THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 79/2005/NĐ-CP ngày 16/6/2005
của Chính phủ quy định về điều kiện đăng ký và hoạt động
của đại lý làm thủ tục hải quan
Căn cứ Luật Hải quan số 29/6/2001;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/07/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 79/2005/NĐ-CP ngày 16/06/2005 của Chính phủ quy định về điều kiện đăng ký và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan.
Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Thông tư này áp dụng đối với đại lý làm thủ tục hải quan (sau đây gọi tắt là đại lý hải quan) theo quy định tại Nghị định số 79/2005/NĐ-CP ngày 16/6/2005 của Chính phủ Quy định về điều kiện đăng ký và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan.
Khi làm thủ tục hải quan, đại lý hải quan nhân danh mình để khai, ký tên và đóng dấu trên tờ khai hải quan trên cơ sở hợp đồng đã ký với chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi tắt là chủ hàng).
2. Các quy định tại Thông tư này không áp dụng cho trường hợp chủ hàng tự làm thủ tục hải quan và trường hợp người được chủ hàng uỷ quyền khai và làm thủ tục hải quan cho từng lô hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
3. Định kỳ 6 tháng/1 lần, đại lý hải quan có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình hoạt động bằng văn bản tới Cục Hải quan tỉnh, thành phố (sau đây gọi tắt là Cục Hải quan tỉnh) nơi đại lý hải quan có trụ sở chính về số lượng các dịch vụ thủ tục hải quan đã thực hiện, tình hình chấp hành pháp luật hải quan, những sai sót, nguyên nhân và cách khắc phục, các kiến nghị đối với cơ quan Hải quan.
4. Cục Hải quan tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc làm thủ tục hải quan của các đại lý hải quan trên địa bàn của mình. Định kỳ 6 tháng/1 lần, Cục Hải quan tỉnh có báo cáo Tổng cục Hải quan về tình hình làm thủ tục hải quan của các đại lý hải quan, kết quả kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan.
5. Tổng cục Hải quan có trách nhiệm thông báo cho các Cục Hải quan tỉnh về các trường hợp đại lý hải quan bị Sở Kế hoạch và Đầu tư quyết định không được tiếp tục hoạt động hoặc bị Tổng cục Hải quan tạm dừng hoạt động đại lý hải quan, các nhân viên đại lý hải quan bị thu hồi thẻ nhân viên đại lý hải quan.
II. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ
1. Điều kiện làm đại lý hải quan
Đại lý Hải quan phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu tại điều 2 của Nghị định số 79/2005/NĐ-CP. Riêng về điều kiện kết nối mạng máy tính của đại lý hải quan với cơ quan Hải quan quy định tại khoản 4, Điều 2, Nghị định số 79/2005/NĐ-CP được hiểu là:
- Các chứng từ hải quan điện tử tuân thủ theo chuẩn dữ liệu hải quan và hệ thống phần cứng phù hợp;
- Thực hiện được việc truyền dữ liệu đến cơ quan Hải quan và nhận kết quả phản hồi từ cơ quan Hải quan theo tiêu chuẩn.
2. Điều kiện làm nhân viên đại lý hải quan
2.1. Nhân viên đại lý hải quan phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại điều 3 của Nghị định số 79/2005/NĐ-CP. Riêng điều kiện về có bằng trung cấp trở lên thuộc các ngành kinh tế, pháp luật quy định tại khoản 2, Điều 3 của Nghị định này được hiểu là bằng tốt nghiệp chính quy của tất cả các trường trung cấp trở lên và chuyên ngành học là các chuyên ngành về kinh tế và pháp luật.
2.2. Đối với nhân viên của các doanh nghiệp chuyên kinh doanh dịch vụ giao nhận, vận tải hàng hoá XNK, nếu đã trực tiếp làm thủ tục hải quan ít nhất là 01 năm tính đến ngày Thông tư này có hiệu lực, có bằng tốt nghiệp chính quy của các trường trung cấp trở lên, nhưng không thuộc ngành học về kinh tế và pháp luật thì vẫn được coi là đủ điều kiện.
3. Về đào tạo, cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan
3.1. Cơ sở đào tạo: Tổng cục Hải quan hoặc các trường khác trong hệ thống giáo dục đào tạo của Việt Nam, có đăng ký với Tổng cục Hải quan khi tiến hành đào tạo (dưới đây gọi tắt là cơ sở đào tạo).
3.2. Nội dung đào tạo:
- Pháp luật về Hải quan;
- Pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt; phí và lệ phí;
- Phân loại hàng hoá;
- Trị giá hải quan;
- Sở hữu trí tuệ;
- Xuất xứ hàng hoá;
- Nghiệp vụ ngoại thương;
- Thủ tục hải quan điện tử.
3.3. Điều kiện dự thi:
Những người đã qua các khoá đào tạo ngắn hạn do cơ sở đào tạo tổ chức hoặc đã có các chứng chỉ học phần (hoặc bảng điểm về các môn học do các trường cấp) về các nội dung đào tạo nêu trên do các trường đại học trong hệ thống giáo dục của Việt Nam cấp, được tham gia các kỳ thi để lấy chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan. Trường hợp chỉ có chứng chỉ học phần về một số nội dung đào tạo thì có thể đăng ký tham gia một phần khoá đào tạo do cơ sở đào tạo tổ chức đối với những nội dung chưa có chứng chỉ học phần.
3.4. Thi cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan:
- Cơ quan tổ chức thi: Tổng cục Hải quan;
- Địa điểm thi: do Tổng cục Hải quan quy định phù hợp với số lượng đối tượng trong mỗi kỳ thi.
- Nội dung các môn thi:
+ Môn thứ nhất: Thủ tục Hải quan (bao gồm cả phân loại hàng hóa, trị giá hải quan);
+ Môn thứ hai: Các Luật thuế (bao gồm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt liên quan đến hàng hoá xuất nhập khẩu);
+ Môn thứ ba: Xuất xứ hàng hoá;
- Hình thức thi: Thi viết.
- Thời gian thi: Các kỳ thi sẽ được tổ chức 1 năm 2 lần vào tháng 4 và tháng 10.
- Các thí sinh có 01 môn thi dưới 5 điểm (thang điểm 10) được coi là không đạt yêu cầu và không được cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan. Những thí sinh này có thể đăng ký thi vào kỳ thi tiếp theo để lấy chứng chỉ.
- Tổng cục Hải quan thành lập hội đồng chấm thi và cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi có kết quả thi chính thức.
Người đăng ký tham gia học các khoá đào tạo ngắn hạn và các kỳ thi do Tổng cục Hải quan tổ chức phải nộp học phí và các khoản lệ phí theo quy định của pháp luật hiện hành.
4. Thẻ nhân viên đại lý hải quan
4.1. Nhân viên của đại lý hải quan đã được Cục Hải quan tỉnh có văn bản xác nhận đủ điều kiện hoạt động, đáp ứng các điều kiện quy định tại điều 3, Nghị định số 79/2005/NĐ-CP được Tổng cục Hải quan xem xét cấp thẻ nhân viên đại lý hải quan;
4.2. Hồ sơ xin cấp thẻ:
- Văn bản đề nghị của đại lý hải quan chủ quản. Trong văn bản ghi rõ: tên đại lý hải quan; họ, tên; số, ngày, nơi cấp chứng minh nhân dân của người xin cấp thẻ và xác nhận các đối tượng xin cấp thẻ không thuộc trường hợp quy định tại điều 4, Nghị định số 79/2005/NĐ-CP;
- Bản sao có công chứng các văn bằng, chứng chỉ quy định tại khoản 2, khoản 3, điều 3, Nghị định số 79/2005/NĐ-CP.
4.3. Trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm cấp thẻ (theo mẫu quy định tại phụ lục Thông tư này) cho các nhân viên của đại lý hải quan. Trường hợp từ chối cấp thẻ thì có văn bản thông báo rõ lý do cho đại lý hải quan chủ quản. Người được cấp thẻ phải nộp lệ phí cấp thẻ theo quy định của pháp luật.
4.4. Thẻ nhân viên đại lý hải quan có giá trị trong 02 năm kể từ ngày được cấp thẻ. Nhân viên đại lý hải quan có thể sử dụng thẻ để làm thủ tục hải quan tại tất cả Cục Hải quan tỉnh theo đúng các quy định của Luật Hải quan, Nghị định số 79/2005/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan.
4.5. Khi thẻ bị mất, bị rách không thể sử dụng được hoặc hết ô gia hạn, khi nhân viên đại lý hải quan chuyển sang làm việc cho đại lý hải quan khác thì đại lý hải quan chủ quản phải có văn bản gửi Tổng cục Hải quan nơi đã cấp thẻ để xin được cấp lại thẻ. Trong văn bản phải nêu rõ lý do xin cấp lại thẻ, họ, tên, số giấy chứng minh nhân dân của nhân viên xin cấp lại thẻ, đại lý hải quan chủ quản phải chịu trách nhiệm về các nội dung này. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, Tổng Cục Hải quan kiểm tra lý do xin cấp lại thẻ, quá trình chấp hành pháp luật của nhân viên đại lý hải quan và cấp lại thẻ cho nhân viên đại lý hải quan. Trường hợp từ chối cấp lại thẻ thì phải thông báo rõ lý do bằng văn bản cho đại lý hải quan chủ quản biết.
4.6. Trước khi thẻ hết hạn 15 ngày, đại lý hải quan chủ quản có văn bản đề nghị gia hạn thẻ cho nhân viên đại lý hải quan của mình, trong đó có giải trình rõ về tình hình chấp hành pháp luật, các trường hợp vi phạm pháp luật của nhân viên đại lý hoặc lô hàng do nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ khi nhận được văn bản, Tổng cục Hải quan kiểm tra việc chấp hành pháp luật hải quan của nhân viên này, nếu chấp hành tốt thì gia hạn thẻ với thời hạn 02 năm. Trường hợp từ chối gia hạn thẻ thì phải thông báo rõ lý do bằng văn bản cho đại lý hải quan chủ quản biết.
5. Thủ tục, hồ sơ đăng ký hoạt động đại lý hải quan
5.1. Trước khi triển khai hoạt động, đại lý hải quan phải nộp các chứng từ quy định tại khoản 3, Điều 7, Nghị định số 79/2005/NĐ-CP cho Cục Hải quan tỉnh nơi đại lý hải quan có trụ sở chính. Trường hợp nơi đại lý hải quan nơi có trụ sở chính không có Hải quan tỉnh thì nộp cho Cục Hải quan tỉnh có cửa khẩu nơi đại lý hải quan thường xuyên hoạt động (mỗi loại chứng từ nộp 01 bản).
5.2. Cục Hải quan tỉnh tiếp nhận các chứng từ trên, kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ và nội dung của các chứng từ. Tại các Cục Hải quan tỉnh đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử thì phải kiểm tra điều kiện nối mạng máy tính với cơ quan Hải quan.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ chứng từ hợp lệ, Cục Hải quan tỉnh phải hoàn thành việc kiểm tra và có văn bản xác nhận đại lý hải quan đã đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Nghị định số 79/2005/NĐ-CP để đại lý hải quan triển khai hoạt động. Trường hợp đại lý hải quan chưa đáp ứng các điều kiện quy định thì có văn bản hướng dẫn để đại lý hải quan bổ sung.
Cục Hải quan tỉnh gửi 01 bản xác nhận về Tổng cục Hải quan để thông báo danh sách đại lý hải quan cho Cục Hải quan cả nước biết.
6. Hoạt động của đại lý hải quan
6.1. Những công việc sau bắt buộc phải ghi trong hợp đồng giữa đại lý hải quan và chủ hàng và đại lý hải quan phải có trách nhiệm thực hiện:
- Khai, ký tên, đóng dấu và nộp tờ khai hải quan; nộp, xuất trình chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan có liên quan đến lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu; ký các biên bản do cán bộ hải quan lập có liên quan đến lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu;
- Xuất trình hàng hoá tại địa điểm được quy định để cơ quan Hải quan kiểm tra thực tế hàng hoá (đối với trường hợp hàng hoá phải kiểm tra thực tế) và chứng kiến việc kiểm tra hàng hoá.
6.2. Những công việc khác về thủ tục hải quan nêu tại khoản 4, Điều 8, Nghị định số 79/2005/NĐ-CP nếu đại lý hải quan và chủ hàng thoả thuận giao đại lý hải quan thực hiện thì phải được quy định trong hợp đồng và trong trường hợp đó, đại lý hải quan thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ hàng trong việc thực hiện các công việc này.
6.3. Trong quá trình làm thủ tục hải quan cho lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu, và trong suốt quá trình hoạt động của mình, đại lý hải quan có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định về pháp luật hải quan và các pháp luật khác có liên quan. Trường hợp phát hiện các tình tiết nghi ngờ hay các thông tin về các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan thì thông báo ngay cho cơ quan Hải quan để kịp thời xử lý.
7. Trách nhiệm của chủ hàng
7.1. Chủ hàng có thể lựa chọn các đại lý hải quan đã được cơ quan Hải quan thông báo cho cả nước để ký hợp đồng làm các công việc về thủ tục hải quan quy định tại khoản 3, khoản 4, Điều 8, Nghị định số 79/2005/NĐ-CP cho lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu của mình.
7.2. Sau khi ký hợp đồng với đại lý hải quan, mỗi khi có hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, chủ hàng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác các chứng từ, thông tin cần thiết liên quan đến lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu để đại lý hải quan làm thủ tục hải quan.
7.3. Chủ hàng có trách nhiệm phối hợp với đại lý hải quan để giải quyết những vấn đề phát sinh có liên quan đến lô hàng.
8. Hỗ trợ miễn phí của cơ quan Hải quan đối với đại lý hải quan
8.1. Hỗ trợ kỹ thuật trong việc kết nối mạng: Cơ quan Hải quan hỗ trợ kỹ thuật trong việc kết nối mạng giữa đại lý hải quan với cơ quan Hải quan. Nội dung hỗ trợ gồm cung cấp chương trình phần mềm khai hải quan điện tử, cài đặt chương trình, kết nối máy tính của đại lý hải quan với máy tính của cơ quan Hải quan (chỉ hỗ trợ miễn phí một lần đầu).
Đại lý hải quan được tham gia các khoá đào tạo, nghiên cứu về các chuẩn quốc tế liên quan đến thủ tục hải quan điện tử; các khoá đào tạo, cung cấp các chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử và các điều kiện đảm bảo an ninh, an toàn khi kết nối vào hệ thống của cơ quan Hải quan.
8.2. Cục Hải quan tỉnh phải có bộ phận chuyên trách theo dõi, hướng dẫn và tư vấn cho đại lý hải quan khi có yêu cầu. Hàng quý, Cục Hải quan tỉnh tổ chức các buổi gặp mặt với các đại lý hải quan trên địa bàn tỉnh để trao đổi về nghiệp vụ hải quan, giải đáp các thắc mắc về thủ tục hải quan cập nhật các quy định mới và cung cấp các văn bản pháp luật mới ban hành cho đại lý hải quan.
8.3. Nhân viên đại lý hải quan được mời tham dự các khoá đào tạo ngắn hạn hoặc chuyên sâu, các hội thảo về nghiệp vụ hải quan do Tổng cục Hải quan tổ chức hoặc phối hợp với Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), với Hải quan các nước tổ chức tại Việt nam cho cán bộ, công chức hải quan.
9. Khen thưởng
Đại lý hải quan và nhân viên đại lý hải quan có quá trình chấp hành tốt pháp luật hải quan sẽ được khen thưởng và được xem xét dành những ưu đãi về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện việc đăng ký và hoạt động của đại lý hải quan theo Nghị định số 79/2005/NĐ-CP ngày 16/6/2005 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này.
2. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo./.