Văn bản pháp luật: Thông tư 89/2010/TT-BQP

Phùng Quang Thanh
Toàn quốc
Công báo số 430+431
Thông tư 89/2010/TT-BQP
Thông tư
16/08/2010
02/07/2010

Tóm tắt nội dung

Quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, thời hạn, trình tự và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với cán bộ, chiến sĩ và tổ chức dân quân tự vệ

Bộ trưởng - Đại tướng
2.010
Bộ Quốc phòng

Toàn văn

THÔNG TƯ

Quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, thời hạn, trình tự và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với cán bộ, chiến sĩ và tổ chức dân quân tự vệ

____________________________________

BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG

Căn cứ Luật dân quân tự vệ ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật dân quân tự vệ;

Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Theo đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng,

THÔNG TƯ:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định việc xử lý vi phạm, áp dụng các hình thức kỷ luật, thời hạn, trình tự và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với cán bộ chỉ huy các đơn vị, chiến sĩ và tổ chức dân quân tự vệ có vi phạm khi làm nhiệm vụ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau đây:

1. Cán bộ, chiến sĩ, các tổ chức, đơn vị dân quân tự vệ.

2. Thôn đội trưởng, Ấp đội trưởng, Bản đội trưởng, Buôn đội trưởng, Phum đội trưởng, Sóc đội trưởng, Khóm đội trưởng, Tổ đội trưởng (sau đây gọi chung là Thôn đội trưởng), Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó, Chính trị viên, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ban chỉ huy quân sự cấp xã), Ban chỉ huy quân sự cơ quan của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở).

3. Các đơn vị dân quân tự vệ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở.    

4. Dân quân tự vệ rộng rãi được huy động làm nhiệm vụ theo mệnh lệnh của cấp có thẩm quyền.

Điều 3. Nguyên tắc xử lý vi phạm kỷ luật

1. Việc xử lý vi phạm kỷ luật đối với cán bộ chỉ huy các đơn vị dân quân tự vệ, chiến sĩ và đơn vị dân quân tự vệ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và người chỉ huy trực tiếp của đơn vị dân quân tự vệ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh), Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ban chỉ huy quân sự cấp huyện).

2. Đảm bảo đúng quy trình, khách quan, công bằng, nghiêm minh, đúng thời hiệu quy định, đúng thẩm quyền quyết định kỷ luật.

3. Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật, nếu có hành vi tái phạm thì sẽ bị xử lý hình thức kỷ luật cao hơn một mức.

4. Bảo đảm tính giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng dân quân tự vệ.

Điều 4. Các hành vi bị cấm

1. Người chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đề ra các hình thức kỷ luật khác hoặc sai thẩm quyền quyết định với những hình thức đã quy định trong Thông tư này đối với cán bộ chỉ huy đơn vị, chiến sĩ, tổ chức dân quân tự vệ vi phạm kỷ luật đơn vị.

2. Vi phạm nhân cách, thân thể, danh dự của cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ; trong quá trình xem xét kỷ luật, cấm áp dụng biện pháp phạt tiền thay cho các hình thức kỷ luật.

Điều 5. Trường hợp xử lý kỷ luật

1. Đối với cán bộ chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ, chiến sĩ dân quân tự vệ:

a) Chống mệnh lệnh của người chỉ huy;

b) Có hành vi chống đối, cản trở, lôi kéo, ngăn cản việc tổ chức, xây dựng, củng cố lực lượng, huấn luyện, hoạt động của dân quân tự vệ hoặc vi phạm pháp luật của nhà nước;

c) Không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, gây hậu quả làm ảnh hưởng xấu đến đơn vị dân quân tự vệ;

d) Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ đang điều trị tại các cơ sở y tế mà vi phạm kỷ luật thì cơ sở y tế phải thông báo về đơn vị của cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ; việc xử lý kỷ luật do đơn vị quản lý cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ thực hiện.

2. Một số trường hợp khác

a) Học viên đào tạo cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã tại các nhà trường quân đội vi phạm kỷ luật thì do nhà trường xử lý theo kỷ luật quân đội và thông báo về địa phương.

b) Cán bộ chính quyền các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hành vi chống đối, cản trở việc tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động của dân quân tự vệ, vi phạm các quy định khác về dân quân tự vệ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, xử lý theo Nghị định của Chính phủ về việc xử lý vi phạm kỷ luật cán bộ, công chức.

3. Đối với tổ chức dân quân tự vệ:

a) Đơn vị dân quân tự vệ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở không hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện và hoạt động của dân quân tự vệ;

b) Có trên 50% quân số của đơn vị dân quân tự vệ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở vi phạm quy định của Luật dân quân tự vệ hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Đơn vị dân quân tự vệ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở không thực hiện mệnh lệnh của người chỉ huy cấp có thẩm quyền.

Điều 6. Trường hợp chưa xem xét kỷ luật

1. Đang bị ốm đau hoặc đang điều trị tại các cơ sở y tế.

2. Đang bị tạm giam, tạm giữ chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm pháp luật.

3. Trong thời gian nghỉ thai sản.

Điều 7. Quyền khiếu nại và xét kỷ luật oan sai

1. Cán bộ, chiến sĩ, tổ chức, đơn vị dân quân tự vệ bị kỷ luật phải chấp hành quyết định kỷ luật, nếu chưa đồng ý với quyết định kỷ luật thì có quyền khiếu nại lên cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

2. Trong khi chờ giải quyết khiếu nại, mọi cán bộ, chiến sĩ, tổ chức, đơn vị dân quân tự vệ phải chấp hành nghiêm các quyết định, mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên về công tác dân quân tự vệ và các mặt công tác khác.

3. Các tổ chức, đơn vị khi nhận được khiếu nại của cán bộ, chiến sĩ, tổ chức, đơn vị dân quân tự vệ phải có trách nhiệm xem xét, trả lời đương sự theo đúng thẩm quyền và đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.

4. Cán bộ, chiến sĩ, tổ chức, đơn vị dân quân tự vệ bị xử lý kỷ luật, sau khi thẩm tra đã có đủ bằng chứng để kết luận oan sai. Cấp có thẩm quyền phải nhanh chóng minh oan và phục hồi mọi quyền lợi chính đáng cho cán bộ, chiến sĩ, tổ chức, đơn vị dân quân tự vệ; đồng thời làm rõ nguyên nhân việc xử lý kỷ luật không đúng. Trường hợp tổ chức, cá nhân vì thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ xấu (trù dập, trả thù) mà cố tình xử lý kỷ luật oan sai đối với cán bộ, chiến sĩ, tổ chức, đơn vị dân quân tự vệ thì bị thi hành kỷ luật thích đáng đối với tổ chức, cá nhân đó.

Điều 8. Trách nhiệm của người chỉ huy

1. Quản lý chặt chẽ lực lượng dân quân tự vệ thuộc quyền; tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ hiểu rõ nhiệm vụ, nâng cao trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất đạo đức, không vi phạm kỷ luật khi làm nhiệm vụ.

2. Cán bộ, chiến sĩ, tổ chức, đơn vị dân quân tự vệ có hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật của nhà nước đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ theo quyền hạn được phân cấp, lập hồ sơ báo cáo Ban chỉ huy quân sự cấp trên trực tiếp để xem xét xử lý.

3. Cán bộ, chiến sĩ, tổ chức, đơn vị dân quân tự vệ khi vi phạm kỷ luật, pháp luật của nhà nước chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì khi về đơn vị, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để xử phạt theo một trong các hình thức kỷ luật được quy định tại Điều 10 của Thông tư này.

Điều 9. Trách nhiệm bồi thường

Cán bộ, chiến sĩ, tổ chức, đơn vị dân quân tự vệ vi phạm kỷ luật bị xử phạt; nếu gây thiệt hại vật chất thì căn cứ vào tính chất, mức độ, tác hại, hậu quả của hành vi vi phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Chương II

CÁC HÌNH THỨC KỶ LUẬT, THỜI HẠN, TRÌNH TỰ VÀ THẨM QUYỀN KỶ LUẬT ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CHIẾN SỸ VÀ TỔ CHỨC DÂN QUÂN TỰ VỆ

Điều 10. Các hình thức kỷ luật

1. Đối với cán bộ chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Giáng chức;

d) Cách chức.

2. Đối với chiến sĩ dân quân tự vệ

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Tước danh hiệu dân quân tự vệ nòng cốt.

3. Đối với đơn vị, tổ chức dân quân tự vệ

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Đình chỉ hoạt động.

Điều 11. Thời hạn xét xóa kỷ luật

1. Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ bị kỷ luật trừ trường hợp chiến sĩ bị tước danh hiệu dân quân tự vệ nòng cốt, nếu quá 6 tháng đối với hình thức khiển trách, nếu quá 12 tháng đối với hình thức cảnh cáo trở lên kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực mà không vi phạm kỷ luật, thì cấp có thẩm quyền kỷ luật ra quyết định xóa kỷ luật.

2. Tổ chức, đơn vị dân quân tự vệ bị kỷ luật, nếu quá 6 tháng đối với hình thức khiển trách, nếu quá 12 tháng đối với hình thức cảnh cáo trở lên kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực mà không vi phạm kỷ luật, thì cấp có thẩm quyền kỷ luật ra quyết định xóa kỷ luật; đối với hình thức bị đình chỉ hoạt động nếu hết thời hạn đình chỉ hoạt động thì cấp có thẩm quyền kỷ luật ra quyết định xóa kỷ luật.

3. Trong thời gian chấp hành hình thức kỷ luật mà tiếp tục vi phạm kỷ luật đến mức phải xử lý, thì thời gian xét xóa kỷ luật được tính từ ngày quyết định kỷ luật mới có hiệu lực.

4. Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ vi phạm kỷ luật bị xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên thì người chỉ huy và cơ quan quản lý cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ phải ghi vào hồ sơ của cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ cả khi đã được xóa kỷ luật.

Điều 12. Trình tự tiến hành xử lý kỷ luật

1. Cán bộ, chiến sĩ, tổ chức, đơn vị dân quân tự vệ có sai phạm phải viết bản tự kiểm điểm, kiểm điểm trước tập thể và tự nhận hình thức kỷ luật.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, chiến sĩ, tổ chức, đơn vị dân quân tự vệ từ cấp tiểu đội trở lên tổ chức sinh hoạt để cá nhân, tổ chức, đơn vị dân quân tự vệ vi phạm kỷ luật kiểm điểm trước tập thể cơ quan, tổ chức, đơn vị. Biên bản sinh hoạt, kiểm điểm kết luận rõ nội dung, tính chất, tác hại, hậu quả, nguyên nhân dẫn đến vi phạm, thái độ sau khi vi phạm và biểu quyết đề nghị hình thức kỷ luật.

3. Trước khi kết luận, cấp có thẩm quyền quyết định kỷ luật phải kiểm tra, xác minh, gặp và nghe cán bộ, chiến sĩ, tổ chức, đơn vị dân quân tự vệ có sai phạm trình bày ý kiến.

4. Báo cáo cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở thông qua.

5. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tổ chức sinh hoạt xét kỷ luật, cấp có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật bằng văn bản theo quy định tại Điều 10 của Thông tư này.

6. Tổ chức công bố quyết định kỷ luật, báo cáo lên cơ quan cấp trên và lưu trữ hồ sơ ở đơn vị.

Điều 13. Thẩm quyền kỷ luật đối với cán bộ chỉ huy đơn vị, chiến sĩ dân quân tự vệ

1. Tiểu đội trưởng, Khẩu đội trưởng, được quyền khiển trách chiến sĩ dân quân tự vệ.

2. Trung đội trưởng dân quân tự vệ, Thôn đội trưởng được quyền khiển trách đến Tiểu đội trưởng, Khẩu đội trưởng, cảnh cáo đến chiến sĩ dân quân tự vệ.

3. Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Đại đội trưởng, Hải đội trưởng dân quân tự vệ được quyền:

a) Khiển trách đến Trung đội trưởng, Thôn đội trưởng;

b) Cảnh cáo đến Tiểu đội trưởng, Khẩu đội trưởng.

4. Tiểu đoàn trưởng, Hải đoàn trưởng dân quân tự vệ được quyền:

a) Khiển trách đến Đại đội trưởng, Hải đội trưởng, Chính trị viên đại đội, Chính trị viên hải đội dân quân tự vệ;

b) Cảnh cáo đến Trung đội trưởng dân quân tự vệ.

5. Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở có đại đội, hải đội, tiểu đoàn, hải đoàn dân quân tự vệ được quyền:

a) Khiển trách đến Đại đội trưởng, Hải đội trưởng, Chính trị viên đại đội, Chính trị viên hải đội dân quân tự vệ; Tiểu đoàn trưởng, Hải đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn, Chính trị viên hải đoàn nơi cơ quan, tổ chức có biên chế tiểu đoàn, hải đoàn; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở;

b) Cảnh cáo đến Trung đội trưởng dân quân tự vệ.

6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được quyền: Cách chức đến Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp xã.

7. Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân được quyền:

a) Cảnh cáo đến Tiểu đoàn trưởng, Hải đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn, Chính trị viên hải đoàn dân quân tự vệ, Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở;

b) Giáng chức, cách chức đến Đại đội trưởng.

8. Tư lệnh Quân khu, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Quân chủng Hải quân được quyền giáng chức, cách chức đến Tiểu đoàn trưởng, Hải đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn, Chính trị viên hải đoàn dân quân tự vệ.

Điều 14. Thẩm quyền kỷ luật đối với tổ chức, đơn vị dân quân tự vệ

1. Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở được quyền:

a) Cảnh cáo đến trung đội dân quân tự vệ, Thôn đội;

b) Đình chỉ hoạt động đến tiểu đội, khẩu đội.

2. Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện được quyền:

a) Khiển trách đến Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan tổ chức ở cơ sở thuộc quyền;

b) Cảnh cáo đến đại đội dân quân tự vệ;

c) Đình chỉ hoạt động đến trung đội dân quân tự vệ, thôn đội.

3. Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh được quyền:

a) Cảnh cáo đến tiểu đoàn, hải đoàn dân quân tự vệ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan tổ chức ở cơ sở;

b) Đình chỉ hoạt động đến đại đội, hải đội dân quân tự vệ;

4. Tư lệnh Quân khu, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Quân chủng Hải quân được quyền đình chỉ hoạt động đến cấp tiểu đoàn, hải đoàn dân quân tự vệ.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Điều 16. Tổ chức thi hành

Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, các Tổng cục, Bộ Tư lệnh các quân khu, Bộ Tư lệnh  Thủ đô Hà Nội, Quân chủng Hải quân, các bộ, ngành trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp, Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương, cơ quan quân sự địa phương các cấp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=25461&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận