Văn bản pháp luật: Thông tư 37/2011/TT-NHNN

Nguyễn Đồng Tiến
Toàn quốc
Công báo số 649+650, năm 2011
Thông tư 37/2011/TT-NHNN
Thông tư
12/12/2011
12/12/2011

Tóm tắt nội dung

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2011/TT-NHNN ngày 18 tháng 8 năm 2011 quy định về việc cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá của Ngân hàng nhà nước Việt Nam đối với các tổ chức tín dụng

Phó Thống đốc
2.011
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Toàn văn

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2011/TT-NHNN ngày 18 tháng 8 năm 2011 quy định về việc cho vay

có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá của Ngân hàng nhà nước Việt Nam đối với các tổ chức tín dụng

__________________________________

 

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2011/TT-NHNN ngày 18 tháng 8 năm 2011 quy định về việc cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng (sau đây gọi là Thông tư số 17) như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17 như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 11 như sau:

“3. Trường hợp đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét gia hạn khoản vay cầm cố trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng và lý do gia hạn phù hợp với định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Khi có nhu cầu đề nghị gia hạn khoản vay cầm cố tại Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian tối thiểu là 03 ngày làm việc trước ngày đến hạn khoản vay cầm cố, tổ chức tín dụng có nhu cầu gia hạn phải gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ đề nghị gia hạn khoản vay cầm cố đến Ngân hàng Nhà nước. Hồ sơ gồm:

- Văn bản đề nghị gia hạn khoản vay cầm cố nêu rõ lý do đề nghị gia hạn;

- Các tài liệu quy định tại khoản 3, 4 Điều 15 Thông tư số 17.

Trong thời hạn tối đa 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị gia hạn khoản vay cầm cố, Ngân hàng Nhà nước có thông báo bằng văn bản cho tổ chức tín dụng đề nghị gia hạn về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận gia hạn khoản vay cầm cố (nêu rõ lý do) và gửi cho các đơn vị liên quan.”

2. Bổ sung khoản 5 Điều 20 như sau:

“5. Định kỳ hàng ngày báo cáo hoạt động của tổ chức tín dụng, nguồn vốn và sử dụng vốn cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính (gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố) trong thời gian vay tái cấp vốn Ngân hàng Nhà nước.”

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 21 như sau:

“1. Vụ Chính sách tiền tệ

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xác định mức cung ứng tiền cho mục tiêu tái cấp vốn hàng quý, hàng năm, trong đó bao gồm cả hình thức tái cấp vốn bằng cầm cố giấy tờ có giá trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (gọi tắt là Thống đốc) phê duyệt và thông báo tới các đơn vị liên quan.

b) Tham mưu cho Thống đốc xác định và công bố lãi suất tái cấp vốn để có cơ sở áp dụng đối với nghiệp vụ cầm cố giấy tờ có giá.

c) Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị vay cầm cố của các tổ chức tín dụng.

d) Trình Thống đốc phê duyệt đề nghị cho vay cầm cố giấy tờ có giá của các tổ chức tín dụng và ủy quyền cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện (nếu có) và thông báo tới tổ chức tín dụng đề nghị vay về việc chấp thuận hay không chấp thuận cho vay cầm cố.

đ) Chuyển hồ sơ đã được Thống đốc phê duyệt tới Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước để thực hiện cho vay cầm cố.

e) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện cho vay cầm cố.

g) Trình Thống đốc xem xét, quyết định đề nghị của tổ chức tín dụng về việc thay đổi giấy tờ có giá đang được cầm cố tại Ngân hàng Nhà nước.

h) Tổng hợp tình hình thực hiện cho vay cầm cố từ Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố theo tháng, quý, năm để báo cáo Thống đốc, đồng gửi Vụ Tín dụng.”

4. Sửa đổi khoản 2 Điều 21 như sau:

“2. Vụ Tín dụng

Trình Thống đốc phê duyệt danh mục, thứ tự ưu tiên các giấy tờ có giá được sử dụng trong nghiệp vụ cho vay cầm cố và tỷ lệ giữa giá trị giấy tờ có giá và số tiền vay cầm cố trong từng thời kỳ.”

5. Sửa đổi điểm d khoản 3 Điều 21 như sau:

“d) Tổng hợp số liệu về cho vay cầm cố phát sinh tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước theo định kỳ hàng tháng, quý, năm, phát hiện kịp thời các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện gửi Vụ Chính sách tiền tệ để tổng hợp báo cáo Thống đốc.”

6. Bổ sung khoản 6 Điều 21 như sau:

“c) Phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ có ý kiến về đề nghị vay cầm cố giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng.

d) Cung cấp cho Vụ Chính sách tiền tệ về tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng xin vay, bao gồm cả tình hình đảm bảo khả năng chi trả của tổ chức tín dụng.

đ) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng biện pháp xử lý đối với tổ chức tín dụng khi không trả được nợ vay Ngân hàng Nhà nước”.

7. Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 21 như sau:

“c) Định kỳ hàng tuần, tháng, quý và năm, tổng hợp các thông tin, số liệu về cho vay cầm cố phát sinh tại chi nhánh, phát hiện kịp thời các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện gửi Vụ Chính sách tiền tệ để tổng hợp báo cáo Thống đốc.”

d) Phối hợp với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng khoản vay cầm cố giấy tờ có giá trong thời gian vay vốn của tổ chức tín dụng, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị Thống đốc xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành.

đ) Định kỳ hàng tuần, tháng, năm báo cáo Thống đốc và gửi Vụ Chính sách tiền tệ về tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng có trụ sở chính trên địa bàn đang có dư nợ vay tái cấp vốn.”

Điều 2. Thay thế Mẫu 01/NHNN-CC, Mẫu 06a/NHNN-CC và Mẫu 06b/NHNN-CC ban hành kèm theo Thông tư số 17 bằng các Mẫu 01/NHNN-CC, Mẫu 06a/NHNN-CC và Mẫu 06b/NHNN-CC đính kèm Thông tư này.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 12 năm 2011.

2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./. 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=27179&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận