THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật du lịch về kinh doanh lữ hành, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam, hướng dẫn du lịch và xúc tiến du lịch
___________________________________________________
Căn cứ Luật Du lịch số 44/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005; Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Quyết định số 63/2008/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Du lịch;
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thi hành Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch về kinh doanh lữ hành, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam, hướng dẫn du lịch và xúc tiến du lịch như sau:
I. KINH DOANH LỮ HÀNH
1. Hồ sơ và thủ tục cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế thực hiện theo quy định tại Điều 48 Luật Du lịch. Mẫu đơn đề nghị cấp, đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế theo quy định tại Phụ lục số 1; mẫu phương án kinh doanh lữ hành quốc tế theo quy định tại Phụ lục số 2; mẫu giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế quy định tại Phụ lục số 3.
2. Cấp lại giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế
a) Trường hợp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế bị mất, cháy hoặc tiêu huỷ, doanh nghiệp phải khai báo với cơ quan công an nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và Tổng cục Du lịch trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày phát hiện giấy tờ bị mất, cháy hoặc bị tiêu huỷ.
Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày khai báo, doanh nghiệp gửi đơn đề nghị Tổng cục Du lịch cấp lại giấy phép kèm theo xác nhận của cơ quan công an về việc đã khai báo, trừ trường hợp giấy phép bị mất mà sau đó được tìm thấy trước khi hết thời hạn gửi đơn đề nghị cấp lại.
b) Trường hợp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế bị rách, nát, doanh nghiệp gửi đơn đề nghị cấp lại giấy phép kèm theo bản gốc giấy phép bị rách, nát đến Tổng cục Du lịch.
c) Trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp lại giấy phép quy định tại điểm a và b khoản này, Tổng cục Du lịch xem xét, cấp lại giấy phép cho doanh nghiệp.
3. Người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành quy định tại Điều 12 Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 là giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp lữ hành hoặc người đứng đầu đơn vị trực thuộc doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh lữ hành. Mẫu bản kê khai thời gian làm việc trong lĩnh vực lữ hành của người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành quy định tại Phụ lục số 4.
4. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa gửi thông báo về thời điểm bắt đầu hoạt động trong thời hạn mười lăm ngày kể từ thời điểm doanh nghiệp bắt đầu hoạt động kinh doanh đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
5. Báo cáo hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành
a) Lập hồ sơ đoàn khách theo quy định tại Phụ lục số 5.
b) Báo cáo định kỳ sáu tháng và hàng năm về kết quả kinh doanh lữ hành cho Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và Tổng cục Du lịch đối với doanh nghiệp lữ hành quốc tế theo quy định tại Phụ lục số 6.
6. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài
a) Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập díi h×nh thøc liªn doanh giữa các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài với đối tác Việt Nam, không hạn chế phần góp vốn của phía nước ngoài.
b) Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài được cung cấp dịch vụ đưa khách quốc tế vào Việt Nam du lịch và chỉ được sử dụng hướng dẫn viên là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú ở Việt Nam.
c) Trong thời hạn mười lăm ngày kể từ thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài phải gửi thông báo đến Tổng cục Du lịch kèm theo các giấy tờ sau:
- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đầu tư;
- Phương án kinh doanh lữ hành và chương trình du lịch cho khách quốc tế vào Việt Nam;
- Giấy tờ chứng minh thời gian hoạt động của người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành;
- Bản sao hợp lệ thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hợp đồng lao động của ba hướng dẫn viên;
- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế.
II. CHI NHÁNH, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN DOANH NGHIỆP DU LỊCH NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
1. Cơ quan cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là cơ quan cấp giấy phép):
a) Tổng cục Du lịch là cơ quan cấp giấy phép thành lập chi nhánh của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là chi nhánh).
b) Sở Văn hoá, Thể Thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là cơ quan cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là văn phòng đại diện) trong phạm vi quản lý của địa phương.
2. Trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép
a) Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện cho doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 92/2007/NĐ-CP.
b) Xem xét việc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định tại Nghị định số 92/2007/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.
c) Thu, quản lý và sử dụng lệ phí cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
d) Thực hiện đầy đủ chế độ lưu trữ hồ sơ cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện theo đúng quy định của pháp luật về lưu trữ.
đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức, hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện; phát hiện và xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo pháp luật các vi phạm của chi nhánh, văn phòng đại diện.
e) Tổng cục Du lịch công khai thông tin về chi nhánh, văn phòng đại diện trên trang web của Tổng cục Du lịch; triển khai xây dựng phần mềm quản lý chi nhánh, văn phòng đại diện và hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý, cập nhật thông tin về chi nhánh, văn phòng đại diện cho Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
g) Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cập nhật thông tin về việc cấp mới, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép thành lập văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại địa phương một tháng một lần theo phần mềm quản lý thông tin quy định tại điểm e, khoản 2, mục II Thông tư này và gửi báo cáo về Tổng cục Du lịch.
h) Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
3. Điều kiện chung về hồ sơ cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép thành lập của chi nhánh, văn phòng đại diện
a) Các giấy tờ do cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp hay xác nhận đối với hồ sơ chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định tại Nghị định số 92/2007/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này phải được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và dịch ra tiếng Việt; bản dịch, bản sao phải được công chứng theo quy định của pháp luật Việt Nam.
b) Bản sao các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp hay xác nhận đối với hồ sơ chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định tại Nghị định số 92/2007/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này phải được công chứng theo quy định của pháp luật Việt Nam.
4. Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện theo mẫu quy định tại Phụ lục số 7.
b) Trường hợp doanh nghiệp du lịch nước ngoài đề nghị gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam, gửi đơn đề nghị theo quy định tại Phụ lục số 8.
c) Tài liệu khác có giá trị pháp lý tương đương theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Nghị định số 92/2007/NĐ-CP bao gồm: văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc tài chính trong năm tài chính gần nhất do cơ quan có thẩm quyền nơi doanh nghiệp du lịch nước ngoài thành lập cấp hoặc các văn bản khác được tổ chức độc lập, có thẩm quyền xác nhận sự tồn tại và hoạt động của doanh nghiệp du lịch nước ngoài trong năm tài chính gần nhất.
5. Mẫu và số giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện
a) Mẫu giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định tại Phụ lục số 9a và 9b.
b) Số giấy phép thành lập chi nhánh gồm chữ CN và mã số thứ tự của chi nhánh có bốn ký tự, từ 0001 đến 9999;
c) Số giấy phép thành lập văn phòng đại diện gồm chữ VP, mã số tỉnh và mã số thứ tự của văn phòng đại diện. Các nhóm số được viết cách nhau bằng dấu gạch ngang, trong đó:
- Mã số tỉnh gồm hai ký tự theo quy định của Tổng cục Thống kê tại Phụ lục số 10;
- Số thứ tự của văn phòng đại diện gồm bốn ký tự, từ 0001 đến 9999;
d) Số giấy phép ghi trên giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện không thay đổi khi cấp lại, sửa đổi, bổ sung và gia hạn giấy phép.
6. Cấp giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện
a) Giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện được cơ quan cấp giấy phép gửi cho người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đại diện được uỷ quyền hợp pháp của doanh nghiệp du lịch nước ngoài.
b) Cơ quan cấp giấy phép thu lệ phí cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép trước khi cấp giấy phép cho doanh nghiệp du lịch theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
7. Các trường hợp không cấp giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện
Cơ quan cấp giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện không cấp giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện cho doanh nghiệp du lịch nước ngoài trong các trường hợp sau:
a) Doanh nghiệp du lịch nước ngoài không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 21 Nghị định số 92/2007/NĐ-CP.
b) Nộp hồ sơ không hợp lệ và không bổ sung đủ hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.
c) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
8. Doanh nghiệp du lịch nước ngoài bị thu hồi giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định số 92/2007/NĐ-CP được đề nghị cấp lại giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện sau hai năm kể từ ngày có quyết định thu hồi.
9. Mẫu thông báo thời điểm bắt đầu hoạt động, thay đổi trụ sở, thay đổi người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định tại Phụ lục số 11; mẫu báo cáo hoạt động định kỳ của chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại Phụ lục số 12, 13; mẫu thông báo chấm dứt (dự kiến chấm dứt) theo quy định tại Phụ lục số 14.
10. Nội dung hoạt động của chi nhánh
Chi nhánh được đại diện cho doanh nghiệp tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép thành lập và phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 92/2007/NĐ-CP.
11. Nội dung hoạt động của văn phòng đại diện
a) Thực hiện chức năng văn phòng liên lạc.
b) Xúc tiến xây dựng các dự án hợp tác của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam.
c) Nghiên cứu thị trường để thúc đẩy cơ hội mua bán, cung ứng và tiêu dùng các dịch vụ du lịch của doanh nghiệp mà mình đại diện.
d) Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các hợp đồng đã ký kết với các đối tác Việt Nam hoặc liên quan đến thị trường Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài mà mình đại diện.
đ) Các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
III. HƯỚNG DẪN DU LỊCH
1. Điều kiện về trình độ nghiệp vụ của hướng dẫn viên du lịch
a) Đối với hướng dẫn viên du lịch nội địa quy định tại các điểm b và c khoản 3 Điều 32 Nghị định số 92/2007/NĐ-CP được cụ thể như sau:
- Người có bằng tốt nghiệp đại học ngành du lịch trở lên nhưng không thuộc chuyên ngành hướng dẫn du lịch phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch khóa một tháng do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp;
- Người có bằng tốt nghiệp trung học, cao đẳng ngành du lịch không phải chuyên ngành hướng dẫn du lịch hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc khối kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch khóa hai tháng do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp;
- Người có bằng tốt nghiệp trung học, cao đẳng chuyên ngành khác hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc khối khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật công nghệ phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch khóa ba tháng do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp.
b) Đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế quy định tại điểm c khoản 2 Điều 33 Nghị định số 92/2007/NĐ-CP được cụ thể như sau:
- Người có bằng tốt nghiệp đại học ngành du lịch trở lên nhưng không thuộc chuyên ngành hướng dẫn du lịch phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch khóa một tháng do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp;
- Người có bằng đại học trở lên thuộc khối kinh tế, khoa học xã hội phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch khóa hai tháng do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp;
- Người có bằng đại học trở lên thuộc khối khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật công nghệ phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch khóa ba tháng do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp.
c) Những người có kinh nghiệm và kiến thức về hướng dẫn du lịch nhưng không có điều kiện tham dự các khoá bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn du lịch quy định tại điểm a và b khoản này sau khi tham dự kỳ kiểm tra và đạt yêu cầu về nghiệp vụ hướng dẫn du lịch do cơ sở đào tạo có thẩm quyền tổ chức sẽ được cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch.
d) Chương trình đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn du lịch
Chương trình đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn du lịch chi tiết được xây dựng trên cơ sở chương trình khung đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn du lịch do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành, phù hợp với thời gian và đối tượng đào tạo đã quy định.
đ) Tổ chức đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn du lịch
- Các cơ sở đào tạo có đào tạo chuyên ngành lữ hành, hướng dẫn du lịch đăng ký với Tổng cục Du lịch tổ chức các khoá đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, tổ chức các kỳ kiểm tra và cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch. Hồ sơ đăng ký gồm: bản sao giấy phép được đào tạo do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật; chương trình đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn du lịch chi tiết; danh sách giảng viên tham gia giảng dạy nghiệp vụ hướng dẫn du lịch; công văn đăng ký đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn du lịch;
- Tổng cục Du lịch kiểm tra quá trình đào tạo, cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch của các cơ sở đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn du lịch;
- Sau mỗi khoá đào tạo, kỳ kiểm tra và cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, các cơ sở đào tạo có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch về Tổng cục Du lịch.
e) Chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch có giá trị hai năm kể từ ngày cấp.
2. Điều kiện về trình độ ngoại ngữ đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế
a) Chứng nhận đạt trình độ ngoại ngữ quy định tại điểm c khoản 3 Điều 33 Nghị định số 92/2007/NĐ-CP bao gồm các loại sau:
- Chứng chỉ tiếng Anh TOEFL 500 điểm hoặc IELT 5.5 điểm hoặc TOEIC 650 điểm trở lên, hoặc chứng chỉ tương đương đối với các ngoại ngữ khác;
- Chứng nhận đã qua kỳ kiểm tra trình độ ngoại ngữ do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp.
b) Tổ chức kiểm tra và cấp chứng nhận trình độ ngoại ngữ
- Các cơ sở đào tạo ngoại ngữ bậc đại học đăng ký với Tổng cục Du lịch tổ chức các kỳ kiểm tra, cấp chứng nhận đạt trình độ ngoại ngữ của hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Hồ sơ đăng ký gồm: bản sao giấy phép được đào tạo do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật, bộ đề kiểm tra đáp ứng quy định về trình độ ngoại ngữ đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành, công văn đăng ký tổ chức kiểm tra trình độ ngoại ngữ đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế;
- Các cơ sở đào tạo ngoại ngữ đủ điều kiện tổ chức các kỳ kiểm tra và cấp chứng nhận đạt trình độ ngoại ngữ của hướng dẫn viên du lịch quốc tế có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả các kỳ kiểm tra và cấp chứng nhận đạt trình độ ngoại ngữ của hướng dẫn viên du lịch quốc tế về Tổng cục Du lịch trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày quyết định cấp giấy chứng nhận.
3. Đối với hướng dẫn viên của một số thị trường có tính đặc thù, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có hướng dẫn riêng.
4. Bồi dưỡng kiến thức định kỳ cho hướng dẫn viên du lịch
a) Tổng cục Du lịch xây dựng chương trình, nội dung bồi dưỡng kiến thức định kỳ cho hướng dẫn viên để cập nhật thông tin về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của đất nước và địa phương; các sản phẩm du lịch mới.
b) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ sở đào tạo quy định tại điểm đ, khoản 1, mục III Thông tư này tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức định kỳ và cấp giấy chứng nhận cho hướng dẫn viên.
c) Giấy chứng nhận đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức định kỳ có giá trị một năm kể từ ngày cấp.
d) Kinh phí tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức định kỳ do học viên đóng góp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
5. Cấp, đổi, cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch
a) Mẫu đơn đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch theo quy định tại Phụ lục số 15.
b) Khi nhận được hồ sơ hợp lệ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thẩm định hồ sơ, nhập dữ liệu về hướng dẫn viên vào hệ thống theo hướng dẫn tại trang web quản lý hướng dẫn viên của Tổng cục Du lịch.
- Trường hợp đủ điều kiện cấp, đổi, cấp lại thẻ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch ra quyết định cấp, đổi, cấp lại và gửi báo cáo qua mạng về Tổng cục Du lịch.
- Trường hợp không đủ điều kiện cấp, đổi, cấp lại thẻ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người đề nghị cấp thẻ biết.
c) Việc thu, nộp lệ phí cấp, đổi, cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
d) Mỗi hướng dẫn viên được cấp một mã số thẻ. Mã số thẻ hướng dẫn viên có chín số bao gồm số hiệu hướng dẫn viên quốc tế (1) hoặc hướng dẫn viên nội địa (2), hai số tiếp theo là mã tỉnh, sáu số còn lại là thứ tự của thẻ hướng dẫn viên. Mã số thẻ do Tổng cục Du lịch quản lý và không thay đổi trong trường hợp đổi hoặc cấp lại thẻ.
đ) Mẫu thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế quy định tại phụ lục số 16; mẫu thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa quy định tại phụ lục số 17.
6. Thuyết minh viên
a) Thuyết minh viên phải đeo giấy chứng nhận thuyết minh viên trong khi làm nhiệm vụ.
b) Điều kiện cấp giấy chứng nhận thuyết minh viên:
- Có quốc tịch Việt Nam, thường trú ở địa phương hoặc làm việc tại khu du lịch, điểm du lịch;
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Có đủ sức khỏe khi hành nghề thuyết minh viên;
- Đã tham dự lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch;
- Có cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của khu, điểm du lịch và của ngành du lịch.
c) Bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch và cấp giấy chứng nhận thuyết minh viên
- Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với cơ quan quản lý khu du lịch, điểm du lịch tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, cấp giấy chứng nhận thuyết minh viên du lịch cho thuyết minh viên;
- Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm báo cáo Tổng cục Du lịch định kỳ sáu tháng một lần về tình hình cấp giấy chứng nhận thuyết minh viên du lịch.
IV. XÚC TIẾN DU LỊCH
1. Cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia
a) Cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia bao gồm thông tin, tư liệu về văn bản quy phạm pháp luật du lịch; danh mục tài nguyên du lịch, khu du lịch, điểm du lịch; danh sách và địa chỉ doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú du lịch; danh sách, thời gian, địa điểm tổ chức các sự kiện du lịch, lễ hội; danh mục dự án kêu gọi đầu tư du lịch; hệ thống trường đào tạo du lịch; kết quả nghiên cứu thị trường, số liệu thống kê du lịch và thông tin, tư liệu liên quan khác.
b) Tổng cục Du lịch tổ chức xây dựng, cập nhật, quản lý, quy định phần cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia được khai thác, sử dụng miễn phí và phần cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia được khai thác, sử dụng có điều kiện.
c) Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch địa phương; định kỳ sáu tháng một lần cập nhật, cung cấp dữ liệu du lịch địa phương cho Tổng cục Du lịch.
2. Chương trình xúc tiến du lịch
a) Chương trình xúc tiến du lịch bao gồm các hoạt động xúc tiến du lịch được xây dựng cho giai đoạn năm năm và hàng năm, phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch, nhằm tập trung tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, nâng cao nhận thức về du lịch, thúc đẩy du lịch phát triển, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
b) Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia do Tổng cục Du lịch chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
c) Chương trình xúc tiến du lịch địa phương do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
d) Tổng cục Du lịch chủ trì tổ chức lựa chọn những sự kiện du lịch địa phương, liên vùng tiêu biểu, phù hợp với kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch để đưa vào chương trình xúc tiến du lịch quốc gia.
3. Tổ chức thông tin du lịch tại các cửa khẩu quốc tế
a) Thông tin du lịch tại các cửa khẩu quốc tế được tổ chức dưới hình thức quầy thông tin, bảng thông tin điện tử, giá để ấn phẩm ở những địa điểm thuận lợi để cung cấp những thông tin cần thiết cho khách du lịch.
b) Tổng cục Du lịch phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan tổ chức hình thức thông tin du lịch phù hợp tại các cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường thủy và đường hàng không; hướng dẫn, cung cấp thông tin, ấn phẩm cần thiết để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia.
4. Sản phẩm tuyên truyền, quảng bá du lịch
a) Sản phẩm tuyên truyền, quảng bá du lịch bao gồm tranh, ảnh, biển quảng cáo, sách, tờ rơi, tập gấp, bản đồ, băng đĩa hình, ©m thanh, băng rôn, cờ phướn và đồ lưu niệm được sản xuất, phát hành nhằm tuyên truyền, quảng bá du lịch Việt Nam.
Nội dung sản phẩm tuyên truyền, quảng bá du lịch phải phù hợp với cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia đã được công bố và phù hợp với các quy định của pháp luật chuyên ngành về quảng cáo, xuất bản phẩm.
b) Sản phẩm tuyên truyền, quảng bá du lịch phải sử dụng tiêu đề, biểu tượng chung do Tổng cục Du lịch quy định.
5. Năm Du lịch quốc gia
a) Năm Du lịch quốc gia là sự kiện du lịch - văn hoá tổng hợp, gồm các hoạt động du lịch được tổ chức tại nhiều địa phương trên toàn quốc, nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch mới, tài nguyên du lịch đã và đang khai thác để thu hút khách du lịch.
b) Tổng cục Du lịch chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh xây dựng đề án tổ chức Năm Du lịch quốc gia theo chủ đề, mục tiêu phù hợp với chiến lược phát triển du lịch.
c) Các sự kiện du lịch tại địa phương không nằm trong đề án Năm Du lịch quốc gia đã được phê duyệt thì không được sử dụng cụm từ "Năm Du lịch quốc gia".
6. Hội chợ, triển lãm du lịch
a) Đối tượng được tổ chức các hội chợ, triển lãm du lịch gồm doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh hội chợ, triển lãm; tổ chức xúc tiến thuộc các bộ, ngành, địa phương; hiệp hội ngành nghề.
b) Đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm du lịch
- Đơn vị tổ chức hội chợ, triển lãm du lịch tại Việt Nam đăng ký với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi dự kiến tổ chức hội chợ, triển lãm du lịch;
- Đơn vị tổ chức hội chợ, triển lãm du lịch Việt Nam tại nước ngoài đăng ký với Tổng cục Du lịch;
- Thời điểm đăng ký chậm nhất trước ngày 01 tháng 10 của năm trước năm tổ chức và tối thiểu sáu tháng trước khi diễn ra sự kiện.
c) Hồ sơ đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm du lịch gồm:
- Đơn đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm du lịch quy định tại Phụ lục số 18;
- Kế hoạch tổ chức, trong đó thể hiện rõ tên, chủ đề, thời gian, địa điểm, quy mô dự kiến, cách thức tổ chức, nguồn kinh phí;
- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp;
- Tài liệu chứng minh năng lực, kinh nghiệm tổ chức hội chợ, triển lãm;
d) Trong thời gian mười lăm ngày kể từ khi nhận hồ sơ đăng ký, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản trả lời, trường hợp không đồng ý phải nêu rõ lý do.
đ) Đơn vị tổ chức hội chợ, triển lãm liên ngành có nội dung du lịch được quyền đăng ký với cơ quan quy định tại điểm b khoản này hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lời bằng văn bản, sau khi có ý kiến của cơ quan quản lý liên quan có thẩm quyền.
e) Trong trường hợp thay đổi nội dung đã đăng ký, đơn vị tổ chức hội chợ, triển lãm du lịch phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan tiếp nhận đăng ký tối thiểu ba mươi ngày trước ngày dự kiến diễn ra sự kiện.
g) Trách nhiệm của đơn vị tổ chức hội chợ, triển lãm du lịch:
- Lựa chọn địa điểm phù hợp với tính chất và quy mô của hội chợ, triển lãm du lịch;
- Bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn xã hội, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, các điều kiện phòng, chống cháy, nổ;
- Ban hành quy định, hướng dẫn các đối tượng tham gia về trưng bày, giới thiệu sản phẩm, ấn phẩm, vật phẩm phù hợp với chủ đề, tên gọi của hội chợ, triển lãm du lịch.
7. Chương trình khảo sát điểm đến
a) Chương trình khảo sát điểm đến được tổ chức cho các cơ quan thông tấn báo chí, hãng lữ hành, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhằm mục đích tuyên truyền, quảng bá và tìm kiếm cơ hội thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam.
b) Tổng cục Du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trực tiếp tổ chức hoặc chỉ định đơn vị tổ chức chương trình khảo sát điểm đến; lựa chọn đối tượng tham gia chương trình khảo sát điểm đến phù hợp với kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; theo dõi kết quả phản hồi sau chuyến khảo sát.
c) Trách nhiệm của đơn vị tổ chức chương trình khảo sát điểm đến:
- Xây dựng chương trình khảo sát phù hợp với mục tiêu, chiến lược, kế hoạch, chương trình xúc tiến du lịch;
- Triển khai các nội dung chương trình khảo sát theo quy định của pháp luật hiện hành;
- Gửi báo cáo kết quả chuyến khảo sát tới cơ quan chỉ định thực hiện chậm nhất mười ngày sau khi kết thúc chương trình khảo sát.
d) Các doanh nghiệp du lịch, các địa phương liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn khảo sát.
đ) Chi phí đón đoàn khảo sát nước ngoài được quy định tại Thông tư số 57/2007/TT-BTC ngày 11 tháng 6 năm 2007 của Bộ Tài chính theo định mức khách hạng C.
8. Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch trong trường hợp đặc biệt
a) Trường hợp đặc biệt gồm:
- Những cơ hội: sự kiện quốc tế, quốc gia trọng đại sẽ được tổ chức ở Việt Nam; chuyến thăm của nhân vật nổi tiếng thế giới;
- Những thách thức: thiên tai, dịch bệnh nghiêm trọng; khủng bố và đe dọa khủng bố.
b) Tổng cục Du lịch đề xuất với Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tuyên truyền, quảng bá du lịch khi xuất hiện cơ hội, thách thức đặc biệt nhằm tranh thủ tối đa cơ hội thuận lợi, hoặc giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với du lịch Việt Nam.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
2. Quy định chuyển tiếp
a) Đối với doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh lữ hành nội địa, có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam từ trước ngày Thông tư này có hiệu lực vẫn được hoạt động nhưng phải bổ sung các điều kiện về kinh doanh, thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện và làm thủ tục đổi lại giấy phép trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
b) Đối với người có thẻ hướng dẫn viên chính thức từ trước ngày Thông tư này có hiệu lực vẫn được hoạt động nhưng phải làm thủ tục đổi lại thẻ hướng dẫn viên trong thời hạn mười hai tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
c) Người có thẻ hướng dẫn viên tạm thời từ trước ngày Thông tư này có hiệu lực phải làm thủ tục cấp mới thẻ hướng dẫn viên trong thời hạn ba tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
d) Sau ba tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, các cơ sở đào tạo trước đây được Tổng cục Du lịch uỷ quyền bồi dưỡng và cấp chứng chỉ ngoại ngữ du lịch dừng tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ ngoại ngữ du lịch; các chứng chỉ ngoại ngữ du lịch do các cơ sở đó cấp còn thời hạn (trong mười hai tháng) vẫn được sử dụng để cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế.
3. Tổng cục Du lịch hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để nghiên cứu hướng dẫn, sửa đổi./.