Văn bản pháp luật: Thông tư 54/2011/TT-BTC

Nguyễn Công Nghiệp
Toàn quốc
Công báo số 285 đến số 286, năm 2011
Thông tư 54/2011/TT-BTC
Thông tư
15/06/2011
28/04/2011

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung và điều chỉnh trợ cấp đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo quy định tại Nghị định 22/2011/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu chung và Nghị định 23/2011/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã nghỉ việc do Bộ Tài chính ban hành

Thứ trưởng
2.011
Bộ Tài chính

Toàn văn

THÔNG TƯ

Hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung và điều chỉnh

trợ cấp đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo quy định tại Nghị định số 22/2011/NĐ-CP ngày 04/4/2011 của Chính phủ

quy định mức lương tối thiểu chung và Nghị định số 23/2011/NĐ-CP ngày 04/4/2011 của Chính phủ điều chỉnh

lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã nghỉ việc

________________________

 

Căn cứ Nghị định số 22/2011/NĐ-CP ngày 04/4/2011 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu chung (sau đây viết tắt là Nghị định số 22/2011/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định số 23/2011/NĐ-CP ngày 04/4/2011 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc (sau đây viết tắt là Nghị định số 23/2011/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang theo quy định tại Nghị định số 22/2011/NĐ-CP và điều chỉnh trợ cấp đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 23/2011/NĐ-CP như sau:

Điều 1. Quy định chung

1. Thông tư này quy định về việc xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung theo Nghị định số 22/2011/NĐ-CP đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang; các cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức phi Chính phủ, các dự án, các cơ quan tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam có cán bộ, công chức, viên chức được Nhà nước cử đến làm việc thuộc biên chế nhà nước và hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo bảng lương do Nhà nước quy định; phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và điều chỉnh trợ cấp cho cán bộ xã đã nghỉ việc theo Quyết định số 130-CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng (sau đây viết tắt là cán bộ xã đã nghỉ việc) theo quy định tại Nghị định số 23/2011/NĐ-CP; phụ cấp cho nhân viên thú y cấp xã theo công văn số 1569/TTg-NN ngày 19/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Căn cứ quy định tại Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, Nghị định số 23/2011/NĐ-CP, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (sau đây viết tắt là Bộ, cơ quan trung ương) và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn và tổng hợp nhu cầu kinh phí và nguồn kinh phí để thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, điều chỉnh trợ cấp cho cán bộ xã đã nghỉ việc, điều chỉnh mức phụ cấp của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố của các cơ quan, đơn vị và các cấp trực thuộc gửi Bộ Tài chính theo quy định cụ thể tại Thông tư này.

3. Các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp, đơn vị dự toán các cấp, đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm xác định, bố trí nguồn thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung và nguồn hỗ trợ của ngân sách (nếu có) để thực hiện chi trả tiền lương mới cho cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị mình, trợ cấp cho cán bộ xã đã nghỉ việc và phụ cấp của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố đúng chế độ quy định và theo các quy định tại Thông tư này.

4. Công tác kế toán và quyết toán kinh phí điều chỉnh mức lương tối thiểu chung và trợ cấp, phụ cấp thực hiện theo đúng chế độ quy định và các quy định cụ thể tại Thông tư này.

Điều 2. Xác định nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung theo quy định tại Nghị định số 22/2011/NĐ-CP và điều chỉnh trợ cấp đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo quy định tại Nghị định số 23/2011/NĐ-CP:

1. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức và số cán bộ xã đã nghỉ việc để xác định nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, 23/2011/NĐ-CP là số thực có mặt tại thời điểm báo cáo (số có mặt tại thời điểm 01/5/2011) và không vượt quá tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao (hoặc phê duyệt) năm 2011. Riêng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố để xác định mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương thực hiện theo quy định tại Điều 13 và khoản 3 Điều 19 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ.

Đối với số biên chế tăng thêm trong năm 2011 so với số biên chế tại thời điểm báo cáo (nếu có), nếu trong phạm vi tổng mức biên chế được cấp có thẩm quyền giao (hoặc phê duyệt) tại thời điểm báo cáo thì nhu cầu kinh phí tăng thêm thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, 23/2011/NĐ-CP của số biên chế này được các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính xem xét giải quyết hoặc tổng hợp vào nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh tiền lương năm sau.

Đối với số biên chế vượt so với tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao (hoặc phê duyệt) tại thời điểm báo cáo thì nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, 23/2011/NĐ-CP của số biên chế này do cơ quan, đơn vị tự đảm bảo từ các nguồn kinh phí theo quy định của pháp luật; không tổng hợp vào nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, 23/2011/NĐ-CP của các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao (hoặc phê duyệt) cụ thể của các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được xác định tương tự như đã quy định tại tiết 1.1.1, 1.1.2 điểm 1.1 khoản 1 mục II Thông tư số 02/2005/TT-BTC ngày 06/01/2005 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Thông tư số 02/2005/TT-BTC). Riêng đối với biên chế cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã được xác định trong phạm vi định biên theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

2. Nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, 23/2011/NĐ-CP nêu tại Thông tư này được xác định căn cứ vào mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ; phụ cấp lương theo chế độ quy định (không kể tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ và các khoản phụ cấp bằng số tiền tuyệt đối), các khoản đóng góp theo chế độ (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn) và mức tiền lương tối thiểu chung tăng thêm quy định tại Nghị định số 22/2011/NĐ-CP so với Nghị định số 28/2010/NĐ-CP theo số biên chế quy định tại khoản 1 Điều 2 nêu trên.

Đối với nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, 23/2011/NĐ-CP của các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bao gồm cả:

- Kinh phí tăng thêm thực hiện đóng bảo hiểm y tế cho thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

- Kinh phí tăng thêm thực hiện phụ cấp trách nhiệm đối với cấp ủy viên các cấp theo Quy định số 169-QĐ/TW ngày 24/6/2008 của Ban Bí thư; chế độ bồi dưỡng hàng tháng phục vụ hoạt động cấp ủy thuộc cấp tỉnh theo Quy định số 3115-QĐ/VPTW ngày 04/8/2009 của Văn phòng Trung ương Đảng.

- Kinh phí tăng thêm đối với trợ cấp của cán bộ xã đã nghỉ việc theo quy định của Nghị định số 23/2011/NĐ-CP.

- Hoạt động phí tăng thêm của Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

- Kinh phí hỗ trợ mức bình quân 2/3 số chênh lệch tăng thêm giữa mức tiền lương tối thiểu 830.000 đồng/tháng so với mức tiền lương tối thiểu 730.000 đồng/tháng để thực hiện chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, ở thôn, tổ dân phố theo quy định.

- Kinh phí hỗ trợ tăng thêm đối với tiền lương của giáo viên mầm non xã, phường, thị trấn.

- Kinh phí tăng thêm tiền lương của cán bộ y tế xã trong định biên.

- Kinh phí tăng thêm để thực hiện chế độ phụ cấp, trợ cấp đối với dân quân tự vệ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 102/2010/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BNV-BTC ngày 02/8/2010 của Liên Bộ Quốc phòng - Lao động, Thương binh và Xã hội - Nội vụ - Tài chính.

- Kinh phí tăng thêm để thực hiện chế độ phụ cấp đối với y tế thôn bản.

- Kinh phí hỗ trợ tăng thêm để chi trả cho nhân viên thú y cấp xã.

3. Nhu cầu kinh phí thực hiện các chế độ phụ cấp, trợ cấp tính trên lương ngạch, bậc hoặc lương tối thiểu được các cấp có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn sau thời điểm 01/5/2011 của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương (nếu có) được tổng hợp vào nhu cầu kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2011 và xử lý nguồn thực hiện theo các quy định của Thông tư này.

4. Tiền lương tăng thêm do điều chỉnh mức lương tối thiểu chung đối với số lao động không thuộc diện Nhà nước giao chỉ tiêu biên chế và tiền lương được tính trong đơn giá sản phẩm theo quy định của các đơn vị sự nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sự nghiệp giao thông, địa chính, địa chất, v.v…; tiền lương tăng thêm đối với lao động trong các cơ quan, đơn vị đã thực hiện khoán chi (như: cơ quan Thuế, Hải quan, Đài Truyền hình Việt Nam, …) và trong các quyết định cho phép khoán chi của các cấp có thẩm quyền đã quy định trong thời gian khoán đơn vị tự sắp xếp trong mức khoán để đảm bảo các chế độ, chính sách mới ban hành; tiền lương tăng thêm đối với biên chế, lao động của hệ thống công đoàn các cấp: Thực hiện tương tự như quy định tại điểm 1.2 khoản 1 mục II Thông tư số 02/2005/TT-BTC (không tổng hợp vào nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung của các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).

Điều 3. Xác định nguồn để đảm bảo nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, 23/2011/NĐ-CP:

1. Nguồn kinh phí thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, 23/2011/NĐ-CP trong năm 2011:

a) Nguồn kinh phí thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP trong năm 2011 của các Bộ, cơ quan trung ương:

- Đối với các cơ quan hành chính nhà nước, đảng, đoàn thể:

+ Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2011 (trừ tiền lương và các khoản có tính chất lương) đã được cấp có thẩm quyền giao đối với từng cơ quan.

+ Sử dụng tối tiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2011.

+ Các nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2010 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2011 (nếu có).

- Đối với các đơn vị sự nghiệp của nhà nước và của đảng, đoàn thể:

+ Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2011 đã được cấp có thẩm quyền giao đối với từng đơn vị sự nghiệp (số tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2011 tăng so với dự toán năm 2010 sau khi đã tính cùng mặt bằng tiền lương tối thiểu theo Nghị định số 28/2010/NĐ-CP ngày 25/3/2010 của Chính phủ).

+ Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2011; riêng ngành y tế 35%, sau khi trừ chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư thay thế, vật tư tiêu hao (phần còn lại sau khi đã sử dụng để thực hiện Nghị định số 28/2010/NĐ-CP ngày 25/3/2010, Nghị định số 33/2009/NĐ-CP ngày 06/4/2009, Nghị định 166/2007/NĐ-CP ngày 16/11/2007, Nghị định 94/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006, Nghị định số 118/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005, Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004, Nghị định 03/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 trong năm 2011).

+ Các nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2010 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2011 (nếu có).

Trường hợp các nguồn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 nêu trên nhỏ hơn nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP năm 2011 theo quy định tại Điều 2 Thông tư này, ngân sách trung ương sẽ bổ sung phần chênh lệch thiếu cho các Bộ, cơ quan trung ương để đảm bảo đủ nguồn thực hiện.

Trường hợp các nguồn theo quy định điểm a khoản 1 Điều 3 nêu trên lớn hơn nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP năm 2011 theo quy định tại Điều 2 Thông tư này thì các Bộ, cơ quan trung ương tự đảm bảo phần kinh phí thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP năm 2011; phần còn lại để chi cho thực hiện chế độ tiền lương mới tăng thêm khi Nhà nước tiếp tục ban hành; không sử dụng phần kinh phí còn lại này cho các mục tiêu khác.

b) Nguồn kinh phí thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, 23/2011/NĐ-CP trong năm 2011 của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

- 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2011 của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp (riêng ngành y tế 35%, sau khi trừ chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư thay thế, vật tư tiêu hao).

- Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2011 (trừ tiền lương và các khoản có tính chất lương) đã được cấp có thẩm quyền giao.

- 50% tăng thu ngân sách địa phương (không kể tăng thu từ nguồn thu tiền sử dụng đất) thực hiện năm 2010 so dự toán năm 2010.

- Nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2010 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2011 (nếu có).

Trường hợp các nguồn theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 nêu trên nhỏ hơn nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, 23/2011/NĐ-CP theo quy định tại Điều 2 của Thông tư này, ngân sách trung ương sẽ bổ sung phần chênh lệch thiếu cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để đảm bảo đủ nguồn thực hiện.

Trường hợp các nguồn theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 nêu trên lớn hơn nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, 23/2011/NĐ-CP theo quy định tại Điều 2 của Thông tư này, thì các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tự đảm bảo phần kinh phí thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, 23/2011/NĐ-CP; phần còn lại để chi cho thực hiện chế độ tiền lương mới tăng thêm khi Nhà nước tiếp tục ban hành; không sử dụng phần kinh phí còn lại này cho các mục tiêu khác.

Trường hợp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nguồn còn dư lớn sau khi đảm bảo được nhu cầu kinh phí cải cách tiền lương theo lộ trình, thì có báo cáo Bộ Tài chính xem xét giải quyết theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1, Quyết định số 383/QĐ-TTg ngày 03/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các địa phương khi thực hiện cải cách tiền lương có khó khăn về nguồn do không điều hòa được tăng thu giữa các cấp ngân sách, thì có báo cáo cụ thể gửi Bộ Tài chính để xem xét, xử lý.

2. Số thu được để lại theo chế độ quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 3 nêu trên không được trừ chi phí trực tiếp phục vụ cho công tác thu trong trường hợp số thu này là thu từ các công việc, dịch vụ do Nhà nước đầu tư hoặc từ các công việc, dịch vụ thuộc đặc quyền của Nhà nước và đã được ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí cho hoạt động thu như: số thu học phí để lại cho trường công lập; số thu viện phí để lại cho bệnh viện công lập sau khi trừ chi phí thuốc, máu dịch truyền, hóa chất, vật tư thay thế, vật tư tiêu hao, …. Số thu được để lại theo chế độ được trừ chi phí trực tiếp phục vụ cho công tác thu trong trường hợp số thu này là thu từ các công việc, dịch vụ do Nhà nước đầu tư hoặc từ các công việc, dịch vụ thuộc đặc quyền của Nhà nước, nhưng chưa được ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí hoạt động thu (ví dụ: số thu học phí để lại cho các trường dạy nghề lái xe ôtô được trừ chi phí xăng xe do học phí đã bao gồm cả chi phí xăng xe, …).

3. Kinh phí thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP đối với biên chế, lao động của hệ thống công đoàn các cấp được đảm bảo từ nguồn thu 2% kinh phí công đoàn; không tổng hợp vào nhu cầu kinh phí thực hiện tiền lương, trợ cấp tăng thêm của các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

4. Kinh phí thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP đối với biên chế, lao động của Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và cán bộ thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp được đảm bảo từ nguồn chi quản lý bộ máy theo quy định.

5. Kinh phí thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP đối với biên chế, lao động trong các cơ quan, đơn vị đã thực hiện khoán chi mà trong quyết định cho phép khoán chi của cấp có thẩm quyền đã quy định trong thời gian khoán đơn vị tự sắp xếp trong mức khoán để đảm bảo các chế độ, chính sách mới ban hành (như: cơ quan Thuế, Hải quan, Đài Truyền hình Việt Nam, …) thì các cơ quan, đơn vị này phải tự đảm bảo kinh phí thực hiện chế độ tiền lương mới tăng thêm trong tổng mức kinh phí đã được khoán.

6. Từ năm 2012 trở đi, kinh phí bổ sung để thực hiện tiền lương theo mức lương tối thiểu 830.000 đồng/tháng (sau khi đã sử dụng các nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương theo quy định) sẽ được bố trí trong dự toán chi ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 4. Chế độ báo cáo về nhu cầu và nguồn kinh phí thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, 23/2011/NĐ-CP:

Các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, xét duyệt và tổng hợp báo cáo nhu cầu, nguồn kinh phí thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, 23/2011/NĐ-CP trong năm 2011 gửi Bộ Tài chính chậm nhất vào ngày 31/5/2011 (kể cả các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đủ nguồn để thực hiện).

(Các Bộ, cơ quan trung ương gửi báo cáo nhu cầu và nguồn theo biểu mẫu số 1, 3a, 3b, 3c đính kèm; các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi báo cáo nhu cầu và nguồn theo biểu mẫu 2a, 2b, 2c, 2d, 2đ, 4a, 4b, 4c đính kèm).

Điều 5. Phương thức chi thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, 23/2011/NĐ-CP:

1. Đối với các đơn vị sử dụng ngân sách có nguồn kinh phí lớn hơn nhu cầu kinh phí để thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, 23/2011/NĐ-CP thì được chủ động sử dụng các nguồn này để chi trả tiền lương, phụ cấp, trợ cấp tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị mình theo chế độ quy định.

2. Đối với các Bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị sử dụng ngân sách có nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, 23/2011/NĐ-CP lớn hơn nguồn kinh phí để thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, 23/2011/NĐ-CP theo quy định tại Thông tư này:

- Trên cơ sở báo cáo của các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Tài chính sẽ thẩm định và thông báo bổ sung kinh phí để các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đủ nguồn để thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, 23/2011/NĐ-CP.

- Trên cơ sở đó, các Bộ, cơ quan trung ương thông báo bổ sung kinh phí cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc; cơ quan tài chính các cấp ở địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp thông báo bổ sung cho các đơn vị dự toán cấp mình và cho ngân sách cấp dưới để thực hiện tiền lương, phụ cấp, trợ cấp tăng thêm theo chế độ quy định (sau khi sử dụng nguồn để thực hiện tiền lương, phụ cấp, trợ cấp tăng thêm theo quy định mà vẫn còn thiếu nguồn).

- Căn cứ vào số thông báo bổ sung nêu trên, cơ quan tài chính các cấp ở địa phương (đối với cấp xã là Ủy ban nhân dân cấp xã) thực hiện rút dự toán để thực hiện và hạch toán vào khoản bổ sung có mục tiêu năm 2011.

- Các đơn vị dự toán cấp I có trách nhiệm phân bổ số thông báo bổ sung nêu trên các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc (sau khi sử dụng nguồn để thực hiện tiền lương, phụ cấp, trợ cấp tăng thêm theo quy định mà vẫn còn thiếu nguồn). Các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện rút tiền tại Kho bạc nhà nước trong phạm vi số được bổ sung cùng với việc chủ động sử dụng nguồn thu được để lại theo chế độ, tiết kiệm 10% chi thường xuyên để chi trả tiền lương, phụ cấp, trợ cấp tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị mình theo chế độ quy định.

3. Đối với các Bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nguồn kinh phí để thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, 23/2011/NĐ-CP lớn hơn nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, 23/2011/NĐ-CP:

- Các Bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị và cấp ngân sách trực thuộc có nguồn kinh phí lớn hơn nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, 23/2011/NĐ-CP chủ động sử dụng các nguồn này để chi trả tiền lương tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, trợ cấp tăng thêm đối với cán bộ xã nghỉ việc và phụ cấp tăng thêm cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, cán bộ thú y cấp xã theo chế độ quy định.

- Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương, tiết kiệm 10% chi thường xuyên (phần giữ lại tập trung) để bổ sung nguồn kinh phí thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, 23/2011/NĐ-CP cho các đơn vị dự toán cùng cấp và cấp ngân sách trực thuộc còn thiếu nguồn thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, 23/2011/NĐ-CP theo quy trình tương tự nêu tại khoản 2 Điều 5 nêu trên.

4. Trong khi chờ được cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí, ngân sách cấp trên thực hiện ứng trước kinh phí cho ngân sách cấp dưới chưa đảm bảo đủ nguồn thực hiện; đối với các địa phương có khó khăn về nguồn, có văn bản báo cáo gửi Bộ Tài chính để thực hiện ứng kinh phí cho địa phương; các đơn vị sử dụng ngân sách được chủ động sử dụng dự toán ngân sách năm 2011 đã được giao và nguồn thu được để lại theo chế độ để kịp thời chi trả tiền lương tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, trợ cấp tăng thêm cho cán bộ xã nghỉ việc và phụ cấp tăng thêm cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, cán bộ thú y cấp xã theo chế độ quy định. Số kinh phí đã ứng trước và số đã sử dụng này được hoàn lại nguồn bằng số bổ sung kinh phí để thực hiện tiền lương, trợ cấp tăng thêm của cấp có thẩm quyền.

5. Kế toán và quyết toán: việc kế toán, quyết toán kinh phí thực hiện tiền lương, trợ cấp cán bộ xã đã nghỉ việc, phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phụ cấp cho cán bộ thú y cấp xã tăng thêm thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật hiện hành.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Căn cứ quy định tại Thông tư này, các Bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và các cấp trực thuộc xác định nhu cầu và nguồn kinh phí thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, 23/2011/NĐ-CP trong năm 2011.

Căn cứ vào tình hình cụ thể của cơ quan, địa phương mình và các quy định tại Thông tư này, Thủ trưởng các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định về thời gian, biểu mẫu báo cáo cho các đơn vị và các cấp ngân sách trực thuộc phù hợp với quy định về việc tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính tại Thông tư này.

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2011.

Các chế độ quy định tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 01/5/2011.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có báo cáo gửi Bộ Tài chính để kịp thời xem xét, giải quyết.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=26537&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận