Thông tưTHÔNG TƯ
Hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán Ngân sách Nhà nước cho bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng gây ra
Căn cứ Nghị định số 47/CP ngày 3/5/1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.
Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước.
Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán ngân sách cho việc bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng (dưới đây gọi tắt là công chức, viên chức) gây ra như sau:
1. Lập dự toán ngân sách cho việc bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng gây ra:
Hàng năm căn cứ vào chế độ, định mức, tiêu chuẩn chi tiêu ngân sách hiện hành của cơ quan nhà nước và tình hình thu, chi ngân sách cho hoạt động bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức gây ra của các năm trước, cơ quan tài chính lập dự toán cho phần bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức gây ra và tổng hợp vào mục chi dự phòng của ngân sách cấp mình.
2. Sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho bồi hoàn thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng gây ra:
Khi phát sinh trường hợp phải bồi thường thiệt hại, căn cứ vào kết luận của Hội đồng xét giải quyết bồi thường thiệt hại và các hồ sơ, chứng từ kèm theo mà cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng nộp, cơ quan tài chính cùng cấp thực hiện việc cấp phát kinh phí cho việc bồi thường thiệt hại theo hình hình thức lệnh chi tiền.
Căn cứ vào kết luận của Hội đồng xét giải quyết việc hoàn trả bồi hoàn thiệt hại và các hồ sơ, chứng từ kèm theo, người gây thiệt nộp trực tiếp khoản hoàn trả bồi thường thiệt hại của mình vào tài khoản chuyên thu của cơ quan tài chính tại Kho bạc Nhà nước.
Trong trường hợp người gây thiệt hại không có khả năng hoàn trả một lần các khoản thiệt hại do mình gây ra, cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc khấu trừ dần vào thu nhập của cá nhân gây thiệt hại, nhưng không dưới 10% và không quá 30% tổng thu nhập từ mức lương và phụ cấp hàng tháng của người gây thiệt hại để hoàn trả vào tài khoản chuyên thu của cơ quan tài chính tại Kho bạc nhà nước.
Cơ quan tài chính cùng cấp mở một tài khoản chuyên thu để thu hồi các khoản hoàn trả bồi thường thiệt hại từ các cá nhân gây thiệt hại. Định kỳ, căn cứ vào quyết định của UBND cùng cấp, cơ quan tài chính ra lệnh thu vào ngân sách nhà nước các khoản thu đó từ tài khoản.
3. Quyết toán ngân sách nhà nước cho việc bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước và người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra:
Việc thu, chi ngân sách nhà nước cho việc bồi thường thiệt hại của cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện theo đúng các trình tự và thủ tục quy định tại Nghị định 87/CP ngày 19/12/1996 và Thông tư 09/TC-TT ngày 18/3/1997 quy định chi tiết việc phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày có hiệu lực của Nghị định số 47/CP ngày 3/5/1997 của Chính phủ, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.