Văn bản pháp luật: Thông tư 73/2006/TT-BTC

Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Toàn quốc
Công báo số 67 & 68 - 08/2006;
Thông tư 73/2006/TT-BTC
Thông tư
Hết hiệu lực toàn bộ
08/09/2006
15/08/2006

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng theo Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng

Thứ trưởng
2.006
Bộ Tài chính

Toàn văn

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ thi đua,

khen thưởng theo Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày

30/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành

một số điều của Luật Thi đua Khen thưởng và Luật sửa đổi,

bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng

Căn cứ Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ "Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng";

Sau khi thống nhất với Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương, Bộ Tài chính hướng dẫn về việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí chi hoạt động thường xuyên như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

Thông tư này hướng dẫn việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng thuộc:

a) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các đơn vị dự toán trực thuộc;

b) Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Uỷ ban nhân dân xã, phường (dưới đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã); Văn phòng Hội đồng nhân dân các cấp; các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp;

c) Tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp các cấp và các đơn vị dự toán trực thuộc;

d) Các doanh nghiệp nhà nước;

đ) Các hợp tác xã nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hợp tác xã vận tải, hợp tác xã xây dựng, hợp tác xã nghề cá, nghề muối và các hợp tác xã nghề nghiệp khác.

2. Nguyên tắc quản lý, sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng:

- Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc cấp nào ra quyết định khen thưởng thì cơ quan, đơn vị đó có trách nhiệm chi tiền thưởng kèm theo hình thức khen thưởng từ Quỹ thi đua, khen thưởng của cơ quan, đơn vị.

- Đối với trường hợp tập thể, cá nhân thuộc Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước quyết định khen thưởng thì Bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trình đề nghị khen thưởng có trách nhiệm trích trong Quỹ thi đua, khen thưởng của mình để chi thưởng.

- Quỹ thi đua, khen thưởng phải được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch, hàng năm phải báo cáo quyết toán tình hình sử dụng quỹ theo quy định hiện hành.

- Cuối năm quỹ thi đua, khen thưởng còn dư chưa sử dụng hết được chuyển năm sau để tiếp tục sử dụng cho công tác thi đua, khen thưởng.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Nguồn và mức trích Quỹ thi đua, khen thưởng:

a) Quỹ thi đua, khen thưởng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, và các đơn vị dự toán trực thuộc:

- Nguồn hình thành:

+ Từ dự toán chi ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền giao hàng năm cho cơ quan, đơn vị.

+ Từ khoản đóng góp của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước cho mục đích thi đua, khen thưởng (nếu có).

+ Từ các nguồn thu hợp pháp khác được phép trích (nếu có).

- Về mức trích từ dự toán chi ngân sách nhà nước để lập quỹ:

Hàng năm, căn cứ vào dự toán chi ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền giao; căn cứ vào tổng quỹ tiền lương theo ngạch bậc của số cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và tiền công được duyệt cả năm (không bao gồm quỹ tiền lương theo ngạch bậc của các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên); căn cứ vào kết quả thực hiện Quỹ thi đua, khen thưởng năm trước và dự kiến tổng mức chi khen thưởng năm hiện hành, các cơ quan thực hiện trích lập Quỹ thi đua, khen thưởng với mức tối đa bằng 15% tổng quỹ tiền lương theo ngạch bậc của số cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế và tiền công được duyệt cả năm nêu trên.

Căn cứ vào tổng mức trích lập Quỹ thi đua, khen thưởng, căn cứ nhu cầu chi thi đua, khen thưởng của cơ quan mình và các đơn vị dự toán trực thuộc; Thủ trưởng cơ quan cấp trên quyết định mức Quỹ thi đua, khen thưởng cho cấp mình và các đơn vị dự toán trực thuộc cho phù hợp.

Quỹ thi đua, khen thưởng được giao cùng với dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định hiện hành.

b) Quỹ thi đua, khen thưởng của cấp tỉnh, huyện, xã:

- Nguồn hình thành:

+ Từ dự toán chi ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền giao hàng năm cho ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã.

+ Từ khoản đóng góp của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước cho mục đích thi đua, khen thưởng nếu có.

+ Từ các khoản thu hợp pháp khác được phép trích (nếu có).

- Về mức trích từ dự toán chi ngân sách nhà nước:

Căn cứ vào dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp trên giao và mức trích lập Quỹ thi đua, khen thưởng quy định tại Khoản 2 Điều 66 Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Thi đua Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thi đua Khen thưởng; Ủy ban Nhân dân các cấp ở địa phương trình Hội đồng Nhân dân cùng cấp quyết định dự toán chi ngân sách cho nhiệm vụ trích Quỹ thi đua, khen thưởng trong dự toán ngân sách hàng năm. Mức tối đa bằng 1% chi ngân sách thường xuyên của ngân sách cấp mình thuộc các tỉnh đồng bằng, thành phố và mức tối đa bằng 1,5% chi ngân sách thường xuyên của ngân sách cấp mình thuộc các tỉnh miền núi, trung du, Tây Nguyên, vùng sâu, vùng xa.

Căn cứ tình hình thi đua, khen thưởng hàng năm, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp quyết định giao mức Quỹ thi đua, khen thưởng cho các đơn vị dự toán trực thuộc cùng với dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định hiện hành.

c) Quỹ thi đua, khen thưởng của tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội:

- Nguồn hình thành:

+ Bố trí từ dự toán chi ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền giao hàng năm;

+ Nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài cho mục đích thi đua, khen thưởng (nếu có).

+ Từ các nguồn thu hợp pháp khác được phép trích (nếu có).

- Về bố trí từ dự toán chi ngân sách nhà nước cấp:

Hàng năm, căn cứ tính chất hoạt động và căn cứ vào kết quả thực hiện Quỹ thi đua, khen thưởng năm trước; dự kiến tổng mức chi thi đua, khen thưởng năm hiện hành và căn cứ dự toán chi ngân sách đã được cấp có thẩm quyền giao, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội thống nhất ý kiến với cơ quan Tài chính để bố trí mức kinh phí cho Quỹ thi đua, khen thưởng trong dự toán chi ngân sách nhà nước theo chế độ quy định.

Căn cứ vào mức kinh phí bố trí lập Quỹ thi đua, khen thưởng, các tổ chức chính trị và tổ chức chính trị - xã hội phân bổ Quỹ thi đua, khen thưởng cho cấp mình quản lý và cho các đơn vị dự toán trực thuộc cho phù hợp.

d) Quỹ thi đua, khen thưởng của các đơn vị sự nghiệp công lập:

- Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên: Thực hiện chi cho công tác thi đua, khen thưởng từ Quỹ khen thưởng được trích lập theo chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp và từ các khoản đóng góp của các tổ chức, cá nhân cho mục đích thi đua, khen thưởng (nếu có).

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên: Được chi cho công tác thi đua, khen thưởng từ nguồn Quỹ thi đua, khen thưởng do cơ quan chủ quản cấp trên giao trong dự toán chi ngân sách nhà nước, từ Quỹ khen thưởng được trích lập theo chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp và từ các khoản đóng góp của các tổ chức, cá nhân cho mục đích thi đua, khen thưởng (nếu có).

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên: Mức lập Quỹ thi đua, khen thưởng từ dự toán chi ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền giao dự toán giao và từ các khoản đóng góp của các tổ chức, cá nhân cho mục đích thi đua, khen thưởng (nếu có).

đ) Đối với các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đang được ngân sách nhà nước hỗ trợ bảo đảm chi hoạt động thường xuyên cho số biên chế được cấp có thẩm quyền giao; mức trích lập Quỹ thi đua, khen thưởng từ kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 15% quỹ tiền lương ngạch bậc của số biên chế được cấp có thẩm quyền giao.

Đối với các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác, mức trích lập Quỹ thi đua, khen thưởng do các tổ chức này tự quyết định từ nguồn tài chính của mình và từ nguồn đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài và từ các nguồn thu hợp pháp khác.

e) Quỹ thi đua, khen thưởng của các doanh nghiệp nhà nước được trích từ quỹ khen thưởng của đơn vị theo quy định hiện hành đối với doanh nghiệp.

g) Các hợp tác xã nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hợp tác xã vận tải, hợp tác xã xây dựng, hợp tác xã nghề muối và các hợp tác xã nghề nghiệp khác thực hiện việc trích lập Quỹ thi đua, khen thưởng theo Luật Hợp tác xã.

2. Nội dung chi và mức chi từ Quỹ thi đua, khen thưởng:

a) Nội dung chi:

- Chi in ấn giấy chứng nhận, giấy khen, bằng khen, làm các kỷ niệm chương, huy hiệu, cờ thi đua, khung bằng khen theo hợp đồng với đơn vị sản xuất.

Riêng các khoản chi để in ấn bằng, làm khung bằng, cờ, Huân chương, Huy chương đối với các hình thức khen thưởng do Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước quyết định khen thưởng do Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương đảm nhiệm từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp; khoản chi in ấn giấy chứng nhận, giấy khen, làm khung, cờ đối với các hình thức khen thưởng do Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định khen thưởng do Tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng tỉnh (Ban hoặc Hội đồng) đảm nhiệm từ nguồn kinh phí ngân sách địa phương.

- Chi tiền thưởng hoặc tặng phẩm lưu niệm kèm theo hình thức khen thưởng cho các cá nhân, tập thể được cấp có thẩm quyền quyết định khen thưởng.

b) Mức chi tiền thưởng: Thực hiện theo quy định tại các Điều 69, Điều 70, Điều 71, Điều 72, Điều 73, Điều 74 Mục 3 Chương V Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ.

Trong cùng một thời điểm, cùng một thành tích, cùng một đối tượng được khen thưởng nếu đạt được các danh hiệu và hình thức khen thưởng khác nhau, thì được nhận tiền thưởng (hoặc tặng phẩm kèm theo) đối với mức thưởng cao nhất.

3. Hạch toán và quyết toán chi ngân sách nhà nước lập Quỹ thi đua, khen thưởng:

Trong tổ chức thực hiện, khi rút dự toán để chuyển vào Quỹ thi đua, khen thưởng được hạch toán vào mục 134 "Chi khác", tiểu mục 26 "Chi lập Quỹ thi đua, khen thưởng theo Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ".

Các cơ quan, đơn vị mở tài khoản tiền gửi về Quỹ thi đua, khen thưởng tại Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng Thương mại (đối với kinh phí không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước) để quản lý và phải mở sổ theo dõi tình hình thu, chi Quỹ theo quy định hiện hành.

Việc trích từ dự toán ngân sách để lập Quỹ thi đua, khen thưởng năm nào được quyết toán vào niên độ ngân sách nhà nước năm đó.

Hàng năm, các cơ quan, đơn vị phải thực hiện báo cáo quyết toán tình hình sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng và được tổng hợp trong báo cáo quyết toán năm của cơ quan, đơn vị theo quy định hiện hành.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 25/2001/TT-BTC ngày 16/4/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn công tác quản lý tài chính thực hiện chế độ khen thưởng thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Ngoài Quỹ thi đua, khen thưởng được trích theo hướng dẫn tại Thông tư này; các chế độ khen thưởng khác thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan phản ánh về Bộ Tài chính để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=15419&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận