Như Bộ Văn hóa đã quy định trong Quyết định số 570/VH/QĐ ngày 24-10-1961 về việc thành lập các nhà in và đăng ký các phương tiện in, mỗi khi in xong các ấn phẩm, nhà in phải nộp lưu chiểu mỗi thứ một bản cho Cục xuất bản và hai bản cho các Sở, Ty Văn hóa-Thông tin trước khi giao hàng cho khách hàng. Những ấn loát phẩm nói đây bao gồm không những các sách, báo, tạp chí, áp phích, truyền đơn, tranh ảnh, mà cả các giấy tờ, sổ sách, bằng khen, nhãn hiệu, v.v...
Đến nay, nói chung các nhà in đều nghiêm chỉnh chấp hành chế độ lưu chiểu các ấn loát phẩm.
Nhưng qua một thời gian thi hành chế độ lưu chiểu đã ban hành, Bộ Văn hóa thấy rằng đối với một số ấn loát phẩm thuộc các loại giấy tờ lặt vặt có thể miễn việc lưu chiểu vì xét ra không cần thiết. Ngoài ra riêng đối với các xưởng in công tư hợp doanh ở Hà Nội hiện nay không thuộc quyền quản lý của Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội nữa và đều do Cục xuất bản trực tiếp quản lý, số lượng ấn loát phẩm nộp lưu chiểu cho Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội có thể rút bớt đi.
Vì các lý do trên đây, và cũng là để tiết kiệm giấy, Bộ quy định lại thể lệ nộp lưu chiểu ấn loát phẩm đối với các nhà in như sau:
1. Các thứ ấn loát phẩm phải nộp lưu chiểu là: Sách, báo, tạp chí, chuyên san, tranh ảnh, bản đồ, bản nhạc, truyền đơn, áp phích, bằng khen, giấy khen, giấy giới thiệu, công lệnh.
Đối với các sổ sách giấy tờ lặt vặt của các cơ quan Nhà nước và các thứ lặt vặt khác của tư nhân như giấy mời, giấy báo tin, hiếu hỉ, nhãn hiệu hàng hóa, đơn thuốc, v.v... thì miễn nộp lưu chiểu.
2. Chậm nhất là 24 giờ trước khi giao ấn loát phẩm cho khách hàng.
a) Các xưởng in thuộc các Sở, Ty Văn hóa - Thông tin ở các tỉnh, khu và thành phố Hải Phòng phải nộp lưu chiểu cho:
- Cục xuất bản một bản;
- Ty, hoặc Sở Văn hóa - Thông tin hai bản.
b) Các nhà in và xưởng in Trung ương và công tư hợp doanh ở Hà Nội phải nộp lưu chiểu cho:
- Cục xuất bản một bản;
- Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội một bản.