Văn bản pháp luật: Thông tư 45/2009/TT-BCA(C11)

Lê Hồng Anh
Toàn quốc
Công báo số 373+374/2009;
Thông tư 45/2009/TT-BCA(C11)
Thông tư
28/08/2009
14/07/2009

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 52/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ

Bộ trưởng
2.009
Bộ Công an

Toàn văn

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 52/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008

 về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ

 __________________

Căn cứ Nghị định số 52/2008/NĐ-CP ngày 22/4/2008 của Chính phủ về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ;

Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 52/2008/NĐ-CP ngày 22/4/2008 của Chính phủ về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ (sau đây viết tắt là Nghị định số 52/2008/NĐ-CP) như sau:

I. PHẠM VI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DỊCH VỤ BẢO VỆ

1. Phạm vi hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ được phép tiến hành theo quy định của Nghị  định số 52/2008/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này bao gồm:

a) Dịch vụ bảo vệ con người gồm các hoạt động bảo vệ sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của người được bảo vệ;

b) Dịch vụ bảo vệ tài sản, hàng hóa, nhà cửa, cơ sở sản xuất kinh doanh, trụ sở cơ quan, tổ chức bao gồm các hoạt động bảo vệ an toàn về tài sản, hàng hóa (kể cả các hoạt động giao, nhận tài sản, hàng hóa), nhà cửa, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trụ sở cơ quan, tổ chức theo thỏa thuận trong hợp đồng;

c) Dịch vụ bảo vệ an ninh, trật tự các hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí, lễ hội, bao gồm các hoạt động bảo vệ an toàn và giữ gìn an ninh, trật tự cho các hoạt động này theo thỏa thuận trong hợp đồng.

2. Việc thành lập, đăng ký kinh doanh và mọi hoạt động dịch vụ bảo vệ đều phải thực hiện theo đúng quy định của Nghị định số 52/2008/NĐ-CP, hướng dẫn tại Thông tư này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

II. ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP, ĐĂNG KÝ KINH DOANH DỊCH VỤ BẢO VỆ

1. Đối với tổ chức, cá nhân trong nước phải thực hiện theo đúng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 52/2008/NĐ-CP.

2. Đối với trường hợp liên doanh với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ nước ngoài phải thực hiện theo đúng quy định tại khoản 5 Điều 3 và khoản 3 Điều 9 Nghị định số 52/2008/NĐ-CP, quy định của Luật Đầu tư năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành; đồng thời, trong hồ sơ thành lập, đăng ký kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải có các giấy tờ, tài liệu sau:

a) Giấy xác nhận của cơ quan quản lý khoa học và công nghệ từ cấp tỉnh trở lên xác nhận trang bị kỹ thuật của nước ngoài được sử dụng để liên doanh với doanh nghiệp trong nước là trang bị kỹ thuật có yêu cầu công nghệ cao mà Việt Nam chưa sản xuất được;

b) Tài liệu chứng minh doanh nghiệp nước ngoài đó là doanh nghiệp chuyên kinh doanh dịch vụ bảo vệ, không tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào khác;

c) Tài liệu chứng minh doanh nghiệp nước ngoài đó có số vốn và tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp từ 500.000 USD trở lên và đã có thời gian hoạt động kinh doanh liên tục từ năm năm trở lên, tính đến ngày đăng ký liên doanh với doanh nghiệp trong nước.

3. Đối với những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ đã và đang hoạt động từ trước ngày  ban hành Thông tư này mà người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và những người trong Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị; Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc và các sáng lập viên tham gia thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ chưa có đủ điều kiện về trình độ học vấn theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định số 52/2008/NĐ-CP thì trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, phải thực hiện theo đúng quy định của Nghị định số 52/2008/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.

III. HỒ SƠ, THỦ TỤC, THỜI HẠN, THẨM QUYỀN GẤP GIẤY XÁC NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN VỀ AN NINH, TRẬT TỰ

1. Hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự

a) Đối với doanh nghiệp:

- Xuất trình bản chính, nộp bản photocopy Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư và biểu trưng (logo) của doanh nghiệp;

- Bản khai lý lịch (có dán ảnh và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú), trong đó phải ghi rõ tình trạng tiền án, tiền sự; có hay không đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính hoặc đang trong giai đoạn bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hình sự, đang phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, bị phạt tù được hưởng án treo hoặc bị cấm hành nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ; bản sao (có công chứng, chứng thực hợp lệ) các tài liệu: bằng tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng theo quy định; quyết định nghỉ hưu, xuất ngũ hoặc quyết định nghỉ việc (nếu có) và phiếu lý lịch tư pháp của những người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nêu tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 52/2008/NĐ-CP.

- Người được doanh nghiệp cử đến liên hệ phải xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng; trường hợp là người nước ngoài thì phải xuất trình hộ chiếu còn giá trị sử dụng hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu và nộp bản photocopy Thẻ tạm trú hoặc Thẻ thường trú.

b) Đối với chi nhánh, văn phòng đại diện:

- Bản khai lý lịch (có dán ảnh và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú), trong đó phải ghi rõ tình trạng tiền án, tiền sự; có hay không đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính hoặc đang trong giai đoạn bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hình sự, đang phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, bị phạt tù được hưởng án treo hoặc bị cấm hành nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ của người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện;

- Xuất trình bản chính, nộp bản photocopy Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và công văn đề nghị của doanh nghiệp.

- Người được doanh nghiệp cử đến liên hệ phải xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng.

2. Thẩm quyền cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự

a) Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội tiếp nhận hồ sơ và giải quyết việc cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp được phép đào tạo nhân viên bảo vệ theo quy định tại điểm b khoản 2 mục VII Thông tư này và các chi nhánh, văn phòng trực thuộc các doanh nghiệp đó;

b) Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận hồ sơ và giải quyết việc cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ và các chi nhánh, văn phòng trực thuộc các doanh nghiệp đó tại địa phương (trừ doanh nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội).

3. Thời hạn giải quyết việc cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan Công an tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, giải quyết cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho doanh nghiệp (theo mẫu BV1 ban hành kèm theo Thông tư này); trường hợp không đủ điều kiện để cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự thì phải trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp biết rõ lý do.

4. Lệ phí cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

IV. TRÁCH NHIỆM CỦA DOANH NGHIỆP KINH DOANH DỊCH VỤ BẢO VỆ

1. Tổ chức thực hiện và hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra nhân viên bảo vệ chấp hành đúng các quy định của Nghị định số 52/2008/NĐ-CP, hướng dẫn tại Thông tư này và các quy định của pháp luật khác có liên quan trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ.

2. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng tháng (theo mẫu BV2 ban hành kèm theo Thông tư này) cho cơ quan Công an đã cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong thời hạn chậm nhất không quá 5 ngày, kể từ ngày kết thúc tháng; đối với doanh nghiệp liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp được phép đào tạo nhân viên bảo vệ phải đồng thời báo cáo cho Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội nơi doanh nghiệp có trụ sở chính. Trường hợp đột xuất xảy ra vụ việc có liên quan đến an ninh trật tự phải báo cáo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để xử lý kịp thời.

3. Chậm nhất là 10 ngày trước khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện phải thông báo bằng văn bản cho Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công an xã, phường, thị trấn nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đặt trụ sở biết.

Trước khi chính thức thực hiện hợp đồng bảo vệ hoặc luân chuyển nhân viên bảo vệ 1 ngày, doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện phải thông báo bằng văn bản (kèm theo danh sách nhân viên làm việc tại mục tiêu bảo vệ) cho Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và Công an xã, phường, thị trấn nơi có mục tiêu bảo vệ.

Mỗi mục tiêu bảo vệ phải có một nhân viên phụ trách để chịu trách nhiệm báo cáo và quan hệ phối hợp với cơ quan Công an nơi có mục tiêu bảo vệ.

4. Thực hiện quyết định của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc huy động nhân viên bảo vệ để tăng cường cho việc bảo đảm an ninh, trật tự trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật.

V. TRANG BỊ, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÔNG CỤ HỖ TRỢ

1. Loại công cụ hỗ trợ được trang bị và thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép mua công cụ hỗ trợ.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ được trang bị các loại công cụ hỗ trợ: gậy cao su, gậy sắt, roi cao su, roi điện. Căn cứ vào số lượng nhân viên dịch vụ bảo vệ và yêu cầu thực tế, doanh nghiệp làm văn bản gửi cơ quan Công an đã cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để đề nghị cấp Giấy phép mua công cụ hỗ trợ, trong đó nêu rõ số lượng, chủng loại công cụ hỗ trợ cần được trang bị. Người được doanh nghiệp cử đến liên hệ phải có giấy giới thiệu của doanh nghiệp và xuất trình Giấy chứng minh nhân dân.

2. Quản lý và sử dụng công cụ hỗ trợ

a) Sau khi mua công cụ hỗ trợ, doanh nghiệp phải đến cơ quan Công an đã cấp Giấy phép mua công cụ hỗ trợ để được cấp Giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ; khi đến liên hệ xin cấp Giấy phép sử dụng phải nộp bản photocopy Giấy phép mua công cụ hỗ trợ và xuất trình bản chính, nộp bản photocopy hóa đơn mua công cụ hỗ trợ.

b) Công cụ hỗ trợ phải được quản lý tập trung tại doanh nghiệp và chỉ được trang bị cho nhân viên bảo vệ khi đi làm nhiệm vụ. Sau khi làm nhiệm vụ xong, phải giao lại công cụ hỗ trợ cho bộ phận quản lý tại doanh nghiệp.

Nghiêm cấm trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ ngoài mục đích thực hiện nhiệm vụ bảo vệ theo hợp đồng do Giám đốc doanh nghiệp giao;

c) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ có trách nhiệm quản lý chặt chẽ công cụ hỗ trợ và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ của doanh nghiệp mình.

Trường hợp vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý, trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ hoặc nhân viên bảo vệ của doanh nghiệp sử dụng công cụ hỗ trợ để thực hiện các hành vi xâm hại tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ còn bị thu hồi Giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ 3 tháng, 6 tháng hoặc không thời hạn. Việc thu hồi Giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ cơ quan Công an đã cấp Giấy phép đó hoặc cơ quan Công an cấp trên ra quyết định.

VI. TRANG PHỤC, BIỂN HIỆU VÀ GIẤY CHỨNG NHẬN NHÂN VIÊN BẢO VỆ

1. Quần, áo, cầu vai

a) Trang phục xuân hè: Quần kiểu âu phục màu xanh đen, thân trước có xếp 2 ly, túi chéo; thân sau, bên phải có 1 túi mổ có nắp. Áo sơ mi ngắn tay hoặc dài tay, màu xanh da trời, cổ bẻ, thân trước có hai túi may ốp ngoài và có nẹp viền nổi ở giữa túi; nẹp áo bong; 2 vạt áo có nẹp nổi chạy dọc ở giữa, cổ tay nẹp bong, thân sau có đô ngang vai; tay áo bên trái có gắn logo hình khiên cách mép cầu vai từ 5cm đến 6cm; trước ngực bên trái có gắn logo hình tròn, cách miệng túi áo từ 2cm đến 3cm;

b) Trang phục thu đông: Quần như trang phục xuân hè; áo ngoài kiểu veston dài tay, cùng màu quần, thân trước có bốn túi may ốp ngoài, trước ngực bên trái có gắn logo hình tròn, cách miệng túi áo từ 2cm đến 3cm, tay áo bên trái có gắn logo hình khiên cách mép cầu vai từ 5cm đến 6cm, cúc áo bằng nhựa màu đen; bên trong có áo sơ mi dài tay như trang phục mùa hè, cổ đứng, có thắt cà vạt màu xanh đen;

c) Cầu vai cứng, cùng màu quần, có vạch ngang bằng nỉ màu vàng, hai cạnh dọc cầu vai có viền lé màu đỏ; đầu nhỏ cầu vai có gắn cúc bằng kim loại màu trắng bạc (có hình nổi ngôi sao năm cánh và 2 bông lúa bắt chéo ôm lấy hình ngôi sao). Kích thước cầu vai và vạch ngang trên cầu vai được quy định như sau:

- Chiều dài cầu vai = 125mm; chiều ngang: phần đầu lớn = 50mm, phần đầu nhọn = 40mm.

- Vạch ngang có chiều rộng = 7mm, vạch nọ cách vạch kia 2,5mm. Cầu vai của nhân viên bảo vệ, 1 vạch; chỉ huy cấp đội, 2 vạch; chỉ huy cấp phòng, 3 vạch; Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó giám đốc doanh nghiệp, 4 vạch; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc doanh nghiệp, 5 vạch;

d) Trang phục nhân viên bảo vệ của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ đang sử dụng từ trước khi ban hành Thông tư này nhưng chưa phù hợp với quy định của Thông tư thì vẫn được tiếp tục sử dụng, nhưng trong thời hạn 2 năm đối với trang phục xuân hè, 3 năm đối với trang phục thu đông, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành phải thực hiện theo đúng quy định của Thông tư này.

2. Giầy, mũ, biển hiệu, Giấy chứng nhận nhân viên bảo vệ

a) Giầy da màu đen, ngắn cổ, buộc dây;

b) Mũ cát – két (mũ mềm, có lưỡi trai) cùng màu quần, có gắn sao, bao quanh là cành tùng kép bằng kim loại màu trắng liền một khối cao 54mm, rộng 64mm. Sao bằng kim loại hình tròn, đường kính 36mm, ở giữa có ngôi sao 5 cánh màu vàng nổi trên nền đỏ, liền với nền đỏ là nền xanh thẫm có hai bông lúa nổi màu vàng bao quanh. Phía dưới ngôi sao có nửa vành bánh xe có chữ: “BẢO VỆ”; vành ngoài ngôi sao màu vàng;

c) Biển hiệu nhân viên bảo vệ có kích thước 9cm x 6cm, nền màu xanh nhạt, có hoa văn. Dòng trên cùng ghi tên doanh nghiệp (kiểu chữ in hoa màu đỏ gạch), phía dưới ghi họ, tên (kiểu chữ in hoa màu đen) và có ảnh của người được cấp biển; dưới cùng là số biển;

d) Giấy chứng nhận nhân viên bảo vệ có kích thước 9cm x 6cm, mặt trước nền màu xanh da trời có hoa văn, chữ in hoa màu đỏ gạch, phía trên ghi tên doanh nghiệp, ở giữa ghi “GIẤY CHỨNG NHẬN NHÂN VIÊN BẢO VỆ”, phía dưới ghi số giấy chứng nhận và thời hạn có giá trị của giấy chứng nhận. Mặt sau nền màu gạch non, phía trên ghi “GIÁM ĐỐC CÔNG TY…” , hàng chữ tiếp theo là chữ “CHỨNG NHẬN” (chữ màu đỏ tươi). Các hàng chữ phía dưới màu đen, ghi họ, tên nhân viên bảo vệ; ngày, tháng, năm sinh; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; hàng chữ tiếp theo ghi “Là nhân viên bảo vệ của Công ty”; dưới cùng ghi ngày, tháng, năm cấp và Giám đốc doanh nghiệp ký tên, đóng dấu; bên trái Giấy chứng nhận có ảnh của người được cấp Giấy chứng nhận đó.

VII. ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN VÀ CẤP CHỨNG CHỈ NGHIỆP VỤ BẢO VỆ

1. Hàng năm, khi có nhu cầu về đào tạo, huấn luyện nhân viên bảo vệ, doanh nghiệp phải liên hệ với cơ quan Công an, tổ chức được phép đào tạo, huấn luyện nhân viên bảo vệ để có kế hoạch đào tạo, huấn luyện bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, đơn vị, tổ chức được phép đào tạo, huấn luyện nhân viên bảo vệ:

a) Các Trường Công an nhân dân, Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an;

b) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ có đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 139/2006/NĐ-CP ngày 20/11/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề và đã hoàn thiện các thủ tục đăng ký đào tạo nghề theo Quyết định số 72/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 16/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về đăng ký hoạt động dạy nghề.

Trước khi khai giảng khóa đào tạo, doanh nghiệp được phép đào tạo phải có văn bản gửi Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, trong đó nêu rõ thời gian bắt đầu, kết thúc khóa đào tạo (kèm theo danh sách học viên) để đề nghị tổ chức sát hạch và cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ cho đối tượng do doanh nghiệp mình đào tạo; đối với Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an, phải báo cáo Giám đốc Công an cùng cấp.

3. Nội dung, chương trình, thời gian đào tạo, huấn luyện

a) Cơ quan, đơn vị, tổ chức được phép đào tạo nhân viên bảo vệ có trách nhiệm biên soạn nội dung, chương trình đào tạo bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu thực tế của hoạt động dịch vụ bảo vệ, trong đó phải có các nội dung: kiến thức cơ bản về chính trị, pháp luật; đạo đức, tác phong nghề nghiệp; kỹ năng, nghiệp vụ bảo vệ; các quy định về quản lý, sử dụng và kỹ năng sử dụng công cụ hỗ trợ; các kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy, cấp cứu người bị nạn.

Giáo trình, nội dung chương trình đào tạo trước khi đưa vào sử dụng phải được gửi về Tổng cục Cảnh sát (qua Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội) để theo dõi, quản lý. Trường hợp Tổng cục Cảnh sát có ý kiến yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung thì phải thực hiện theo yêu cầu của Tổng cục Cảnh sát;

b) Mỗi khóa đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ phải bảo đảm thời gian ít nhất là 30 ngày.

4. Hội đồng sát hạch

a) Đối với Trường Công an nhân dân: Thủ trưởng nhà trường ra quyết định thành lập Hội đồng sát hạch do Lãnh đạo nhà trường làm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên bao gồm đại diện các đơn vị chức năng của nhà trường và đại diện Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội;

b) Đối với Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định thành lập Hội đồng sát hạch, thành phần bao gồm: Lãnh đạo Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an làm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên bao gồm đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Phòng Pháp chế hoặc Văn phòng Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

c) Đối với trường hợp do Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tổ chức đào tạo: Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội ra quyết định thành lập Hội đồng sát hạch do Lãnh đạo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội làm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên bao gồm đại diện Vụ Pháp chế và đại diện doanh nghiệp đào tạo.

5. Thẩm quyền cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ

a) Thủ trưởng các Trường Công an nhân dân, Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an ký và cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ cho đối tượng do đơn vị mình huấn luyện, đào tạo.

b) Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội ký và cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ cho đối tượng do doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ đào tạo và Cục tổ chức sát hạch.

6. Kinh phí huấn luyện, đào tạo do doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo đảm nhiệm.

7. Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp có giá trị sử dụng trên phạm vi cả nước.

8. Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ do đơn vị có thẩm quyền cấp từ trước ngày ban hành Thông tư này vẫn có giá trị sử dụng, nhưng trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các doanh nghiệp phải lập danh sách và thu hồi các Chứng chỉ đó gửi về Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh nơi đã cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho doanh nghiệp hoặc nơi doanh nghiệp có trụ sở chính để đổi lại theo mẫu quy định.

VIII. XỬ LÝ VI PHẠM

Mọi hành vi vi phạm quy định của Nghị đinh số 52/2008/NĐ-CP, vi phạm quy định của Thông tư này và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ còn bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, cụ thể như sau:

1. Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 165 Luật Doanh nghiệp năm 2005;

b) Vi phạm quy định tại Điều 4; tại khoản 1, khoản 2 Điều 22 Nghị định số 52/2008/NĐ-CP.

2. Bị thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Doanh nghiệp đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

b) Vi phạm quy định tại Điều 4; tại khoản 1, khoản 2 Điều 22 Nghị định số 52/2008/NĐ-CP.

c) Mượn tên người khác để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ hoặc thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ để cho người khác kinh doanh;

d) Tiến hành các hoạt động vũ trang, hoạt động điều tra, thám tử tư dưới mọi hình thức;

đ) Sử dụng nhân viên bảo vệ của doanh nghiệp để thực hiện hoặc thông qua người khác thực hiện các hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền tự do cá nhân và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân;

e) Sử dụng nhân viên bảo vệ của doanh nghiệp dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm cản trở, gây khó khăn cho hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân;

g) Không thực hiện báo cáo định kỳ về tình hình an ninh, trật tự cho cơ quan Công an theo quy định trong 12 tháng liên tục;

h) Không duy trì thường xuyên mức vốn pháp định trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

3. Thẩm quyền, thời hạn thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự

a) Thẩm quyền thu hồi: Thủ trưởng cơ quan Công an đã cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự hoặc Thủ trưởng cơ quan Công an cấp trên ra quyết định thu hồi.

b) Thời hạn thu hồi:

- Thu hồi 3 tháng hoặc 6 tháng đối với trường hợp vi phạm lần đầu, ít nghiêm trọng.

- Thu hồi không thời hạn đối với trường hợp tái phạm hoặc vi phạm cùng một lúc nhiều hành vi nêu tại khoản 2 mục VIII Thông tư này.

IX. HIỆU LỰC THI HÀNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 8 năm 2009 và thay thế Thông tư số 07/2001/TT-BCA(V19) ngày 18/9/2001 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định số 14/2001/NĐ-CP ngày 25/4/2001 về quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.

3. Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và Công an các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các đơn vị Công an có liên quan thực hiện Thông tư này.

4. Định kỳ hàng quý, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải báo cáo về Bộ (qua Tổng cục Cảnh sát) về công tác thi hành Nghị định số 52/2008/NĐ-CP và Thông tư này theo mẫu quy định.

5. Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ trưởng, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc nảy sinh, Công an các đơn vị, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan phản ánh về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát) để có hướng dẫn kịp thời./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=11741&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận