Văn bản pháp luật: Thông tư 63/2004/TT-BTC

Lê Thị Băng Tâm
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Thông tư 63/2004/TT-BTC
Thông tư
23/07/2004
28/06/2004

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 106/2004/NĐ-CP ngày 01/4/2004 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước

Thứ trưởng
2.004
Bộ Tài chính

Toàn văn

 

 

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 106/2004/NĐ-CP ngày 01/4/2004 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước

 

Thi hành Nghị định số 106/2004/NĐ-CP ngày 01/4/2004 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, Bộ Tài chính hướng dẫn triển khai thực hiện về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước như sau:

 

 I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này áp dụng đối với Quỹ Hỗ trợ phát triển, chủ đầu tư của các dự án hưởng chính sách tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và các tổ chức tín dụng cho vay các dự án được Quỹ hỗ trợ phát triển bảo lãnh.

2. Các hình thức tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước bao gồm:

2.1. Cho vay đầu tư, cho các dự án vay theo hiệp định của Chính phủ;

2.2. Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư;

2.3. Bảo lãnh tín dụng đầu tư.

Việc cho các dự án vay theo hiệp định của Chính phủ Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn thực hiện riêng.

3. Một dự án có thể đồng thời được hỗ trợ theo các hình thức sau:

3.1. Cho vay đầu tư một phần và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư;

3.2. Cho vay đầu tư một phần và bảo lãnh tín dụng đầu tư.

Tổng mức hỗ trợ theo các hình thức trên cho một dự án không quá 85% vốn đầu tư tài sản cố định được duyệt của dự án.

4. Dự án vay vốn đầu tư phải được Quỹ hỗ trợ phát triển thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay trước khi quyết định đầu tư; Đối với dự án bảo lãnh tín dụng đầu tư, Quỹ hỗ trợ phát triển phải thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay trước khi quyết định bảo lãnh.

5. Chủ đầu tư phải sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ gốc và lãi vay cho Quỹ hỗ trợ phát triển theo đúng hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo lãnh, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đã ký với Quỹ hỗ trợ phát triển.

 

 II. KẾ HOẠCH TÍN DỤNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ NƯỚC

1. Kế hoạch tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước là một bộ phận của kế hoạch đầu tư phát triển của Nhà nước nhằm thực hiện những mục tiêu chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Kế hoạch tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước được thông báo hàng năm bao gồm các chỉ tiêu chủ yếu sau: 

a) Tổng mức tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước bao gồm: mức cho vay đầu tư, dự án vay theo hiệp định Chính phủ, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh tín dụng đầu tư.

b) Nguồn vốn để thực hiện tổng mức tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

c) Tổng mức cấp bù chênh lệch lãi suất của ngân sách Nhà nước.

2. Trên cơ sở nhu cầu về vốn để giải ngân cho các dự án đầu tư đã ký kết hợp đồng tín dụng; các dự án dự kiến sẽ ký kết hợp đồng tín dụng trong năm kế hoạch; nhu cầu về vốn hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các dự án đã ký kết hợp đồng, sẽ ký kết hợp đồng trong năm kế hoạch; nhu cầu vốn để bảo lãnh tín dụng trong năm kế hoạch; kế hoạch thu nợ cho vay, trả nợ vốn huy động, Quỹ hỗ trợ phát triển có trách nhiệm lập và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về dự kiến các kế hoạch sau chậm nhất vào ngày 20 tháng 7 năm trước năm kế hoạch:

a) Kế hoạch về tổng mức vốn cho vay đầu tư trong năm;

b) Kế hoạch về vốn hỗ trợ lãi suất sau đầu tư;

c) Kế hoạch bảo lãnh tín dụng đầu tư.

d) Kế hoạch trả nợ các khoản huy động đến hạn;

đ) Kế hoạch thu nợ cho vay;

e) Kế hoạch tổng mức cấp bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách nhà nước;

3. Căn cứ yêu cầu về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để giao cho Quỹ Hỗ trợ phát triển trước tháng 12 năm trước năm kế hoạch.

4. Căn cứ vào kế hoạch được giao, Quỹ hỗ trợ phát triển bố trí tổng mức vốn cho vay đầu tư, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư cho từng ngành, lĩnh vực có phân theo địa bàn để các Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển làm căn cứ triển khai cấp tín dụng cho phù hợp với từng loại đối tượng theo quy định.

5. Trong phạm vi tổng mức tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước được duyệt, Quỹ hỗ trợ phát triển chủ động bố trí và điều chỉnh kế hoạch cho từng dự án thuộc các ngành, lĩnh vực, địa bàn để bảo đảm đáp ứng nhu cầu đầu tư của các đối tượng được hỗ trợ.

6. Trường hợp nhu cầu tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trong năm vượt mức kế hoạch đã thông báo hoặc vượt mức kế hoạch cấp bù chênh lệch lãi suất, Quỹ hỗ trợ phát triển báo cáo Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

III. CHO VAY ĐẦU TƯ

1. Đối tượng cho vay đầu tư

1.1. Đối tượng cho vay đầu tư là các dự án có khả năng thu hồi vốn trực tiếp thuộc danh mục các dự án, chương trình do Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ.

1.2. Danh mục chi tiết các dự án, chương trình vay vốn đầu tư; thời hạn ưu đãi thực hiện theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về quy định cụ thể đối tượng vay vốn tín đụng dầu tư phát triển của Nhà nước.

2. Điều kiện cho vay đầu tư

Điều kiện cho vay đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định 106/2004/NĐ-CP ngày 1/4/2004 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

3. Mức vốn cho vay đầu tư

3.1. Mức vốn cho vay đối với từng dự án do Quỹ hỗ trợ phát triển quyết định, tối đa bằng 70% tổng số vốn đầu tư tài sản cố định được duyệt của dự án.

3.2. Phần vốn đầu tư còn lại cuả dự án, chủ đầu tư phải sử dụng các nguồn vốn hợp pháp khác như vốn chủ sở hữu, vốn vay các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật để đầu tư. Các nguồn vốn này phải được xác định cụ thể và bảo đảm tính khả thi của từng nguồn vốn.

3.3. Quỹ hỗ trợ phát triển thực hiện giải ngân theo đúng cơ cấu nguồn vốn đã được xác định trong hợp đồng tín dụng; chủ đầu tư phải sử dụng vốn chủ sở hữu, vốn tự huy động để tham gia đầu tư dự án theo đúng cam kết.

4. Thời hạn cho vay

4.1. Thời hạn cho vay các dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước được xác định trên cơ sở khả năng thu hồi vốn phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh đoanh của từng dự án và khả năng trả nợ của chủ đầu tư, nhưng tối đa không quá 12 năm.

4.2. Một số dự án đặc thù có thời gian thu hồi vốn dài, mức vốn đầu tư lớn được xem xét cho vay với thời hạn tối đa là 15 năm, gồm:

a) Dự án trồng rừng tập trung làm nguyên liệu cho sản xuất giấy, bột giấy, ván nhân tạo gắn với các doanh nghiệp chế biến.

b) Dự án đầu tư sản xuất máy công cụ, thép chất lượng cao thuộc nhóm A theo quy định.

c) Các dự án đầu tư sản xuất phân đạm, DAP thuộc nhóm A theo quy định.

5. Lãi suất cho vay

5.1. Lãi suất cho vay đầu tư thực hiện theo quy định tại Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về lãi suất cho vay tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

5.2. Lãi suất cho vay đối với một dự án được xác định tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng lần đầu và được giữ nguyên trong suốt thời hạn vay vốn của dự án.

5.3. Lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn ghi trong hợp đồng tín dụng, được tính trên số nợ (gốc, lãi) đến hạn phải trả theo hợp đồng tín dụng nhưng chưa trả được.

6. Bảo đảm tiền vay

6.1. Khi vay vốn đầu tư, các chủ đầu tư được dùng tài sản hình thành từ vốn vay để bảo đảm tiền vay.

6.2. Trong thời gian chưa trả hết nợ, chủ đầu tư không được chuyển nhượng, bán hoặc thế chấp, cầm cố tài sản đó để vay vốn nơi khác. Khi chủ đầu tư, đơn vị vay vốn không trả được nợ, hoặc giải thể, phá sản, Quỹ hỗ trợ phát triển được xử lý tài sản hình thành bằng vốn vay như đối với tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức tín dụng để thu hồi nợ.

6.3. Trình tự và thủ tục bảo đảm tiền vay, xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp chủ đầu tư không trả được nợ (gốc, lãi) thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo đảm tiền vay, giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm như đối với các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Bộ Tài chính về xử lý nợ tín đụng dầu tư phát triển của Nhà nước.

7. Trả nợ vay

7.1. Chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn trả vốn vay (gốc, lãi) cho Quỹ hỗ trợ phát triển theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký bằng nguồn thu từ dự án và các nguồn vốn hợp pháp của mình.

7.2. Trong thời gian ân hạn, chủ đầu tư chưa phải trả nợ gốc nhưng phải trả lãi.

7.3. Sau thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày đến hạn trả nợ, chủ đầu tư không trả được nợ vay của kỳ hạn đó và không được gia hạn nợ thì số nợ gốc và lãi phải trả nhưng chưa trả được của kỳ hạn đó được chuyển sang nợ quá hạn và chủ đầu tư phải chịu lãi suất quá hạn theo quy định tại điểm 5.3 mục II của Thông tư này. Thời điểm chuyển nợ quá hạn được tính từ ngày làm việc thứ 11 kể từ ngày đến hạn trả nợ ghi trong hợp đồng tín dụng hoặc khế ước vay vốn.

7.4. Sau thời hạn 6 tháng kể từ ngày chuyển nợ quá hạn, sau khi đã áp dụng các biện pháp thu nợ mà chủ đầu tư vẫn không trả được nợ, Quỹ hỗ trợ phát triển được quyền phát mại tài sản đảm bảo tiền vay theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ.

Trường hợp chủ đầu tư bị phá sản hoặc giải thể; chủ đầu tư là doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi sở hữu hoặc xử lý khó khăn về tài chính trong khi chưa trả hết nợ cho Quỹ hỗ trợ phát triển được thực hiện theo quy định của Chính phủ đối với các Ngân hàng thương mại và hướng dẫn của Bộ Tài chính về xử lý nợ tín đụng dầu tư phát triển.

8. Điều chỉnh thời hạn ân hạn, thời hạn trả nợ và mức trả nợ trong mỗi kỳ hạn (sau đây gọi tắt là gia hạn nợ)

8.1. Trường hợp do nguyên nhân khách quan, chủ đầu tư không trả được nợ theo đúng thoả thuận ghi trong hợp đồng tín dụng, phải có văn bản gửi Quỹ hỗ trợ phát triển đồng gửi cấp quyết định đầu tư giải trình lý do không trả được nợ, đồng thời phải có phương án đề xuất các biện pháp cụ thể khắc phục khó khăn để có nguồn trả nợ.

8.2. Cấp quyết định đầu tư có trách nhiệm xem xét đề nghị của chủ đầu tư và có ý kiến bằng văn bản gửi Quỹ hỗ trợ phát triển về đề nghị gia hạn nợ của chủ đầu tư.        

8.3. Quỹ hỗ trợ phát triển có trách nhiệm xem xét và quyết định việc gia hạn nợ theo thẩm quyền. Tổng thời hạn gia hạn nợ của một dự án tối đa bằng 1/3 thời hạn trả nợ đã ghi trong hợp đồng tín dụng ký lần dầu tiên, kể cả thời gian đã được gia hạn nợ (nếu có).

Tổng thời hạn cho vay và thời hạn gia hạn nợ không được vượt quá 12 năm cho mỗi dự án và 15 năm đối với dự án đặc thù. Trường hợp các khoản vay có thời hạn cho vay đã đạt tối đa 12 năm (15 năm) theo quy định, Quỹ hỗ trợ phát triển phải báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét gia hạn nợ cho các khoản vay này.

9. Rủi ro và xử lý rủi ro

9.1. Các dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước bị rủi ro do nguyên nhân bất khả kháng: thiên tai; hoả hoạn, tai nạn bất ngờ gây thiệt hại tài sản; do Nhà nước điều chỉnh chính sách được xem xét gia hạn nợ, khoanh nợ, xoá nợ hoặc miễn, giảm lãi tiền vay.

9.2. Các trường hợp chuyển đổi sở hữu, xử lý khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp Nhà nước có sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước thì thực hiện theo quy định của Chính phủ như đối với các khoản nợ của ngân hàng thương mại.

9.3. Thẩm quyền xử lý rủi ro thực hiện theo quy định tại điều 21 của Nghị định số 106/2004/NĐ-CP ngày 01/4/2004 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính về xử lý nợ vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

IV. HỖ TRỢ LÃI SUẤT SAU ĐẦU TƯ

1. Đối tượng, phạm vi được hưởng hỗ trợ lãi suất sau đầu tư

1.1. Đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất sau đầu tư bao gồm:

a) Các dự án thuộc đối tượng vay vốn đầu tư theo quy định nhưng mới được vay một phần hoặc chưa được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước mà phần còn lại hoặc toàn bộ dự án đã vay vốn tín dụng thương mại thì được xem xét, hưởng hỗ trợ lãi suất sau đầu tư;

b) Các dự án theo danh mục ngành nghề thuộc lĩnh vực và địa bàn được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) nhưng không thuộc đối tượng vay vốn đầu tư và không được bảo lãnh tín dụng đầu tư của Quỹ hỗ trợ phát triển.

1.2. Điều kiện được hưởng hỗ trợ lãi suất đầu tư

a) Dự án (hoặc hạng mục công trình độc lập) đã hoàn thành đưa vào sử dụng và đã hoàn trả được vốn vay.

b) Chủ đầu tư chỉ được nhận hỗ trợ lãi suất đối với số vốn vay của tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam để đầu tư tài sản cố định và trong phạm vi tổng số vốn đầu tư tài sản cố định được duyệt của dự án.

c) Một dự án có thể đồng thời được cho vay đầu tư một phần và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư với tổng mức hỗ trợ không quá 85% vốn đầu tư tài sản cố định được duyệt của dự án.

d) Những dự án đã được các Quỹ đầu tư hoặc ngân sách Nhà nước các cấp hỗ trợ lãi suất thì không được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ Quỹ hỗ trợ phát triển.

2. Nguyên tắc xác định và cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư

2.1. Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư được tính cho từng dự án và cấp cho chủ đầu tư sau khi đã trả nợ vay vốn đầu tư (nợ gốc) cho tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Tuỳ theo quy mô của dự án, Quỹ Hỗ trợ phát triển cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho chủ đầu tư từ một đến hai lần trong năm.

2.2. Đối với những khoản vay được trả trước hạn, mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư được tính theo thời hạn thực vay của khoản vốn đó.

2.3. Đối với các dự án khoanh nợ thì thời gian khoanh nợ không được tính vào thời hạn thực vay để tính hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và thời hạn hỗ trợ tối đa bằng thời hạn vay ghi trong hợp đồng tín dụng.

2.4. Đối với các khoản nợ quá hạn, thời hạn để tính hỗ trợ lãi suất sau đầu tư bằng thời hạn vay của khoản nợ đó ghi trong hợp đồng tín dụng. Việc xem xét hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với các khoản nợ quá hạn chấm dứt khi hết thời hạn ghi trong hợp đồng hỗ trợ lãi suất sau đầu tư ký giữa chủ đầu tư và Quỹ hỗ trợ phát triển.

3.  Cách xác định mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư

3.1. Đối với dự án vay vốn bằng đồng Việt Nam:

Mức hỗ trợ

LSSĐT của dự án

 

=

Số nợ gốc thực trả

 

x

50% Lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước

 

x

Thời hạn thực vay (quy đổi theo năm) của số nợ gốc thực trả

 

3.2. Đối với dự án vay vốn bằng ngoại tệ:

Mức hỗ trợ

LSSĐT của dự án

 

=

Số nợ gốc nguyên tệ  thực trả trong năm

 

x

35% Lãi suất vay vốn ngoại tệ theo hợp đồng vay vốn của TCTD

 

x

Thời hạn thực vay (quy đổi theo năm) của số nợ gốc thực trả

3.3. Cách xác định các yếu tố tính hỗ trợ lãi suất sau đầu tư

a) Lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước được sử dụng để tính mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư là lãi suất tại thời điểm rút vốn của số nợ gốc được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư.

b) Đối với các khoản vay vốn bằng ngoại tệ: lãi suất để xem xét hỗ trợ lãi suất sau đầu tư là lãi suất thực vay của các tổ chức tín dụng theo hợp đồng tín dụng. Trường hợp áp dụng lãi suất thả nổi, lãi suất để xem xét hỗ trợ lãi suất sau đầu tư trong suốt thời gian hỗ trợ lãi suất là lãi suất thực vay của khoản vay đầu tiên của các tổ chức tín dụng theo hợp đồng tín dụng.

c) Việc xác định mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với các dự án vay vốn bằng ngoại tệ được thực hiện theo nguyên tệ. Trên cơ sở đó, căn cứ vào tỷ giá giao dịch bình quân USD/VNĐ trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng hoặc tỷ giá tính chéo cho các loại ngoại tệ/VNĐ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cấp tiền hỗ trợ, để xác định mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư bằng đồng Việt Nam  cho dự án.

d) Thời hạn thực vay để tính hỗ trợ lãi suất sau đầu tư là khoảng thời gian (quy đổi theo năm) từ ngày, tháng, năm nhận vốn vay đến ngày, tháng, năm nợ gốc trong hạn được trả cho tổ chức tín dụng.

Nguyên tắc xác định: Căn cứ vào thời điểm nhận nợ ghi trên khế ước và thời điểm trả nợ gốc ghi trên chứng từ trả nợ (quy đổi theo năm) của chủ đầu tư cho tổ chức tín dụng được lấy từ thời điểm giải ngân số vốn vay lần đầu để tính số ngày thực vay của số nợ gốc thực trả lần đầu và trên cơ sở đó tính lùi để xác định số ngày thực vay của số nợ gốc trả các lần tiếp theo.

Phương pháp xác định: Tính thời hạn hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các trường hợp số vốn giải ngân 1 lần được hoàn trả vào 1 lần; số vốn giải ngân 1 lần được trả vào nhiều lần; số vốn giải ngân nhiều lần được hoàn trả vào 1 lần; số vốn giải ngân nhiều lần được hoàn trả vào nhiều lần .

Cách tính cụ thể theo phụ lục đính kèm.

4. Hạch toán kế toán

4.1. Đối với Quỹ hỗ trợ phát triển:

Việc hạch toán, theo dõi các khoản hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các dự án của Quỹ hỗ trợ phát triển được thực hiện theo đúng các quy định về Chế độ kế toán Quỹ hỗ trợ phát triển.

4.2. Đối với chủ đầu tư

Khi nhận được khoản tiền hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, chủ đầu tư hạch toán giảm chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.  

 V. BẢO LÃNH TÍN DỤNG ĐẦU TƯ

1. Đối tượng được bảo lãnh

1.1. Các dự án thuộc đối tượng vay vốn đầu tư theo quy định nhưng mới được vay một phần hoặc không được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước;

1.2. Các dự án theo danh mục ngành nghề thuộc lĩnh vực và địa bàn được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) nhưng không thuộc đối tượng vay vốn đầu tư và không được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư của Quỹ hỗ trợ phát triển.

2. Phạm vi bảo lãnh

2.1. Quỹ hỗ trợ phát triển chỉ bảo lãnh tín dụng đầu tư cho các dự án thuộc đối tượng nêu trên vay vốn các tổ chức tín dụng để đầu tư tài sản cố định của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2.2. Một dự án có thể đồng thời được cho vay đầu tư một phần và bảo lãnh tín dụng đầu tư với tổng mức hỗ trợ không quá 85% vốn đầu tư tài sản cố định được duyệt của dự án.

3. Điều kiện, phí bảo lãnh

Điều kiện, phí bảo lãnh thực hiện theo quy định tại Điều 27 và Điều 30 Nghị định số 106/2004/NĐ-CP  ngày 01 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

4. Mức bảo lãnh

4.1. Mức bảo lãnh đối với một dự án do Quỹ hỗ trợ phát triển quyết định, tối đa bằng 70% tổng số vốn đầu tư tài sản cố định được duyệt của dự án.

4.2. Tổng mức bảo lãnh cho các dự án theo hợp đồng bảo lãnh ký kết giữa Quỹ hỗ trợ phát triển và các chủ đầu tư trong một năm không vượt quá tổng số vốn giải ngân cho vay đầu tư của Qũy trong năm đó.

5. Thời hạn bảo lãnh

Thời hạn bảo lãnh được xác định phù hợp với thời hạn vay vốn đã được thoả thuận trong hợp đồng tín dụng ký giữa chủ đầu tư với tổ chức tín dụng cho vay vốn để thực hiện dự án.

6. Thẩm định và ký kết hợp đồng bảo lãnh

6.1. Trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của tổ chức tín dụng cho vay vốn và đơn xin bảo lãnh của chủ đầu tư cùng các tài liệu liên quan đến dự án và chủ đầu tư đề nghị bảo lãnh vay vốn, Quỹ Hỗ trợ phát triển thẩm định các điều kiện bảo lãnh để quyết định ký kết hợp đồng bảo lãnh và làm thủ tục phát hành thư bảo lãnh. Nếu từ chối bảo lãnh, Quỹ hỗ trợ phát triển có văn bản gửi chủ đầu tư đồng gửi cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư.

6.2. Hợp đồng bảo lãnh quy định rõ số tiền được bảo lãnh, thời hạn bảo lãnh, các hình thức bảo đảm cho bảo lãnh; quyền, nghĩa vụ của các bên và các cam kết khác được các bên thoả thuận phù hợp với quy định của pháp luật.

6.3. Hợp đồng bảo lãnh chấm dứt khi:

a) Chủ đầu tư được bảo lãnh đã hoàn trả hết nợ cho tổ chức tín dụng hoặc cho Quỹ hỗ trợ phát triển (trong trường hợp Quỹ hỗ trợ phát triển phải trả nợ thay);

b) Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

7. Trách nhiệm tài chính khi chủ đầu tư không trả được nợ

7.1. Đến thời hạn trả nợ, chủ đầu tư không trả được một phần hoặc toàn bộ số nợ vay (gốc, lãi) mà không được tổ chức tín dụng cho hoãn, giãn nợ, thì Quỹ hỗ trợ phát triển trả nợ thay; đồng thời chủ đầu tư phải ký khế ước nhận nợ vay bắt buộc với Quỹ hỗ trợ phát triển về số tiền trả nợ thay với lãi suất phạt bằng 150% lãi suất đang vay của tổ chức tín dụng.

7.2. Khi có nguồn trả nợ, chủ đầu tư phải trả nợ phần nhận nợ bắt buộc (kể cả nợ lãi) cho Quỹ hỗ trợ phát triển.

8. Xử lý rủi ro và thẩm quyền xử lý rủi ro trong bảo lãnh

8.1. Trường hợp các chủ đầu tư được bảo lãnh không trả được số nợ bắt buộc của Quỹ Hỗ trợ phát triển sẽ được xử lý theo quy định tại Điều 19 và Điều 22 Nghị định số 106/2004/NĐ-CP ngày 01 tháng 04 năm 2004 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính về xử lý nợ tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

8.2. Sau thời hạn 6 tháng kể từ ngày nhận nợ bắt buộc, sau khi đã áp dụng các biện pháp thu nợ mà chủ đầu tư vẫn không trả được nợ, Quỹ hỗ trợ phát triển được quyền phát mại tài sản đảm bảo tiền vay như đối với tổ chức tín dụng để thu hồi nợ hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và áp dụng cho các dự án ký hợp đồng tín dụng lần đầu (bao gồm các dự án vay vốn đầu tư, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh tín dụng đầu tư) kể từ ngày Nghị định 106/2004/NĐ-CP ngày 01/4/2004 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước có hiệu lực thi hành.

2. Đối với các dự án (bao gồm các dự án vay vốn đầu tư, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh tín dụng đầu tư) đã ký hợp đồng tín dụng (bao gồm hợp đồng tín dụng cho cả dự án và hợp đồng vay vốn theo kế hoạch tín dụng hàng năm) với Quỹ hỗ trợ phát triển trước ngày Nghị định 106/2004/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 27/04/2004) được tiếp tục thực hiện theo hợp đồng tín dụng đã ký và các quy định của Nhà nước có liên quan về tín dụng đầu tư phát triển.

Riêng một số nội dung sau đây được áp dụng theo quy định tại Thông tư này:

2.1. Về trả nợ vay: Các khoản trả nợ vay kể từ ngày 27 tháng 4 năm 2004 trở đi được thực hiện theo quy định tại điểm 7 mục III của Thông tư này.

2.2. Về xử lý tài sản bảo đảm: Thực hiện theo quy định tại điểm 6 mục III của Thông tư này.

2.3. Về thời diểm chuyển nợ quá hạn khi trả nợ vay cho các tổ chức tín dụng để tính mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư thực hiện theo quy định tại điểm 7 mục III của Thông tư này.

3. Chủ tịch Hội đồng quản lý, Tổng giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển và chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

Phụ lục 1: 

(kèm theo Thông tư số 63/2004/TT-BTC ngày 28/6/2004 của Bộ Tài chính)

Tính thời hạn hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các trường hợp:

 (1) Số vốn giải ngân 1 lần được hoàn trả vào 1 lần:

Ví dụ 1: Dự án A: vay 200 triệu đồng được rút vốn vào ngày 1/11/1999 và trả nợ vào ngày 1/3/2000 thì thời gian thực vay là 4 tháng.

(2) Số vốn giải ngân 1 lần được trả vào nhiều lần khác nhau:

Ví dụ 2: Dự án B: vay 200 triệu đồng được rút vốn vào ngày 1/11/1999 và trả nợ làm 2 lần: ngày 1/3/2000 là 100 triệu đồng và ngày 16/6/2000 là 100 triệu đồng, thời hạn thực vay:

Món trả nợ thứ nhất là 4 tháng

Món trả nợ thứ hai là 7,5 tháng (7 tháng + 15ngày/30).

(3) Số vốn giải ngân nhiều lần được trả vào nhiều lần khác nhau:

Ví dụ 3: Dự án C: - Rút vốn lần 1: 250 triệu đồng vào ngày 1/11/999; lần 2: 250 triệu vào ngày 1/2/2000.

Trả nợ lần 1:  200 triệu đồng vào ngày 1/6/2000; lần 2: 100 triệu đồng vào ngày 10/9/2000.

Thời gian thực vay:

Khoản trả nợ thứ nhất (200 triệu đồng): 7 tháng;

Khoản trả nợ thứ 2 của lần rút vốn thứ nhất 50 triệu đồng (250 triệu đồng - 200 triệu đồng) là 10,33 tháng (10 tháng + 10ngày/30);

Khoản trả nợ thứ 2 của lần rút vốn thứ 2 là 7,33 tháng (7 tháng + 10ngày/30).

(4) Số vốn giải ngân nhiều lần được hoàn trả vào 1 lần: 

Ví dụ 4: Dự án D: Rút vốn lần 1 là 100 triệu đồng vào ngày 1/11/1999; lần 2 là 100 triệu đồng vào ngày 20/3/2000 và trả nợ vào ngày 1/9/2000 là 200 triệu đồng. 

Thời gian thực vay:Khoản rút vốn thứ nhất 10 tháng;

Khoản rút vốn thứ hai 5,33 tháng (5 tháng + 10ngày/30).

Ví dụ 5: Dự án E: Rút vốn lần 1: 100 triệu đồng vào ngày 1/11/1999; lần 2: 100 triệu đồng vào ngày 15/3/2000; lần 3: 100 triệu đồng vào ngày 1/6/2000.

Trả nợ: lần 1 là 250 triệu đồng vào ngày 1/9/2000.

Thời gian thực vay:

Khoản rút vốn lần thứ nhất 10 tháng;

Khoản rút vốn thứ hai 5,5 tháng (5 tháng + 15ngày/30);

Khoản rút vốn thứ ba 3 tháng.

 

Phụ lục 2:

(kèm theo Thông tư số 63/2004/TT-BTC ngày 28/6/2004 của Bộ Tài chính)

Xác định mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các trường hợp:

Giả định: Doanh nghiệp vay của TCTD với số vốn 1.200 triệu đồng; Lãi suất năm 1999: 0,9%/tháng; Năm 2000: 0,81%/tháng. Trả nợ theo quý, mỗi quý: 100 triệu đồng. Bắt đầu trả nợ từ quý I (tháng 3/2000). Thời hạn vay: 37 tháng;

Thời gian ân hạn: 4 tháng; Lãi suất TDĐTPT năm 1999 là 9,72%, năm 2000 là 7%/năm; Và để đơn giản trong tính toán, giả định rằng các khoản rút vốn hay trả nợ đều được thực hiện vào ngày đầu tiên của tháng.

Giải ngân: Lần 1 (1/11/1999): 350 triệu đồng; Lần 2 (1/2/2000): 450 triệu đồng; Lần 3 (1/8/2000): 60 triệu đồng; Lần 4 (1/10/2000): 340 triệu đồng.

 Năm 2000: 11,1375 triệu đồng

Quý I (1/3/2000) trả cho giải ngân lần 1: 100 triệu đồng x 4,86% x 4/12 = 1,62 tr.đ

Quý II (1/6/2000) trả cho giải ngân lần 1: 100 triệu đồng x 4,86% x 7/12 =2,835 tr.đ

Quý III (1/9/2000) trả cho giải ngân lần 1: 100 triệu đồng x 4,86% x 10/12 = 4,05 tr.đ

Quý IV (1/12/2000

Trả cho giải ngân lần 1: 50 triệu đồng x 4,86% x 13/12 = 2,6325 tr.đ

Trả cho giải ngân lần 2: 50 triệu đồng x 3,5% x 10/12 = 1,45 tr.đ

Năm 2001:  20,38 triệu đồng    

Quý I (1/3/2001) trả cho giải ngân lần 2: 100 triệu đồng x 3,5% x 13/12 = 3,78 tr.đ

Quý II (1/6/2001) trả cho giải ngân lần 2: 100 triệu đồng x 3,5% x 16/12 = 4,66 tr.đ

Quý III (1/9/2001) trả cho giải ngân lần 2: 100 triệu đồng x 3,5% x 19/12 = 5,53tr.đ

Quý IV (1/12/2001) trả cho giải ngân lần 2: 100 triệu đồng x 3,5% x 22/12 = 6,41tr.đ

Năm 2002:  25,48 triệu đồng

Quý I (1/3/2002): Trả cho giải ngân lần 3: 60 triệu đồng x 3,5% x 19/12 = 3,32 tr.đ

                             Trả cho giải ngân lần 4: 40 triệu đồng x 3,5% x 17/12 = 1,99 tr.đ

Quý II (1/6/2002) trả cho giải ngân lần 4: 100 triệu đồng x 3,5% x 20/12 = 5,85 tr.đ

Quý III (1/9/2002) trả cho giải ngân lần 4: 100 triệu đồng x 3,5% x 23/12 = 6,72 tr.đ

Quý IV (1/12/2002) trả cho giải ngân lần 4: 100 triệu đồng x 3,5% x 26/12 = 7,6 tr.đ

Mức hỗ trợ LSSĐT cho cả dự án:   M cả dự án = M2000 + M2001 + M2002

            M cả dự án = 11,1375 + 20,38 + 25,48 = 56,9975 triệu đồng


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=19603&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận