THÔNG TƯ
CỦA BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN SỐ 64/TC-TT NGÀY 2 THÁNG 10 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC CỦA THANH TRA SỞ VĂN HOÁ - THÔNG TIN
- Thực hiện Điều 3 quyết định số 345/TTg ngày 27/5/1996 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thanh tra Nhà nước về Văn hoá - Thông tin; Sau khi có ý kiến thống nhất của Thanh tra Nhà nước tại công văn số 1231/TTNN ngày 14/8/1996 của và Ban tổ chức cán bộ Chính phủ tại công văn số 173/TCCP-TC ngày 14/9/1996.
Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Thanh tra Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi chung là tỉnh) như sau:
I- CHỨC NĂNG THANH TRA SỞ VĂN HOÁ - THÔNG TIN:
Thanh tra Sở Văn hoá - Thông tin là cơ quan thuộc Sở Văn hoá - Thông tin, giúp Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin thực hiện chức năng Thanh tra Nhà nước và thanh tra chuyên ngành Văn hoá - thông tin về xuất bản, báo chí, in, phát hành sách, điện ảnh, nhiếp ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, thư viện, bảo tồn bảo tàng, quảng cáo và các lĩnh vực khác trên địa bàn tỉnh.
II- NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA THANH TRA
SỞ VĂN HOÁ - THÔNG TIN:
1/ Thanh tra kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và mọi công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân người nước ngoài trong các hoạt động Văn hoá - Thông tin và dịch vụ Văn hoá - Thông tin trên địa bàn tỉnh; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao của các cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của Sở.
2/ Kiểm tra việc thực hiện các chính sách, pháp luật đối với các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và mọi công dân Việt Nam, tổ chức, cá nhân người nước ngoài ở Việt Nam trên địa tỉnh trong các hoạt động Văn hoá - Thông tin và dịch vụ Văn hoá - Thông tin. Đề xuất với Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin về kế hoạch, biện pháp, tổ chức việc thanh tra, kiểm tra trong các hoạt động Văn hoá - Thông tin và dịch vụ Văn hoá - Thông tin.
3/ Ngăn ngừa, xử lý các vi phạm hành chính trong các hoạt động Văn hoá - Thông tin và dịch vụ Văn hoá - Thông tin trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền; xây dựng và chỉ đạo các thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra ở các địa bàn trên toàn tỉnh.
4/ Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về công tác thanh tra và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Sở và các cơ quan, đơn vị do Sở quản lý trực tiếp. Kiến nghị với Giám đốc Sở giải quyết khiếu nại, tố cáo những việc đã giải quyết, nhưng đương sự còn khiếu nại hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trường hợp kiến nghị không được chấp thuận thì báo cáo lên Thanh tra tỉnh, Thanh tra Bộ phối hợp để giải quyết.
5/ Thực hiện các quyền hạn khác quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 8, 9 Điều 9 của Pháp lệnh Thanh tra và quyền hạn quy định tại khoản 5 Điều 5 của Nghị định số 244/HĐBT ngày 30/6/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức của hệ thống thanh tra Nhà nước và biện pháp bảo đảm hoạt động thanh tra.
6/ Giúp Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin tổ chức phối hợp với các ngành, các cấp ở địa phương có liên quan để kiểm tra các hành vi vi phạm pháp luật trong các hoạt động Văn hoá - Thông tin và dịch vụ Văn hoá - Thông tin.
7/ Được quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ban hành ngày 19/7/1995, Nghị định số 88/CP ban hành ngày 14/12/1995 của Chính phủ và các văn bản pháp quy khác có liên quan.
8- Được quyền sử dụng cộng tác viên Thanh tra trên địa bàn do Sở quản lý theo Nghị định số 191/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành ngày 18/6/1990.
III- TỔ CHỨC THANH TRA SỞ VĂN HOÁ - THÔNG TIN:
1/ Thanh tra Sở Văn hoá - Thông tin được tổ chức lại trên cơ sở thống nhất tổ chức của Thanh tra Sở và các bộ phận thanh tra chuyên ngành Văn hoá - Thông tin hiện có của Sở Văn hoá - Thông tin.
Thanh tra Sở Văn hoá - Thông tin có con dấu và tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.
2/ Thanh tra sở Văn hoá - Thông tin có Chánh thanh tra, có từ 1 đến 2 Phó Chánh thanh tra giúp việc Chánh thanh tra, phụ trách từng bộ phận công việc và có các thanh tra viên. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh thanh tra Sở Văn hoá - Thông tin do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó thanh tra Sở Văn hoá - Thông tin do Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin quyết định theo đề nghị của Chánh thanh tra Sở Văn hoá - Thông tin.
3/ Thanh tra Sở Văn hoá - Thông tin có các bộ phận nghiệp vụ thanh tra bao gồm thanh tra Nhà nước và thanh tra chuyên ngành.
Biên chế của Thanh tra Sở do khối lượng công việc ngày càng lớn, phạm vi quản lý ngành, quản lý xã hội trên lĩnh vực Văn hoá - Thông tin ngày càng đòi hỏi cao hơn, nhất là việc tiếp tục triển khai Nghị định 87/CP ngày 12/12/1995 của Chính phủ... nếu chỉ bố trí số biên chế như trước đây thì khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do đó tuỳ theo khối lượng công việc của từng tỉnh mà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định và nằm trong tổng số biên chế của Sở Văn hoá - Thông tin.
Khi tiến hành kiểm tra, thanh tra được thành lập Đội kiểm tra. Đội kiểm tra Văn hoá - Thông tin là lực lượng chuyên trách tham gia Đội kiểm tra liên ngành theo khoản 2 Điều 1, phần III của Chỉ thị 814/TTg ban hành ngày 12/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ. Đội kiểm tra do Chánh thanh tra, Phó Chánh thanh tra, Thanh tra viên phụ trách, được sử dụng lực lượng cộng tác viên Thanh tra trên địa bàn huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh theo Nghị định số 191/HĐBT ban hành ngày 18/9/1990. Số lượng cộng tác viên thanh tra tuỳ thuộc vào nhiệm vu thanh tra của từng địa phương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.
Căn cứ những nội dung tại Thông tư này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin chỉ đạo kiện toàn tổ chức thanh tra Sở Văn hoá - Thông tin và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra Văn hoá - Thông tin trên địa bàn địa phương. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phản ảnh về Bộ Văn hoá - Thông tin để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.