THÔNG TƯ
Hướng dẫn thi hành một số biện pháp xử lý nợ đọng thuế
____________________________
Căn cứ quy định tại Điều 49 của Luật Quản lý thuế, Điều 24 của Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế;
Căn cứ Quyết định số 172/2001/QĐ-TTg ngày 05/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý khoanh nợ, giãn nợ, xoá nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước đối với những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có khó khăn do nguyên nhân khách quan;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 7567/VPCP-KTTH ngày 31/12/2007 của Văn phòng Chính phủ,
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số biện pháp xử lý nợ đọng thuế, các khoản phải nộp ngân sách nhà nước (dưới đây gọi chung là nợ thuế) phát sinh trước ngày 01/7/2007 còn tồn đọng chưa thu được vào ngân sách nhà nước như sau:
I. GIA HẠN NỘP SỐ NỢ THUẾ
1. Các trường hợp được gia hạn nộp số nợ thuế
Các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh còn nợ thuế do gặp khó khăn về tài chính, kinh doanh thua lỗ liên tục 3 năm (2005 đến 2007) được xử lý gia hạn gồm:
a) Các doanh nghiệp phải di chuyển địa điểm kinh doanh ra khỏi nội thành, nội thị theo quy hoạch của Chính phủ hoặc của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mà sản xuất, kinh doanh trong thời gian di chuyển đến địa điểm mới gặp khó khăn làm phát sinh các khoản lỗ nên không có khả năng nộp đầy đủ, kịp thời tiền thuế phát sinh.
b) Các doanh nghiệp gặp rủi ro trong kinh doanh dẫn đến khó khăn về tài chính, không có khả năng nộp đầy đủ, kịp thời tiền thuế phát sinh như: đối tác kinh doanh bị phá sản, không thu được nợ; mất thị trường do thay đổi chính sách của các nước nhập khẩu; tổn thất do thiên tai, tai nạn bất ngờ hoặc các nguyên nhân bất khả kháng khác.
c) Các doanh nghiệp trực tiếp ký kết hợp đồng nhận thầu với chủ dự án hoặc với doanh nghiệp thực hiện các dự án, công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc nguồn vốn ODA của Chính phủ nhưng chưa được ngân sách nhà nước thanh toán, cấp phát nên không có nguồn để nộp thuế dẫn đến còn nợ thuế.
d) Các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh nhà đất được Nhà nước giao đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất nhưng do chưa giải phóng được mặt bằng, chưa bàn giao đất, dẫn tới không có nguồn nộp ngân sách nhà nước. Xử lý như sau:
- Đối với dự án không triển khai được, quá thời hạn theo quy định tại khoản 1, Điều 37 của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ do không giải phóng được mặt bằng hoặc đã bàn giao đất (kể cả bàn giao từng phần theo tiến độ giao đất) nhưng không triển khai dự án, đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền thu hồi lại đất dự án, Cục Thuế tiến hành xác định lại các khoản phải nộp ngân sách nhà nước phù hợp với diện tích đất giao hoặc cho thuê thực tế. Doanh nghiệp thực hiện dự án phải nộp ngay số phát sinh theo thông báo của cơ quan thuế.
- Đối với dự án đang triển khai bị chậm tiến độ, đã được cơ quan quản lý có thẩm quyền về giao đất, cho thuê đất gia hạn sử dụng đất theo quy định tại khoản 2, Điều 37 của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007, có các khoản nợ thuế và thu ngân sách nhà nước liên quan đến đất và chuyển giao quyền sử dụng đất, nhà hoặc cơ sở hạ tầng trên đất thì được xem xét giải quyết gia hạn nộp số nợ thuế tương ứng với diện tích đất của dự án chậm triển khai đã được gia hạn.
2. Thời gian và số nợ thuế được gia hạn nộp
- Các trường hợp có khó khăn về tài chính nêu tại các điểm a, b, c khoản 1, mục I trên đây được xét gia hạn nộp hết số nợ thuế trong thời hạn tối đa không quá 1 năm tính từ ngày 01/7/2007.
- Các trường hợp nêu tại điểm c, khoản 1, mục I trên đây được xét gia hạn tương ứng với thời gian và số thuế nợ do chưa được ngân sách nhà nước thanh toán, thời gian gia hạn không quá 1 năm tính từ ngày 01/7/2007.
Trong thời gian được gia hạn nộp số nợ thuế thuộc các trường hợp nêu trên đây, không tính phạt chậm nộp đối với số nợ thuế được gia hạn nộp. Hết thời hạn gia hạn nộp thuế mà doanh nghiệp chưa hoàn trả hết số nợ thuế đã được gia hạn, cơ quan thuế hoặc cơ quan hải quan sẽ phạt chậm nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ theo quy định của pháp luật đối với số nợ thuế chưa hoàn trả hết.
3. Thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền gia hạn nợ thuế
a) Thủ tục, hồ sơ gia hạn, gồm:
- Văn bản đề nghị gia hạn nộp tiền thuế, tiền phạt theo mẫu số 02/NOPT ban hành kèm theo Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế. Trong đó nêu rõ lý do đề nghị gia hạn nộp thuế, số tiền thuế, tiền phạt đề nghị gia hạn, thời hạn đề nghị gia hạn, kế hoạch nộp trả nợ thuế và cam kết thực hiện nộp số tiền thuế, tiền phạt theo đúng kế hoạch.
- Tài liệu chứng minh lý do đề nghị gia hạn nộp thuế. Cụ thể cho các trường hợp như sau:
+ Báo cáo tài chính của năm tài chính gần nhất kết thúc trước ngày 01/7/2007 và bản số liệu xác định nợ thuế đến 01/7/2007.
+ Đối với trường hợp gặp rủi ro trong kinh doanh: trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ thì phải có Biên bản xác định mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản của cơ quan có thẩm quyền như Hội đồng định giá do Sở Tài chính thành lập, hoặc các công ty định giá chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ định giá theo hợp đồng, hoặc Trung tâm định giá của Sở tài chính; Trường hợp do đối tác bị phá sản, do thay đổi chính sách của các nước nhập khẩu thì phải cung cấp bằng chứng chứng minh hoặc giải trình của doanh nghiệp.
+ Đối với trường hợp di chuyển địa điểm kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải có Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di chuyển địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
+ Đối với các cơ sở kinh doanh có doanh thu từ việc thực hiện các dự án được thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán, tài liệu chứng minh gồm: hợp đồng kinh tế, bản đối chiếu công nợ và xác nhận khối lượng công việc hoàn thành được chấp nhận thanh toán của chủ đầu tư hoặc nhà thầu chính; các tài liệu, chứng từ chứng minh về doanh thu đã thực hiện, doanh thu đã được thanh toán bằng nguồn ngân sách nhà nước, tài liệu xác định số thuế phát sinh theo doanh thu hoặc khối lượng công việc đã hoàn thành và số thuế còn nợ.
+ Đối với các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh nhà đất gặp khó khăn: các chứng từ, văn bản xác định các khoản thuế phải nộp, đã nộp và còn nợ; văn bản cho phép gia hạn sử dụng đất của cơ quan có thẩm quyền về giao đất, cho thuê đất; bản kê khai về thực hiện bán nhà, chuyển giao quyền sử dụng đất (doanh thu và diện tích).
Các tài liệu trên là bản sao có công chứng hoặc bản sao có đóng dấu sao y bản chính và chữ ký xác nhận của người có thẩm quyền của doanh nghiệp.
Hồ sơ đề nghị gia hạn nợ thuế được gửi đến cơ quan quản lý thuế trực tiếp đối với doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có nợ thuế.
b) Thẩm quyền và thời hạn giải quyết gia hạn nợ thuế
Cơ quan quản lý thuế trực tiếp đối với doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và cá nhân có nợ thuế (dưới đây gọi chung là người nợ thuế) có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ để giải quyết việc gia hạn nộp số nợ thuế theo đúng thẩm quyền, pháp luật hiện hành và hướng dẫn tại Thông tư này.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, cơ quan quản lý thuế phải trả lời cho người nợ thuế. Trường hợp hồ sơ gia hạn nộp thuế chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan quản lý thuế phải thông báo bằng văn bản cho người nợ thuế hoàn chỉnh hồ sơ.
Đối với các trường hợp được gia hạn nộp số nợ thuế, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế trực tiếp đối với người nợ thuế ra văn bản chấp nhận đề nghị gia hạn nộp thuế (theo mẫu số 03/NOPT ban hành kèm theo Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007). Trường hợp cơ quan quản lý thuế không chấp nhận đề nghị gia hạn nộp thuế của người nợ thuế thì trả lời bằng văn bản cho người nợ thuế biết (theo mẫu số 04/NOPT ban hành kèm theo Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007).
Riêng đối với các khoản nợ thuế của hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có tờ khai hải quan đăng ký từ ngày 1/1/2007 trở về trước thuộc các trường hợp hướng dẫn tại điểm 1 mục này, thủ tục hồ sơ và thẩm quyền gia hạn nợ thuế thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 59/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế Thông tư này (nếu có).
II. XỬ LÝ NỢ THUẾ, TIỀN PHẠT CỦA CÁC DOANH NGHIỆP KINH DOANH XUẤT NHẬP KHẨU
1. Miễn truy thu, miễn phạt chậm nộp của số thuế bị truy thu
a) Đối tượng và điều kiện được xét miễn truy thu, miễn phạt:
- Các khoản truy thu thuế, tiền phạt đề nghị được miễn của các lô hàng có tờ khai hải quan đăng ký với cơ quan hải quan từ ngày 15/10/1998 trở về trước.
- Có nợ thuế thuộc một trong các nguyên nhân khách quan sau đây được xét miễn truy thu thuế, miễn phạt chậm nộp đối với số thuế bị truy thu. Cụ thể:
+ Do thay đổi về chính sách thuế (như giá tính thuế, thuế suất) nhưng văn bản ban hành sau ngày đăng ký tờ khai hàng hoá nhập khẩu và có tính hồi tố, doanh nghiệp đã nộp thuế theo thông báo thuế của cơ quan hải quan trước ngày có hiệu lực của văn bản chính sách mới, sau đó bị cơ quan hải quan truy thu thuế.
+ Do văn bản hướng dẫn áp mã số, áp giá tính thuế của cơ quan hải quan trước đây chưa rõ ràng, chưa đúng với thực tế của hàng hoá hoặc chưa đúng với quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, sau đó có văn bản hướng dẫn khác hoặc điều chỉnh lại. Theo đó, nếu tính lại thì số thuế phải nộp cao hơn số thuế cơ quan hải quan đã thông báo cho doanh nghiệp, do đó bị cơ quan hải quan truy thu thuế.
+ Một mặt hàng có nhiều kết quả giám định khác nhau hoặc khó phân loại, cơ quan hải quan không phân loại được chính xác mã số thuế khi làm thủ tục hải quan, sau đó doanh nghiệp bị truy thu thuế.
b) Hồ sơ đề nghị miễn truy thu thuế và miễn các khoản phạt chậm nộp do doanh nghiệp lập gồm:
+ Công văn của doanh nghiệp đề nghị miễn truy thu thuế, miễn phạt trong đó giải trình rõ lý do đề nghị miễn truy thu, số tiền thuế truy thu;
+ Tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu bị truy thu thuế;
+ Thông báo thuế lần đầu của cơ quan hải quan;
+ Biên lai nộp thuế theo thông báo thuế lần đầu của cơ quan hải quan;
+ Quyết định hoặc thông báo truy thu thuế của cơ quan hải quan;
+ Biên lai nộp thuế truy thu theo quyết định hoặc thông báo truy thu thuế (đối với trường hợp đã nộp thuế truy thu nhưng chưa nộp phạt chậm nộp);
+ Quyết định phạt chậm nộp thuế truy thu;
+ Hợp đồng thương mại;
+ Hóa đơn thương mại, vận đơn;
+ Giấy chứng nhận giám định của cơ quan giám định (nếu có).
Các giấy tờ nêu trên, trừ công văn đề nghị miễn truy thu thuế, miễn phạt chậm nộp của doanh nghiệp là bản chính, còn lại là bản sao có đóng dấu sao y bản chính và chữ ký của đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp.
c) Trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý miễn truy thu thuế và miễn phạt chậm nộp:
Doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị miễn truy thu và miễn phạt đến Cục Hải quan địa phương nơi làm thủ tục hải quan đối với lô hàng bị truy thu thuế để kiểm tra, xác nhận tính xác thực của bộ hồ sơ.
Trên cơ sở hồ sơ do doanh nghiệp lập, Cục Hải quan địa phương kiểm tra đối chiếu với quy định nêu tại Điểm 1a Mục này và xử lý như sau:
- Trường hợp đủ điều kiện xét miễn truy thu thuế, miễn phạt chậm nộp thì Cục Hải quan địa phương có công văn báo cáo, đề xuất ý kiến xử lý kèm theo toàn bộ hồ sơ xin miễn truy thu của doanh nghiệp gửi Tổng cục Hải quan, nội dung công văn phải nêu rõ:
+ Nguyên nhân chủ quan, khách quan (như nêu trên), tình tiết, nội dung sự việc dẫn đến việc đã tính (hoặc thông báo) sai số thuế phải nộp, do đó phải truy thu thuế;
+ Số tiền thuế đã thông báo lần đầu;
+ Số tiền thuế phải truy thu;
+ Số tiền thuế truy thu và tiền phạt đề nghị miễn.
- Trường hợp hồ sơ của doanh nghiệp không đủ điều kiện để xét miễn truy thu thuế, miễn phạt theo quy định, Cục Hải quan địa phương có văn bản trả lời cho doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp nộp đủ số thuế bị truy thu, tiền phạt chậm nộp đối với số thuế bị truy thu theo đúng quy định.
Trên cơ sở hồ sơ và báo cáo do Cục Hải quan tỉnh, thành phố gửi, Tổng cục Hải quan kiểm tra, trình Bộ Tài chính quyết định miễn truy thu, miễn phạt cho doanh nghiệp.
2. Xoá nợ thuế, tiền phạt chậm nộp của số nợ thuế
a) Đối tượng và điều kiện được xét xóa nợ thuế:
- Các khoản nợ thuế, nợ phạt của các lô hàng có tờ khai hải quan đăng ký với cơ quan hải quan sau ngày 15/10/1998 đến hết ngày 30/6/2007,chưa nộp vào ngân sách nhà nước.
- Có các nguyên nhân khách quan do thay đổi chính sách hoặc văn bản hướng dẫn không rõ ràng, cụ thể như sau:
+ Văn bản mới về chính sách thuế (như giá tính thuế, thuế suất) được ban hành sau ngày đăng ký tờ khai hàng hoá nhập khẩu và có tính hồi tố, theo đó nếu tính lại thì số thuế phải nộp thấp hơn số thuế cơ quan hải quan đã thông báo cho doanh nghiệp.
+ Văn bản hướng dẫn áp mã số, áp giá tính thuế của cơ quan hải quan trước đây không rõ ràng, chưa đúng với thực tế của hàng hoá hoặc chưa đúng với quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, sau đó có văn bản khác hướng dẫn hoặc điều chỉnh lại. Theo đó, nếu tính lại thì doanh nghiệp bị truy thu thuế.
b) Hồ sơ đề nghị xoá nợ thuế và các khoản phạt do doanh nghiệp lập, bao gồm:
+ Công văn đề nghị xoá nợ thuế và các khoản phạt của doanh nghiệp trong đó giải trình rõ lý do đề nghị xoá nợ, nêu rõ nguyên nhân tính sai số thuế phải nộp, số tiền thuế (tiền phạt) đã thông báo, số tiền thuế phải nộp nếu tính đúng, số tiền thuế và tiền phạt đề nghị xoá nợ;
+ Tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu đề nghị xoá nợ thuế;
+ Thông báo thuế của cơ quan hải quan;
+ Quyết định truy thu thuế của cơ quan quản lý thuế (nếu có);
+ Quyết định phạt chậm nộp thuế (nếu có);
+ Hợp đồng thương mại;
+ Hóa đơn thương mại;
+ Giấy chứng nhận giám định của cơ quan giám định (nếu có);
+ Bản mô tả đặc điểm, tính chất, cấu tạo của hàng hóa do nhà sản xuất cung cấp (nếu có).
Các giấy tờ nêu trên, trừ công văn đề nghị xoá nợ thuế, xoá phạt chậm nộp của doanh nghiệp là bản chính, còn lại là bản photocopy có dấu sao y bản chính.
c) Trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý xoá nợ thuế và nợ phạt:
Doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị xoá nợ thuế và các khoản phạt nói trên đến Cục Hải quan địa phương nơi làm thủ tục hải quan đối với lô hàng đang nợ thuế để kiểm tra, xác nhận tính xác thực của bộ hồ sơ.
Trên cơ sở hồ sơ do doanh nghiệp lập, Cục Hải quan địa phương kiểm tra đối chiếu với quy định tại Điểm 2a Mục này và xử lý như sau:
- Trường hợp đủ điều kiện xoá nợ thuế, nợ phạt theo quy định: Cục Hải quan địa phương gửi toàn bộ hồ sơ và có công văn gửi Tổng cục Hải quan đề xuất xử lý xoá nợ thuế, nợ phạt cho doanh nghiệp. Nội dung công văn phải nêu rõ:
+ Nguyên nhân dẫn đến việc đã tính sai số thuế phải nộp và lý do tính lại thuế;
+ Số tiền thuế (tiền phạt) đã thông báo;
+ Số tiền thuế phải nộp sau khi tính lại;
+ Số tiền thuế và tiền phạt đề nghị xoá nợ;
+ Xác nhận doanh nghiệp thuộc đối tượng được xử lý xoá nợ theo hướng dẫn tại Điểm 2a Mục này và cam kết chịu trách nhiệm về đề xuất xử lý xoá nợ thuế, nợ phạt.
- Trường hợp hồ sơ của doanh nghiệp không đủ điều kiện để xoá nợ thuế và nợ phạt theo quy định: Cục Hải quan địa phương có văn bản trả lời cho doanh nghiệp.
Trên cơ sở hồ sơ và báo cáo do Cục Hải quan tỉnh, thành phố gửi, Tổng cục Hải quan kiểm tra, trình Bộ Tài chính ra quyết định xoá nợ cho doanh nghiệp.
3. Các trường hợp thuộc đối tượng và đáp ứng đủ điều kiện nêu tại điểm điểm 1.a, 2.a nhưng thiếu hồ sơ so với quy định tại các điểm 1.b, 2.b Mục này, Cục Hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn doanh nghiệp tập hợp các tài liệu còn lại trong hồ sơ, báo cáo và đề xuất phương án giải quyết để Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ Tài chính xem xét từng trường hợp cụ thể.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
Đối với các khoản nợ thuế khác không thuộc các trường hợp đã hướng dẫn trên đây được xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Bộ Tài chính.
Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Cục Thuế và Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và xử lý nợ thuế theo hướng dẫn tại Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.