Văn bản pháp luật: Thông tư 64/TT-ĐA

 
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Thông tư 64/TT-ĐA
Thông tư
03/09/1997
19/08/1997

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn bổ sung để thực hiện Nghị định 48/CP ngày 17/7/1995, Nghị định 87/CP ngày 12/12/1995 về việc mở cửa hàng, đại lý băng hình và quản lý bản quyền băng hình

 
1.997
 

Toàn văn

Thông tư

THÔNG TƯ

CỦA BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN

Hướng dẫn bổ sung thực hiện Nghị định 48/CP ngày 17/7/1995, Nghị định 87/CP ngày 12/12/1995 về việc mở cửa hàng, đại lý băng hình và quản lý bản quyền băng hình

Căn cứ Điều 7, Điều 8 Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 87/CP ngày 12/12/1995 của Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng;

Căn cứ Điều 16 Nghị định 48/CP ngày 17/7/1995 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động điện ảnh;

Căn cứ Nghị định 25/CP ngày 25/4/1996 của Chính phủ ban hành Quy chế đại lý mua bán hàng hoá;

Nhằm tổ chức tốt hơn mạng lưới cửa hàng bán và cho thuê phim, băng đĩa hình của các cơ sở sản xuất, phát hành phim, băng đĩa hình, đưa hoạt động này vào nền nếp góp phần đáp ứng nhu cầu văn hoá của nhân dân, Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn bổ sung về việc tổ chức và hoạt động của cửa hàng, đại lý bán, cho thuê phim, băng đĩa hình; việc thu tiền bản quyền và sử dụng ký hiệu riêng để quản lý phim, băng đĩa hình phát hành tại các địa phương.

Điều 1. Một số cụm từ trong Thông tư này được gọi tắt như sau:

Cửa hàng bán và cho thuê phim, băng đĩa hình dưới đây gọi tắt là cửa hàng băng hình;

Đại lý bán và cho thuê phim, băng đĩa hình đưới đây gọi tắt là Đại lý băng hình;

Phim, băng đĩa hình dưới đây gọi tắt là băng hình.

Điều 2. Việc mở cửa hàng, đại lý băng hình:

1. Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 48/CP, Điều 7, Điều 8 Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 87/CP thì các cơ sở sản xuất, phát hành băng hình được quyền mở cửa hàng băng hình hoặc hợp đồng với tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện quy định để mở đại lý băng hình;

2. Các cơ sở sản xuất, phát hành băng hình mở cửa hàng, đại lý băng hình phải xin phép sở Văn hoá - Thông tin sở tại và chịu trách nhiệm pháp lý về hoạt động của cửa hàng, đại lý;

3. Một cơ sở có đủ điều kiện có thể làm đại lý băng hình cho nhiều đơn vị nhưng phải được đơn vị mở đại lý trước đồng ý hoặc các bên cùng đồng ý bằng văn bản;

Nhiều đơn vị cùng hợp đồng với một cơ sở để mở đại lý băng hình thì mỗi đơn vị đều phải xin phép Sở Văn hoá - Thông tin sở tại;

4. Các đại lý băng hình hoạt động theo "Quy chế đại lý mua bán hàng hoá" ban hành kèm theo Nghị định 25/CP ngày 25/4/1996 của Chính phủ và chịu sự kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước. Đơn vị mở đại lý được quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của các đại lý theo hợp đồng, nếu đại lý vi phạm sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của hợp đồng;

5. Để đảm bảo tổ chức tốt hoạt động của các đại lý băng hình, trách nhiệm của các bên trong việc ký kết hợp đồng mở đại lý băng hình như sau:

a) Đối với các cơ sở sản xuất, phát hành băng hình (Bên A):

Đứng tên xin Sở Văn hoá - Thông tin cho phép mở đại lý băng hình tại địa điểm đã thoả thuận trong hợp đồng với bên nhận làm đại lý;

Cung cấp 100% nguồn băng hình thành phẩm để bán và cho thuê. Băng cung cấp phải được phép lưu hành, có dán nhãn của Cục điện ảnh, có ký hiệu riêng của bên A và đảm bảo chất lượng kỹ thuật; trường hợp bên A không đáp ứng được nhu cầu về băng hình cho bên B thì bên B có thể khai thác nguồn băng khác nhưng phải là băng hợp pháp và phải được sự đồng ý của bên A (Bên A sẽ có ký hiệu riêng trên băng hình đó):

Cung cấp các tài liệu, văn bản quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động bán và cho thuê băng hình;

Tổ chức theo đõi, quản lý, kiểm tra hoạt động của đại lý băng hình theo thoả thuận trong hợp đồng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động bán và cho thuê băng hình của đại lý theo hợp đồng;

b) Đối với cá nhân, tổ chức làm đại lý băng hình (Bên B):

Đặt cọc bằng tiền hoặc tài sản cho bên A theo mức mà hai bên đã thoả thuận trong hợp đồng (số tiền hoặc tài sản đặt cọc này sau khi kết thúc việc làm đại lý thì bên A phải trả lại cho bên B);

Tổ chức địa điểm và phương tiện cần thiết để kinh doanh băng hình theo quy định;

Nhận băng hình thành phẩm do bên A cung cấp; tổ chức bán và cho thuê băng hình; ghi chép sổ sách, chứng từ như đã thoả thuận trong hợp đồng;

Chịu sự kiểm tra, giám sát của bên A, thực hiện chế độ báo cáo với bên A tình hình hoạt động của đại lý;

Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

Chịu trách nhiệm trước bên A và trước pháp luật nếu thực hiện trái hợp đồng đại lý, trái phép luật;

Ngoài các quy định trách nhiệm trên, hai bên phải thoả thuận ràng buộc để đảm bảo việc kinh doanh băng hình đúng luồng, đúng pháp luật, đảm bảo nguồn thu và sự điều hoà lợi ích kinh tế của mỗi bên;

6. Các Sở Văn hoá - Thông tin khi có phép mở cửa hàng, đại lý băng hình phải đảm bảo:

Nằm trong quy hoạch hợp lý phù hợp với nhu cầu của nhân dân và khả năng quản lý của địa phương;

Chỉ mở số lượng cửa hàng vừa đủ để đảm bảo đạt hiệu quả kinh tế của cả hai bên (A và B);

7. Các cơ sở sản xuất, phát hành băng hình không được thu từ các đại lý băng hình các khoản tiền hàng tháng dưới danh nghĩa phí quản lý, phí phát hành... trái với qui định của pháp luật. Chi phí quản lý và phát hành băng hình được đưa vào giá thành in nhân bản phát hành bằng.

Điều 3: Việc thu tiền bản quyền và sử dụng ký hiệu riêng để quản lý băng hình phát hành tại địa phương được hướng dẫn như sau:

1. Theo quy định của Nghị định 87/CP và các Thông tư, văn bản hướng dẫn kèm theo "băng hình được phép lưu hành và đã dán nhãn của Cục điện ảnh có giá trị lưu hành trong phạm vi cả nước". Nhưng "giá trị lưu hành trong phạm vi cả nước" ở đây có nghĩa là sử dụng không mang tính chất kinh doanh;

Khi các cơ sở sản xuất, phát hành băng hình đã mua bản quyền kèm theo nhãn để in nhân bản phát hành trên địa bàn lãnh thổ của mình thì việc kinh doanh băng hình đó tại địa phương hoàn toàn do đơn vị đó độc quyền. Không một tổ chức hoặc cá nhân nào khác được kinh doanh băng hình đó tại địa phương đã mua bản quyền. Cơ sở sản xuất hoặc nhập khẩu có bản quyền gốc băng hình đó cũng không được phép đưa băng hình đến kinh doanh tại địa phương đã mua bản quyền, nếu khi mua, bán bản quyền giữa hai bên không có thoả thuận khác. Các cửa hàng cà phê, giải khát, nhà hàng được phép chiếu băng hình để phục vụ khách hàng, chỉ được chiều băng hình đã được các cơ sở phát hành băng hình tỉnh, thành phố sở tại mua bản quyền;

2. Các cơ sở sản xuất, phát hành băng hình đã mua bản quyền băng hình để phát hành trên địa bàn của mình, được sử dụng ký hiệu riêng để in lên băng hình khi in nhân bản và đánh dấu ký hiệu riêng lên ô trống bên phải của nhãn kiểm soát do Cục Điện ảnh ấn hành. Các cửa hàng băng hình, đại lý băng hình chỉ được phép bán và cho thuê băng hình nhận từ các cơ sở sản xuất, phát hành băng hình có dán nhãn của Cục Điện ảnh và đã có dấu ký hiệu riêng của các đơn vị đó. Việc kinh doanh băng hình kể cả tại các quán cà phê giải khát, nhà hàng, tiệm ăn... tại các điểm chiếu công cộng mà không dán nhãn là vi phạm quy định của Nghị định 87/CP và bị xử lý theo quy định tại Nghị định 88/CP. Ngay cả kinh doanh băng hình đã dán nhãn nhưng không có ký hiệu riêng của Công ty Điện ảnh tỉnh là vi phạm bản quyền trên địa bàn lãnh thổ và vi phạm hợp đồng đã ký kết. Công ty Điện ảnh tỉnh có quyền kiểm tra lập biên bản xử phạt vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Điều 4: Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký, những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ;

Điều 5: Cục trưởng Cục Điện ảnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, các Sở Văn hoá Thông tin và những đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=8360&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận