Văn bản pháp luật: Thông tư 56/2013/TT-BGTVT

Đinh La Thăng
Công báo số 149 + 150/2014
Thông tư 56/2013/TT-BGTVT
Thông tư
27/01/2014
27/12/2013

Tóm tắt nội dung

Quy định về việc kiểm tra thiết bị vệ sinh tự hoại trên toa xe khách

Giao thông Vận tải
Bộ trưởng
2.013
Bộ Giao thông vận tải

Toàn văn

THÔNG TƯ

Quy định về việc kiểm tra thiết bị vệ sinh

tự hoại trên toa xe khách

_____________

 

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải.

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Môi trường và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về việc kiểm tra thiết bị vệ sinh tự hoại trên toa xe khách,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về việc kiểm tra thiết bị vệ sinh tự hoại trên toa xe khách hoạt động trên đường sắt quốc gia.

2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân lắp đặt, sử dụng thiết bị vệ sinh tự hoại trên toa xe khách và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Thiết bị vệ sinh tự hoại: là thiết bị vệ sinh có bộ phận lưu giữ, xử lý các chất thải rắn và chất thải lỏng trước khi xả ra môi trường (sau đây gọi tắt là thiết bị).

2. Cơ sở phân tích nước thải: là phòng thí nghiệm, trung tâm thuộc tổ chức có tư cách pháp nhân được phép hoạt động trong lĩnh vực phân tích nước thải.

3. Thiết bị cùng kiểu: là các thiết bị cùng nhãn hiệu, thiết kế và có cùng thông số kỹ thuật được sản xuất trên cùng một dây chuyền công nghệ.

4. Cơ sở sửa chữa toa xe: là các doanh nghiệp đóng mới, hoán cải, sửa chữa, bảo dưỡng toa xe.

 

 

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA

Điều 3. Kiểm tra lắp đặt lần đầu thiết bị trên toa xe khách

1. Hồ sơ kiểm tra

a) Hồ sơ thiết kế hoặc hồ sơ thiết kế hoán cải toa xe khách có lắp đặt thiết bị đã được thẩm định theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 02/2009/TT-BGTVT ngày 03 tháng 4 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt (sau đây gọi tắt là Thông tư số 02/2009/TT-BGTVT).

b) Chứng chỉ chất lượng thiết bị của nhà sản xuất và phiếu kết quả phân tích nước thải do cơ sở phân tích nước thải cấp cho thiết bị cùng kiểu.

c) Biên bản kiểm tra thiết bị của cơ sở sửa chữa toa xe.

2. Nội dung kiểm tra

a) Kiểm tra sự đầy đủ của hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Kiểm tra sự phù hợp của phiếu kết quả phân tích nước thải về các giá trị thông số ô nhiễm theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

c) Kiểm tra kiểu loại và việc lắp đặt thiết bị theo thiết kế đã được thẩm định.

3. Trình tự kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cho toa xe khách có lắp thiết bị được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2009/TT-BGTVT và Thông tư số 36/2011/TT-BGTVT ngày 06 tháng 5 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2009/TT-BGTVT (sau đây gọi tắt là Thông tư số 36/2011/TT-BGTVT).

Điều 4. Kiểm tra định kỳ thiết bị

1. Hồ sơ kiểm tra

Biên bản kiểm tra thiết bị của cơ sở sửa chữa toa xe.

2. Nội dung kiểm tra

a) Kiểm tra sự đầy đủ của hồ sơ kiểm tra.

b) Kiểm tra tình trạng lắp đặt và hoạt động của thiết bị.

3. Trình tự kiểm tra, cấp giấy chứng nhận định kỳ cho toa xe khách được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2009/TT-BGTVT và Thông tư số 36/2011/TT-BGTVT. Việc kiểm tra định kỳ thiết bị được thực hiện cùng với thời điểm kiểm tra định kỳ toa xe khách quy định tại Thông tư số 02/2009/TT-BGTVT.

Điều 5. Cấp Giấy chứng nhận

Việc kiểm tra thiết bị là một hạng mục trong nội dung kiểm tra toa xe khách. Kết quả kiểm tra đạt yêu cầu là cơ sở để cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện được quy định tại Thông tư số 02/2009/TT-BGTVT và Thông tư số 36/2011/TT-BGTVT.

Điều 6. Trách nhiệm của chủ phương tiện, chủ khai thác phương tiện

Chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng, duy trì tình trạng kỹ thuật của thiết bị và đảm bảo chỉ tiêu về giá trị tối đa các thông số ô nhiễm của nước thải theo quy định của Bộ Giao thông vận tải trong quá trình khai thác sử dụng.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 02 năm 2014.

Điều 8. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=37860&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận