Văn bản pháp luật: Thông tư 96/2009/TT-BTC

Phạm Sỹ Danh
Toàn quốc
Công báo số 281 & 282/2009;
Thông tư 96/2009/TT-BTC
Thông tư
04/07/2009
20/05/2009

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn chế độ tài chính đối với quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Thứ trưởng
2.009
Bộ Tài chính

Toàn văn

THÔNG TƯ

Hướng dẫn chế độ tài chính đối với quỹ bảo hiểm thất nghiệp

____________________

Căn cứ Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước,

Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính đối với quỹ bảo hiểm thất nghiệp như sau:

Điều 1. Phạm vi hướng dẫn và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn chế độ tài chính đối với quỹ bảo hiểm thất nghiệp về: nguồn kinh phí đóng bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm đóng của đơn vị sử dụng lao động; hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

2. Đối tượng áp dụng thông tư này là các đơn vị sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp (sau đây viết tắt là Nghị định số 127/2008/NĐ-CP), cơ quan chức năng có liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp.

Điều 2. Nguồn kinh phí đóng bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm đóng của đơn vị sử dụng lao động theo khoản 2 Điều 25 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP

1. Đối với đơn vị sử dụng lao động là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động thường xuyên:

a) Ngân sách nhà nước bảo đảm nguồn kinh phí đóng bảo hiểm thất nghiệp của đơn vị sử dụng lao động theo mức quy định và bố trí trong dự toán chi thường xuyên hằng năm của đơn vị theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.

Riêng năm 2009, đơn vị sử dụng lao động căn cứ danh sách người lao động thuộc đối tượng áp dụng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã đăng ký với cơ quan Bảo hiểm xã hội theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam lập dự toán kinh phí đóng bảo hiểm thất nghiệp gửi đơn vị dự toán cấp trên. Đơn vị dự toán cấp I tổng hợp và có văn bản gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định giao bổ sung dự toán từ nguồn cải cách tiền lương năm 2009 theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.

b) Khoản kinh phí đóng bảo hiểm thất nghiệp của đơn vị sử dụng lao động được hạch toán, quyết toán vào loại, khoản, mục và tiểu mục theo quy định của Mục lục Ngân sách nhà nước hiện hành.

2. Đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam:

Nguồn kinh phí đóng bảo hiểm thất nghiệp của đơn vị sử dụng lao động được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hằng năm theo quy định. Riêng năm 2009, Bảo hiểm xã hội Việt Nam căn cứ danh sách người lao động thuộc đối tượng áp dụng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp lập dự toán kinh phí đóng bảo hiểm thất nghiệp gửi Bộ Tài chính để xem xét trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung kinh phí chi quản lý bộ máy từ nguồn lãi tăng trưởng theo quy định.

3. Đối với đơn vị sử dụng lao động là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên; đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; doanh nghiệp; Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã; hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam:

a) Đơn vị sử dụng lao động tự bảo đảm nguồn kinh phí đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định.

b) Khoản kinh phí đóng bảo hiểm thất nghiệp của đơn vị sử dụng lao động được hạch toán vào chi phí dịch vụ, sản xuất, kinh doanh trong kỳ.

Điều 3. Hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo khoản 3 Điều 26 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP

1. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định tại khoản 3 Điều 25 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP thực hiện theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước như sau:

a) Ngân sách địa phương bảo đảm nguồn kinh phí hỗ trợ quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo mức bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này mà kinh phí hoạt động từ ngân sách địa phương.

b) Ngân sách trung ương bảo đảm nguồn kinh phí hỗ trợ quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo mức bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này mà kinh phí hoạt động từ ngân sách trung ương và các đơn vị sử dụng lao động quy định tại khoản 2 và 3 Điều 2 Thông tư này.

Riêng năm 2009, ngân sách trung ương bảo đảm toàn bộ nguồn kinh phí hỗ trợ quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định. Bộ Tài chính căn cứ báo cáo quyết toán thu bảo hiểm thất nghiệp năm 2009 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để chuyển một lần vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định.

2. Hằng năm, cùng thời gian quy định về lập dự toán ngân sách nhà nước, cơ quan tài chính các cấp chủ trì phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội cùng cấp lập dự toán mức ngân sách hỗ trợ quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo phân cấp tại khoản 1 Điều này trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định hiện hành về lập và phân bổ dự toán ngân sách nhà nước.

3. Phương thức chuyển kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp như sau:

a) Đối với Sở Tài chính:

- Vào quý III hằng năm, căn cứ dự toán ngân sách hỗ trợ quỹ bảo hiểm thất nghiệp được cấp có thẩm quyền giao, Sở Tài chính chuyển một lần từ ngân sách địa phương vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh quản lý theo hình thức lệnh chi tiền.

- Kết thúc năm tài chính, Sở Tài chính căn cứ báo cáo quyết toán thu bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh lập gửi đến thực hiện thẩm định để xác định cụ thể số kinh phí ngân sách địa phương hỗ trợ quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

- Trường hợp số kinh phí Sở Tài chính đã cấp lớn hơn mức hỗ trợ theo quy định thì được chuyển nguồn sang năm sau sử dụng và giảm trừ vào dự toán ngân sách hỗ trợ quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm sau. Trường hợp thiếu kinh phí thì Sở Tài chính báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt cấp bổ sung vào dự toán ngân sách hỗ trợ quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm sau.

b) Đối với Bộ Tài chính:

- Vào quý III hằng năm, căn cứ dự toán ngân sách hỗ trợ quỹ bảo hiểm thất nghiệp được cấp có thẩm quyền giao, Bộ Tài chính chuyển một lần từ ngân sách trung ương vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý theo hình thức lệnh chi tiền.

- Kết thúc năm tài chính, Bộ Tài chính căn cứ báo cáo quyết toán thu bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội Việt Nam lập gửi đến thực hiện thẩm định để xác định cụ thể số kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

- Trường hợp số kinh phí Bộ Tài chính đã cấp lớn hơn mức hỗ trợ theo quy định thì được chuyển nguồn sang năm sau sử dụng và giảm trừ vào dự toán ngân sách hỗ trợ quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm sau. Trường hợp thiếu kinh phí thì Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cấp bổ sung vào dự toán ngân sách hỗ trợ quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm sau.

Điều 4. Chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp

1. Chi trả trợ cấp thất nghiệp theo Điều 16 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP được thực hiện như sau:

Căn cứ quyết định của cơ quan lao động về chi trả trợ cấp thất nghiệp, cơ quan Bảo hiểm xã hội kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ theo dõi việc đóng, hưởng bảo hiểm thất nghiệp về đối tượng được hưởng trợ cấp, mức trợ cấp, thời gian trợ cấp và thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người được hưởng.

2. Chi hỗ trợ học nghề theo Điều 17 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP được thực hiện như sau:

a) Căn cứ quyết định của cơ quan lao động về hỗ trợ học nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện thanh toán chi phí hỗ trợ học nghề cho cơ sở dạy nghề, không chi trực tiếp cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

b) Mức chi hỗ trợ học nghề tối đa không quá 300.000 đồng/người/tháng.

c) Thời gian được hỗ trợ học nghề thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP.

3. Chi hỗ trợ tìm việc làm theo Điều 18 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP được thực hiện như sau:

a) Căn cứ quyết định của cơ quan lao động về chi trả trợ cấp thất nghiệp và hợp đồng về tư vấn, giới thiệu việc làm của cơ quan lao động và trung tâm giới thiệu việc làm, cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện thanh toán chi phí tư vấn, giới thiệu việc làm cho Trung tâm giới thiệu việc làm, không chi trực tiếp cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

b) Mức chi hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư liên tịch số 95/2007/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 07/8/2007 của Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về phí giới thiệu việc làm.

c) Thời gian được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP.

4. Chi đóng bảo hiểm y tế theo Điều 19 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP được thực hiện như sau:

a) Hằng tháng, cơ quan Bảo hiểm xã hội trích quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đóng bảo hiểm y tế cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

b) Mức đóng bảo hiểm y tế cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn Luật. Thời gian đóng bảo hiểm y tế là thời gian chi trả trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

Điều 5. Chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 29 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP

1. Chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp hằng năm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp được trích từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp và bằng mức chi phí quản lý của cơ quan hành chính nhà nước; được bố trí trong dự toán chi phí quản lý bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Hằng năm, cùng thời gian quy định về lập dự toán ngân sách nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ nhu cầu công việc lập dự toán chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định theo quy định. Căn cứ dự toán chi quản lý bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện chuyển kinh phí cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển cho các đơn vị thực hiện.

3. Việc quản lý và sử dụng kinh phí chi quản lý bảo hiểm thất nghiệp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

4. Việc quản lý và sử dụng kinh phí chi quản lý bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp để tổ chức tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định như sau:

a) Nội dung chi bao gồm:

- Chi thanh toán cho cá nhân: Tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp và các khoản thanh toán khác trả cho lao động thường xuyên theo hợp đồng;

- Chi thanh toán dịch vụ công cộng; vật tư văn phòng; thông tin, tuyên truyền, liên lạc; hội nghị; công tác phí; chi phí thuê mướn; sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên tài sản phục vụ công tác chuyên môn và các khoản chi hành chính khác;

- Chi hoạt động nghiệp vụ: Mua sắm vật tư, hàng hoá dùng cho chuyên môn, nghiệp vụ; in ấn biểu mẫu; bảo quản, lưu trữ hồ sơ, tài liệu, chứng từ; các khoản nghiệp vụ khác;

- Chi mua sắm, sửa chữa tài sản dùng cho công tác chuyên môn;

- Các khoản chi khác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Khi thực hiện các nội dung chi nêu trên, các đơn vị phải thực hiện các chế độ chi theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước. Số kinh phí chi quản lý bảo hiểm thất nghiệp được cấp cuối năm chưa sử dụng hết được chuyển sang năm sau sử dụng tiếp.

b) Cơ quan Lao động- Thương binh và Xã hội được cấp kinh phí quản lý từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp không phải quyết toán với ngân sách cơ quan, đơn vị mình nhưng phải mở sổ kế toán riêng để theo dõi. Kết thúc năm tài chính, đơn vị cấp dưới có trách nhiệm quyết toán với đơn vị cấp trên; đơn vị cấp trên chịu trách nhiệm kiểm tra, xét duyệt quyết toán, tổng hợp quyết toán gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thẩm định và tổng hợp quyết toán theo quy định hiện hành.

Điều 6. Quản lý quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 30 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP

1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định của pháp luật; được hạch toán riêng.

2. Bảo hiểm xã hội các cấp có trách nhiệm thực hiện quyết toán thu, chi quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định gửi Bảo hiểm xã hội cấp trên để kiểm tra, xét duyệt, gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam thẩm định và tổng hợp trình Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua, báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Báo cáo quyết toán thu, chi quỹ bảo hiểm thất nghiệp phải phản ánh đầy đủ từng khoản thu, chi theo quy định, cụ thể như sau:

a) Số liệu quyết toán thu quỹ bảo hiểm thất nghiệp phải phản ánh chi tiết từng khoản thu theo quy định: thu của người lao động và người sử dụng lao động, ngân sách nhà nước hỗ trợ, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, các nguồn thu hợp pháp khác.

b) Số liệu quyết toán chi quỹ bảo hiểm thất nghiệp phải phản ánh chi tiết từng khoản chi theo quy định: chi trả trợ cấp thất nghiệp, chi hỗ trợ học nghề, chi hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, chi bảo hiểm y tế, chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp.

3. Cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp ngoài việc thực hiện quyết toán thu, chi quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, còn phải lập riêng báo cáo quyết toán thu bảo hiểm thất nghiệp (phần thu của người lao động, người sử dụng lao động và ngân sách nhà nước hỗ trợ) như sau:

a) Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh có trách nhiệm quyết toán riêng các khoản thu bảo hiểm thất nghiệp, lập chi tiết theo từng quận, huyện của tỉnh gửi Sở Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam để làm căn cứ xác định số kinh phí ngân sách địa phương hỗ trợ quỹ bảo hiểm thất nghiệp (lập theo biểu 01 đính kèm).

b) Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm tổng hợp quyết toán riêng các khoản thu bảo hiểm thất nghiệp, lập chi tiết theo từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi Bộ Tài chính để làm căn cứ xác định số kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ quỹ bảo hiểm thất nghiệp (lập theo biểu 02 đính kèm).

4. Trường hợp quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong năm bội chi, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm đề xuất các biện pháp báo cáo Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét trước khi gửi Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành. Các quy định tại Thông tư này được áp dụng từ năm ngân sách 2009.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=12029&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận