Văn bản pháp luật: Thông tư 54/2013/TT-BGTVT

Đinh La Thăng
Công báo số 05 + 06/2014
Thông tư 54/2013/TT-BGTVT
Thông tư
02/01/2014
16/12/2013

Tóm tắt nội dung

Quy định về sỹ quan kiểm tra tàu biển

Giao thông Vận tải
Bộ trưởng
2.013
Bộ Giao thông vận tải

Toàn văn

 

THÔNG TƯ

Quy định về sỹ quan kiểm tra tàu biển

_________

 

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị quyết số A.1052 (27) của Tổ chức Hàng hải quốc tế về Quy trình kiểm tra nhà nước cảng biển năm 2011;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về sỹ quan kiểm tra tàu biển,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về tiêu chuẩn của sỹ quan kiểm tra tàu biển (bao gồm Sỹ quan kiểm tra tàu biển Việt Nam và Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển), huấn luyện, sát hạch, cấp, đổi và thu hồi thẻ sỹ quan kiểm tra tàu biển.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với sỹ quan kiểm tra tàu biển, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc huấn luyện, sát hạch, cấp, đổi và thu hồi thẻ sỹ quan kiểm tra tàu biển.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Sỹ quan kiểm tra tàu biển Việt Nam là công chức, viên chức của Cục Hàng hải Việt Nam được cấp Thẻ Sỹ quan kiểm tra tàu biển Việt Nam để thực hiện việc kiểm tra các điều kiện an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và điều kiện lao động hàng hải trên tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam.

2. Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển là công chức, viên chức của Cục Hàng hải Việt Nam được cấp Thẻ Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển để thực hiện việc kiểm tra các điều kiện về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và điều kiện lao động hàng hải trên tàu biển Việt Nam và tàu biển nước ngoài neo, đậu trong vùng nước cảng biển của Việt Nam.

Điều 4. Quyền hạn của sỹ quan kiểm tra tàu biển

1. Kiểm tra việc tuân thủ các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và điều kiện lao động hàng hải; yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng cung cấp các hồ sơ, giấy tờ, tạo điều kiện cần thiết trên tàu để thực hiện các công việc kiểm tra.

2. Bảo lưu và báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam các ý kiến khác với quyết định của Giám đốc Cảng vụ Hàng hải về kết luận tình trạng an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và điều kiện lao động hàng hải của tàu biển được kiểm tra.

3. Từ chối kiểm tra tàu biển trong trường hợp các điều kiện an toàn lao động không đảm bảo.

Điều 5. Trách nhiệm của sỹ quan kiểm tra tàu biển

1. Khi tiến hành kiểm tra tàu, phải xuất trình thẻ sỹ quan kiểm tra tàu biển cho thuyền viên trực ca.

2. Thực hiện các hoạt động kiểm tra tàu biển một cách khách quan, đúng pháp luật và không vì mục đích vụ lợi; mọi hành vi lạm dụng quyền hạn hoặc cố ý làm trái sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương II

TIÊU CHUẨN CỦA SỸ QUAN KIỂM TRA TÀU BIỂN

Điều 6. Tiêu chuẩn của Sỹ quan kiểm tra tàu biển Việt Nam

1. Yêu cầu hiểu biết:

a) Quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và điều kiện lao động hàng hải;

b) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, hoạt động của Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải.

2. Yêu cầu trình độ:

a) Tốt nghiệp một trong các chuyên ngành: điều khiển tàu biển, máy tàu biển, điện - vô tuyến điện tàu thủy, thiết kế tàu biển bậc đại học trở lên;

b) Là Sỹ quan mức trách nhiệm vận hành đối với ngành boong, máy hoặc Sỹ quan kỹ thuật điện, Sỹ quan vô tuyến điện hoặc có thời gian công tác giám sát, kiểm tra việc sửa chữa, đóng mới hay phân cấp tàu biển tối thiểu 05 năm;

c) Ngoại ngữ tiếng Anh hàng hải trình độ 2 hoặc tiếng Anh trình độ B;

d) Tin học văn phòng;

đ) Hoàn thành các khóa huấn luyện, cập nhật, bổ sung về nghiệp vụ kiểm tra tàu biển do Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức hoặc các tổ chức nước ngoài tổ chức;

e) Đạt yêu cầu trong các kỳ sát hạch do Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức;

g) Có tối thiểu 30 lượt thực tập công tác kiểm tra tàu biển Việt Nam được Giám đốc Cảng vụ Hàng hải nơi thực tập xác nhận.

3. Có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khỏe đảm nhiệm công việc được phân công.

Điều 7. Tiêu chuẩn của Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển

1. Yêu cầu hiểu biết:

a) Quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và điều kiện lao động hàng hải;

b) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, hoạt động của Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải;

c) Chức năng, hoạt động của Tổ chức Hàng hải quốc tế, các tổ chức kiểm tra nhà nước cảng biển.

2. Yêu cầu trình độ:

a) Tốt nghiệp một trong các chuyên ngành: điều khiển tàu biển, máy tàu biển, điện - vô tuyến điện tàu thủy, thiết kế tàu biển bậc đại học trở lên;

b) Là Sỹ quan hàng hải mức trách nhiệm quản lý trên tàu có tổng dung tích từ 3000 GT hoặc tổng công suất máy chính từ 3000 KW trở lên (đối với chuyên ngành điều khiển tàu biển, máy tàu biển) hoặc Sỹ quan kỹ thuật điện, Sỹ quan vô tuyến điện hoặc có thời gian công tác giám sát, kiểm tra việc sửa chữa, đóng mới hay phân cấp tàu biển tối thiểu 07 năm;

c) Ngoại ngữ tiếng Anh hàng hải cấp độ 3 hoặc chứng chỉ quốc tế TOEIC đạt từ 450 điểm hoặc IELTS đạt từ 4,5 điểm trở lên hoặc TOEFL CBT đạt từ 140 điểm trở lên hoặc có bằng cử nhân Anh văn;

d) Tin học văn phòng;

đ) Hoàn thành các khóa huấn luyện về nghiệp vụ kiểm tra tàu biển do Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức hoặc cử đi đào tạo ở nước ngoài;

e) Đạt yêu cầu trong các kỳ sát hạch do Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức;

g) Có tối thiểu 45 lượt thực tập kiểm tra tàu biển nước ngoài được Giám đốc Cảng vụ Hàng hải nơi thực tập xác nhận.

3. Có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khỏe đảm nhiệm công việc được phân công.

Chương III

HUẤN LUYỆN, SÁT HẠCH, CẤP ĐỔI VÀ THU HỒI THẺ

SỸ QUAN KIỂM TRA TÀU BIỂN

Điều 8. Huấn luyện và thực tập sỹ quan kiểm tra tàu biển

1. Cục Hàng hải Việt Nam ban hành chương trình huấn luyện sỹ quan kiểm tra tàu biển và tổ chức tập huấn công tác kiểm tra tàu biển hàng năm cho các Sỹ quan kiểm tra tàu biển Việt Nam và Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển.

2. Chương trình huấn luyện sỹ quan kiểm tra tàu biển bao gồm những nội dung chính sau đây:

a) Pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế liên quan đến an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và điều kiện lao động hàng hải;

b) Nghiệp vụ kiểm tra tàu biển;

c) Quy trình kiểm tra tàu biển.

3. Sỹ quan kiểm tra tàu biển thực tập kiểm tra trên tàu biển Việt Nam và tàu biển nước ngoài neo, đậu trong vùng nước cảng biển Việt Nam dưới sự hướng dẫn của Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển có năng lực, kinh nghiệm được Giám đốc Cảng vụ Hàng hải phân công.

Điều 9. Hội đồng sát hạch sỹ quan kiểm tra tàu biển

1. Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức sát hạch sỹ quan kiểm tra tàu biển và quyết định thành lập Hội đồng sát hạch sỹ quan kiểm tra tàu biển (sau đây gọi là Hội đồng).

2. Hội đồng có từ 03 đến 05 thành viên, gồm: Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, các ủy viên là đại diện của các Phòng chức năng có liên quan của Cục Hàng hải Việt Nam.

3. Hội đồng có trách nhiệm tổ chức các đợt sát hạch cấp mới thẻ sỹ quan kiểm tra tàu biển.

4. Hội đồng có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Xét duyệt danh sách thí sinh theo các điều kiện quy định tại Điều 6 và Điều 7 của Thông tư này;

b) Tư vấn cho Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam trong việc lập ngân hàng đề thi; đề nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung đề thi cho sát với thực tế;

c) Điều hành và kiểm tra các kỳ sát hạch;

d) Xử lý các vụ việc xảy ra trong đợt sát hạch (nếu có);

đ) Thành lập Ban giám khảo sát hạch sỹ quan kiểm tra tàu biển (sau đây gọi là Ban giám khảo);

e) Tổng hợp kết quả sát hạch, báo cáo Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định công nhận.

Điều 10. Ban giám khảo sát hạch sỹ quan kiểm tra tàu biển

1. Ban giám khảo có từ 03 đến 05 thành viên, đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau đây:

a) Là Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển có kinh nghiệm ít nhất là 05 năm;

b) Là chuyên gia có năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và điều kiện lao động hàng hải.

2. Ban giám khảo có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Tổ chức hỏi thi, chấm thi, tổng hợp báo cáo kết quả thi theo quy định;

b) Kiến nghị Hội đồng sát hạch sỹ quan kiểm tra tàu biển điều chỉnh kịp thời những sai sót trong đề thi;

c) Xử lý vi phạm quy chế thi theo thẩm quyền và báo cáo Hội đồng sát hạch sỹ quan kiểm tra tàu biển.

Điều 11. Công nhận kết quả sát hạch sỹ quan kiểm tra tàu biển

1. Thí sinh dự thi đạt các môn thi từ điểm 5 trở lên theo thang điểm 10.

Trường hợp thí sinh chỉ đạt một số môn thì kết quả những môn này sẽ được bảo lưu trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo kết quả thi.

2. Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định công nhận kết quả sát hạch trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Hội đồng sát hạch sỹ quan kiểm tra tàu biển.

Điều 12. Hồ sơ cấp thẻ sỹ quan kiểm tra tàu biển

1. Thẻ sỹ quan kiểm tra tàu biển do Cục Hàng hải Việt Nam cấp có thời hạn năm, gồm hai loại:

a) Thẻ Sỹ quan kiểm tra tàu biển Việt Nam cấp cho Sỹ quan kiểm tra tàu biển Việt Nam theo mẫu quy định tại Phụ lục số I của Thông tư này;

b) Thẻ Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển cấp cho Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển theo mẫu quy định tại Phụ lục số II của Thông tư này.

2. Hồ sơ cấp thẻ sỹ quan kiểm tra tàu biển gồm những giấy tờ sau:

a) Quyết định công nhận kết quả sát hạch sỹ quan kiểm tra tàu biển;

b) Văn bản đề nghị của Thủ trưởng đơn vị;

c) Giấy xác nhận thực tập kiểm tra tàu biển theo mẫu quy định tại Phụ lục số III của Thông tư này;

d) 02 ảnh 3x4 cm mới chụp trong vòng 06 tháng.

Điều 13. Đổi, cấp lại thẻ sỹ quan kiểm tra tàu biển

1. Thẻ sỹ quan kiểm tra tàu biển được đổi khi hết hạn và Sỹ quan kiểm tra tàu biển phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Thực hiện kiểm tra 60 lượt tàu biển trong vòng 05 năm hoặc có thời gian công tác liên quan đến kiểm tra tàu biển liên tục trong vòng 02 năm;

b) Tham gia khóa cập nhật, bổ sung về nghiệp vụ kiểm tra tàu biển.

2. Hồ sơ đổi thẻ sỹ quan kiểm tra tàu biển:

a) Văn bản đề nghị của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, trong đó nêu rõ số lượt tàu biển đã kiểm tra hoặc thời gian công tác liên quan đến kiểm tra tàu biển;

b) Bản phô tô thẻ sỹ quan kiểm tra tàu biển;

c) 02 ảnh 3x4 cm mới chụp trong vòng 06 tháng.

3. Thẻ sỹ quan kiểm tra tàu biển được cấp lại trong trường hợp bị hỏng hoặc bị mất. Thủ trưởng đơn vị gửi văn bản đề nghị kèm theo 02 ảnh 3x4 cm mới chụp trong vòng 06 tháng gửi về Cục Hàng hải Việt Nam để Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, cấp lại.

Điều 14. Thu hồi thẻ sỹ quan kiểm tra tàu biển

1. Sỹ quan kiểm tra tàu biển bị thu hồi thẻ sỹ quan kiểm tra tàu biển trong các trường hợp sau đây:

a) Vi phạm các quy định hiện hành khi thực thi công vụ với mức độ bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên;

b) Không được thủ trưởng cơ quan, đơn vị tiếp tục giao nhiệm vụ kiểm tra tàu biển.

2. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm thu hồi thẻ sỹ quan kiểm tra tàu biển đối với các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều này.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 02 năm 2014.

2. Kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2015, sỹ quan kiểm tra tàu biển đã được cấp thẻ trước ngày Thông tư này có hiệu lực phải đáp ứng các yêu cầu sau đây để được đổi thẻ mới:

a) Quy định tại các điểm c, d, đ và điểm e khoản 2 Điều 6 của Thông tư này đối với Sỹ quan kiểm tra tàu biển Việt Nam;

b) Quy định tại các điểm c, d, đ và điểm e khoản 2 Điều 7 của Thông tư này đối với Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển.

3. Cục Hàng hải Việt Nam thu hồi những thẻ kiểm tra tàu biển đã được cấp trước ngày 10 tháng 02 năm 2014 và cấp lại thẻ mới theo mẫu quy định tại Phụ lục số I và Phụ lục số II của Thông tư này đối với các trường hợp đáp ứng yêu cầu tại khoản 2 Điều này.

Điều 16. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=37843&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận