Văn bản pháp luật: Thông tư 34/2012/TT-BQP

Toàn quốc
Công báo số 361+362, năm 2012
Thông tư 34/2012/TT-BQP
Thông tư
01/06/2012
17/04/2012

Tóm tắt nội dung

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Quyết định số 111/2009/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng

Thứ trưởng - Thượng tướng
2.012
Bộ Quốc phòng

Toàn văn

THÔNG TƯ

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Quyết định số 111/2009/QĐ-TTg

ngày 01 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện,

thủ tục tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng

________________________

 

Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Quyết định số 111/2009/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng;

Xét đề nghị của Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết thi hành một số điều của Quyết định số 111/2009/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng (Giấy chứng nhận) cho tổ chức, cá nhân; thẩm quyền ký kết hợp đồng, nghiệm thu sản phẩm; chế độ báo cáo, kiểm tra, thanh tra tình hình tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng và nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng theo quy định tại Quyết định số 111/2009/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng (Quyết định số 111/2009/QĐ-TTg).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.

2. Các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt và cơ sở động viên công nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nhu cầu huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng là nhu cầu cần cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích phục vụ quốc phòng theo kế hoạch của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.

2. Vật tư đặc chủng là các loại vật tư chuyên dụng dùng cho quốc phòng để sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài, đạn dược và trang bị kỹ thuật quân sự.

Điều 4. Lĩnh vực hoạt động công nghiệp quốc phòng phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận

1. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để tạo ra các sản phẩm quốc phòng. Sản xuất, sửa chữa, cải tiến hiện đại hóa vũ khí, khí tài, trang thiết bị kỹ thuật; sản xuất thuốc phóng, thuốc nổ, hóa chất, chất phóng xạ phục vụ quốc phòng và an ninh.

2. Dịch vụ thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, xây dựng công trình liên quan đến bí mật nhà nước thuộc phạm vi quốc phòng. Xây dựng cơ bản các công trình, hạng mục công trình trực tiếp phục vụ sản xuất vũ khí, đạn, thuốc phóng thuốc nổ, trang thiết bị kỹ thuật quân sự.

3. Mua sắm vật tư đặc chủng cho sản xuất, sửa chữa các sản phẩm, bán thành phẩm, cụm chi tiết chính của các loại vũ khí, đạn dược, trang bị kỹ thuật quận sự và các vật tư có tính chất cháy nổ, nguy hiểm cao.

4. Đào tạo nguồn nhân lực cho thiết kế vũ khí, đạn dược, trang bị kỹ thuật quân sự, thuốc phóng thuốc nổ và chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm thuộc các lĩnh vực nêu trên phục vụ quốc phòng và an ninh quốc gia.

Điều 5. Lĩnh vực hoạt động công nghiệp quốc phòng được miễn làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận

1. Sản xuất các chi tiết (đúc, nhiệt luyện, mạ, gia công cơ khí chính xác, các chi tiết nhựa, compozit…) cho các sản phẩm thuộc Khoản 1 Điều 4 Thông tư này.

2. Dịch vụ thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ không liên quan đến an ninh, bảo mật quốc gia. Xây dựng cơ bản các công trình, hạng mục công trình không thuộc các công trình quy định tại Khoản 2, Điều 4 Thông tư này.

3. Mua sắm, dự trữ, bảo quản vật tư, kỹ thuật thông dụng;

4. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực không thuộc ngành nghề đặc thù quốc phòng và an ninh.

Điều 6. Đối tượng tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng được miễn làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận

1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài đã có Giấy phép đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài mua hoặc cung cấp vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt hợp đồng xuất nhập khẩu.

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THẨM ĐỊNH VÀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN

Điều 7. Hồ sơ thẩm định

1. Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng đối với tổ chức trong nước:

a) 01 bản chính: Đơn đề nghị tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng có ghi rõ những thông tin, tư liệu chủ yếu về tổ chức và các lĩnh vực hoạt động cụ thể (Mẫu đơn quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này);

b) 01 bản sao có chứng thực: Quyết định thành lập doanh nghiệp. Danh sách, địa chỉ các đơn vị trực thuộc;

c) 01 bản sao có chứng thực Đăng ký kinh doanh;

d) 01 bản sao có chứng thực: Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy do cơ quan công an có thẩm quyền cấp (đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện);

đ) 01 bản sao có chứng thực: Báo cáo tài chính đã được kiểm toán ba năm gần nhất;

e) 01 bản sao có chứng thực: Danh sách và tóm tắt lý lịch cán bộ lãnh đạo, quản lý;

g) 01 bản sao có chứng thực: Hồ sơ của Giám đốc, Phó Giám đốc, gồm có: bản khai lý lịch cá nhân có xác nhận của cơ quan chủ quản; Bằng tốt nghiệp đại học;

h) 01 bản sao có chứng thực: Tài liệu về điều kiện kỹ thuật; thiết kế mặt bằng công nghệ dây chuyền sản xuất; quy trình công nghệ sản xuất;

i) 01 bản sao có chứng thực: Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường đối với cơ sở sản xuất do cơ quan có thẩm quyền cấp;

k) Số lượng: 01 Bộ.

2. Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng đối với cá nhân trong nước:

a) 01 bản chính: Đơn đề nghị tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng ghi rõ những thông tin, tư liệu chủ yếu về bản thân và lĩnh vực hoạt động cụ thể (Mẫu đơn quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này);

b) 01 bản sao có chứng thực: Văn bằng chuyên môn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật gắn với lĩnh vực hoạt động công nghiệp quốc phòng mà cá nhân có nhu cầu tham gia;

c) 01 bản sao có chứng thực: Tài liệu chứng minh năng lực tài chính;

d) 01 bản sao có chứng thực: Tóm tắt lý lịch được cấp chủ quản xác nhận;

đ) Số lượng: 01 Bộ.

3. Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng đối với tổ chức nước ngoài:

a) 01 bản chính: Đơn đề nghị tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng có ghi rõ những thông tin, tư liệu chủ yếu về tổ chức và các lĩnh vực hoạt động cụ thể (Mẫu đơn quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này);

b) 01 bản sao có chứng thực: Quyết định thành lập doanh nghiệp. Danh sách, địa chỉ các thành viên trực thuộc;

c) 01 bản sao có chứng thực: Báo cáo tài chính đã được kiểm toán ba năm gần nhất;

d) 01 bản sao có chứng thực: Danh sách và tóm tắt lý lịch cán bộ lãnh đạo, quản lý;

đ) 01 bản sao có chứng thực: Tài liệu về điều kiện kỹ thuật; thiết kế mặt bằng công nghệ dây chuyền sản xuất; quy trình công nghệ sản xuất;

e) 01 bản sao có chứng thực: Quyết định cho thuê đất tại Việt Nam của cấp có thẩm quyền để hoạt động công nghiệp quốc phòng trong lĩnh vực mà tổ chức có nhu cầu tham gia (nếu có);

g) Số lượng: 01 Bộ.

4. Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng đối với cá nhân người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài:

a) 01 bản chính: Đơn đề nghị tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng ghi rõ những thông tin, tư liệu chủ yếu về bản thân và lĩnh vực hoạt động cụ thể (Mẫu đơn quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này);

b) 01 bản sao có chứng thực: Văn bằng chuyên môn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật gắn với lĩnh vực hoạt động công nghiệp quốc phòng mà cá nhân muốn tham gia;

c) 01 bản sao có chứng thực: Tài liệu chứng minh năng lực tài chính;

d) 01 bản sao có chứng thực: Tóm tắt lý lịch được cấp chủ quản xác nhận;

đ) 01 bản sao có chứng thực: Hộ chiếu và Giấy phép cư trú tại Việt Nam theo quy định của pháp luật;

e) 01 bản sao có chứng thực: Bản tóm tắt lý lịch cá nhân được chính quyền địa phương nơi cư trú tại nước ngoài xác nhận;

g) 01 bản sao có chứng thực: Hợp đồng liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh (nếu có);

h) Số lượng: 01 Bộ.

Điều 8. Trình tự thẩm định

1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng nộp hồ sơ hoặc làm việc trực tiếp với Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Địa chỉ 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội.

2. Bộ Quốc phòng ủy quyền cho Tổng cục Công nghiệp quốc phòng chủ trì thành lập Hội đồng tổ chức thẩm định xét duyệt cấp Giấy chứng nhận.

3. Căn cứ kết quả thẩm định hồ sơ hoặc kết luận của Hội đồng thẩm định, Giao Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng thừa ủy quyền Thủ trưởng Bộ Quốc phòng cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp không đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng có văn bản thông báo (nêu rõ lý do không cấp) cho tổ chức hoặc cá nhân có hồ sơ đề nghị tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.

Điều 9. Thời gian thẩm định

1. Trong thời gian 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng (Mẫu Giấy chứng nhận quy định tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này).

2. Trường hợp lĩnh vực hoạt động công nghiệp quốc phòng có tính chất phức tạp, quy mô lớn, có yêu cầu kỹ thuật cao v.v… Tổng cục Công nghiệp quốc phòng thành lập Hội đồng để tổ chức thẩm định. Trong trường hợp này, thời gian tối đa thẩm định và cấp giấy chứng nhận không quá 30 (ba mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Điều 10. Hội đồng thẩm định

1. Thủ trưởng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng làm Chủ tịch hội đồng thẩm định.

2. Thành viên Hội đồng thẩm định gồm đại diện một số cơ quan Bộ Quốc phòng và mời đại diện một số cơ quan nhà nước có liên quan.

3. Hội đồng thẩm định có trách nhiệm xây dựng quy chế hoạt động của Hội đồng và nội dung cần thẩm định.

Điều 11. Nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định

1. Thẩm định tính pháp lý của Hồ sơ theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này.

2. Thẩm tra năng lực thực tế (công nghệ, thiết bị, tài chính và lao động…) của tổ chức, cá nhân theo các quy định tại khoản 1, 2 Điều 6 Quyết định số 111/2009/QĐ-TTg.

3. Kết luận và kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận.

Điều 12. Phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 2 Thông tư này khi làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận phải nộp phí thẩm định theo quy định của pháp luật.

2. Giao Tổng cục Công nghiệp quốc phòng thu phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận. Tổng cục Công nghiệp quốc phòng có trách nhiệm quản lý chặt chẽ nguồn thu và chi, đồng thời thực hiện chế độ thanh quyết toán tài chính theo quy định.

Chương III

THẨM QUYỀN KÝ HỢP ĐỒNG QUỐC PHÒNG, NGHIỆM THU SẢN PHẨM

Điều 13. Thẩm quyền ký kết hợp đồng

1. Chỉ huy các cơ quan, đơn vị được trực tiếp ký kết hợp đồng quốc phòng với tổ chức, cá nhân trên cơ sở nhu cầu huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng theo kế hoạch đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt.

2. Cơ quan, đơn vị ký kết hợp đồng có trách nhiệm xác định hình thức ký kết hợp đồng quốc phòng với tổ chức, cá nhân theo một trong hai phương thức: đặt hàng trực tiếp hoặc tổ chức đấu thầu. Hợp đồng có hiệu lực khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành.

3. Nội dung hợp đồng phải đảm bảo đúng chủng loại, số lượng, chỉ tiêu kỹ thuật của hàng hóa và dịch vụ, đồng thời phải phù hợp với nội dung được xác định theo Giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.

4. Sau khi ký hợp đồng quốc phòng, cơ quan, đơn vị lập báo cáo gửi về cơ quan quản lý cấp trên trực thuộc Bộ Quốc phòng để tổng hợp quản lý, theo dõi quá trình thực hiện.

Điều 14. Nghiệm thu và bảo hành sản phẩm

1. Việc nghiệm thu, thanh lý hợp đồng do cơ quan, đơn vị ký hợp đồng quốc phòng tiến hành với tổ chức, cá nhân theo các điều khoản của Hợp đồng quốc phòng đã ký kết.

2. Tổ chức, cá nhân là chủ sản phẩm có trách nhiệm bảo hành sản phẩm theo thời gian quy định trong Hợp đồng quốc phòng và phù hợp với quy định của pháp luật.

Chương IV

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO, THANH TRA, KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG

Điều 15. Chế độ báo cáo

1. Tổng cục Công nghiệp quốc phòng:

a) Thực hiện chế đạo báo cáo Bộ Quốc phòng định kỳ hàng năm về tình hình hoạt động công nghiệp quốc phòng;

b) Báo cáo đột xuất hoặc báo cáo theo yêu cầu của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng.

2. Cơ quan quản lý trực thuộc Bộ Quốc phòng:

a) Tổng hợp báo cáo Cục Quân lục trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt kế hoạch nhu cầu huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng;

b) Báo cáo Tổng cục Công nghiệp quốc phòng nhu cầu tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng đã được phê duyệt để tổng hợp quản lý, kiểm tra trong quá trình triển khai thực hiện.

3. Cơ quan, đơn vị có nhu cầu huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng và được giao nhiệm vụ ký kết hợp đồng quốc phòng:

a) Báo cáo cơ quan quản lý cấp trên thực thuộc Bộ Quốc phòng về kế hoạch nhu cầu huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.

b) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với cơ quan quản lý cấp trên trực thuộc Bộ Quốc phòng và Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan chức năng hoặc Thủ trưởng Bộ Quốc phòng.

4. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng:

Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với cơ quan ký hợp đồng và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng.

5. Hình thức báo cáo: Bằng văn bản.

a) Báo cáo định kỳ:

- Báo cáo 6 tháng: trước ngày 25/6 hàng năm;

- Báo cáo năm: trước ngày 20/12 hàng năm.

b) Báo cáo đột xuất:

- Khi có vướng mắc cần được giải quyết: chậm nhất 7 ngày sau khi sự việc xảy ra.

- Theo yêu cầu của cơ quan quản lý trong trường hợp cần thiết.

6. Nội dung báo cáo:

Báo cáo tình hình tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng (Mẫu báo cáo quy định tại Phụ lục IV kèm theo Thông tư này).

Điều 16. Chế độ thanh tra

Thanh tra Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra quá trình thực hiện hợp đồng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng và cơ quan, đơn vị ký kết hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Chế độ kiểm tra

Tổng cục Công nghiệp quốc phòng chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra hoạt động công nghiệp quốc phòng của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.

1. Kiểm tra thường xuyên thực hiện ít nhất hai năm một lần; kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng.

2. Nội dung kiểm tra triển khai hoạt động công nghiệp quốc phòng theo Giấy chứng nhận; Hợp đồng quốc phòng đã ký kết và các quy định khác có liên quan của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.

Chương V

NHIỆM VỤ CỦA CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Điều 18. Nhiệm vụ của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng

1. Tham mưu giúp Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động công nghiệp quốc phòng của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước.

2. Phối hợp với Bộ Công Thương thông báo nhu cầu cần huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng đến tổ chức, cá nhân.

3. Chủ trì thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.

4. Thông báo danh sách tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng với Bộ Công Thương.

5. Chủ trì xây dựng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động công nghiệp quốc phòng của các tổ chức, cá nhân theo Thông tư này.

6. Tổ chức kiểm tra hoạt động công nghiệp quốc phòng của các tổ chức, cá nhân; xử lý vi phạm theo quy định.

7. Quản lý thu, chi phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận.

8. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

Điều 19. Nhiệm vụ của Cục Kế hoạch và Đầu tư

1. Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án phân bổ ngân sách theo nhiệm vụ huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng của các cơ quan, đơn vị trình Bộ Quốc phòng quyết định.

2. Tham gia thẩm định, kiểm tra hoạt động công nghiệp quốc phòng của các tổ chức, cá nhân.

3. Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về quản lý đầu tư thuộc lĩnh vực hoạt động công nghiệp quốc phòng.

Điều 20. Nhiệm vụ của Cục Tài chính

1. Căn cứ kế hoạch về nhu cầu huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt. Phối hợp với Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và cơ quan chức năng trong việc bảo đảm ngân sách cho các nhiệm vụ hoạt động công nghiệp quốc phòng.

2. Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định giá sản phẩm quốc phòng trình Bộ Quốc phòng quyết định và quản lý giá sản phẩm quốc phòng trong hoạt động công nghiệp quốc phòng.

3. Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý ngân sách, vốn, tài sản … được sử dụng trong hoạt động công nghiệp quốc phòng.

4. Hướng dẫn quản lý thu, chi phí thẩm định cấp giấy chứng nhận.

Điều 21. Nhiệm vụ của cơ quan và đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng

1. Hàng năm xác định và lập kế hoạch về nhu cầu huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng gửi về Cục Quân lực tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt.

2. Thực hiện nhiệm vụ theo chức năng và phân công của Chủ tịch Hội đồng thẩm định khi tham gia Hội đồng thẩm định cấp Giấy chứng nhận.

3. Tham gia thanh tra, kiểm tra các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân về thực hiện hợp đồng quốc phòng theo lĩnh vực quản lý.

Điều 22. Nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị có nhu cầu huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng và được giao nhiệm vụ ký kết hợp đồng quốc phòng

1. Hàng năm xác định và lập kế hoạch nhu cầu huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên tổng hợp báo cáo Cục Quân lực trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt.

2. Tổ chức ký và thực hiện hợp đồng quốc phòng với tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.

3. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

Điều 23. Nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng

1. Chấp hành các nội dung theo quy định của Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng và Thông tư này.

2. Thực hiện chế độ báo cáo và chịu sự kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật.

3. Quản lý Giấy chứng nhận và thực hiện nộp lệ phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận theo quy định.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Điều 25. Tổ chức thực hiện

Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm các Tổng cục, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Quốc phòng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp hướng dẫn thực hiện Thông tư này.

Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=27481&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận