về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế công lập do cơ quan có thẩm quyền ban hành khi phát hiện, điều trị các bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

2. Được cấp không thu tiền: nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế theo định mức sử dụng cho người bị cách ly y tế do Bộ Y tế ban hành.

3. Được miễn chi phí di chuyển từ nhà (đối với trường hợp đang thực hiện cách ly y tế tại nhà nhưng có dấu hiệu tiến triển thành mắc bệnh truyền nhiễm phải thực hiện cách ly y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh), từ cơ sở, địa điểm phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế hoặc từ cơ sở cách ly y tế này đến cơ sở cách ly y tế khác theo quyết định của người có thẩm quyền quy định tại khoản 1, Điều 2 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP; được bảo đảm vận chuyển thuận lợi, an toàn và đúng quy định tại khoản 3, Điều 13 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP.

Căn cứ xác định chi phí di chuyển được miễn là định mức tiêu hao nhiên liệu thực tế của phương tiện vận chuyển người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế. Trường hợp có nhiều hơn một người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế cùng được vận chuyển trên một phương tiện thì mức thanh toán cũng chỉ được tính như đối với vận chuyển một người.

4. Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế đang trong thời gian cách ly mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì phải thanh toán chi phí khám bệnh, điều trị bệnh đó theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; nếu người đó có thẻ bảo hiểm y tế thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

5. Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tử vong thì được miễn chi phí cho việc bảo quản, quàn ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Mức chi theo thực tế phát sinh trên cơ sở hoá đơn, chứng từ hợp lệ đảm bảo theo đúng các quy định về chuyên môn y tế của việc bảo quản, quàn, ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

6. Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cơ sở thực hiện cách ly y tế cung cấp bữa ăn theo yêu cầu, phù hợp với khả năng của cơ sở thực hiện cách ly y tế. Chi phí tiền ăn do người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tự chi trả. Trường hợp người bị cách ly y tế là người thuộc hộ nghèo theo quy định thì được hỗ trợ tiền ăn theo mức 40.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly y tế.

7. Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cơ sở thực hiện cách ly y tế cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly y tế để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn (nếu có).

Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí thực hiện chế độ quy định tại Điều 2 Thông tư này do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; nguồn vận động, đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Trách nhiệm chi trả

1. Cơ sở cách ly y tế có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để thực hiện đầy đủ chế độ cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế quy định tại các khoản 1, 2, 5 và 6 Điều 2 Thông tư này.

2. Cơ sở cách ly y tế tiếp nhận người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế có trách nhiệm thanh toán chi phí vận chuyển người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định tại khoản 3, Điều 2 Thông tư này cho đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ vận chuyển theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1, Điều 2 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP.

Điều 5. Công tác quản lý tài chính

1. Công tác lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí chi trả chế độ cho người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn Luật.

2. Thông tư này hướng dẫn thêm một số điểm về quy trình tổng hợp, bố trí kinh phí chi trả chế độ cho người bị cách ly y tế:

Định kỳ, kết thúc năm ngân sách, các cơ sở thực hiện cách ly y tế có trách nhiệm tổng hợp kinh phí đã chi theo chế độ cho người bị cách ly y tế quy định tại Điều 2 Thông tư này trong năm gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để được xem xét, xử lý; cụ thể như sau:

a) Đối với các cơ sở thực hiện cách ly y tế thuộc hệ thống công lập

- Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

+ Các cơ sở thực hiện cách ly y tế có trách nhiệm lập báo cáo tổng hợp kinh phí đã chi theo chế độ cho người bị cách ly y tế theo Biểu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này và gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp theo phân cấp ngân sách hiện hành (sau đây gọi tắt là cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp).

+ Cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp thẩm định và tổng hợp kinh phí đã chi theo chế độ cho người bị cách ly y tế của các cơ sở thực hiện cách ly y tế thuộc phạm vi quản lý theo Biểu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này gửi cơ quan Tài chính cùng cấp.

+ Cơ quan tài chính có trách nhiệm thẩm định và tổng hợp kinh phí đã chi theo chế độ cho người bị cách ly y tế của các cơ sở thực hiện cách ly y tế thuộc phạm vi quản lý theo Biểu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, giải quyết theo quy định.

- Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ:

+ Các cơ sở thực hiện cách ly y tế có trách nhiệm lập báo cáo tổng hợp kinh phí đã chi theo chế độ cho người bị cách ly y tế theo Biểu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này và gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp theo phân cấp ngân sách hiện hành.

+ Cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp thẩm định, tổng hợp kinh phí đã chi theo chế độ cho người bị cách ly y tế theo Biểu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này gửi cơ quan quản lý cấp trên cho tới Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

+ Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thẩm định, tổng hợp, lập báo cáo theo Biểu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này gửi Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết theo quy định.

b) Đối với các cơ sở ngoài công lập:

- Cơ sở ngoài công lập tham gia thực hiện cách ly y tế có trách nhiệm lập báo cáo tổng hợp kinh phí đã chi theo chế độ cho người bị cách ly y tế theo Biểu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này và gửi Sở Y tế.

- Sở Y tế có trách nhiệm thẩm định và tổng hợp kinh phí đã chi theo chế độ cho người bị cách ly y tế của các cơ sở thực hiện cách ly y tế ngoài công lập thuộc phạm vi quản lý theo Biểu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này gửi Sở Tài chính.

- Sở Tài chính có trách nhiệm thẩm định và tổng hợp kinh phí đã chi theo chế độ cho người bị cách ly y tế của các cơ sở ngoài công lập thực hiện cách ly y tế thuộc phạm vi quản lý đã được Sở Y tế thẩm định và tổng hợp theo Biểu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, giải quyết theo quy định.

c) Trường hợp kinh phí đã chi để thực hiện các chế độ cho người bị cách ly y tế vượt quá khả năng của cơ sở thực hiện cách ly y tế, cơ sở lập báo cáo tổng hợp kinh phí đã chi gửi cơ quan quản lý cấp trên (đối với cơ sở công lập) và gửi Sở Y tế (đối với cơ sở ngoài công lập) theo quy định tại điểm a và b khoản này để được xem xét xử lý theo quy định.

Điều 6. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 4 năm 2012.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=27427&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận