Nhằm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị số 10-NQ/TƯ ngày 5/4/1988 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Trọng tài kinh tế Nhà nước ra Thông tư hướng dẫn về ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế bán vật tư, mua nông sản như sau:
I- Về chủ thể hợp đồng kinh tế
So với các quy định trước đây của Nhà nước về chủ thể hợp đồng kinh tế, Nghị quyết 10-NQ/TƯ đã cho phép mở rộng các chủ thể hợp đồng kinh tế đến các hộ kinh tế tư nhân, các hộ gia đình xã viên, do đó, chủ thể hợp đồng kinh tế mà Thông tư này hướng dẫn là:
1. Về phía tổ chức kinh tế quốc doanh:
a) Các tổ chức kinh tế được Nhà nước giao nhiệm vụ kinh doanh lương thực, nông sản, lâm sản, thuỷ sản.
b) Các tổ chức dịch vụ như tưới tiêu làm đất, cung ứng vật tư, giống, công cụ máy móc, sửa chữa cơ khí, xay xát, bảo hiểm cây trồng vật nuôi.
2. Về phía người sản xuất:
a) Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và nghề muối.
b) Các hợp tác xã mua bán xã.
c) Các hộ gia đình xã viên, hộ kinh tế tư nhân sản xuất ra những nông sản phẩm với số lượng lớn và các hộ được phép làm đại lý mua nông sản có thể ký hợp đồng kinh tế trực tiếp với các tổ chức kinh tế quốc doanh. Các hộ còn lại nói chung nếu có sản phẩm hàng hoá bán cho Nhà nước thì nên thông qua hợp tác xã nông nghiệp hoặc hợp tác xã mua bán. Các hợp đồng ký với tư nhân phải được Uỷ ban nhân dân xã xác thực (quy định này chỉ áp dụng tạm thời trong lúc chưa có quy định của Luật dân sự).
II- Về nội dung, phương thức ký kết,
thực hiện hợp đồng kinh tế
1. Về ký kết hợp đồng để xây dựng kế hoạch:
Để thực hiện những quy định của Nghị quyết số 10-NQ/TƯ: "Các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh dựa trên cơ sở quy hoạch vùng, các chính sách khuyến khích sản xuất của Nhà nước, các hợp đồng kinh tế ký kết với các đơn vị kinh tế quốc doanh và các tổ chức kinh tế khác nhu cầu thị trường và khả năng sản xuất của mình; kế hoạch do đại hội xã viên quy định. Nhà nước thông qua hệ thống các chính sách đòn bẩy kinh tế và pháp luật để quản lý, không giao chỉ tiêu pháp lệnh trực tiếp..."
Các đơn vị kinh tế cơ sở cần thiết thực hiện:
a) Phải coi hợp đồng kinh tế là một trong những đòn bẩy kinh tế quan trọng và là công cụ pháp lý của Nhà nước để quản lý kinh tế tập thể, cá thể trong nông nghiệp. Thông qua hợp đồng kinh tế mà hướng các thành phần kinh tế vào việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch của Nhà nước. Do đó, đi đôi với việc Nhà nước không giao chỉ tiêu pháp lệnh trực tiếp thì phải tăng cường hệ thống hợp đồng kinh tế tương ứng, coi hợp đồng là một trong những biện pháp kinh tế chủ yếu - một biện pháp trao đổi sản phẩm có tổ chức của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.
b) Hợp đồng kinh tế được ký kết không phải căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh mà dựa trên quy hoạch và định hướng kế hoạch của Nhà nước và quyền tự chủ của đơn vị kinh tế cơ sở, căn cứ vào nhu cầu thị trường, khả năng sản xuất, kinh doanh của mình, các tổ chức kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể tiến hành ký kết các hợp đồng kinh tế. Dựa trên cơ sở ký kết các hợp đồng kinh tế, các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất xây dựng kế hoạch của mình và trình ra đại hội xã viên quyết định. Các tổ chức kinh tế quốc doanh dựa trên kết quả của ký kết các hợp đồng kinh tế với người sản xuất mà tập hợp lại xây dựng kế hoạch của ngành hàng từ dưới lên và trình ra Nhà nước để cân đối kế hoạch. Do vậy, việc ký kết hợp đồng phải đi trước một bước để làm căn cứ xây dựng kế hoạch, gắn với kế hoạch, với thị trường.
c) Việc ký kết hợp đồng kinh tế không phụ thuộc theo năm kế hoạch mà phải bảo đảm thời vụ sản xuất. Tuỳ theo đặc điểm của mỗi cây trồng, vật nuôi, các bên có thể ký kết hợp đồng kinh tế theo từng vụ, từng năm hoặc ký hợp đồng kinh tế nhiều năm nhằm đẩy mạnh sản xuất và lưu thông hàng hoá.
2. Về nội dung hợp đồng kinh tế:
Nội dung hợp đồng kinh tế phải tuân theo đúng chế độ hợp đồng kinh tế quy định, bao gồm các khoản chủ yếu như số lượng, chất lượng, giá cả, thời gian, địa điểm, phương thức giao nhận, phương thức thanh toán, trách nhiệm vật chất... Các bên cần tuân theo trình tự mà pháp luật đã quy định để ký kết và thực hiện các hợp đồng kinh tế. Nhưng trong lĩnh vực quan hệ hợp đồng kinh tế trao đổi sản phẩm giữa Nhà nước và nông dân, các đơn vị kinh tế cơ sở cần nắm vững các nội dung của Nghị quyết 10-NQ/TƯ đã quy định như:
a) Hợp đồng kinh tế được ký kết phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng, trên cơ sở chính sách liên minh công nông của Đảng. Các chủ thể Hội đồng kinh tế trong các tổ chức kinh tế quốc doanh, cũng như các tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế gia đình xã viên đều bình đẳng trước pháp luật trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế.
b) Về giá cả các bên ký kết hợp đồng kinh tế phải dựa trên nguyên tắc thuận mua, vừa bán. Trong trường hợp các bên có thể mua vật tư, bán nông sản theo tỷ giá và quy định của Nhà nước thì cũng phải được người sản xuất chấp nhận, thoả thuận, chống tình trạng ép cấp, ép giá.
c) Nhà nước đưa vào hợp đồng kinh tế các loại như phân bón hoá học, các dịch vụ tưới tiêu, làm đất... để trao đổi lấy sản phẩm trên cơ sở tỷ giá của Nhà nước quy định. Tuỳ tình hình cụ thể từng nơi, các tổ chức kinh tế quốc doanh có thể đưa vào hợp đồng kinh tế những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống của người sản xuất do các bên tự thoả thuận.
3. Về phương thức hợp đồng:
Các bên có thể hợp đồng theo phương thức:
a) Phương thức đầu tư ứng trước để sản xuất và thu mua lương thực, nông sản sau theo quy định của Nhà nước và được các bên thoả thuận (các loại phân hoá học theo tỷ giá của Nhà nước).
b) Bán vật tư theo giá kinh doanh lấy tiền mua lương thực và nông sản theo giá thoả thuận.
c) Đổi ngay vật tư lấy lương thực và nông sản theo tỷ giá của Nhà nước quy định được nông dân chấp nhận. Trong quan hệ hợp đồng dịch vụ về tưới tiêu, làm đất các bên có thể áp dụng phương thức thanh toán bằng sản phẩm hoặc bằng tiền tuỳ theo quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương. Tuỳ theo đặc điểm của từng loại sản phẩm trong nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp mà chọn phương thức hợp đồng tương ứng nhằm phát triển sản xuất, lưu thông, phân phối nắm cho được hàng hoá vào tay Nhà nước.
Đối với những đơn vị sản xuất tập thể và những gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng, neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, các tổ chức kinh tế quốc doanh cần thực hiện phương thức ứng trước vật tư, thu sản phẩm sau, hoặc cho vay vốn với lãi suất hợp lý để giúp các đơn vị và hộ này có điều kiện bảo đảm sản xuất.
4. Với quyền tự chủ quản lý, các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất có thể ký hợp đồng liên doanh, liên kết kinh tế giữa các thành phần kinh tế dưới nhiều hình thức nhằm phát triển sản xuất, mở rộng giao lưu hàng hoá. Việc ký kết hợp đồng kinh tế này phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và theo đúng pháp luật của Nhà nước.
5. Trong việc thực hiện hợp đồng kinh tế các tổ chức kinh tế quốc doanh có nghĩa vụ cung ứng vật tư, dịch vụ đến tận tay người sản xuất đúng số lượng, chất lượng, thời vụ, giá cả, tiền mặt, phương thức thanh toán mà hợp đồng đã quy định. Đồng thời có nghĩa vụ tổ chức thu mua, tiếp nhận tốt các sản phẩm do người sản xuất bán cho Nhà nước. Về phía người sản xuất có nghĩa vụ bán sản phẩm cho Nhà nước theo đúng số lượng, chất lượng, giá cả mà hợp đồng kinh tế đã quy định.
Khi hợp đồng kinh tế hết hiệu lực, các bên có nghĩa vụ thanh lý hợp đồng kinh tế, lập biên bản thanh lý xác nhận những kết quả thực hiện, giải quyết những tồn tại hoặc kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết những vấn đề mà các bên không giải quyết được.
