Thông tưTHÔNG TƯ CỦA BỘ TÀI CHÍNH
Quy định tạm thời về việc thành lập,
chấp hành, quyết toán ngân sách Nhà nước trong hệ thống tài chính
Thi hành Quyết định số 07/HĐBT ngày 4-1-1990 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thi thành lập hệ thống Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính và Quyết định số 71-TC/QĐ/TCCB ngày 28-2-1990 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tạm thời chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống Kho bạc Nhà nước;
Để tạo điều kiện cho hệ thống Kho bạc Nhà nước hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao: Bộ Tài chính quy định tạm thời về việc lập, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước trong hệ thống tài chính như sau;
I. LẬP VÀ THÔNG BÁO KẾ HOẠCH NGÂN SÁCH
1- Cơ quan tài chính.
Cơ quan tài chính các cấp thực hiện việc lập và thông báo kế hoạch thu, chi ngân sách Nhà nước hàng năm, quý cho các Bộ, ngành, địa phương, các quận huyện, thị xã, các Sở chủ quản và các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của từng cấp ngân sách; đồng thời gửi cho Kho bạc Nhà nước (kế hoạch năm có chia ra từng quý, kế hoạch quý có chia ra từng tháng). Cụ thể như sau:
a)
Ở trung ương: Vụ Ngân sách Nhà nước thông báo cho Cục Kho bạc Nhà nước kế hoạch thu chi ngân sách Nhà nước giao cho các Bộ, ngành, các địa phương, bao gồm:Kế hoạch tổng hợp thu ngân sách Nhà nước (chia ra ngân sách trung ương, Ngân sách địa phương).
Kế hoạch thu, chi ngân sách trung ương theo Bộ, ngành chủ quản.
Kế hoạch thu, chi ngân sách trung ương trên địa bàn tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.
Kế hoạch thu ngân sách Nhà nước, chi ngân sách địa phương của từng tỉnh, thành phố, đặc khu và kế hoạch trợ cấp của ngân sách trung ương (nếu có).
Tỉ lệ điều tiết các khoản thu ngân sách Nhà nước cho ngân sách các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.
Để tổng hợp xây dựng được kế hoạch thu, chi ngân sách trung ương theo địa bàn từng địa phương, yêu cầu các Cục, Vụ liên quan có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời cho Vụ ngân sách Nhà nước các tài liệu về kế hoạch thu, chi ngân sách của các Bộ, ngành thuộc phạm vi các Vụ quản lý phân theo địa bàn từng tỉnh, thành phố.
b)
Ở các tỉnh, thành phố: Sở tài chính thông báo cho Chi cục Kho bạc Nhà nước kế hoạch thu, chi ngân sách địa phương, kế hoạch thu, chi giao cho các Sở, các ngành chủ quản, các quận, huyện, bao gồm:Kế hoạch tổng hợp thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh, thành phố (có phân chia ra ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh, ngân sách huyện); kế hoạch chi ngân sách địa phương.
Kế hoạch thu ngân sách Nhà nước (chia ra ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện) theo địa bàn từng quận, huyện.
Kế hoạch chi ngân sách cấp tỉnh, ngân sách huyện theo địa bàn huyện kế hoạch trợ cấp cho ngân sách huyện (nếu có).
Kế hoạch thu, chi ngân sách theo sở, ngành chủ quản.
Tỉ lệ điều tiết các khoản thu ngân sách Nhà nước cho ngân sách cấp tỉnh, ngân sách từng quận, huyện, thị xã.
c)
Ở huyện: Phòng tài chính giá cả thông báo cho chi nhánh Kho bạc Nhà nước kế hoạch thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện (có chia ra ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh, ngân sách huyện); kế hoạch thu, chi ngân sách huyện.Các kế hoạch trên ghi rõ chỉ tiêu cụ thể.
Về thời gian kế hoạch năm gửi trước ngày 10 tháng 12 năm trước; kế hoạch quý gửi trước ngày 20 của tháng cuối quý trước. Trường hợp chưa có chỉ tiêu kế hoạch chính thức thì thông báo kế hoạch dự kiến, khi có kế hoạch chính thức sẽ điều chỉnh và thông báo lại cho Kho bạc Nhà nước.
2- Kho bạc Nhà nước.
Các đơn vị Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm tham gia với các cơ quan tài chính cùng cấp trong việc lập kế hoạch thu, chi ngân sách hàng năm, quý.
Trên cơ sở các chỉ tiêu thu, chi ngân sách do Vụ ngân sách Nhà nước thông báo và kế hoạch của các Bộ, ngành Trung ương gửi đến; Cục Kho bạc Nhà nước thông báo kế hoạch thu, chi Ngân hàng Nhà nước, ngân sách trung ương, ngân sách địa phương trên địa bàn địa phương cho các Chi cục Kho bạc Nhà nước.
Căn cứ vào kế hoạch thu, chi ngân sách Nhà nước do Cục Kho bạc Nhà nước thông báo và kế hoạch thu, chi ngân sách địa phương do Sở Tài chính thông báo; Chi cục Kho bạc Nhà nước thông báo kế hoạch thu, chi ngân sách cho các Chi nhánh Kho bạc Nhà nước để theo dõi đôn đốc và giám sát việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, các tổ chức kinh tế trong phạm vi địa phương.
II. ĐIỀU HÀNH NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
1- Cơ quan tài chính: Có trách nhiệm tổ chức theo dõi, đôn đốc thu nộp kịp thời và đầy đủ các khoản thu đã phát sinh vào quỹ ngân sách Nhà nước để đảm bảo nguồn thu của ngân sách theo kế hoạch, đáp ứng yêu cầu chi cho các đơn vị theo kế hoạch được duyệt; kiểm tra giám sát việc chấp hành chế độ chi tiêu và kỷ luật tài chính theo nguyên tắc:
Ngân sách cấp nào chỉ được quyền sử dụng quỹ của ngân sách cấp đó.
Cơ quan tài chính thực hiện cấp phát ngân sách Nhà nước bằng lệnh chi tiền theo chương, loại, khoản, hạng, mục của mục lục ngân sách Nhà nước; cấp bằng thông báo hạng mức kinh phí cho các đơn vị dự toán cấp I theo chương, loại, khoản, hàng và các nhóm mục: Mục 59, mục 64 (bao gồm mục 64 và 65), Mục 66 (bao gồm mục 66 và 67) mục 72 và mục 97 theo quy định hiện hành.
Cơ quan tài chính là đơn vị ra lệnh thoái thu.
Khi tồn quỹ ngân sách các cấp không còn đủ để đảm bảo chi trả theo kế hoạch thông báo, các cơ quan tài chính cần bàn bạc, thống nhất với Kho bạc Nhà nước để quy định trật tự ưu tiên cho từng khoản chi. Trong trường hợp cần thiết, để đảm bảo đáp ứng một số khoản chi cấp bách khi ngân sách địa phương chưa thu được, Giám đốc Sở Tài chính và Chi cục trưởng Chi cục Kho bạc Nhà nước bàn bạc với nhau và xin ý kiến của Cục Kho bạc Nhà nước xem xét có thể cho tạm ứng tồn quỹ kho bạc để sử dụng, nhưng Sở Tài chính sẽ phải hoàn trả kịp thời theo đúng quy định của Cục Kho bạc Nhà nước.
Việc chỉ đạo điều hành kế hoạch thu, chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh, thành phố, quận, huyện của Uỷ ban nhân dân và cơ quan tài chính địa phương các cấp thực hiện theo đúng Nghị định số 168-CP ngày 20-10-1961 của Hội đồng Chính phủ ban hành về điều lệ lập và chấp hành ngân sách Nhà nước; Nghị định số 108-CP ngày 13-5-1987 của Hội đồng Chính phủ quy định về trách nhiệm, quyền hạn quản lý Tài chính và ngân sách của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện; Nghị quyết số 186-HĐBT ngày 27-11-1989 của Hội đồng Bộ trưởng về phân cấp quản lý ngân sách cho địa phương.
2- Kho bạc Nhà nước:
Các đơn vị Kho bạc Nhà nước phối hợp chặt chẽ với cơ quan Tài chính các cấp kiểm tra, đôn đốc thu nộp đầy đủ và kịp thời các khoản thu của ngân sách Nhà nước theo kế hoạch và thực tế phát sinh vào quỹ Kho bạc Nhà nước; tổ chức thu nhận trực tiếp các khoản thu ngân sách Nhà nước bằng tiền mặt vào Kho bạc Nhà nước.
Thực hiện chi trả cho các đơn vị giao dịch theo lệnh chi tiền và thông báo hạn mức kinh phí của cơ quan Tài chính: đối với ngân sách trung ương do Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Tài chính ký hoặc Vụ trưởng, Phó vụ trưởng Vụ sn Nhà nước - người được uỷ quyền chính thức ký; đối với ngân sách tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương do Giám đốc hoặc Phó giám đốc Sở Tài chính ký; đối với quận, huyện do Trưởng phòng Tài chính quận, huyện ký. Ngoài ra, không một cá nhân nào và cơ quan nào khác được quyền ra lệnh cho kho bạc chi quỹ ngân sách.
Kiểm tra và hạch toán các khoản thu ngân sách Nhà nước theo đúng chương, loại, khoản, hạng, mục của mục lục ngân sách Nhà nước quy định và phân chia các khoản thu dành cho các cấp ngân sách được hưởng theo đúng tỉ lệ (%) điều tiết quy định của Hội đồng Bộ trưởng (đối với ngân sách trung ương và ngân sách địa phương); của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu (đối với ngân sách cấp tỉnh, thành phố và ngân sách các quận, huyện); thực hiện thoái thu ngân sách theo lệnh của cơ quan tài chính.
Kiểm tra và hạch toán các khoản chi ngân sách Nhà nước theo chứng từ của cơ quan tài chính: đối với lệnh chi tiền hạch toán theo chương, loại, khoản, hạng mục, đối với hạn mức kinh phí hạch toán theo chương, loại, khoản, hạng và các nhóm mục nói trên.
Tổng hợp số thu, chi và tồn quỹ ngân sách các cấp; điện báo hàng ngày, hàng tháng, báo cáo tháng, quý kịp thời, đầy đủ chính xác cho Kho bạc cấp trên và gửi cho cơ quan Tài chính cùng cấp (Phòng Tài chính; Sở Tài chính, Vụ ngân sách Nhà nước) theo chế độ quy định để phục vụ cho việc chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch thu, chi ngân sách Nhà nước của Bộ Tài chính và cơ quan Tài chính địa phương các cấp.
Quan hệ thanh toán luân chuyển chứng từ của Kho bạc Nhà nước thực hiện theo nguyên tắc: nghiệp vụ kinh tế phát sinh về thu, chi ngân sách tại Kho bạc Nhà nước nào thì chứng từ lưu lại kho bạc đó; đồng thời gửi cho cơ quan tài chính cùng cấp (phòng ngân sách các cấp) một liên chứng từ có liên quan kèm theo báo cáo.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chi trả quỹ ngân sách nếu phát hiện thấy đơn vị sử dụng kinh phí không đúng mục đích và tính chất của khoản chi, Kho bạc Nhà nước có quyền yêu cầu đơn vị thuyết minh lý do cụ thể và từ chối chi trả những khoản chi sai chế độ; đồng thời thông báo cho cơ quan tài chính cùng cấp để kiểm tra, xác minh, xử lý.
Cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước từng cấp thống nhất quy định mức tồn quỹ tối thiểu cho từng cấp ngân sách. Khi tồn quỹ chỉ còn ở mức tối thiểu, Kho bạc Nhà nước phải thông báo ngay cho cơ quan tài chính biết để có biện pháp đôn đốc, tăng thu bổ sung tồn quỹ kịp thời; Kho bạc Nhà nước từ chối chi trả khi tồn quỹ ngân sách không còn số dư.
Cho Sở Tài chính (ngân sách địa phương) tạm ứng tồn quỹ kho bạc theo quy định của Cục Kho bạc Nhà nước.
III. QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
1- Hàng năm, Kho bạc Nhà nước các cấp có trách nhiệm lập và cung cấp cho cơ quan tài chính báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách Nhà nước theo từng cấp quản lý và theo mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành. Trước mắt trong năm 1990, Kho bạc Nhà nước các cấp lập và cung cấp cho cơ quan tài chính:
Quyết toán thu ngân sách Nhà nước thuộc cấp quản lý theo chương, mục và thống kê theo loại, khoản, hạng, đồng thời báo cáo tổng số thu của từng cấp ngân sách.
Quyết toán xuất quỹ ngân sách từng cấp (ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh, ngân sách huyện): đối với lệnh chi quyết toán theo chương, mục; đối với hạn mức kinh phí quyết toán theo chương và 5 nhóm mục đã ghi ở điểm 1 mục II; đồng thời có thống kê theo loại, khoản, hạng.
Quyết toán chi hạn mức kinh phí theo từng cấp ngân sách.
2- Thời gian gửi quyết toán:
Quyết toán sơ bộ hết tháng 12 - báo cáo gửi trong tháng 1 năm sau.
Quyết toán chính thức - hết tháng 3 năm sau - báo cáo gửi trong tháng 4 năm sau.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Căn cứ vào quy định trên, các cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước phối hợp tổ chức thực hiện, tạo điều kiện cho mỗi bên hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
2- Cơ quan tài chính cần cải tiến phương pháp lập kế hoạch ngân sách; duy trì và củng cố bộ phận kế toán ở mức độ cần thiết để làm tốt công tác kế toán và quyết toán ngân sách.
3- Các cơ quan Kho bạc Nhà nước phải hoàn thiện công tác tổ chức hạch toán, kế toán, thống kê, phân tích thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác các số liệu thu, chi, tồn quỹ ngân sách cho cơ quan tài chính các cấp.
4- Quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Cục Kho bạc Nhà nước, Vụ ngân sách Nhà nước, các đơn vị liên quan có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể, theo dõi kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị trực thuộc; nếu có vướng mắc thì báo cáo kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.