Thi hành Quyết định số 177/CT ngày 25-6-1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về xử lý và kiểm tra xử lý vật tư tồn kho ứ đọng, văn bản số 662-V16 ngày 22-6-1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc hướng dẫn xử lý, kiểm tra xử lý vật tư tồn kho ứ đọng và sau khi trao đổi thống nhất với Bộ vật tư, ngân hàng Nhà nước...; Bộ Tài chính hướng dẫn việc sử dụng vốn thu hồi do bán vật tư tồn kho ứ đọng như sau:
I. Nguyên tắc chung.
1. Vật tư, thiết bị, phụ tùng (kể cả thứ liệu) tồn kho ứ đọng, chậm luân chuyển (dưới đây gọi tắt là vật tư tồn kho ứ đọng) dù hình thành từ bất kỳ nguồn vốn nào đều phải xử lý theo đúng trình tự đã được quy định tại Quyết định số 177-CT ngày 26-5-1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và văn bản hướng dẫn số 662-V16 ngày 22-6-1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về xử lý và kiểm tra xử lý vật tư tồn kho ứ đọng.
2. Giá bán vật tư, thiết bị, phụ tùng do bảo quản lâu ngày mà phẩm chất bị giảm sút hoặc lạc hậu về kỹ thuật thì căn cứ vào giá thoả thuận hoặc giá lẻ kinh doanh thương nghiệp của vật tư, thiết bị cùng loại có phẩm chất tốt để định giá theo tỷ lệ phẩm chất tương ứng. Trường hợp đặc biệt phải bán dưới giá vốn ghi trên sổ sách ở thời điểm ngày 1-1-1987 (nếu có) thì đơn vị phải lập phương án giá tiêu thụ gửi cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan tài chính, ngân hàng đồng cấp để tham gia ý kiến và xử lý cụ thể.
3. Vật tư, thiết bị, phụ tùng tồn kho ứ đọng trước đây được mua sắm bằng nguồn vốn nào, sau khi tiêu thụ, đơn vị có trách nhiệm trước hết hoàn trả nguồn vốn đó theo thời giá mua hoặc giá vốn ghi sổ sách ở thời diểm ngày 1 tháng 1 năm 1987. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh được giữ lại 10% khoản tiền chênh lệch giữa giá thực tế bán và giá vốn để bổ sung vốn lưu động tự có. Số tiền chênh lệch giá còn lại phải nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách Nhà nước.
4. Các Ban xử lý vật tư, thiết bị, phụ tùng tồn kho ứ đọng của các đơn vị, xí nghiệp sản xuất kinh doanh được trích 1% trên doanh thu tiêu thụ vật tư, tài sản tồn kho ứ đọng để chi phí vào việc thu gom, kiểm kê, chọn lọc, quảng cáo, hội họp, khen thưởng, v.v....Cuối quý, cuối năm đơn vị, xí nghiệp có trách nhiệm báo cáo quyết toán riêng khoản thu chi này với cơ quan tài chính.
5. Các khoản phải nộp ngân sách do việc xử lý vật tư, thiết bị, phụ tùng tồn kho ứ đọng phát sinh ở đơn vị do Trung ương quản lý (kể cả sản xuất kinh doanh, hành chính sự nghiệp, quốc phòng, an ninh) thì nộp vào ngân sách trung ương ở đơn vị do địa phương quản lý thì nộp vào ngân sách địa phương.
6. Việc mở sổ sách, ghi chép, hạch toán, thanh quyết toán... thực hiện theo đúng chế độ hiện hành về quản lý vật tư, tài sản của Nhà nước. Cuối quý, cuối năm, đơn vị phải báo cáo kết quả về tình hình xử lý vật tư, thiết bị, phụ tùng tồn kho ứ đọng cho cơ quan chủ quản và cơ quan tài chính (Bộ tài chính đối với các đơn vị, xí nghiệp Trung ương; Sở tài chính đối với các đơn vị, xí nghiệp địa phương).
II. Những quy định cụ thể
A. Xác định nguồn vốn và giá bán vật tư, thiết bị, phụ tùng tồn kho ứ đọng.
Các đơn vị, xí nghiệp căn cứ vào kết quả kiểm kê ngày 1 tháng 1 năm 1987, vào sổ sách kế toán, chứng từ nhập, xuất kho để lập bảng kê danh mục vật tư, thiết bị, phụ tùng cần xử lý, xác định giá vốn khi mua vào và từng nguồn vốn khi mua sắm loại vật tư, thiết bị, phụ tùng đó (vốn ngân sách cấp, vốn vay ngân hàng, vốn tự có của xí nghiệp, v.v...).
Đơn vị, xí nghiệp căn cứ vào tình trạng thực tế của vật tư, thiết bị, phụ tùng và đối tượng tiêu thụ để kiến nghị giá bán cho phù hợp.
B. Xử lý khoản tiền thu do bán vật tư, thiết bị, phụ tùng tồn kho ứ đọng và vô chủ.
1. Đối với số tiền thu về bán vật tư, thiết bị, phụ tùng tồn kho ứ đọng thuộc tài sản lưu động ở đơn vị sản xuất kinh doanh:
a) Nếu mua sắm bằng vốn vay ngân hàng mà hiện nay đơn vị vẫn còn nhận nợ thì số tiền thu về do bán số vật tư, thiết bị, phụ tùng tồn kho ứ đọng,
sau khi trừ 1% chi phí xử lý, trước hết đơn vị dùng để trả nợ ngân hàng theo giá vốn. Trường hợp đơn vị sản xuất kinh doanh dùng lợi nhuận, chênh lệch giá đã trả hết nợ vốn vay thì số tiền thu về, sau khi đã trừ 1% chi phí xử lý, đơn vị sản xuất kinh doanh phải nộp vào ngân sách Nhà nước.
b) Nếu vật tư, thiết bị, phụ tùng được mua sắm bằng vốn ngân sách cấp thì số tiền thu về, sau khi trừ 1% chi phí xử lý, đơn vị sản xuất kinh doanh phải nộp vào ngân sách Nhà nước.
c) Trường hợp giá bán vật tư, thiết bị, phụ tùng tồn kho ứ đọng cao hơn giá vốn (đối với hai trường hợp a, b nêu trên) thì đơn vị sản xuất kinh doanh được trích 10% khoản chênh lệch giữa giá bán và giá vốn để bổ sung vốn lưu động tự có.
d) Nếu vật tư, thiết bị, phụ tùng được mua sắm bằng vốn tự có của đơn vị sản xuất kinh doanh thì toàn bộ số tiền thu về do bán vật tư, thiết bị, phụ tùng tồn kho ứ đọng (kể cả chênh lệch giá), sau khi đã trừ 1% chi phí, được hoàn trả lại các quỹ tương ứng của đơn vị sản xuất kinh doanh.
e) Nếu trong đợt kiểm kê ngày 1 tháng 10 năm 1985 mà vật tư, thiết bị, phụ tùng đã được xác định là ứ đọng và đã được ngân sách cấp vốn thì số thu được do bán loại vật tư, thiết bị, phụ tùng này (kể cả chênh lệch giá) sau khi trừ 1% chi phí xử lý, đơn vị sản xuất kinh doanh phải nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước.
2. Đối với số tiền thu về do bán máy móc, thiết bị lẻ... tồn kho ứ đọng thuộc tài sản cố định được áp dụng như các mục a, b, d ở điểm 1, phần B nói trên.
Riêng khoản chênh lệch giữa giá bán thực tế và giá vốn (nói ở mục c, điểm 1, phần B), sau khi trừ 1% chi phí xử lý, đơn vị sản xuất kinh doanh phải nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước.
3. Đối với khoản thu về do bán vật tư, thiết bị, vô chủ hoặc chưa xác định được chủ hàng mà tồn đọng lâu ngày tại các ga, cảng biển, cảng sông hoặc trên các đường giao thông thì các Ban xử lý và kiểm tra xử lý ga,
cảng được tạm thời giữ lại 10% trên doanh thu bán hàng, trong đó dùng 2% để chi phí cho công tác xử lý của Ban và 8% cho cảng để chi phí vào việc tổ chức kiểm kê, thu gom, phân loại, giám định, dọn sạch kho bãi trong quá trình xử lý vật tư tồn kho ứ đọng. Số tiền còn lại 90% phải nộp vào ngân sách Trung ương. Cuối quý, cuối năm các Ban xử lý ga, cảng có trách nhiệm báo cáo quyết toán riêng khoản tiền thu chi này với Bộ Tài chính.
4. Đối với thiết bị toàn bộ.
Thiết bị toàn bộ nộp vào ngân sách Nhà nước đã cấp vốn để thanh toán, nếu được phép của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng cho xử lý thì số tiền thu được do bán thiết bị được xử lý như sau:
a) Loại vật tư, thiết bị thông dụng bán cho các nhu cầu của xã hội theo giá thoả thuận như Quyết định số 177-CT ngày 26-5-1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quy định thì số tiền bán vật tư, thiết bị đó, sau khi đã trừ 1% chi phí xử lý, đơn vị sản xuất kinh doanh phải nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước.
b) Loại thiết bị chuyên dùng giao cho chủ đầu tư cất giữ bảo quản thì đơn vị giao và đơn vị nhận phải lập biên bản bàn giao có ghi rõ số lượng, đơn giá vốn... và báo cơ quan tài chính để chuyển cấp vốn đầu tư xây dựng cơ bản sang vốn dự trữ đặc biệt.
c) Đối với loại thiết bị toàn bộ xét thấy cất giữ, bảo quản không có hiệu quả do lạc hậu về kỹ thuật, nếu được Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng cho phép xử lý (xé lẻ thiết bị hoặc cả cụm thiết bị) để đầu tư cho các công trình khác thì hai bên (mua và bán) phải làm thủ tục mua bán, thanh toán với nhau như các loại thiết bị thông dụng đã nói ở mục a, điểm 4, phần B.
5. Đối với các loại thiết bị chuyên dùng để đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuất chưa huy động trong kế hoạch 5 năm (1986-1990), nhưng sau đó sẽ huy động mà đơn vị được phép đưa vào kho cất giữ, bảo quản. Nếu trước đây số thiết bị này đã được mua sắm bằng vốn ngân sách thì đơn vị làm bảng kê và báo cáo cơ quan tài chính để làm thủ tục chuyển cấp từ vốn xây dựng cơ bản sang vốn dự trữ đặc biệt. Trường hợp được phép đưa ra tiêu thụ thì số tiền thu được cũng được xử lý như đối với thiết bị thông dụng như đã nói ở mục a, điểm 4, phần B trên.
6. Trường hợp vật tư, thiết bị, phụ tùng (kể cả thiết bị toàn bộ) được xác định là tồn kho ứ đọng nhưng không xác định được nguồn vốn lúc mua sắm hoặc chưa được ngân sách cấp phát và cũng chưa được ngân hàng cho vay thanh toán thì nay căn cứ vào quyết định của cấp có thẩm quyền cho xử lý và được giải quyết về mặt tài chính như sau:
- Nếu cho tiêu thụ thì số tiền thu được phải nộp ngân sách Nhà nước, sau khi đã trừ đi 1% chi phí xử lý.
- Nếu cho cất giữ, bảo quản thì đơn vị lập bảng kê và báo cáo cơ quan tài chính để xem xét và làm các thủ tục cần thiết cấp vốn dự trữ đặc biệt.
III. Phương pháp hạch toán kế toán
Nghiệp vụ bán vật tư, thiết bị, phụ tùng ứ đọng thuộc tài sản lưu động của đơn vị được phản ánh trên tài khoản "tiêu thụ" (có theo dõi chi tiết riêng).
Nghiệp vụ bán máy móc, thiết bị... thuộc tài sản cố định của đơn vị được phản ánh trên tài khoản "sản xuất, kinh doanh ngoài cơ bản".
Khoản tiền trích 1% trên doanh thu do bán vật tư, thiết bị, phụ tùng tồn kho ứ đọng để chi phí xử lý vật tư, thiết bị, phụ tùng tồn kho ứ đọng được phản ánh trên tài khoản "chi phí trích trước" (có theo dõi chi tiết riêng để quyết toán với cơ quan tài chính).
Khoản chênh lệch giá thu được do bán vật tư, thiết bị, phụ tùng tồn kho ứ đọng được phản ánh trên tài khoản "lãi và lỗ" (có theo dõi chi tiết riêng và được phân phối ngay theo chế độ quy định tại Thông tư này).
Phương pháp kế toán các nghiệp vụ cụ thể như sau:
1. Tiêu thụ vật tư, thiết bị, phụ tùng tồn kho ứ đọng thuộc tài sản lưu động:
a) Khi thu được tiền bán hàng, kế toán ghi:
Nợ TK tiền gửi ngân hàng
Có TK tiêu thụ
b) Kết chuyển giá vốn của vật tư tồn kho ứ đọng đã tiêu thụ kế toán ghi:
Nợ TK tiêu thụ
Có TK vật tư liên quan.
c) Xử lý khoản tiền thu do bán vật tư tồn kho ứ đọng.
- Nếu là vật tư mua sắm bằng vốn vay Ngân hàng, còn nhận nợ, kế toán ghi:
Nợ TK vay ngắn hạn Ngân hàng.
Có TK tiền gửi Ngân hàng.
- Nếu là vật tư mua sắm bằng vốn vay Ngân hàng, nhưng đã trả hết nợ bằng lợi nhuận hoặc chênh lệch giá phải nộp ngân sách, và những vật tư mua sắm bằng vốn ngân sách cấp riêng để dự trữ, kế toán ghi:
Xác định số phải nộp ngân sách:
Nợ TK vốn cơ bản (vốn lưu động)
Có TK thanh toán với ngân sách.
Khi nộp:
Nợ TK thanh toán với ngân sách
Có TK tiền gửi Ngân hàng.
- Nếu là vật tư mua sắm bằng các quỹ của xí nghiệp đã ghi tăng vốn lưu động, kế toán ghi:
Nợ TK vốn cơ bản (vốn lưu động)
Có TK các quỹ của xí nghiệp.
d) Xử lý chênh lệch giá do bán giá cao hơn giá vốn của vật tư tồn kho ứ đọng đã tiêu thụ:
Cuối tháng, quý, năm, căn cứ vào kết quả tiêu thụ vật tư tồn kho ứ đọng, xác định chênh lệch giá và hạch toán như sau:
- Trích 1% doanh thu để chi phí cho công tác xử lý, kế toán ghi:
Nợ TK tiêu thụ
Có TK chi phí trích trước.
Khi phát sinh chi phí xử lý, kế toán ghi:
Nợ TK chi phí trích trước
Có các TK liên quan (vật tư tiền lương, vốn bằng tiền).
- Sau khi trích 1% doanh thu, số chênh lệch giá còn lại, kế toán ghi:
Nợ TK tiêu thụ
Có TK lãi và lỗ (mở chi tiết lãi lỗ tiêu thụ vật tư ứ đọng; quyết toán riêng, không quyết toán chung với kết quả hoạt động kinh doanh của đơn vị).
- Phân phối chênh lệch giá.
Nếu được bổ sung vốn lưu động tự có, kế toán ghi:
Nợ TK lãi và lỗ
Có TK vốn cơ bản (vốn lưu động).
Nếu phải nộp ngân sách, kế toán ghi:
Nợ TK lãi và lỗ
Có TK thanh toán với ngân sách.
Khi nộp ngân sách kế toán ghi:
Nợ TK thanh toán với ngân sách
Có TK tiền gửi Ngân hàng.
Nếu được bổ sung các quỹ của xí nghiệp, kế toán ghi:
Nợ TK lãi và lỗ
Có TK các quỹ của xí nghiệp.
2. Tiêu thụ máy móc, thiết bị lẻ... tồn kho ứ đọng thuộc tài sản cố định.
- Khi thu được tiền bán, kế toán ghi:
Nợ TK tiền gửi Ngân hàng
Có TK sản xuất kinh doanh ngoài cơ bản, kế toán ghi giảm giá trị tài sản cố định, vốn cố định, giá trị hao mòn của tài sản cố định theo chế độ hiện hành.
- Xử lý khoản tiền thu do bán máy móc, thiết bị lẻ... tồn kho ứ đọng.
Nếu là máy móc, thiết bị lẻ... mua sắm bằng vốn vay ngân hàng, còn nhận nợ, kế toán ghi:
Nợ TK sản xuất kinh doanh ngoài cơ bản.
Có TK thanh toán tiền vay Ngân hàng về xây dựng cơ bản bằng khấu hao cơ bản và các nguồn vốn khác.
Khi trả ghi:
Nợ TK vay dài hạn Ngân hàng
Có TK tiền gửi Ngân hàng.
Nếu là máy móc, thiết bị lẻ... mua sắm bằng vốn vay Ngân hàng, đã trả hết nợ bằng lợi nhuận, chênh lệch giá phải nộp ngân sách; máy móc, thiết bị lẻ... mua sắm bằng vốn ngân sách cấp, kế toán ghi:
Nợ TK sản xuất kinh doanh ngoài cơ bản.
Có TK thanh toán với ngân sách.
Khi nộp, kế toán ghi:
Nợ TK thanh toán với ngân sách
Có TK tiền gửi Ngân hàng.
Nếu là máy móc, thiết bị lẻ... mua sắm bằng quỹ của xí nghiệp, kế toán ghi:
Nợ TK sản xuất kinh doanh ngoài cơ bản.
Có TK các quỹ của xí nghiệp.
- Xử lý chênh lệch giá do bán giá cao hơn giá trị còn lại của máy móc, thiết bị lẻ... tồn kho ứ đọng đã tiêu thụ:
Cuối tháng, quý, năm căn cứ vào kết quả tiêu thụ máy móc, thiết bị lẻ. .. tồn kho ứ đọng, xác định chênh lệch giá và hạch toán như sau:
Trích 1% doanh thu để chi phí cho công tác xử lý, kế toán ghi:
Nợ TK sản xuất kinh doanh ngoài cơ bản
Có TK chi phí trích trước.
Khi phát sinh chi phí xử lý, kế toán ghi:
Nợ TK chi phí trích trước
Có TK liên quan.
Sau khi trích 1% doanh thu, toàn bộ số chênh lệch giá còn lại phải nộp cho ngân sách, kế toán ghi:
Nợ TK sản xuất kinh doanh ngoài cơ bản
Có TK thanh toán với ngân sách.
Khi nộp, kế toán ghi:
Nợ TK thanh toán với ngân sách
Có TK tiền gửi Ngân hàng.
3. Tiêu thụ vật tư, thiết bị, phụ tùng vô chủ hoặc chưa xác định được chủ hàng tồn đọng tại các ga, cảng hoặc trên đường giao thông. Ban xử lý và kiểm tra xử lý phải mở sổ sách kế toán theo dõi tình hình tiêu thụ vật tư, thiết bị, phụ tùng vô chủ tồn đọng ở các ga, cảng và trên đường giao thông, tình hình nộp ngân sách tiền thu bán hàng và tình hình chi phí cho công tác sử lý.
4. Tiêu thụ thiết bị toàn bộ, thiết bị chuyên dùng:
- Khi thu được tiền bán hàng, kế toán ghi:
Nợ TK tiền gửi ngân hàng
Có TK sản xuất kinh doanh ngoài cơ bản
- Ghi giảm vốn thiết bị đã tiêu thụ, kế toán ghi:
Nợ TK cấp phát xây dựng cơ bản.
Có TK vật liệu xây dựng và thiết bị đầu tư xây dựng cơ bản.
- Trích 1% doanh thu để chi phí cho công tác xử lý, kế toán ghi:
Nợ TK sản xuất kinh doanh ngoài cơ bản.
Có TK chi phí trích trước.
Khi phát sinh chi phí, kế toán ghi:
Nợ TK chi phí trích trước
Có TK liên quan.
- Sau khi trích 1% doanh thu, số tiền bán hàng còn lại nộp ngân sách, kế toán ghi:
Nợ TK Sản xuất kinh doanh ngoài cơ bản.
Có TK Thanh toán với ngân sách.
Khi nộp, kế toán ghi:
Nợ TK Thanh toán với ngân sách
Có TK Tiền gửi Ngân hàng.
5. Tiêu thụ vật tư, thiết bị, phụ tùng (kể cả thiết bị toàn bộ) tồn kho ứ đọng nhưng không xác định được nguồn vốn khi nhập kho thì kế toán ghi sổ như hướng dẫn ở điểm 4, phần III trên đây và
- Ghi giảm vốn vật tư, thiết bị, phụ tùng tương ứng nếu khi nhập kho đã ghi tăng vốn trên sổ sách kế toán của đơn vị, xí nghiệp.
Không ghi giảm vốn vật tư, thiết bị, nếu khi nhập kho không ghi tăng vốn trên sổ sách kế toán của đơn vị, xí nghiệp.
6. Hạch toán kế toán ngân sách:
Để quản lý và theo dõi riêng khoản thu nói trên được phản ảnh đầy đủ và thống nhất vào ngân sách Nhà nước, nay quy định:
a) Số thu do xử lý vật tư, thiết bị, phụ tùng... vô chủ ở các cảng Hải phòng, Quảng nam - Đà nẵng, thành phố Hồ Chí Minh nộp vào Ngân sách Trung ương, tài khoản 710, loại IV, khoản 82 "Thu khác", hạng 9 "Thu về vật tư, tài sản vô chủ".
b) Số thu do xử lý vật tư, thiết bị, phụ tùng tồn kho ứ đọng nộp vào loại IV, khoản 82 "Thu khác", hạng 10 "Thu về vật tư, tài sản tồn kho ứ đọng".
- Ngân sách Trung ương: tài khoản 710.
- Ngân sách tỉnh, thành phố: tài khoản 730.
IV. Điều khoản thi hành
Thông tư này chỉ áp dụng cho việc xử lý vật tư tồn kho ứ đọng theo Quyết định số 177-CT ngày 28-5-1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Đề nghị các Bộ, các ngành, các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, xí nghiệp trực thuộc thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần phản ảnh cho Bộ Tài chính biết để nghiên cứu, giải quyết.