Văn bản pháp luật: Thông tư 69/2012/TT-BTC

Trương Chí Trung
Toàn quốc
Công báo số 375+376, năm 2012
Thông tư 69/2012/TT-BTC
Thông tư
15/06/2012
03/05/2012

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn việc quản lý và sử dụng nguồn tiền thu từ khoản viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản cho dự án đảm bảo an ninh lương thực cho nông dân bị thiệt thòi (Dự án 2KR)

Thứ trưởng
2.012
Bộ Tài chính

Toàn văn

THÔNG TƯ

Hướng dẫn quản lý và sử dụng nguồn tiền thu từ khoản viện trợ không hoàn lại của

Chính phủ Nhật Bản cho dự án đảm bảo an ninh lương thực cho các nông dân bị thiệt thòi (Dự án 2KR)

__________________________

 

Căn cứ Công hàm trao đổi ký ngày 29/10/2009 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản, Hiệp định viện trợ ký ngày 29/10/2009 giữa Chính phủ Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA về khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản cho dự án đảm bảo an ninh lương thực cho các nông dân bị thiệt thòi (Dự án 2KR);

Thực hiện công văn số 7844/VPCP-QHQT của Văn phòng Chính phủ ngày 14/11/2008 về cơ chế thực hiện việc tiếp nhận khoản viện trợ của Chính phủ Nhật Bản thuộc Chương trình 2KR và văn bản số 1642/TTg-QHQT của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/9/2009 về Công hàm trao đổi và Hiệp định viện trợ của Chính phủ Nhật Bản cho nông dân bị thiệt thòi;

Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng nguồn tiền thu từ khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản cho dự án đảm bảo an ninh lương thực cho các nông dân bị thiệt thòi (Dự án 2KR) như sau

Phần I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về quản lý và sử dụng nguồn tiền bán hàng viện trợ thuộc khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản cho dự án 2KR.

Điều 2. Tài khoản quỹ viện trợ và Ngân hàng phục vụ

Tiền thu được do bán hàng viện trợ từ khoản viện trợ được chuyển vào một tài khoản riêng (Tài khoản quỹ viện trợ) tại một Ngân hàng (Ngân hàng phục vụ) và được sử dụng theo Thoả thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản cho các Dự án đầu tư phát triển.

Điều 3. Lựa chọn công trình, dự án

Trên cơ sở đăng ký dự án của các địa phương (Chủ Dự án) và mục đích sử dụng khoản viện trợ được thống nhất giữa hai Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan thống nhất với đại diện Chính phủ Nhật Bản lựa chọn một số công trình, dự án cụ thể sử dụng nguồn vốn thu được từ các khoản viện trợ này thông báo chính thức cho phía Nhật Bản để phối hợp thực hiện.

Điều 4. Thanh toán

Bộ Tài chính thực hiện việc chuyển tiền cho Dự án sử dụng vốn viện trợ thông qua hệ thống Kho bạc Nhà nước. Kho bạc Nhà nước các địa phương có dự án sử dụng nguồn vốn viện trợ thuộc dự án 2KR thực hiện thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các dự án sử dụng nguồn vốn viện trợ theo quy định hiện hành về thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước.

Điều 5. Trách nhiệm của Chủ dự án

Các Chủ Dự án có trách nhiệm lập, trình duyệt, quản lý, sử dụng, báo cáo, quyết toán vốn đầu tư dự án theo đúng các quy định hiện hành về đầu tư xây dựng cơ bản; sử dụng vốn đúng mục đích theo đúng nội dung Dự án đã được phê duyệt.

Phần II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6. Lập danh mục dự án

Căn cứ thoả thuận ghi trong Công hàm trao đổi giữa hai Chính phủ và các Thỏa thuận liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và đại diện Chính phủ Nhật Bản lựa chọn các dự án được sử dụng tiền bán hàng viện trợ (dưới đây gọi tắt là Danh mục Dự án sử dụng vốn viện trợ). Tổng số tiền phân bổ cho các dự án không được vượt quá tổng số tiền của khoản viện trợ.

Điều 7. Phê duyệt Dự án

1. Các Dự án thuộc Danh mục Dự án sử dụng vốn viện trợ được phê duyệt theo các qui định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của Chính phủ. Trường hợp tổng mức đầu tư cần thiết của Dự án lớn hơn số vốn viện trợ được phân bổ, phần vốn còn thiếu được dùng từ ngân sách địa phương hoặc từ các nguồn khác do địa phương huy động và được Ủy ban nhân dân tỉnh thông báo cho Kho bạc Nhà nước để thanh toán vốn cho Dự án.

2. Sau khi dự án được duyệt, Chủ Dự án gửi cho Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) các tài liệu sau:

- Công văn thông báo nội dung dự án đã được duyệt, tổng mức đầu tư của dự án trong đó ghi rõ trị giá vốn viện trợ dùng cho dự án, vốn đối ứng trong nước, tiến độ thực hiện dự án, thời gian hoàn thành.

- Một bản chính Quyết định của cấp có thẩm quyền về việc phê duyệt dự án.

Điều 8. Lựa chọn nhà thầu, nhà cung cấp và ký kết Hợp đồng

Việc lựa chọn nhà thầu, nhà cung cấp và ký kết Hợp đồng thực hiện dự án được thực hiện theo các quy định hiện hành của Chính phủ Việt Nam về đầu tư xây dựng cơ bản và đấu thầu.

Điều 9. Kiểm soát thanh toán vốn

1. Mở tài khoản tiếp nhận nguồn vốn viện trợ và chuyển tiền bán hàng viện trợ vào Tài khoản tiếp nhận nguồn vốn viện trợ.

a. Trên cơ sở Danh mục Dự án sử dụng vốn viện trợ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo, Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) thông báo Danh mục này cho Kho bạc Nhà nước và Sở Tài chính các địa phương liên quan. Chủ dự án thực hiện mở một Tài khoản tiếp nhận nguồn vốn viện trợ tại Kho bạc Nhà nước địa phương nơi có dự án.

b. Sau khi tài khoản tiếp nhận nguồn vốn viện trợ được mở, Chủ dự án có văn bản gửi Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) đề nghị chuyển vốn lần đầu. Căn cứ đề nghị của Chủ dự án, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị Ngân hàng phục vụ chuyển tiền từ Tài khoản quỹ viện trợ sang tài khoản tiếp nhận nguồn vốn viện trợ được mở tại Kho bạc Nhà nước địa phương với trị giá chuyển lần đầu là 50% trị giá vốn phân bổ cho Dự án từ nguồn vốn viện trợ.

c. Khi sử dụng từ 80% đến 90% vốn chuyển lần đầu phù hợp với các quy định về thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản, Chủ dự án gửi tiếp cho Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) Giấy đề nghị chuyển vốn lần hai bằng 50% trị giá vốn phân bổ cho Dự án từ nguồn vốn viện trợ kèm bản chính xác nhận kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước địa phương đối với phần vốn chuyển lần đầu. Trên cơ sở Giấy đề nghị chuyển tiền của Chủ dự án, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị Ngân hàng phục vụ chuyển tiền từ Tài khoản quỹ viện trợ sang tài khoản tiếp nhận nguồn vốn viện trợ mở tại Kho bạc Nhà nước địa phương nơi có dự án.

d. Các Giấy đề nghị chuyển vốn được lập theo Mẫu tại Phụ lục đính kèm

2. Kiểm soát thanh toán vốn từ Tài khoản tiếp nhận nguồn vốn viện trợ

Việc tạm ứng, thu hồi tạm ứng và thanh toán khối lượng hoàn thành của các dự án sử dụng vốn viện trợ được thực hiện theo các quy định liên quan tại Thông tư số 86/2011/TT-BTC ngày 17 tháng 6 năm 2011của Bộ Tài chính Quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà nước.

Điều 10. Ghi thu ghi chi vốn viện trợ

Khi sử dụng hết vốn chuyển chuyển lần 2, Kho bạc Nhà nước các tỉnh có dự án thực hiện đóng tài khoản tiếp nhận nguồn vốn viện trợ và có văn bản gửi Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại).

Căn cứ thông báo của Kho bạc Nhà nước các tỉnh về việc thanh toán hết vốn của tài khoản tiếp nhận nguồn vốn viện trợ, căn cứ Giấy chuyển tiền của ngân hàng phục vụ từ Tài khoản quỹ viện trợ sang Tài khoản tiếp nhận nguồn vốn viện trợ mở tại Kho bạc nhà nước các tỉnh nơi có dự án, Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) lập Lệnh ghi thu ngân sách (kèm theo Lệnh chi tiền) gửi Kho bạc Nhà nước để hạch toán chi bổ sung cho địa phương.

Điều 11. Quyết toán

Hàng năm Chủ dự án, cơ quan cấp trên của Chủ dự án thực hiện báo cáo quyết toán theo niên độ theo quy định tại Thông tư 210/2010/TT-BTC ngày 20/10/2010 của Bộ Tài chính quy định việc quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách hàng năm. Khi dự án hoàn thành, thực hiện quyết toán vốn đầu tư theo quy định tại thông tư số 19/2011/TT-BTC ngày 14/02/2011 của Bộ Tài chính Quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước.

Điều 12. Chế độ báo cáo và kiểm tra

Sau khi dự án hoàn thành, Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi báo cáo hoàn thành dự án cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo cho Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra tình hình thực hiện, hiệu quả các dự án sử dụng vốn viện trợ của Chính phủ Nhật Bản.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 06 năm 2012.

Trong quá trình thực hiện, trường hợp có vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời để Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=27574&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận