Văn bản pháp luật: Thông tư 7/BYT-TT

 
Toàn quốc
Công báo số 15/1994;
Thông tư 7/BYT-TT
Thông tư
30/04/1994
30/04/1994

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn việc thực hiện Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân và Nghị định số 6-CP ngày 29-02-1994 của Chính phủ về cụ thể hoá một số Điều của Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân thuộc lĩnh vực hành nghề y tư nhân

 
1.994
 

Toàn văn

THôNG Tư

THÔNG TƯ

CỦA BỘ Y TẾ

Hướng dẫn thực hiện pháp lệnh hành nghề y, dược

tư nhân và Nghị định số 6/CP ngày 29/1/1994 của Chính phủ về cụ thể hoá

một số điều của pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân thuộc lĩnh vực hành nghề tư nhân

Căn cứ Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân và Nghị định số 6-CP ngày 29-1-1994 của Chính phủ về cụ thể hoá một số điều của Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân, Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết việc hành nghề y tư nhân như sau:

 

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Hình thức tổ chức hành nghề y tư nhân bao gồm:

Bệnh viện tư nhân;

Phòng khám bệnh đa khoa hoặc chuyên khoa;

Phòng khám chữa răng và làm răng giả;

Phòng xét nghiệm, thăm dò chức năng;

Phòng chiếu, chụp X quang;

Cơ sở giải phẫu thẩm mỹ;

Cơ sở dịch vụ điều dưỡng và phục hồi chức năng;

Nhà hộ sinh tư;

Cơ sở dịch vụ kế hoạch hoá gia đình: đặt vòng tránh thai, hút điều hoà kinh nguyệt, biện pháp đình sản không dùng dao cho nam giới và tư vấn về kế hoạch hoá gia đình;

Cơ sở dịch vụ y tế tiêm, chích, thay băng.

2. Công chức, viên chức tại chức trong bộ máy Nhà nước, sĩ quan tại ngũ trong lực lượng vũ trang nhân dân không được phép tham gia thành lập hoặc quản lý bệnh viện tư nhưng được phép hành nghề y tư nhân ngoài giờ làm việc dưới các hình thức tổ chức khác theo quy định tại mục I.1, nếu các đối tượng đó được Thủ trưởng cơ quan đồng ý cho phép.

3. Quyền sở hữu về cơ sở vật chất, Quyền thừa kế về tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của chủ cơ sở hành nghề y tư nhân được Nhà nước bảo hộ.

4. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người đăng ký hành nghề y tư nhân ở các vùng cao, vùng núi, hải đảo, vùng xa xôi hẻo lánh.

5. Người đăng ký hành nghề y tư nhân phải nộp lệ phí thẩm định theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Tài chính.

 

II. TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN ĐỐI VỚI TỪNG LOẠI HÌNH THỨC TỔ CHỨC

HÀNH NGHỀ Y TƯ NHÂN VÀ PHẠM VI CHUYÊN MÔN ĐƯỢC HÀNH NGHỀ

1. Tiêu chuẩn và phạm vi chuyên môn được hành nghề y tư nhân của người đăng ký hành nghề y tư nhân:

Ngoài các tiêu chuẩn của người đăng ký hành nghề y tư nhân được quy đinh tại điều 6, điều 11 của Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân và giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn sức khoẻ, người đăng ký hành nghề y tư nhân phải có các tiêu chuẩn chuyên môn cụ thể cho từng loại hình thức tổ chức hành nghề y tư nhân như sau:

a) Giám đốc bệnh viện tư nhân phải là bác sĩ đa khoa hoặc chuyên khoa đã qua thực hành 5 năm liên tục ở các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước, được Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế kiểm tra xác nhận có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

b) Người đăng ký các phòng khám đa khoa, chuyên khoa phải là bác sĩ đa khoa hay chuyên khoa đã qua thực hành 5 năm liên tục ở các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước hoặc tư nhân.

c) Người đăng ký phòng khám, chữa răng và làm răng giả phải là bác sĩ chuyên khoa răng đã qua thực hành 5 năm liên tục ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về chuyên khoa này. Riêng thợ trồng răng đã hành nghề từ năm 1980 trở về trước, có giấy xác nhận của chính quyền địa phương được làm các dịch vụ về răng giả, hàm giả theo quy định trong giấy phép.

d) Người đăng ký phòng xét nghiệm, phòng thăm dò chức năng, phòng chiếu, chụp X quang phải là bác sĩ hoặc dược sĩ chuyên khoa đã qua thực hành 5 năm liên tục ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về chuyên khoa của mình.

đ) Người đăng ký cơ sở giải phẫu thẩm mỹ phải là bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình đã qua thực hành 5 năm liên tục ở cơ sở về chuyên khoa này.

e) Người đăng ký các cơ sở dịch vụ điều dưỡng và phục hồi chức năng phải là bác sĩ đã qua thực hành 5 năm liên tục về công tác phục hồi chức năng ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hay các cơ sở điều dưỡng.

f) Người đăng ký nhà hộ sinh phải là bác sĩ chuyên khoa sản hoặc nữ hộ sinh trung học đã qua thực hành 5 năm liên tục ở các cơ sở sản khoa.

g) Người đăng ký các cơ sở dịch vụ kế hoạch hoá gia đình phải là bác sĩ chuyên khoa sản đã qua thực hành 5 năm liên tục ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về chuyên khoa này.

h) Người đăng ký làm dịch vụ y tế tiêm, chích, thay băng theo đơn của bác sĩ phải là y tá đã qua thực hành 2 năm liên tục ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

i) Y sĩ đa khoa hoặc chuyên khoa đã nghỉ hưu ở các vùng núi cao (theo quyết định số 21-UB/QĐ ngày 26-1-1993 của Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và Miền núi) đã qua thực hành 5 năm liên tục ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ được đăng ký phòng khám bệnh đa khoa hoặc chuyên khoa nếu đủ tiêu chuẩn và điều kiện khác theo quy định tại thông tư này.

2. Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và kỹ thuật:

a) Đối với bệnh viện tư nhân:

Theo mô hình tổ chức và yêu cầu về cơ sở, trang thiết bị y tế và các điều kiện đảm bảo hoạt động của bệnh viện như đối với một bệnh viện đa khoa hay bệnh viện chuyên khoa của Nhà nước.

b) Đối với các loại hình tổ chức hành nghề y tư nhân khác: Cơ sở phải thoáng khí, đủ ánh sáng, đảm bảo vệ sinh và có các phòng sau:

Phòng chờ đợi, nhận bệnh nhân.

Phòng khám bệnh.

Phòng phẫu thuật, thủ thuật (nếu là phòng khám chuyên khoa, giải phẫu thẩm mỹ và dịch vụ kế hoạch hoá gia đình).

Phòng hồi sức cấp cứu (Nếu là các cơ sở có tiến hành phẫu thuật, thủ thuật).

Phòng đẻ nếu là nhà hộ sinh.

Phòng lưu bệnh nhân.

Mỗi phòng nêu trên có diện tích tối thiểu là 8 m2.

Phải có đầy đủ các trang thiết bị y tế và chất lượng tốt tuỳ theo quy định đối với từng loại hình thức tổ chức.

Nếu là cơ sở dịch vụ tiêm chích, thay băng chỉ cần một phòng diện tích tối thiểu là 6m2 và đầy đủ các dụng cụ trang thiết bị y tế theo quy định.

 

III. THỦ TỤC VÀ THẨM QUYỀN CẤP GIẤY PHÉP VÀ GIẤY CHỨNG NHẬN

CHO CÁC CƠ SỞ HÀNH NGHỀ Y TƯ NHÂN

A. Thực hiện theo điều 24 Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân, ngoài ra Bộ Y tế hướng dẫn thêm các thủ tục như sau:

1. Đối với các loại hình tổ chức hành nghề y tư nhân trừ bệnh viện tư nhân:

Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận bao gồm:

Đơn xin đăng ký hành nghề, trong đơn phải ghi rõ:

Họ tên, năm sinh và địa chỉ thường trú của người đăng ký hành nghề.

Nội dung chuyên môn xin phép được hành nghề.

Biện pháp bảo vệ môi trường.

Bản sao văn bằng, chứng chỉ chuyên môn có chứng nhận của công chứng Nhà nước.

Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đương sự đăng ký thường trú.

Giấy xác nhận đã qua thực hành 5 năm ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Phiếu khám sức khoẻ.

Giấy cho phép làm ngoài giờ của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nếu người xin đăng ký hành nghề đang làm việc trong các cơ sở y, dược của Nhà nước.

Bản diễn giải về địa điểm, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị kỹ thuật chuyên môn.

2. Đối với hình thức tổ chức bệnh viện tư nhân:

Hồ sơ thủ tục như ở mục III.1 nhưng phải có thêm đề án hoạt động ban đầu (Luận chứng kinh tế kỹ thuật) và điều lệ hoạt động của bệnh viện, trong đề án hoạt động ban đầu phải ghi rõ: vốn phù hợp với quy mô giường bệnh và trang thiết bị chuyên môn phục vụ người bệnh, giải trình về tổ chức và hoạt động của bệnh viện, biện pháp bảo vệ môi trường (cung cấp nước, thải nước, xử lý chất thải, an toàn bức xạ y học...)

B. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề y tư nhân.

1. Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện thành lập bệnh viện tư nhân.

2. Sở Y tế cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện đăng ký hành nghề đối với tất cả các loại hình thức tổ chức hành nghề y tư nhân trừ các loại hình đã quy định tại điểm B.1.

C. Thời hạn của giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề y tư nhân.

1. Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện thành lập bệnh viện tư nhân có giá trị trong 5 năm. Hết thời hạn 5 năm nếu tiếp tục hoạt động, bệnh viện phải làm lại thủ tục để xin gia hạn giấy chứng nhận.

2. Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện đăng ký hành nghề y tư nhân có giá trị trong 3 năm, hết thời hạn 3 năm, nếu tiếp tục hoạt động, cơ sở phải làm lại thủ tục để xin gia hạn giấy chứng nhận.

3. Trong thời gian hoạt động, nếu có sự thay đổi địa điểm thì cơ sở phải làm lại thủ tục để xin đổi giấy chứng nhận mới.

IV. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC CƠ SỞ HÀNH NGHỀ Y TƯ NHÂN

Ngoài quyền và nghĩa vụ của người hành nghề y tư nhân quy định tại chương III của Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân, điều 16 của nghị định số 6-CP ngày 29-1-1994 của Chính phủ về cụ thể hoá một số điều của Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân, người hành nghề y tư nhân còn có quyền và nghĩa vụ sau:

1. Được sử dụng tủ thuốc cấp cứu theo quy định để dùng cho bệnh nhân. Không được vừa kê đơn vừa bán thuốc. Không được dùng các loại thuốc, hoá chất đối với khách hàng trái với quy định của Bộ Y tế.

2. Bệnh viện tư nhân được phép tổ chức nhà thuốc bán theo đơn của bệnh viện nhưng thủ tục thành lập nhà thuốc theo quy định của Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân.

3. Tự nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, tham gia đều các sinh hoạt, hoạt động và bồi dưỡng chuyên môn của ngành y tế.

V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Bộ Y tế và các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Hội đồng chuyên môn với sự tham gia của các chuyên viên chuyên khoa đầu ngành, đại diện của Tổng hội y, dược học Việt Nam, Hội y, dược học tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xét duyệt đơn của người xin đăng ký hành nghề y tư nhân và thẩm định các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế của các cơ sở đó.

2. Bộ Y tế (Vụ Điều trị) và các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải cử cán bộ chuyên trách theo dõi quản lý hành nghề y tư nhân. Tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn, Sở Y tế có thể xem xét và trình Uỷ ban Nhân dân thành phố ra quyết định thành lập tổ chức chuyên trách thích hợp để theo dõi quản lý các cơ sở hành nghề y tư nhân trong địa phương.

3. Trong báo cáo định kỳ của các Sở Y tế gửi lên Bộ Y tế phải báo cáo thêm cả phần quản lý hành nghề y tư nhân của địa phương.

4. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức và củng cố hệ thống thanh tra chuyên ngành về khám bệnh, chữa bệnh và tăng cường hoạt động thanh tra tại các cơ sở hành nghề y tư nhân để phát hiện và sử lý các vi phạm theo quy định về sử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (ban hành kèm theo Nghị định số 341-HĐBT ngày 22-9-1992 của Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ).

5. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với thông tư này đều bãi bỏ./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=10345&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận