Văn bản pháp luật: Thông tư 6/BT

 
Phụ lục Công báo số 1/1982;
Thông tư 6/BT
Thông tư
...
28/01/1982

Tóm tắt nội dung

Quy định việc thực hiện chế độ thông tin và báo cáo cho Hội đồng Bộ trưởng

 
1.982
 

Toàn văn

Thông tư

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TRƯỞNG TỔNG THƯ KÝ HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 6/BT NGÀY 28 THÁNG 1 NĂM 1982 QUY ĐỊNH VIỆC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ THÔNG TIN VÀ BÁO CÁO CHO HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ vào Điều 17 của Điều lệ về chế độ làm việc và quan hệ công tác của Hội đồng Bộ trưởng ban hành ngày 29 tháng 12 năm 1981, thông tư này quy định chế độ thông tin và báo cáo cho Hội đồng bộ trưởng để các ngành và các địa phương thực hiện.

 

I. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN VÀ BÁO CÁO CHO
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

1. Bản tin hàng ngày:

Các Bộ, Tổng cục và một số đơn vị kinh tế trọng điểm làm bản tin hàng ngày về những vấn đề mà Thường vụ Hội đồng bộ trưởng cần theo dõi. Danh sách các Bộ, các đơn vị phải thực hiện bản tin này sẽ do Văn phòng Hội đồng bộ trưởng lập và thông báo hàng năm.

2. Bản tin hàng tuần:

a) Tất cả các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, Tổng cục, các tỉnh đều phải làm bản tin tóm tắt về tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước của ngành, địa phương, sơ bộ có nhận xét và nêu hướng, biện pháp giải quyết trong tuần tới. Ngành nào lâu nay đã thi hành chế độ báo cáo 5 ngày, 10 ngày thì nay có thể vẫn thi hành chế độ báo cáo 5 ngày, 10 ngày thì nay có thể vẫn thi hành chế độ báo cáo 5 ngày, 10 ngày như cũ.

b) Bản tin hàng tuần của các cơ quan sau đây phải chú ý phản ánh những chuyên đề sau:

- Bộ Giao thông vận tải đánh giá nhận xét tình hình tiếp nhận, bốc dỡ hàng hoá ở các cảng biển, tình hình vận chuyển Bắc - Nam, vận chuyển lương thực thực phẩm, phân bón, cho các tỉnh biên giới.

-Các công trường xây dựng cơ bản trọng điểm của Nhà nước (theo đúng mục công trình trọng điểm của Nhà nước) đánh giá về tiến độ xây lắp, về chất lượng công trình, nêu lên các sự cố ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch.

- Các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Vĩnh Phú, Quảng Ninh, Bắc Thái phải nhận xét đánh giá về tình hình giá cả thị trường, cung ứng lương thực, thực phẩm cho công nhân, viên chức và nhân dân, tình hình trật tự trị an xã hội ở địa phương và các đơn vị của trung ương đóng tại địa phương.

-Tổng cục Thống kê và Uỷ ban nhân dân các tỉnh phải nhận xét đánh giá về tình hình thực hiện thời vụ trong sản xuất nông nghiệp.

3. Báo cáo tháng, quý, năm và báo cáo đột xuất:

Các Bộ, Tổng cục, các tỉnh đều phải làm báo cáo hàng tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng và năm về tình hình hoạt động của ngành và địa phương.

Nội dung các báo cáo này phải phản ánh tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch, thực hiện ngân sách Nhà nước, thực hiện các công tác trọng tâm của ngành, địa phương, tình hình đời sống, an ninh trật tự xã hội, dự báo những vấn đề có thể xảy ra, kèm theo chủ trương, biện pháp công tác kỳ tới. Trong các báo cáo 6 tháng và năm phải phản ánh tình hình tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị, khiếu tố của nhân dân, tình hình thực hiện 4 chế độ trách nhiệm và kỷ luật của ngành và địa phương.

Các Bộ, Tổng cục và Uỷ ban nhân dân các tỉnh phải báo cáo ngay cho Hội đồng bộ trưởng khi có diễn biến đột xuất xảy ra và phải xin ý kiến chỉ đạo của Hội đồng bộ trưởng như việc đối phó với thiên tai, địch hoạ, dịch bệnh, tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng xảy ra có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống.

Số liệu sử dụng trong các báo cáo phải nhất trí với số liệu của ngành thống kê Nhà nước. Trường hợp không nhất trí phải báo cáo cả hai số liệu lên trên, có giải thích chỗ khác nhau.

Ngoài các báo cáo định kỳ theo quy định trên, các cơ quan sau đây phải gửi cho Hội đồng bộ trưởng các báo cáo tổng hợp về các lĩnh vực:

- Tổng cục Thống kê hàng năm lập bản tổng hợp cân đối kinh tế quốc dân của năm trước và báo cáo tình hình chấp hành chế độ báo cáo thống kê kế toán của Nhà nước, kèm theo kiến nghị thưởng, phạt những đơn vị chấp hành tốt hoặc chưa tốt chế độ báo cáo, thống kê, kế toán của Nhà nước.

- Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ báo cáo tình hình chấp hành kỷ luật Nhà nước thông qua thanh tra việc thực hiện các quyết định của Hội đồng bộ trưởng (6 tháng và năm). Tình hình các cơ quan Nhà nước tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của nhân dân.

- Bộ nội vụ báo cáo về tình hình bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ tài sản Nhà nước (6 tháng và năm).

- Trọng tài kinh tế Nhà nước báo cáo về việc chấp hành luật lệ về hợp đồng kinh tế (6 tháng và năm).

- Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước báo cáo số lượng đề tài khoa học, sáng kiến phát minh đã được kết luận và đưa vào sử dụng trong các ngành kinh tế, văn hoá và hiệu quả kinh tế đã đạt được.

 

II. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ THÔNG TIN VÀ
BÁO CÁO CHO HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Bản tin hàng ngày và hàng tuần do các đồng chí chánh Văn phòng Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng, uỷ viên thư ký Uỷ ban nhân dân tỉnh ký. ở các đơn vị kinh tế trọng điểm do giám đốc hoặc phó giám đốc ký. Bản tin hàng ngày và hàng tuần không dài quá 3 trang đánh máy. Báo cáo 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 1 năm và báo cáo đột xuất do bộ trưởng, chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng, chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ký, nếu là đơn vị kinh tế cơ sở thì do giám đốc đơn vị ký.

Bản tin hàng ngày phải gửi đến Văn phòng Hội đồng bộ trưởng trong ngày hoặc ngày hôm sau.

Bản tin hàng tuần phải gửi đến Văn phòng Hội đồng bộ trưởng trong ngày thứ 6 của mỗi tuần. Các địa phương, các đơn vị ở xa cần dùng điện báo tóm tắt những việc chính.

Báo cáo tháng chậm nhất là ngày 3 của tháng sau đã có ở Văn phòng Hội đồng bộ trưởng.

Báo cáo 3 tháng, 6 tháng và năm hoặc báo cáo tổng hợp các lĩnh vực chậm nhất là ngày cuối cùng của quý, sáu tháng, năm đã có ở Văn phòng Hội đồng bộ trưởng.

 

III. MỘT SỐ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM CHO CÔNG TÁC THÔNG TIN VÀ BÁO CÁO ĐƯỢC KỊP THỜI VÀ CÓ CHẤT LƯỢNG

1. Bộ trưởng, chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh dựa vào nội dung Thông tư này quy định cụ thể chế độ thông tin và báo cáo trong ngành và địa phương, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chế độ thông tin và báo cáo của Nhà nước. Phải phối hợp chặt chẽ với cơ sở bưu điện gần nhất, nếu cần phải ký hợp đồng cụ thể với bưu điện về cách thức sử dụng phương tiện nhanh nhất để truyền tin.

2. Ban cơ yếu của Chính phủ có trách nhiệm giúp đỡ các ngành, địa phương xây dựng các bản mật mã bảo đảm giữ bí mật thông tin khi sử dụng điện báo.

Kinh phí cho việc thực hiện chế độ báo cáo được ghi vào kinh phí thường xuyên của các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện và do ngân sách Nhà nước cấp (nếu là cơ quan quản lý hành chính Nhà nước) hoặc tính vào chi phí quản lý xí nghiệp (nếu là cơ sở sản xuất kinh doanh).

3. Tổng cục Bưu điện có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở thông tin thuộc ngành và hướng dẫn các cơ sở thông tin thuộc các đơn vị khác kế hoạch sử dụng tối đa phương tiện truyền tin sẵn có để bảo đảm phục vụ thông tin nhanh chóng, thông suốt.

4. Tổng cục Thống kê có trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra, và cùng với các Bộ, Tổng cục, các tỉnh chấn chỉnh công tác hạch toán và thống kê để phục vụ cho sự chỉ đạo tác nghiệp của thủ trưởng các đơn vị kinh tế cơ sở và sự chỉ đạo của thủ trưởng các ngành và địa phương.

5. Chế độ thông tin và báo cáo cho Hội đồng bộ trưởng áp dụng từ tháng 1 năm 1982. Văn phòng Hội đồng bộ trưởng có trách nhiệm theo dõi đôn đốc các ngành, địa phương thực hiện đúng đắn chế độ báo cáo cho Hội đồng bộ trưởng và từng thời gian có kiến nghị với Hội đồng bộ trưởng về việc khen thưởng và xử phạt đối với những ngành, địa phương chấp hành đúng đắn hay không đúng đắn chế độ báo cáo của Nhà nước.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=3684&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận