THÔNG TƯ
Hướng dẫn tổ chức phong trào thi đua và xét khen thưởng hàng năm
trong ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn
_________________________
Căn cứ Luật Thi đua khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;
Căn cứ Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;
Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-VPCP ngày 31/7/2007 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị định 121/2005/NĐ-CP;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện thống nhất việc phát động thi đua và xét khen thưởng hàng năm trong toàn ngành như sau:
Phần 1
CÔNG TÁC THI ĐUA
I. CÁC HÌNH THỨC THI ĐUA
1. Thi đua thường xuyên
Là hình thức thi đua do Bộ và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, các Tổng công ty và Tập đoàn kinh tế, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (gọi chung là đơn vị) căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức phát động phong trào thi đua nhằm thực hiện tốt nhất kế hoạch công tác hàng quý, hàng năm của mỗi cơ quan đơn vị. Đối tượng thi đua bao gồm các cá nhân trong một tập thể, các tập thể trong cùng một đơn vị, hoặc giữa các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ và tính chất công việc giống nhau. Thi đua thường xuyên phải chia theo khối, cụm, lĩnh vực có cùng tính chất công việc giống nhau để giao ước thi đua. Các tập thể, cá nhân có đăng ký thi đua mới được xem xét công nhận danh hiệu thi đua và xét khen thưởng.
2. Thi đua theo đợt, thi đua theo chuyên đề
Là hình thức thi đua được phát động nhằm giải quyết tốt nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất trong một thời gian nhất định, hoặc thi đua để giải quyết những công việc khó khăn, bức xúc. Thi đua theo đợt được phát động khi đã xác định rõ yêu cầu, mục tiêu, chỉ tiêu thi đua và thời gian hoàn thành. Thi đua theo đợt, thi đua theo chuyên đề có thể tổ chức quy mô ở một đơn vị, một công trình xây dựng, một lĩnh vực công tác, nhưng cũng có thể tổ chức ở quy mô rộng lớn trong phạm vi một địa phương, một lĩnh vực hoạt động của ngành, hoặc trong toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
II. NGUYÊN TẮC VÀ MỤC TIÊU THI ĐUA
1. Nguyên tắc
Phải tự nguyện, tự giác, công khai, đoàn kết, hợp tác cùng phát triển.
2. Mục tiêu
Tạo động lực động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể lao động trong ngành và nông dân cả nước sáng tạo, vượt khó khăn vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
III. TỔ CHỨC PHÁT ĐỘNG THI ĐUA
1. Thẩm quyền phát động thi đua
a. Cấp Bộ:
Hàng năm, căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của toàn ngành và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đột xuất, Bộ trưởng ban hành Chỉ thị hoặc chỉ đạo các đơn vị phát động thi đua thường xuyên, thi đua theo đợt. Giao nhiệm vụ cho các cấp, các đơn vị tổ chức thực hiện và quy định thời gian hoàn thành.
b. Cấp cơ sở:
Căn cứ Chỉ thị của Bộ trưởng và chức năng nhiệm vụ được giao, Thủ trưởng đơn vị tổ chức phát động phong trào thi đua ở đơn vị mình, đề ra chỉ tiêu, giải pháp thực hiện và thời gian hoàn thành cho từng phong trào, hướng vào việc giải quyết nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất, những công việc khó khăn, bức xúc ở cơ sở. Phối hợp với Công đoàn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng thường xuyên động viên, đôn đốc, kiểm tra để duy trì phong trào. Qui định rõ trách nhiệm cá nhân trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Kết thúc mỗi đợt thi đua phải tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, xét chọn tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, tiêu biểu để khen thưởng, trình cấp trên khen thưởng và tổ chức tuyên truyền nhân rộng điển hình trong đơn vị.
2. Trình tự phát động thi đua
- Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ để phát động phong trào;
- Đề xuất chỉ tiêu và giải pháp tổ chức thực hiện;
- Quy định thời gian từng đợt thi đua;
- Sơ kết, tổng kết đánh giá phong trào thi đua;
- Xét chọn tập thể, cá nhân tiêu biểu dẫn đầu để khen thưởng;
- Tổ chức tuyên truyền nhân rộng điển hình tiên tiến.
3. Tổ chức ký giao ước thi đua
- Thủ trưởng đơn vị tổ chức phát động thi đua, chủ trì ký giao ước thi đua;
- Đối với tập thể, giao ước thi đua hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đã được phát động. Phạm vi giao ước thi đua đối với tập thể tổ chức trong nội bộ các đơn vị đã được chia thành các khối, cụm, lĩnh vực công tác có tính chất công việc giống nhau.
- Đối với cá nhân, giao ước thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao, đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, Chiến sỹ thi đua cấp Bộ, Chiến sỹ thi đua toàn quốc. Phạm vi giao ước thi đua đối với cá nhân, tổ chức trong nội bộ đơn vị cơ sở (từ cấp tổ, đội, phòng, khoa, phân xưởng…).
IV. PHÂN CHIA KHU VỰC, LĨNH VỰC, KHỐI ĐỂ GIAO ƯỚC THI ĐUA
Bộ phân chia vùng, lĩnh vực và khối công tác để tổ chức ký giao ước thi đua và có cơ sở xét chọn đơn vị đạt hạng nhất, hạng nhì, hạng ba tặng Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua của Bộ. Cụ thể:
1. Đối với đơn vị trực thuộc Bộ, chia thành các Khối
a. Khối quản lý nhà nước: Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng, Ban đổi mới và quản lý doanh nghiệp nông nghiệp.
b. Khối sự nghiệp: Trung tâm, Báo, Tạp chí, Bệnh viện.
c. Khối doanh nghiệp:
- Khối Tập đoàn kinh tế và các Tổng công ty 91: thuộc khối thi đua toàn quốc do Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương xét chọn.
- Khối các Tổng công ty 90 và Doanh nghiệp trực thuộc Bộ, chia làm 2:
+ Các Tổng công ty 90;
+ Các doanh nghiệp trực thuộc Bộ.
d. Khối trường, chia làm 2:
- Các Trường Đại học, Quản lý, Cao đẳng;
- Các Trường Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề.
đ. Khối Viện trực thuộc Bộ
2. Đối với các đơn vị là thành viên Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91; thành viên Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam và Chi cục (đơn vị cấp 2) thuộc Cục
Giao Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc; Viện trưởng, Cục trưởng các Cục chuyên ngành tổ chức ký giao ước thi đua trong nội bộ đơn vị và xét chọn 3 đơn vị xếp thứ nhất, nhì, ba để trình Bộ xét tặng Cờ.
3. Đối với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Phân chia khối thi đua theo 7 vùng kinh tế:
a. Vùng Trung du miền núi Bắc bộ: gồm 15 tỉnh là Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Phú Thọ, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình;
b. Vùng Đồng bằng sông Hồng: gồm 9 tỉnh, và 02 thành phố là: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng;
c. Vùng Duyên hải Bắc Trung bộ: gồm 6 tỉnh là: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế;
d. Vùng Duyên hải Nam Trung bộ: gồm 01 thành phố và 7 tỉnh là: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận;
đ. Vùng Tây Nguyên: gồm 5 tỉnh là: Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng;
e. Vùng Đông Nam bộ: gồm 5 tỉnh, và 01 thành phố là: Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu;
g. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: gồm 12 tỉnh và 01 thành phố là: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, thành phố Cần Thơ.
Phần 2
CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG
I. XÉT DUYỆT KHEN THƯỞNG
1. Nguyên tắc khen thưởng
- Chính xác, công khai, công bằng, kịp thời;
- Thực hiện thường xuyên, một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng;
- Kết hợp chặt chẽ giữa động viên tinh thần với khuyến khích vật chất;
- Dựa vào kết quả đánh giá công chức theo hướng dẫn về công tác tổ chức cán bộ hàng năm và đăng ký giao ước thi đua của các tập thể, cá nhân để làm cơ sở bình xét khen thưởng.
2. Tiêu chuẩn khen thưởng
Hàng năm, khi xét tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng phải căn cứ vào tiêu chuẩn đã được qui định tại:
- Luật Thi đua, Khen thưởng, Luật sửa đổi bổ sung một số điểm của Luật Thi đua, Khen thưởng;
- Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;
- Thông tư số 01/2007/TT-VPCP ngày 31/7/2007 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ.
3. Thẩm quyền xét, đề nghị và quyết định khen thưởng
a. Thẩm quyền của Bộ trưởng:
- Xét trình Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương các loại, Anh hùng lao động, Chiến sỹ thi đua toàn quốc cho các đơn vị trực thuộc Bộ; Quyết định tặng Cờ thi đua của Bộ cho các đơn vị đạt giải nhất, nhì, ba ở mỗi khối, mỗi vùng, mỗi lĩnh vực; hiệp y với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91 theo đề nghị của Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương; riêng Cờ thi đua của Chính phủ cho các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trình, Bộ chỉ hiệp y cho những Sở được xếp hạng nhất ở mỗi vùng;
- Quyết định tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cho các đơn vị hàng năm.
b. Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Theo thứ tự danh sách đã được phân chia theo 7 vùng kinh tế, năm 2008 Bộ giao Sở đứng dầu danh sách làm khối trưởng, các năm tiếp theo đến Sở đứng liền kề. Hàng năm, khối trưởng tổ chức giao ước thi đua vào tháng 1, chấm điểm xếp hạng các Sở nhất, nhì, ba và trình Bộ xét tặng Cờ trước ngày 30/11.
c. Cục trưởng các Cục chuyên ngành: Có trách nhiệm chấm điểm thi đua cho các Sở ở từng vùng trên cơ sở các tiêu chuẩn thi đua đã được cụ thể hoá tại bảng chấm điểm (mẫu số 12), xét và trình Bộ tặng Cờ thi đua cho 3 Chi cục được xếp nhất, nhì, ba hàng năm.
d. Vụ trưởng các Vụ Kế hoạch, Khoa học công nghệ và Môi trường, Tổ chức cán bộ: hướng dẫn đơn vị là trưởng khối thi đua trong các doanh nghiệp, các Trường, các Viện tổ chức chấm điểm thi đua xét trình Bộ tặng Cờ cho các đơn vị nhất, nhì, ba ở các khối.
đ. Đối với các hình thức khen thưởng: Kỷ niệm chương, Bức trướng và các Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam, Cúp vàng nông nghiệp, Hàng nông lâm sản chất lượng cao và Uy tín thương mại, Bộ có hướng dẫn riêng.
II. HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ KHEN THƯỞNG
Thực hiện Quy trình xét duyệt khen thưởng theo tiêu chuẩn ISO 9001 – 2000, hàng năm hồ sơ thủ tục gửi về Bộ theo trình tự và các “Mẫu văn bản” kèm theo thông tư này, cụ thể như sau:
1. Khen thưởng thường xuyên
a. Xét tặng Cờ và Bằng khen Bộ:
Tờ trình, Biên bản họp Hội đồng thi đua khen thưởng của đơn vị; Báo cáo tóm tắt thành tích, Báo cáo thuyết minh và Bảng tự chấm điểm.
b. Xét tặng thưởng Huân chương, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Anh hùng lao động, Chiến sỹ thi đua toàn quốc, Chiến sỹ thi đua cấp Bộ, Tập thể lao động xuất sắc:
- Tờ trình của Thủ trưởng đơn vị và danh sách kèm theo;
- Biên bản họp Hội đồng thi đua khen thưởng đơn vị, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm;
- Báo cáo thành tích; Báo cáo tóm tắt thành tích;
- Xác nhận của Cục thuế cấp tỉnh, thành phố về việc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách đối với các doanh nghiệp, Giám đốc doanh nghiệp, Kế toán trưởng, cụ thể là: Cờ thi đua của Bộ, Cờ thi đua của Chính phủ xác nhận nộp thuế 01 năm; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể xác nhận nộp thuế 03 năm, cho Giám đốc và Kế toán trưởng xác nhận nộp thuế 05 năm; Huân chương các loại là 05 năm, 07 năm, 10 năm tương ứng với số năm báo cáo thành tích. Số liệu báo cáo trong thành tích phải khớp với số liệu xác nhận nộp thuế của Cục thuế tỉnh, thành phố.
c. Xét Khen thưởng theo diện cán bộ lãnh đạo có quá trình cống hiến lâu dài trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể:
- Tờ trình của Thủ trưởng đơn vị và danh sách kèm theo;
- Biên bản họp Hội đồng thi đua khen thưởng đơn vị;
- Bản sao xác nhận cán bộ tiền khởi nghĩa (nếu có);
- Báo cáo qúa trình công tác của cá nhân.
d. Xét Khen thưởng đột xuất:
- Tờ trình của Thủ trưởng đơn vị;
- Báo cáo tóm tắt tổng hợp thành tích của đơn vị quản lý trực tiếp các đối tượng được đề nghị khen thưởng đột xuất
2. Khen thưởng thành tích thi đua theo đợt, theo chuyên đề
a. Xét tặng Huân chương, Bằng khen Chính phủ:
- Tờ trình của Thủ trưởng đơn vị và danh sách kèm theo;
- Biên bản họp Hội đồng thi đua khen thưởng đơn vị;
- Báo cáo thành tích và báo cáo tóm tắt thành tích của các tập thể, cá nhân đạt được trong phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề.
b. Xét tặng Cờ, Bằng khen Bộ:
- Tờ trình của Thủ trưởng đơn vị và danh sách kèm theo;
- Biên bản họp Hội đồng thi đua khen thưởng đơn vị;
- Báo cáo thành tích tập thể, cá nhân đạt được trong phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề.
3. Số lượng hồ sơ nộp về Bộ
- Tập thể lao động xuất sắc, Chiến sỹ thi đua cấp Bộ, Bằng khen của Bộ trưởng và Cờ thi đua của Bộ
|
: 01 bộ;
|
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương lao động, Huân chương Độc lập
|
: 04 bộ;
|
- Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng
|
: 08 bộ;
|
- Chiến sỹ thi đua toàn quốc
|
: 05 bộ;
|
- Anh hùng lao động
|
: 25 bộ.
|
4. Thời gian nhận hồ sơ
Bộ nhận Báo cáo tổng kết thi đua và Tờ trình đề nghị khen thưởng hàng năm của các đơn vị vào thời gian sau:
- Báo cáo tổng kết thi đua, trước ngày 15/01;
- Cờ thi đua của Bộ, trước ngày 30/11 (nếu chưa có số liệu báo cáo chính thức, đề nghị báo cáo số liệu ước thực hiện);
- Cờ thi đua của Chính phủ, Chiến sỹ thi đua toàn quốc, trước ngày 30/01;
- Huân chương, Bằng khen Chính phủ, Danh hiệu Anh hùng Lao động trước ngày 30/3;
- Bằng khen của Bộ trưởng, Chiến sỹ thi đua cấp Bộ, Tập thể lao động xuất sắc: Mỗi năm chỉ xét 1 đợt, thời gian nộp trước ngày 28/2;
- Khen thưởng thi đua theo đợt; thi đua theo chuyên đề: thời gian nộp hồ sơ tương ứng với thời gian kết thúc phong trào thi đua được phát động;
- Khen thưởng đột xuất: không qui định thời gian;
- Khen thưởng khối Trường trước ngày 15/7;
- Kỷ niệm chương mỗi năm 2 đợt: đợt 1/5 và đợt 14/11 (ngày thành lập Bộ Canh nông).
5. Nơi nhận hồ sơ
Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: 04 – 8434673 Fax: 04 – 8436815
III. LẬP QUỸ KHEN THƯỞNG
Thành lập Quỹ khen thưởng ở đơn vị, mức thu, mức chi thực hiện theo Thông tư số 73/2006/TT-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn và Quyết định số 1709/QĐ-BNN-TC ngày 9/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ban hành Qui chế trích lập, quản lý và sử dụng quỹ thi đua khen thưởng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Phần 3
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị
- Tổ chức phát động phong trào thi đua thưởng xuyên, thi đua theo đợt, theo chuyên đề ở đơn vị.
- Thực hiện xét khen thưởng hình thức Giấy khen (Tiêu chuẩn được quy định tại Điều 75 Luật Thi đua, Khen thưởng và Điều 50 Nghị định 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ). Xét chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trình Bộ trưởng và cấp trên khen thưởng;
- Gửi hồ sơ đề nghị khen thưởng về Bộ theo đúng các “Mẫu văn bản” và thời gian qui định;
- Phân công lãnh đạo phụ trách và bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm công tác Thi đua khen thưởng, để giúp Thủ trưởng đơn vị đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng thuộc lĩnh vực chuyên ngành.
- Thực hiện theo thẩm quyền được qui định tại mục 3, điểm I, Phần II Thông tư này.
2. Các Cục trưởng Cục chuyên ngành còn có trách nhiệm tổng hợp đề xuất và chấm điểm thi đua cho các Sở, xác nhận thành tích khen thưởng cho các đối tượng thuộc lĩnh vực quản lý, xét và trình khen thưởng đột xuất theo quy trình rút gọn cho tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác: phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quản lý bảo vệ và phòng, chống, cháy rừng; những tập thể, cá nhân đóng góp có hiệu quả về tinh thần, vật chất cho sự phát triển của ngành;
3. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm tham mưu Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng trong toàn ngành theo qui định; Hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, các Tập đoàn kinh tế, các Tổng Công ty 91; Tổng hợp, theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện công tác thi đua, khen thưởng tại các đơn vị.
4. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo; Những qui định của Bộ trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
5. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần bổ sung, sửa đổi kịp thời báo cáo về Bộ để nghiên cứu giải quyết./.