Trong thời gian qua, việc cho vay vốn đối với cán bộ, công nhân, viên chức và xã viên thuộc các tổ chức kinh tế tập thể ở thành thị làm kinh tế gia đình và giải quyết một số trường hợp khó khăn trong đời sống, theo Quyết định số 24/NH/QH ngày 6-4-1983 của Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước bước đầu đã có tác dụng tốt; những người vay đã tranh thủ thời gian ngoài giờ làm việc và tận dụng lao động phụ làm tăng thêm sản phẩm cho xã hội, tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Để triển khai mạnh mẽ hơn nữa chính sách cho vay này và phù hợp với nội dung Nghị quyết lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội, kinh tế gia đình và tích cực giải quyết khó khăn về đời sống của những người lao động, nhất là cán bộ công nhân, viên chức Nhà nước và lực lượng vũ trang. Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước bổ sung những nội dung sau đây vào chính sách, biện pháp cho vay đối với cán bộ công nhân viên và xã viên hợp tác xã ở thành thị làm kinh tế gia đình.
1. Đối với một số cán bộ, công nhân, viên chức ở tại cơ quan không có điều kiện trực tiếp sản xuất, chăn nuôi cũng được chi nhánh Ngân hàng nơi gia đình hiện đang cư trú xét cho vay vốn để tổ chức sản xuất, chăn nuôi tại gia đình, nếu được ban chấp hành công đoàn và thủ trưởng cơ quan quản lý người vay xác nhận có đủ điều kiện thực hiện có hiệu quả kinh tế, cam kết đôn đốc trả nợ đúng hạn cho ngân hàng. Đối với cán bộ quân đội và công an ở tỉnh, huyện có hộ khẩu riêng tại địa phương thì cũng được vay vốn.
2. Cho vay vốn để sửa chữa nhà ở, được áp dụng cả đối với cán bộ, công nhân, viên chức có hộ khẩu ở các thị trấn, thực sự có nhu cầu sửa chữa nhà ở và có giấy phép của cơ quan quản lý nhà đất. Trước mắt chủ yếu cho vay vốn để sửa chữa nhà ở từ cấp 4 trở xuống và phải xem xét tính toán thật chặt chẽ.
3. Người đứng tên vay phải là cán bộ xin vay và chủ hộ phải ký tên chịu trách nhiệm về số tiền vay. Trường hợp người vay không trả được nợ thì chủ hộ hoặc người thừa kế hợp pháp tài sản phải trả.
4. Trong tình hình vốn có hạn, cần ưu tiên trước hết cho vay phát triển kinh tế gia đình đối với những cán bộ công nhân, viên chức đang còn số dư tiền gửi trên sổ tiết kiệm (riêng đối với đối tượng vay sửa chữa nhà và mua sắm đồ tiêu dùng sẽ có quy định mức gửi tiền tiết kiệm dưới đây): sau đó nếu còn vốn mới giải quyết cho vay đối với những người khác.
5. Tuỳ theo từng loại vay, người vay phải bảo đảm có đủ phần vốn tự có theo mức đã quy định trong thể lệ. Phần vốn tự có này có thể bằng tiền mặt, bằng số dư trên sổ tiết kiệm, bằng vật tư thiết bị đang dùng trong sản xuất. Riêng trường hợp vay vốn để sửa chữa nhà ở, phần vốn tự có của người vay, phải có số dư tiền gửi trên sổ tiết kiệm, ít nhất bằng 50% tiền công sửa chữa nhà ở.
6. Đối với loại tín dụng để mua sắm đồ dùng cần thiết và giải quyết khó khăn trong đời sống nay chia làm hai loại:
a) Vốn vay để giải quyết một số đồ dùng cần thiết trong đời sống như phương tiện đi làm việc (xe đạp), chăn màn, áo ấm, thuốc chữa bệnh hoặc phục hồi sức khoẻ.
Loại tín dụng này không đòi hỏi vốn tự có. Mức cho vay tối đa 5000 đồng. Thời hạn vay tối đa 12 tháng.
b) Vay vốn để mua sắm đồ dùng trong gia đình gồm:
- Giường, bàn, ghế, tủ (đồ gỗ);
- Máy thu thành bán dẫn hoặc điện tử.
Người vay phải có vốn tự có, tối thiểu 30% thể hiện trên sổ tiết kiệm.
Mức cho vay tối đa 10.000 đồng.
Thời hạn cho vay tối đa 18 tháng.
Các nhu cầu được vay vốn nói trên, phải mua của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa.
7. Đối với cho vay sản xuất, chăn nuôi, người vay có trách nhiệm trả nợ kịp thời ngay sau khi thực hiện sản phẩm, hoặc tuỳ theo khả năng người vay có thể cam kết trả nợ hàng tháng bằng các thu nhập khác của mình.
8. Đối với loại vay vốn để sửa chữa nhà ở, mua sắm các đồ dùng cần thiết trong đời sống, mua thuốc chữa bệnh phục hồi sức khoẻ, vẫn tiến hành thu nợ hàng tháng. Người vay không nhất thiết phải gửi tiền tiết kiệm đều đặn hàng tháng để tạo nguồn vốn trả nợ.
9. Những vấn đề khác, vẫn thi hành theo Thông tư số 4-NH/TT ngày 20-6-1983.
10. Tổ chức thực hiện:
Các chi nhánh ngân hàng phải bồi dưỡng , hướng dẫn cán bộ làm công tác cho vay nắm vững nghiệp vụ và nâng cao tinh thần trách nhiệm. Công tác kế hoạch hoá phải được quan tâm, nhất là việc xây dựng và chấp hành chỉ tiêu kế hoạch cho vay, thu nợ.
Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, quận, huyện phải tăng cường công tác kiểm tra, chống tham ô, lợi dụng vay vốn, hoặc cho vay không đúng chính sách, nguyên tắc. Hàng tháng, hàng quý các địa phương phải điện báo báo cáo về Trung ương theo đúng nội dung mẫu biểu và thời hạn đã quy định.