Văn bản pháp luật: Thông tư 54/2012/TT-BTC

Toàn quốc
Công báo số 349+350, năm 2012
Thông tư 54/2012/TT-BTC
Thông tư
01/06/2012
09/04/2012

Tóm tắt nội dung

Quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015"

Thứ trưởng
2.012
Bộ Tài chính

Toàn văn

THÔNG TƯ

Quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án

"Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015"

 _______________________

 

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Thực hiện Quyết định số 295/QĐ-TTg ngày 26/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015.

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính - Hành chính sự nghiệp; Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015" như sau:

Điều 1. Quy định chung

1. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị có sử dụng nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách nhà nước để thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015 (sau đây gọi tắt là Đề án) ban hành theo Quyết định số 295/QĐ/TTg ngày 26/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp Đề án sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển, vốn viện trợ không hoàn lại thì thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước và của nhà tài trợ.

Đối với các hoạt động lồng ghép và phối hợp với các Bộ, ngành để thực hiện các Chương trình, Đề án của Chính phủ đang thực hiện thì áp dụng cơ chế tài chính của Chương trình, Đề án đó (Ví dụ như: đối với hoạt động dạy nghề cho lao động nữ ở khu vực nông thôn áp dụng theo Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động thương binh và xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020"; đối với hoạt động xúc tiến thương mại đề nghị thực hiện theo quy định tại Thông tư 88/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để thực hiện chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia). 

Kinh phí hỗ trợ đối với lao động nữ khu vực thành thị được bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp đào tạo và dạy nghề.

2. Kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015" thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và được bố trí trong dự toán của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

3. Kinh phí Ngân sách Nhà nước bảo đảm thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015" phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ và theo các quy định tại Thông tư này.

Điều 2. Nội dung chi và mức chi thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015"

1. Hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về học nghề và việc làm; về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với dạy nghề và việc làm cho phụ nữ:

a) Nội dung hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về học nghề và việc làm; về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với dạy nghề và việc làm cho phụ nữ thực hiện theo quy định tại khoản 1, mục IV Điều 1 Quyết định số 295/QĐ-TTg ngày 26/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ; bao gồm:

- Chi thông tin, tuyên truyền về phụ nữ với nghề nghiệp, việc làm trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương;

- Chi xây dựng và in ấn các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền; xuất bản sách chọn nghề, cẩm nang việc làm cho lao động nữ;

- Chi xây dựng, duy trì chuyên mục tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm trên trang thông tin điện tử của Hội, Báo phụ nữ, Đài phát thanh và Truyền hình; các báo, đài ở Trung ương và địa phương;

- Chi tổ chức thực hiện thí điểm mô hình tuyên truyền tư vấn, vận động phụ nữ học nghề, tạo việc làm tại một số địa phương đại diện cho các vùng miền (tổ chức khảo sát xác định nhu cầu và nội dung tuyên truyền tư vấn, vận động phụ nữ học nghề, tạo việc làm; tổ chức hội thảo, tập huấn cho cán bộ Hội phụ nữ thực hiện mô hình thí điểm; tổ chức thực hiện thí điểm mô hình tuyên truyền tại cộng đồng). Thông qua việc thực hiện thí điểm, tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm và hướng dẫn các tỉnh triển khai nhân rộng mô hình tuyên truyền tư vấn, vận động phụ nữ học nghề, tạo việc làm tại cộng đồng.

Việc lựa chọn mô hình, nội dung, địa điểm và thời gian tổ chức triển khai mô hình thí điểm do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với các địa phương quyết định phù hợp với kế hoạch và mục tiêu của Đề án.

- Tổ chức diễn đàn (hội nghị, hội thảo), thảo luận giao lưu, thông tin về dạy nghề, việc làm cho phụ nữ của các cấp Hội.

b) Mức chi cho hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức: Thực hiện theo Thông tư Liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

2. Hoạt động nghiên cứu, giám sát, đánh giá việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về học nghề và tạo việc làm cho phụ nữ.

a) Nội dung hoạt động nghiên cứu, giám sát, đánh giá việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về học nghề và việc làm cho phụ nữ thực hiện theo quy định tại khoản 2 mục IV Điều 1 Quyết định số 295/QĐ-TTg ngày 26/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ, gồm:

- Rà soát hệ thống văn bản pháp luật, chính sách dạy nghề, học nghề và tạo việc làm liên quan đến phụ nữ;

- Nghiên cứu, điều tra, khảo sát thu thập thông tin, số liệu về các vấn đề liên quan đến dạy nghề, học nghề và tạo việc làm cho lao động nữ;

- Tổ chức hội nghị, hội thảo đánh giá việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về học nghề và tạo việc làm cho phụ nữ;

- Tổ chức các đoàn công tác để kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về học nghề và tạo việc làm cho phụ nữ.

b) Mức chi:  

- Chi thực hiện rà soát hệ thống văn bản pháp luật, chính sách thực hiện theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17/8/2011 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật;

- Chi thực hiện các cuộc điều tra, khảo sát thực hiện theo quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê;

- Chi hoạt động nghiên cứu thực hiện theo quy định của Bộ Khoa học công nghệ và Bộ Tài chính hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước;

- Chi công tác phí cho cán bộ đi công tác, kiểm tra, giám sát và tổ chức các hội nghị, hội thảo thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Hoạt động xây dựng một số chương trình, giáo trình dạy nghề đặc thù cho lao động nữ:

a) Nội dung hoạt động thực hiện theo quy định tại khoản 3 mục IV Điều 1 Quyết định số 295/QĐ-TTg ngày 26/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ, gồm:

- Chi khảo sát nhu cầu học nghề, ngành nghề cần đào tạo, ngành nghề mới phù hợp với lao động nữ, có thu nhập cao phù hợp với các cấp độ đào tạo và loại hình chương trình, giáo trình cần xây dựng mới;

- Chi xây dựng chương trình, giáo trình đối với những ngành nghề cần đào tạo, những nghề mới, nghề có thu nhập cao, nghề phù hợp với lao động nữ;

- Chi sửa chữa, chỉnh sửa, biên tập lại chương trình, giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nghề phù hợp với lao động nữ.

- Chi xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề theo ba cấp trình độ đào tạo theo phương pháp dạy nghề điện tử.

b) Mức chi xây dựng chương trình, giáo trình dạy nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng thực hiện theo Thông tư Liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

4. Hoạt động đẩy mạnh hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm:

a) Nội dung hoạt động đẩy mạnh hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm cho phụ nữ được quy định tại khoản 4 mục IV Điều 1 Quyết định số 295/QĐ-TTg ngày 26/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm:

- Dạy nghề cho lao động nữ.

- Liên kết với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh để hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ.

- Tổ chức hội nghị, hội thảo triển khai hoạt động hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm;

- Thực hiện mô hình thí điểm tạo việc làm tại chỗ cho phụ nữ đã được dạy nghề; cụ thể: xây dựng tối đa 05 mô hình điểm/01 tỉnh. Việc lựa chọn mô hình, nội dung, địa điểm và thời gian tổ chức triển khai mô hình thí điểm do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với các địa phương quyết định phù hợp với kế hoạch và mục tiêu của Đề án.

b) Mức chi:

- Đối với người học:

Đối tượng hỗ trợ và mức hỗ trợ học nghề thực hiện theo quy định tại mục II và mục III Điều 1 Quyết định số 295/QĐ-TTg ngày 26/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đối với giảng viên:                      

Áp dụng chính sách đối với giáo viên, giảng viên theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020".

- Chi tổ chức các hội nghị, hội thảo thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

- Chi liên kết với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh để hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ: Thanh toán theo hợp đồng được ký kết và theo chứng từ thực tế phát sinh.

- Chi thực hiện mô hình thí điểm tạo việc làm tại chỗ cho phụ nữ đã được dạy nghề: mức tối đa 150 triệu đồng/mô hình/tối đa 30 hộ.

5. Hoạt động phát triển và nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam:

a) Nội dung hoạt động theo quy định tại khoản 5 mục IV Điều 1 Quyết định số 295/QĐ-TTg:

- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên trung tâm, trường nghề thuộc hệ thống Hội; đào tạo cán bộ Hội tham gia công tác dạy nghề, nâng cao năng lực giám sát, đánh giá chính sách dạy nghề cho phụ nữ.

- Thuê các nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các trường đại học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia dạy nghề cho lao động nữ.

- Xây dựng hạ tầng thông tin học nghề, lao động việc làm thuộc hệ thống Hội.

- Đón các đoàn vào và chi các đoàn ra để mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế nhằm tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư, hợp tác để dạy nghề cho phụ nữ.

b) Mức chi:

- Chi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên trung tâm, trường nghề thuộc hệ thống Hội; đào tạo cán bộ Hội tham gia công tác dạy nghề, nâng cao năng lực giám sát, đánh giá chính sách dạy nghề cho phụ nữ; chi thuê các nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các trường đại học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia dạy nghề cho lao động nữ: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Trong đó mức chi thuê các nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các trường đại học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia dạy nghề cho lao động nữ áp dụng mức chi tại điểm d, khoản 1.1, Điều 3 Thông tư số 139/2010/TT-BTC.

- Chi đón các đoàn vào: Thực hiện theo Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 6/1/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam; chế độ chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam; chế độ chi tiêu tiếp khách trong nước đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức.

- Chi các đoàn công tác nước ngoài: Thực hiện theo Thông tư của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí.

- Đối với các khoản chi xây dựng hạ tầng thông tin, lập hệ cơ sở dữ liệu tin học hóa: Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về mức chi tạo lập tin điện tử thuộc công nghệ thông tin và các quy định hiện hành về công nghệ thông tin, xây dựng và quản lý hệ cơ sở dữ liệu.

6. Hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Đề án:

a) Nội dung hoạt động:

- Xây dựng tiêu chí giám sát, đánh giá Đề án: Chi tổ chức các cuộc họp, hội thảo;

- Tổ chức đoàn công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Đề án hàng năm, giữa giai đoạn và kết thúc giai đoạn.

- Tổng hợp số liệu, viết báo cáo đánh giá việc thực hiện Đề án; tình hình quản lý và sử dụng ngân sách của Đề án cho các Bộ, ngành, cơ quan liên quan.

- Tổ chức hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết đánh giá thực hiện Đề án.

- Công tác quản lý Đề án: Các cuộc họp Ban chỉ đạo triển khai đề án, họp tổ tư vấn, giúp việc; thuê cán bộ hợp đồng, chi tiền lương làm thêm giờ, chi mua sắm trang thiết bị, vật tư văn phòng và một số khoản chi khác phục vụ cho hoạt động của Đề án.

b) Mức chi:

- Chi xây dựng tiêu chí, giám sát đánh giá Đề án (lập biểu mẫu các tiêu chí): Thực hiện theo Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê;

- Chi tổng hợp số liệu, viết báo cáo đánh giá: Thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư Liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

- Chi công tác phí cho cán bộ tham gia đoàn kiểm tra, giám sát; chi tổ chức hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết đánh giá thực hiện Đề án thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

- Chi tiền lương làm thêm giờ thực hiện theo quy định của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

- Các khoản chi khác (chi tiền công lao động hợp đồng, mua sắm vật tư văn phòng, trang thiết bị): Căn cứ vào hoá đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp theo quy định hiện hành và được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán trước khi thực hiện làm căn cứ quyết toán kinh phí.

Điều 3. Lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án

Việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật này. Thông tư này hướng dẫn thêm một số nội dung đặc thù như sau:

1. Lập dự toán ngân sách:

a) Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 295/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương chủ động lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm để thực hiện Đề án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các địa phương bảo đảm kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện Đề án theo nguyên tắc như sau:

Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí đối với các nội dung công việc do các cơ quan thuộc địa phương thực hiện để triển khai các nhiệm vụ của Đề án.

Ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện Đề án cho các tỉnh miền núi khó khăn, hàng năm phải nhận trợ cấp cân đối từ ngân sách Trung ương. Căn cứ vào hướng dẫn của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam về các nội dung công việc cần triển khai để thực hiện Đề án, hàng năm, Uỷ ban nhân dân các tỉnh này lập dự toán kinh phí đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ gửi về Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

c) Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổng hợp dự toán chi thực hiện Đề án trong năm kế hoạch gửi Bộ Tài chính thẩm định trình cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, dự toán được chia ra làm 2 phần:

- Dự toán bố trí cho Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ được giao của Hội.

- Đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các tỉnh miền núi khó khăn, hàng năm phải nhận trợ cấp cân đối từ ngân sách Trung ương. Sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán, Bộ Tài chính sẽ thông báo cho các địa phương được hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án.

d) Đối với các hoạt động đào tạo đã được lồng ghép trong Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 được phê duyệt theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ (lao động nữ ở khu vực nông thôn thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 mục II Quyết định số 1956/QĐ-TTg): Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổng hợp nhu cầu kinh phí đào tạo của các tỉnh, thành phố gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện lồng ghép.

2. Việc quản lý, chi tiêu, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề án thực hiện theo chế độ và quy định quản lý tài chính hiện hành.

Kinh phí thực hiện Đề án cuối năm còn dư do chưa hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiêu của Đề án được chuyển sang năm sau sử dụng và quyết toán theo quy định.

Điều 4. Điều khoản thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2012.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=27445&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận