Kính gửi : Các vị bộ trưởng, ông tổng giám đốc
Ngân hàng quốc gia Việt Nam
Ông chủ tịch Uỷ ban hành chính thành phố Hà Nội
Thủ đô Hà Nội trước đây là nơi tập trung các tổ chức gián điệp, phản động, nên khi đối phương rút đi, chúng cài lại khá nhiều tay sai để hoạt động.
Từ khi tiếp quản Thủ đô, các cơ quan và cán bộ ta ra công khai, trái lại địch rút vào bí mật và hoạt động bí mật tinh vi hơn. Ngoài những việc tuyên truyền xuyên tạc chính sách, lừa bịp cưỡng bức đồng bào đi Nam, địch còn lợi dụng hình thức công khai hợp pháp để phá hoại, hướng hoạt động của chúng còn nhằm thâm nhập vào các cơ quan đầu não của ta để lấy cắp những bí mật quốc gia, tìm hiểu nội bộ ta, mua chuộc hoặc ám hại cán bộ.
Sự hoạt động của gián điệp, phản động ngày càng thâm độc, xảo quyệt, nhưng một số cán bộ không nhận thức đầy đủ tình hình đó nên chủ quan mất cảnh giác và coi nhẹ việc bảo vệ cơ quan.
Gần đây ở một số cơ quan việc canh gác kiểm soát người ra vào cơ quan rất lỏng lẻo, nội quy cơ quan không được chấp hành nghiêm chỉnh, nên đã xảy ra những vụ phá hoại của bọn phản động : ném đá vào cơ quan, viết khẩu hiệu phản động (Đài phát thanh, bệnh viện Bạch Mai), cắt dây điện thoại, cắt dây Radio, phá máy phóng thanh, phá hoại máy móc ở một vài xí nghiệp tại Hà Nội ...
Việc bảo vệ tài liệu chưa được chu đáo, nên đã có trường hợp cán bộ mang tài liệu về nhà riêng làm lộ bí mật công tác. Những việc mất giấy giới thiệu, mất chứng minh thư, mất sổ công tác cũng xảy ra nhiều lần.
Việc bảo vệ cán bộ chưa có chế độ rõ ràng, cán bộ cao cấp đi ra ngoài có khi không có bảo vệ viên. Việc ra vào phòng làm việc và nhà ở của cán bộ còn luộm thuộm, có trường hợp có người lạ mặt vào thẳng tuột phòng giấy của cán bộ.
Việc nắm vững lý lịch, theo dõi tư tưởng để kịp thời giáo dục cán bộ, nhân viên chưa làm được chu đáo, nên có hiện tượng nhân viên đào nhiệm hai ba ngày rồi cơ quan mới biết.
Sở dĩ có tình trạng trên là vì ta chưa nhận rõ âm mưu gián điệp của địch trong cuộc đấu tranh hoà bình, chưa nhận rõ những chuyển hướng hoạt động mới của chúng, cho là địch đã thất bại, không còn hòng chống lại ta được nữa, và do đó đã coi nhẹ công tác bảo vệ cơ quan. Về phương diện tổ chức và lãnh đạo, có cơ quan chưa có ban bảo vệ, hoặc có thì cũng không hoạt động, hay hoạt động rời rạc. Hầu hết các cơ quan chưa xây dựng nội quy cơ quan thích hợp với hoàn cảnh mới để bảo đảm bí mật. Nhiều thủ trưởng cơ quan ít chú ý đến công tác bảo vệ cơ quan, chưa thi hành đúng Sắc lệnh số 154/SL ngày 12 tháng 11 năm 1950 và Sắc lệnh số 69/SL, ngày 10 tháng 12 năm 1951, và Thông tư số 137-TTg ngày 10 tháng 12 năm 1951 về việc giữ gìn bí mật quốc gia để bảo vệ cơ quan.
Để chấm dứt tình trạng trên, các vị thủ trưởng cơ quan cần nghiên cứu lại sắc lệnh, Thông tư nói trên, rồi thực sự lãnh đạo việc chấn chỉnh để đẩy mạnh công tác bảo vệ trong cơ quan.
a. Về mặt tư tưởng: phải làm cho cán bộ, nhân viên nhận thức rõ được âm mưu quỷ quyệt, lâu dài của gián điệp địch để nhận định rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ cơ quan trong giai đoạn này. Thủ trưởng cơ quan phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với công tác bảo vệ cơ quan, phải nắm vững tình hình thực tế của cơ quan, tính chất công tác của từng bộ phận và tư tưởng của cán bộ, nhân viên trong từng thời gian để lãnh đạo cho sát, phải liên hệ chặt chẽ với bộ phận bảo vệ cơ quan của Công an và yêu cầu hướng dẫn trong công tác bảo vệ, phải kết hợp với công đoàn cơ quan thực sự lãnh đạo việc giáo dục ý thức phòng gian bảo mật đề cao cảnh giác chính trị cho mọi cán bộ, nhân viên.
b. Về mặt tổ chức và lãnh đạo, cơ quan phải chọn người chắc chắn để tổ chức ngay ban bảo vệ cơ quan, nếu có rồi phải chấn chỉnh lại và cử một cán bộ chuyên trách. Phải hướng dẫn cán bộ, nhân viên cơ quan xây dựng nội quy bảo mật của từng bộ phận công tác cho thích hợp với hoàn cảnh mới, thủ trưởng phải thực sự đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nộiquy.
c. Về công tác bảo vệ, phải tổ chức việc kiểm soát ra vào cơ quan cho chặt chẽ. Phải có phòng thường trực để tiếp những người đến cơ quan có công việc và có một chế độ rõ ràng cho người nhà đến thăm cán bộ, nhân viên.
Việc bảo vệ cán bộ phải được tăng cường, nhất là khi đi ra ngoài. Các nhân viên phục vụ thủ trưởng và cán bộ cao cấp phải được bảo đảm về chính trị và được công an hướng dẫn về chuyên môn. Đối với gia đình vợ con cán bộ cao cấp, ban bảo vệ cơ quan có trách nhiệm giáo dục về ý thức bảo mật, bảo vệ cán bộ.
Về việc bảo vệ tài liệu, phải có quy định rõ ràng về các việc đánh máy, gửi, nhận công văn, việc bảo quản và sử dụng tài liệu.
Phải phân công người chịu trách nhiệm về những công văn mật và tối mật và phải có tủ thật chắc chắn để đựng các tài liệu mật.
Bộ Công an sẽ có chỉ thị hướng dẫn cụ thể các việc phải làm.
Trước tình hình hiện nay, việc giữ gìn bí mật quốc gia, bảo vệ cán bộ là một việc rất trọng yếu để đấu tranh với địch, vì nếu không cảnh giác cao độ, không đề phòng ráo riết thì rất có thể xảy ra những tổn thất to lớn cho Nhà nước.
Các cơ quan nhận được thông tư này phải kết hợp với chương trình học tập trung, tổ chức nói chuyện tình hình âm mưu hoạt động của địch, liên hệ kiểm điểm những thiếu sót trong công tác bảo vệ cơ quan, bảo vệ cán bộ, bảo vệ tài liệu, xây dựng nội quy bảo mật, bảo vệ cơ quan để động viên cán bộ, nhân viên chấp hành nội quy cho nghiêm chỉnh.
Khi cơ quan đã tổ chức xây dựng nội quy xong và ban bảo vệ cơ quan đã được chấn chỉnh lại rồi, cần phải thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện nội quy bảo mật cho chặt chẽ. Phải cương quyết chấp hành kỷ luật đối với những người phạm nội quy bảo mật. Tuỳ theo lỗi nặng nhẹ.
Các thủ trưởng có nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo việc chấn chỉnh công tác bảo vệ này. Trong hạn 1 tháng, kể từ ngày nhận thông tư này, các cơ quan phải làm xong mấy việc trên.
Việc bảo vệ cơ quan là việc cấp bách phải làm ngay. Mong các Bộ và Uỷ ban hành chính thành phố Hà Nội tích cực thực hiện, đồng thời thường xuyên báo cáo Thủ tướng chính phủ và Bộ Công an biết kết quả, kinh nghiệm.