III- Xử lý các tranh chấp và vi phạm hợp đồng kinh tế
Khi xẩy ra các tranh chấp và vi phạm hợp đồng kinh tế, các bên phải chủ động gặp nhau bàn bạc, thương lượng giải quyết. Nếu không giải quyết được bằng thương lượng thì bên bị vi phạm khiếu nại đến cơ quan trọng tài kinh tế có thẩm quyền xét xử theo pháp luật hiện hành.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu tổ chức kinh tế tập thể không bán đủ sản phẩm cho Nhà nước tương ứng với khối lượng vật tư đã được cung ứng mà không có lý do chính đáng thì phải chịu trách nhiệm phạt vật chất và phải giao đủ số sản phẩm theo hợp đồng kinh tế đã ký cho tổ chức kinh tế quốc doanh. Nếu do bị thiên tai mất mùa thì tổ chức kinh tế tập thể có trách nhiệm bán bù vào vụ sau, năm sau, hoặc phải thanh toán số vật tư còn nợ theo giá kinh doanh của Nhà nước vào thời điểm mà các bên thanh lý. Gặp trường hợp cá biệt mà tổ chức kinh tế tập thể không thanh lý được thì cơ quan Trọng tài kinh tế có thẩm quyền phải làm việc với Uỷ ban nhân dân huyện để thống nhất biện pháp xử lý.
- Nếu tổ chức kinh doanh tập thể đem sản phẩm bán ra ngoài, không bán đủ cho tổ chức kinh tế quốc doanh theo hợp đồng kinh tế đã ký thì phải chịu phạt vật chất và bồi thường thiệt hại như pháp luật đã quy định.
- Nếu tổ chức kinh tế Nhà nước không cung ứng vật tư đúng số lượng, chất lượng, thời vụ, giá cả, phương thức giao nhận, phương thức thanh toán theo hợp đồng kinh tế đã ký mà không có lý do khách quan chính đáng thì phải chịu phạt và bồi thường thiệt hại cho người sản xuất theo pháp luật quy định.
- Nếu tổ chức kinh tế Nhà nước không cung ứng vật tư đến tận tay người sản xuất theo hợp đồng kinh tế đã ký mà lại đem vật tư sử dụng tuỳ tiện thì ngoài việc phải bị phạt và bồi thương thiệt hại theo pháp luật về hợp đồng kinh tế, còn bị truy cứu trách nhiệm hành chính hay hình sự tuỳ theo mức độ vi phạm.
- Về thẩm quyền giải quyết các vụ tranh chấp, vi phạm hợp đồng kinh tế vẫn theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
IV- Về trách nhiệm chỉ đạo thực hiện hợp đồng kinh tế
a) Các tổ chức kinh doanh ngành hàng nếu được Nhà nước giao quản lý quỹ vật tư để hợp đồng kinh tế nắm sản phẩm thì phải bảo đảm cung ứng phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và các hộ gia đình xã viên.
Các tổ chức ngành hàng từ Trung ương, tỉnh, huyện phải tổ chức ký kết các hợp đồng kinh tế trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi nhằm bảo đảm quyền hạch toán độc lập của mỗi thành viên và phát huy tác dụng, hỗ trợ lẫn nhau giữa các đơn vị trong hệ thống công ty, tạo điều kiện cho các công ty ngành hàng ký kết và thực hiện nghiêm túc các hợp đồng kinh tế với người sản xuất.
b) Để ký kết và thực hiện tốt các hợp đồng kinh tế với các tổ chức kinh tế quốc doanh, dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân huyện, xã, ban quản lý hợp tác xã, tập đoàn sản xuất có nhiệm vụ tổ chức ký kết và thực hiện tốt các hợp đồng khoán trong nội bộ hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, nhằm phân phối tốt vật tư đến tận tay người sản xuất và thu gom các sản phẩm để bán cho các tổ chức kinh tế quốc doanh theo hợp đồng kinh tế đã ký, đồng thời tổ chức tốt hợp đồng đấu thầu nhằm phát triển sản xuất và nâng mức thu nhập của xã viên.
c) Uỷ ban nhân dân huyện có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế giữa các đơn vị cung ứng, vận chuyển, thu mua sản phẩm với cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện.
Để giúp Uỷ ban nhân dân huyện làm được nhiệm vụ đó, sự cần thiết phải củng cố, kiện toàn Trọng tài kinh tế cấp huyện có đủ số lượng và chất lượng hoạt động để hướng dẫn việc ký kết, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và xử lý các vụ tranh chấp và vi phạm hợp đồng kinh tế.
Trên đây là những điều hướng dẫn thi hành Nghị quyết 10-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và các Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng trong lĩnh vực hợp đồng kinh tế bán vật tư, mua nông sản giữa Nhà nước và nông dân, đề nghị các ngành, các cấp trong chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TƯ cần quan tâm phổ biến Thông tư này đến các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và các đơn vị kinh tế quốc doanh được giao nhiệm vụ ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế bán vật tư, mua nông sản.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ban hành, thay thế Thông tư số 4-TT/NN ngày 13-10-1986 của Trọng tài kinh tế Nhà nước hướng dẫn thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều.
Yêu cầu các đồng chí Chủ tịch Trọng tài kinh tế các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương nghiên cứu kỹ Thông tư này để quán triệt và thi hành.
Trong quá trình thực hiện nếu vướng mắc, đề nghị các ngành, các cấp phản ánh về Trọng tài kinh tế Nhà nước để nghiên cứu giải quyết.