THÔNG TƯ
Hướng dẫn chế độ tài chính đối với Cục Tần số vô tuyến điện
_________________________
Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 56/CP ngày 02/10/1996 của Chính phủ về doanh nghiệp hoạt động công ích;
Căn cứ Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 15/01/2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu;
Theo đề nghị của Bộ Bưu chính viễn thông tại Công văn số 513/BBCVT-KHTC ngày 4 tháng 4 năm 2003 về việc "Hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với Cục Tần số Vô tuyến điện",
Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính đối với Cục Tần số Vô tuyến điện như sau:
A. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Đối tượng áp dụng: Do đặc thù về tổ chức và hoạt động nên Cục Tần số Vô tuyến điện (viết tắt Cục Tần số VTĐ) được áp dụng quy chế quản lý tài chính theo quy định tại Thông tư này.
2. Cục Tần số VTĐ chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng vốn, tài sản và các nguồn lực khác do Nhà nước giao để thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình. Được quyền tận dụng đất đai, vốn và tài sản Nhà nước để tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ khác nhưng không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ do nhà nước giao.
3. Cục Tần số VTĐ tổ chức hoạt động kinh doanh khác (nếu có) theo nguyên tắc phải hạch toán riêng, đảm bảo có lãi, không được lấy lãi của các hoạt động do nhà nước giao bù lỗ cho các hoạt động kinh doanh khác.
B. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
I. Quyền và trách nhiệm của Cục Tần số VTĐ trong việc quản lý và sử dụng vốn, tài sản:
1. Được Nhà nước cấp vốn ban đầu để đầu tư tài sản cố định và tài sản lưu động phù hợp với quy mô và nhiệm vụ được giao và có trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản và vốn có hiệu quả, thực hiện trích khấu hao tài sản cố định theo đúng quy định hiện hành.
2. Được vay vốn của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp, các cá nhân theo đúng quy định của pháp luật nhưng không được làm thay đổi hình thức sở hữu và chịu trách nhiệm trả nợ gốc và lãi theo đúng cam kết khi huy động vốn.
Cục trưởng Cục Tần số VTĐ chịu trách nhiệm về việc huy động, sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.
3. Được nhượng bán, thanh lý những tài sản không cần dùng, lạc hậu về kỹ thuật để thu hồi vốn.
Khi nhượng bán, thanh lý phải lập hội đồng đánh giá kỹ thuật, thẩm định giá trị tài sản và tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật. Chênh lệch giữa số tiền thu được do thanh lý, nhượng bán tài sản với giá trị còn lại trên sổ kế toán và chi phí nhượng bán, thanh lý (nếu có) được hạch toán như sau:
- Nếu số tiền thu được do thanh lý, nhượng bán tài sản lớn hơn giá trị còn lại trên sổ kế toán và chi phí nhượng bán, thanh lý (nếu có), phần chênh lệch lớn hơn được hạch toán vào Quỹ đầu tư phát triển để đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị.
- Nếu số tiền thu được do thanh lý, nhượng bán tài sản nhỏ hơn giá trị còn lại trên sổ kế toán và chi phí nhượng bán, thanh lý (nếu có), phần chênh lệch nhỏ hơn được hạch toán vào chi phí.
4. Đối với mọi tổn thất tài sản, phải lập biên bản xác định mức độ tổn thất, nguyên nhân và trách nhiệm. Việc xử lý tổn thất tài sản theo nguyên tắc sau:
- Nếu do nguyên nhân chủ quan của tập thể và cá nhân, người gây ra tổn thất phải chịu bồi thường theo qui định của pháp luật. Cục trưởng Cục Tần số VTĐ được quyết định mức bồi thường.
- Những tài sản đã mua bảo hiểm, được các tổ chức bảo hiểm bồi thường.
- Phần tổn thất còn lại (sau khi trừ đi khoản bồi thường của người gây ra và tiền bồi thường của tổ chức bảo hiểm) Cục Tần số VTĐ được hạch toán vào chi phí trong kỳ.
- Các trường hợp tổn thất tài sản vì lý do bất khả kháng (thiên tai, hoả hoạn
) Cục Tần số VTĐ lập phương án xử lý báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Bưu chính Viễn thông. Bộ Bưu chính Viễn thông có quyết định xử lý sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính bằng văn bản.
Sau khi xử lý tổn thất Cục Tần số VTĐ phải điều chỉnh lại sổ sách kế toán theo quyết định xử lý.
II. Kết quả tài chính và xử lý kết quả tài chính:
1. Phần Thu.
1.1. Các khoản thu bao gồm:
- Thu lệ phí cấp phép sử dụng máy phát.
- Thu phí sử dụng và bảo vệ tần số VTĐ.
- Các khoản thu khác (nếu có).
Mức thu các loại phí, lệ phí trên được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính.
Các khoản thu khác được thực hiện theo quy định đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích.
1.2. Nếu có những khoản thu khác liên quan đến tần số VTĐ, Cục Tần số VTĐ phải báo cáo Bộ Bưu chính Viễn thông và Bộ Tài chính để phối hợp quy định mức thu và phương pháp thu.
1.3. Cục Tần số VTĐ có trách nhiệm mở sổ kế toán theo dõi đầy đủ các nguồn thu phát sinh theo đúng chế độ nhà nước đã quy định. Trường hợp có sử dụng biên lai, hoá đơn đặc thù phải đăng ký với Bộ Tài chính (Tổng cục thuế).
2. Phần Chi.
Cục Tần số VTĐ được để lại 90% tổng số tiền phí, lệ phí tần số thực thu được để chi cho hoạt động của Cục, cụ thể như sau:
2.1. Nội dung chi:
- Chi phí khấu hao cơ bản tài sản cố định: được trích khấu hao theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính.
- Chi tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp, trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn theo đơn giá tiền lương do Bộ Bưu chính viễn thông duyệt theo quy định hiện hành của Nhà nước.
- Chi tiền ăn giữa ca cho người lao động: mức chi do Cục trưởng Cục Tần số VTĐ quyết định phù hợp điều kiện tài chính của Cục, nhưng không vượt quá mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định đối với công chức nhà nước.
- Chi in hồ sơ, giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.
- Chi phí vật liệu, nhiên liệu, năng lượng sử dụng trong quá trình kiểm tra, kiểm soát và xử lý can nhiễu.
- Chi sửa chữa thường xuyên và sửa chữa lớn tài sản, trang thiết bị.
- Chi mua công cụ dụng cụ.
- Chi phí dịch vụ mua ngoài như: điện, nước, thông tin liên lạc, sửa chữa tài sản thuê ngoài (sửa chữa thường xuyên tài sản cố định), kiểm toán, chi trả tiền sử dụng tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế và các dịch vụ thuê ngoài khác.
- Chi nghiên cứu đề tài khoa học.
- Mua bảo hiểm tài sản.
- Chi đoàn ra đoàn vào
- Chi trả lãi vay ngân hàng.
- Chi trả các đơn vị thu hộ (nếu có).
- Chi bằng tiền khác như: công tác phí, thuê tài sản cố định, thuê đất, trang phục bảo hộ lao động, đào tạo bồi dưỡng người lao động, chi tiếp tân khánh tiết, hội nghị, chi quản lý hành chính
2.2. Trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành của nhà nước và quy định tại Thông tư này, Cục Tần số VTĐ xây dựng tiêu chuẩn định mức và chế độ chi tiêu nội bộ để đảm bảo hoạt động thường xuyên phù hợp với đặc điểm của công tác kiểm tra, quản lý tần số và đảm bảo nguyên tắc sử dụng kinh phí tiết kiệm, có hiệu quả.
Đối với các khoản chi nghiệp vụ thường xuyên tuỳ theo từng nội dung, công việc nếu xét thấy cần thiết, có hiệu quả, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ được quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định mức chi cao hơn hoặc thấp hơn mức chi của nhà nước quy định trong phạm vi kinh phí được sử dụng.
3. Xử lý kết quả tài chính:
3.1. Nộp ngân sách Nhà nước 10% tổng số thực thu về phí, lệ phí tần số.
3.2. Trích lập quỹ:
- Sau khi có quyết toán năm được duyệt, phần chênh lệch thu phí, lệ phí tần số (đã trừ nộp ngân sách) lớn hơn chi được trích lập các quỹ theo tỷ lệ như sau:
+ Quỹ Đầu tư phát triển: mức trích tối thiểu 50%
+ Quỹ Khen thưởng, Phúc lợi: mức trích hai quỹ bằng 3 tháng lương thực hiện nếu số nộp ngân sách năm báo cáo cao hơn năm trước, bằng 2 tháng lương thực hiện nếu số nộp ngân sách năm báo cáo bằng hoặc thấp hơn năm trước. Tỷ lệ trích vào mỗi quỹ do Cục trưởng Cục Tần số VTĐ quyết định sau khi tham khảo ý kiến của công đoàn.
Trường hợp sau khi trích quỹ đầu tư phát triển bằng 50% số chênh lệch thu lớn hơn chi, trích quỹ khen thưởng, phúc lợi bằng 3 tháng (hoặc 2 tháng) lương thực hiện nếu còn dư được chuyển toàn bộ vào quỹ đầu tư phát triển.
Trường hợp sau khi trích quỹ đầu tư phát triển bằng 50% số chênh lệch thu lớn hơn chi, số còn lại không đủ trích quỹ khen thưởng, phúc lợi bằng 3 tháng (hoặc 2 tháng) lương thực hiện thì số trích vào quỹ đầu tư phát triển sẽ giảm tương ứng để đảm bảo trích đủ hai quỹ theo quy định.
- Thu nhập sau thuế từ hoạt động kinh doanh khác (nếu có) được cộng vào phần chênh lệch thu lớn hơn chi để trích lập các quỹ.
3.3. Thủ tục, thời điểm trích lập và mục đích sử dụng các quỹ của Cục Tần số VTĐ được áp dụng thực hiện như doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích.
4. Kế hoạch tài chính:
Hàng năm căn cứ vào nhiệm vụ được giao và các hướng dẫn của cơ quan tài chính, Cục Tần số VTĐ lập kế hoạch thu chi tài chính báo cáo Bộ Bưu chính Viễn thông và Bộ Tài chính. Bộ Bưu chính Viễn thông phê duyệt kế hoạch tài chính của Cục Tần số VTĐ sau khi có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính.
5. Kiểm tra kế toán, báo cáo tài chính và công khai tài chính:
5.1. Lập báo cáo tài chính:
Hàng quí, hàng năm Cục Tần số VTĐ có trách nhiệm lập báo cáo tài chính theo quy định hiện hành và gửi Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Tài chính.
Cục trưởng Cục Tần số VTĐ chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính trung thực của báo cáo.
5.2. Kiểm tra kế toán, báo cáo tài chính:
- Hàng quí, hàng năm Cục Tần số VTĐ chịu trách nhiệm kiểm tra kế toán, kiểm tra báo cáo tài chính của các đơn vị trực thuộc Cục.
- Bộ Bưu chính Viễn thông chủ trì phối hợp với cơ quan tài chính, cơ quan thuế tổ chức kiểm tra và phê duyệt báo cáo tài chính của Cục Tần số VTĐ.
- Cục Tài chính doanh nghiệp, Cục thuế có trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành các chế độ tài chính, kế toán, kỷ luật thu nộp ngân sách và tính chính xác, trung thực của báo cáo tài chính.
- Những vi phạm chế độ kế toán, chế độ thu chi tài chính, thu nộp ngân sách, chế độ trích lập và sử dụng các quỹ của Cục Tần số VTĐ sẽ bị xử phạt hành chính, xử phạt kinh tế theo quy định của pháp luật.
5.3. Công khai báo cáo tài chính:
Căn cứ vào báo cáo tài chính hàng năm đã được Bộ Bưu chính Viễn thông phê duyệt, Cục Tần số VTĐ thực hiện thông báo công khai trước hội nghị công nhân viên chức của Cục Tần số VTĐ.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với quy định tại thông tư này đều bãi bỏ.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần báo cáo kịp thời cho Bộ Tài chính, Bộ Bưu chính Viễn thông để có biện pháp giải quyết./.