Căn cứ bản quy định về chính sách đối với kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh sản xuất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, xây dựng, vận tải ban hành kèm theo Nghị định số 27-HĐBT ngày 9-3-1988 và bản quy định về chính sách đối với kinh tế gia đình hoạt động sản xuất và dịch vụ sản xuất ban hành kèm theo Nghị định số 29-HĐBT ngày 9-3-1988 của Hội đồng Bộ trưởng, Trọng tài kinh tế Nhà nước ra Thông tư hướng dẫn về hợp đồng kinh tế giữa một bên tổ chức kinh tế của Nhà nước và một bên thuộc thành phần kinh tế trên đây tham gia như sau:
1. Giữa các tổ chức kinh tế của Nhà nước và các hộ kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh, kinh tế gia đình có mối quan hệ kinh tế với nhau đều phải thông qua hợp đồng kinh tế, trừ những trường hợp quan hệ kinh tế nhất thời, thực hiện và thanh toán xong trong một lần.
Hợp đồng kinh tế ký kết giữa các chủ thể này là căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi có tranh chấp trong quan hệ kinh tế với nhau.
2. Trong quan hệ hợp đồng giữa tổ chức kinh tế của Nhà nước với các hộ kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh, kinh tế gia đình được dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi.
Các chủ thể hợp đồng chỉ được ký kết hợp đồng kinh tế theo đúng nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh được quy định tại quyết định thành lập hoặc các văn bản quy định về nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của tổ chức mình (đối với tổ chức kinh tế của Nhà nước), hoặc những ngành nghề và mặt hàng được xác định trong giấy phép đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp (đối với hộ kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh), những ngành nghề và mặt hàng được xác định trong giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc trong tờ khai với Uỷ ban Nhân dân phường, xã nơi cứ trú (đối với hộ kinh tế gia đình).
Những hợp đồng kinh tế ký kết không đúng với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; không đúng với đăng ký kinh doanh hoặc tờ khai của chủ thể hợp đồng, thì:
- Có thể bị huỷ bỏ, đình chỉ thực hiện từng phần hay toàn bộ hợp đồng đã ký kết.
- Các bên phải chịu trách nhiệm tài sản theo mức độ vi phạm của mình và bị xử lý theo điều 5 của bản quy định của Hội đồng Bộ trưởng về chính sách đối với kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh sản xuất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, xây dựng, vận tải.
3. Việc ký kết hợp đồng kinh tế giữa tổ chức kinh tế của Nhà nước với các hộ kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh, kinh tế gia đình phải tuân thủ chế độ hợp đồng kinh tế. Nội dung của hợp đồng kinh tế phải có đủ các điều khoản cơ bản theo từng chủng loại hợp đồng kinh tế, bảo đảm xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên, do các bên thoả thuận, nhưng không được trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đại diện chủ thể hợp đồng bên hộ kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh, kinh tế gia đình phải là người chủ đăng ký kinh doanh hoặc chủ hộ đứng tên tờ khai với Uỷ ban Nhân dân phường hoặc xã, trực tiếp ký tên, không được uỷ quyền cho người khác.
4. Sau khi ký kết hợp đồng kinh tế, các bên có trách nhiệm thực hiện đúng đắn, đầy đủ các điều cam kết trong hợp đồng. Hết thời hạn thực hiện hợp đồng các bên phải kịp thời thanh lý, quyết toán hợp đồng. Bên nào vi phạm hợp đồng phải chịu trách nhiệm vật chất theo pháp luật hiện hành về hợp đồng kinh tế. Bên tổ chức kinh tế của Nhà nước có thể gửi hợp đồng đến Trọng tài kinh tế huyện, quận và cấp tương đương nơi hộ kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh, kinh tế gia đình cư trú, đề nghị theo dõi, giúp đỡ thực hiện.
5. Các hộ kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh trước khi xin thôi không sản xuất kinh doanh nữa, giải thể hoặc chuyển thành đơn vị tập thể, công tư hợp doanh, gia nhập các tổ chức liên doanh, liên kết với các đơn vị kinh tế khác nhất thiết phải thanh lý hợp đồng kinh tế đã ký.
6. Khi xẩy ra tranh chấp hoặc vi phạm hợp đồng kinh tế đã ký giữa một bên là tổ chức kinh tế của Nhà nước (thuộc các cấp huyện, tỉnh, Trung ương) và một bên là hộ kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh, kinh tế gia đình có giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc có tờ khai, nếu hai bên đã thương lượng mà không tự giải quyết được, thì khiếu nại đến Trọng tài kinh tế huyện, quận nơi hộ kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh, kinh tế gia đình cư trú, xét xử (địa phương nào chưa có tổ chức Trọng tài kinh tế huyện, quận thì khiếu nại đến Trọng tài kinh tế cấp tỉnh xét xử).
Các bên liên quan phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xét xử của Trọng tài kinh tế. Trường hợp hộ kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh, kinh tế gia đình là bên vi phạm hợp đồng kinh tế cố ý không chấp hành quyết định xét xử của Trọng tài kinh tế dẫn tới xuất hiện có dấu hiệu hình sự, thì Trọng tài kinh tế lập hồ sơ chuyển sang Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc kháng cáo và xét xử kháng cáo đối với các quyết định xét xử trên đây của Trọng tài kinh tế huyện, quận được áp dụng theo các quy định hướng dẫn về vấn đề này nói trong Thông tư số 105-TT/PC ngày 31-12-1987 của Trọng tài kinh tế Nhà nước.
7. Những vụ tranh chấp và vi phạm hợp đồng giữa một bên là tổ chức kinh tế của Nhà nước và một bên là hộ kinh tế cá thể, kinh tế gia đình không có giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc không có tờ khai theo quy định; những tranh chấp và vi phạm hợp đồng giữa các bên là hộ kinh tế gia đình, kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh, đều không thuộc thẩm quyền xét xử của Trọng tài kinh tế.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành, những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bị bãi bỏ.