Văn bản pháp luật: Thông tư 58/2011/TT-BTC

Toàn quốc
Công báo từ số 349 đến số 350, năm 2011
Thông tư 58/2011/TT-BTC
Thông tư
30/06/2011
11/05/2011

Tóm tắt nội dung

Quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê

Thứ trưởng
2.011
Bộ Tài chính

Toàn văn

THÔNG TƯ

Quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê

__________________________

 

Căn cứ Luật Thống kê ngày 17/6/2003;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 40/2004/NĐ-CP ngày 13/2/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê;

Để quản lý, sử dụng nguồn kinh phí điều tra thống kê từ ngân sách nhà nước đúng mục đích và có hiệu quả; Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê như sau:

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với các cuộc điều tra thống kê (thuộc chương trình điều tra thống kê quốc gia và ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia) của các Bộ, ngành, địa phương do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định theo quy định tại Khoản 2, 3 và 4 Điều 10 Nghị định số 40/2004/NĐ-CP ngày 13/2/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê.

2. Đối với các cuộc Tổng điều tra thống kê do Thủ tướng Chính phủ quyết định, các cuộc điều tra thống kê bố trí từ các nguồn vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp môi trường đang thực hiện theo các văn bản hướng dẫn riêng, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Ngân sách nhà nước bảo đảm và bố trí trong dự toán chi ngân sách của các Bộ, ngành, địa phương theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.

- Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê thuộc chương trình điều tra thống kê quốc gia và ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia do Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định.

- Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

2. Nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế theo các Chương trình, dự án.

3. Nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Nội dung chi

1. Chi xây dựng phương án điều tra thống kê: tùy theo quy mô, tính chất, khối lượng các chỉ tiêu của từng cuộc điều tra, cơ quan, đơn vị xây dựng phương án điều tra (gồm đề cương tổng quát và đề cương chi tiết) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (sau khi có ý kiến thẩm định phương án điều tra của Tổng cục Thống kê theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 40/2004/NĐ-CP).

2. Chi lập mẫu phiếu điều tra được chủ dự án duyệt.

3. Chi điều tra thử để hoàn thiện phương án điều tra.

4. Chi hội thảo nghiệp vụ chuyên môn, lấy ý kiến chuyên gia các ngành liên quan (nếu có), thẩm định phương án điều tra, nghiệm thu về phương án điều tra và nội dung phiếu điều tra, báo cáo kết quả điều tra.

5. Chi xây dựng sổ tay nghiệp vụ cho điều tra viên (nếu có).

6. Chi in ấn tài liệu hướng dẫn, sổ tay nghiệp vụ cho điều tra viên, phiếu điều tra, biểu mẫu phục vụ điều tra, kết quả điều tra, xuất bản ấn phẩm điều tra (nếu có). Số lượng tài liệu in đủ để phục vụ cho các đối tượng tham gia cuộc điều tra và đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý. Việc in ấn tài liệu, phiếu, biểu mẫu điều tra, sổ tay nghiệp vụ cho điều tra viên phải thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước về đấu thầu mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước bằng vốn nhà nước.

7. Chi tập huấn nghiệp vụ điều tra cho các điều tra viên (nếu có).

8. Chi điều tra:

a) Chi công tác phí cho người tham gia điều tra, phúc tra, kiểm tra, giám sát.

b) Thuê điều tra viên (đối với trường hợp phải thuê ngoài).

c) Thuê người phiên dịch tiếng dân tộc kiêm dẫn đường, thuê người dẫn đường không phải phiên dịch: khoản chi này chỉ áp dụng cho các địa bàn điều tra thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao, vùng sâu, điều tra viên không sinh sống tại địa bàn điều tra hoặc không biết tiếng dân tộc nên cần có người địa phương dẫn đường, phiên dịch.

d) Chi cho đối tượng cung cấp thông tin, tự điền phiếu điều tra.

đ) Phân tích mẫu điều tra (nếu có).

9. Chi vận chuyển tài liệu điều tra (nếu có), thuê xe cho cán bộ, điều tra viên đi thực địa để điều tra.

10. Chi xử lý kết quả điều tra gồm: nghiệm thu phiếu, kiểm tra, đánh mã số, làm sạch và hoàn thiện phiếu điều tra; xây dựng phần mềm tin học để nhập tin và xử lý, tổng hợp số liệu kết quả điều tra. Trường hợp phải thuê đơn vị bên ngoài nhập tin và xử lý, tổng hợp số liệu thì cơ quan chủ trì điều tra thực hiện theo quy định về đấu thầu mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước bằng vốn nhà nước và đảm bảo thủ tục hợp đồng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

11. Chi thuê chuyên gia phân tích, đánh giá kết quả điều tra (nếu cần thiết). Số lượng chuyên gia do cơ quan chủ trì điều tra quyết định, nhưng tối đa không quá 5 chuyên gia cho một cuộc điều tra.

12. Chi viết báo cáo kết quả điều tra: Tùy theo tính chất, quy mô của cuộc điều tra, cơ quan chủ trì điều tra quyết định chi viết báo cáo tổng hợp (bao gồm báo cáo chính và báo cáo tóm tắt); báo cáo phân tích theo chuyên đề.

13. Chi công bố kết quả điều tra: Tùy theo tính chất và sự cần thiết của cuộc điều tra, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc công bố kết quả điều tra trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo cáo cơ quan chức năng hoặc tổ chức hội nghị để công bố.

14. Các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến công tác điều tra như:

a) Văn phòng phẩm, thông tin liên lạc.

b) Biên dịch tài liệu nước ngoài phục vụ điều tra.

c) Làm ngoài giờ.

d) Chi khác.

Điều 4. Mức chi

Mức chi cho các nội dung chi quy định tại Điều 3 được thực hiện theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu tài chính hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và một số mức chi cụ thể quy định tại phụ lục đính kèm Thông tư này.

Điều 5. Lập, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí điều tra thống kê

1. Lập dự toán kinh phí cho các cuộc điều tra thống kê:

Kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm theo lĩnh vực chi của các cơ quan, đơn vị theo mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

Trên cơ sở các quyết định điều tra được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ điều tra phải xây dựng dự toán kinh phí từng cuộc điều tra trong dự toán chi ngân sách nhà nước của cơ quan, đơn vị, gửi cơ quan chủ quản tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng với thời điểm xây dựng dự toán chi ngân sách hàng năm để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Căn cứ Quyết định điều tra thống kê được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan chủ quản phân bổ dự toán cho cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng kinh phí điều tra cùng với dự toán chi thường xuyên gửi cơ quan tài chính để thẩm tra trước ngày 31/12 hàng năm. Sau khi được cơ quan tài chính thống nhất bằng văn bản, cơ quan chủ quản có quyết định giao dự toán ngân sách cho cơ quan, đơn vị, gửi cơ quan tài chính, Kho bạc nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để phối hợp thực hiện. Cơ quan, đơn vị được giao chủ trì điều tra xây dựng dự toán chi tiết trình cơ quan chủ quản phê duyệt.

3. Đối với cuộc điều tra thống kê đột xuất theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 40/2004/NĐ-CP, chưa bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước cho cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ điều tra: Căn cứ quyết định điều tra và phương án điều tra được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ điều tra xây dựng dự toán chi tiết gửi cơ quan chủ quản xét duyệt và có văn bản đề nghị cơ quan tài chính thẩm định, trình cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước.

4. Việc sử dụng và quyết toán kinh phí các cuộc điều tra thống kê thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán. Ngoài ra, Thông tư này hướng dẫn một số nội dung sau:

- Trường hợp phải thuê các đơn vị bên ngoài thực hiện một số công việc trong quá trình điều tra thống kê thì cơ quan chủ trì thực hiện điều tra ký hợp đồng với các đơn vị thuê ngoài. Chứng từ làm căn cứ thanh, quyết toán được lưu tại cơ quan chủ trì điều tra gồm: Hợp đồng thực hiện nhiệm vụ (kèm theo dự toán chi tiết được cơ quan chủ trì điều tra phê duyệt), biên bản nghiệm thu công việc, biên bản thanh lý hợp đồng, ủy nhiệm chi hoặc phiếu chi và các tài liệu có liên quan trực tiếp khác. Các chứng từ chi tiêu cụ thể do cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện điều tra lưu giữ theo quy định hiện hành.

- Cuối năm, cơ quan, đơn vị tổng hợp quyết toán kinh phí điều tra thống kê vào quyết toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị và báo cáo tình hình thực hiện dự án, tình hình sử dụng kinh phí điều tra với cơ quan chủ quản cấp trên.

- Cơ quan chủ quản cấp trên thực hiện nghiệm thu kết quả toàn bộ cuộc điều tra hoặc nghiệm thu kết quả giai đoạn (đối với những cuộc điều tra thực hiện trong nhiều năm), thông báo kết quả cho cơ quan tài chính cùng cấp để làm căn cứ xét duyệt (hoặc thẩm định) quyết toán kinh phí điều tra thống kê và lập dự toán kinh phí năm tiếp theo (nếu có).

- Cuối năm, trường hợp cuộc điều tra thống kê chưa kết thúc theo kế hoạch đã được duyệt, được chuyển số dư dự toán và số dư tạm ứng sang năm sau sử dụng và quyết toán; trường hợp cuộc điều tra thống kê đã kết thúc, kinh phí không sử dụng hết, đơn vị phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 30 tháng 6 năm 2011 và thay thế Thông tư số 120/2007/TT-BTC ngày 15/10/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra từ nguồn vốn sự nghiệp của ngân sách nhà nước.

2. Căn cứ vào quy mô, tính chất của từng cuộc điều tra, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ khung, mức chi tối đa quy định tại Thông tư này trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt mức chi cụ thể nhưng không vượt quá mức chi tối đa quy định tại Thông tư này, bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí, trong phạm vi dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=26550&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận