- Hàng xuất khẩu, nhập khẩu, mượn đường Việt Nam;
- Hàng mẫu, vật phẩm quảng cáo xuất khẩu, nhập khẩu;
- Hàng tiếp tế, quà biếu xuất khẩu, nhập khẩu;
- Tài sản di chuyển, tài sản thừa kế xuất khẩu, nhập khẩu;
- Vật dụng, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ công tác và sinh hoạt của cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế có trụ sở thường trực tại Việt Nam và của cá nhân người nước ngoài làm việc tại những cơ quan này, các tổ chức và cá nhân người nước ngoài khác;
- Hàng xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch khác.
C. Trường hợp các đối tượng trên thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành, thì Bộ Thương nghiệp và Tổng cục Hải quan hội đủ điều kiện rồi mới cấp giấy phép cho hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Hải quan cửa khẩu chỉ căn cứ vào giấy phép của Bộ Thương nghiệp và Tổng cục Hải quan để tiến hành thủ tục hải quan, không trực tiếp yêu cầu chủ hàng nộp thêm giấy chứng nhận cho phép xuất khẩu, nhập khẩu của cơ quan chuyên quản. Riêng hàng nhập khẩu thuộc loại thực vật, động vật ngoài giấy phép của Bộ Thương nghiệp hoặc Tổng cục Hải quan, còn phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan chủ quản.
2. Điều 3 của Bản quy định về trình tự thủ tục Hải quan, gồm:
2.1. Thời điểm đối tượng kiểm tra hải quan chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan.
a. Đối tượng kiểm tra hải quan nhập khẩu:
Ngay khi phương tiện vận tải chuyên chở hàng hoá, hành lý nhập khẩu tới khu vực kiểm soát và địa bàn hoạt động hải quan, phải chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan.
Thời điểm được tính: từ sau khi người điều khiển phương tiện vận tải nộp hồ sơ hải quan cho cán bộ, nhân viên Hải quan thừa hành nhiệm vụ.
b. Đối tượng kiểm tra hải quan xuất khẩu:
Từ thời điểm Hải quan tiếp nhận, đăng ký tờ khai hải quan.
2.2. Nơi làm thủ tục hải quan, địa điểm kiểm tra hải quan:
- Nơi làm thủ tục hải quan và địa điểm kiểm tra hải quan là cửa khẩu. Đối tượng kiểm tra hải quan nhập khẩu làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập đầu tiên, khi xuất khẩu làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu xuất cuối cùng;
- Đối với hàng kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu chủ hàng có thể làm thủ tục hải quan tại bất kỳ Hải quan tỉnh, thành phố (dưới đây gọi tắt là Hải quan cấp tỉnh) hoặc cửa khẩu nào mà chủ hàng thấy thuận tiện;
- Cũng tuỳ theo vị trí và địa bàn của từng địa phương, thủ tục hải quan đối với hàng hoá kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu có thể tiến hành thủ tục tại Hải quan cấp tỉnh miễn là không gây trở ngại cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Riêng những cửa khẩu ở quá xa với Hải quan cấp tỉnh thủ tục hải quan phải được tiến hành tại cửa khẩu;
- Nếu có yêu cầu của chủ đối tượng kiểm tra hải quan và được cấp từ trưởng Hải quan cửa khẩu, trưởng phòng nghiệp vụ Hải quan cấp tỉnh trở lên chấp nhận, thì việc kiểm tra hải quan được tiến hành tại địa điểm khác ở nội địa.
2.3. Thời hạn làm thủ tục hải quan:
a. Đối với hàng hoá, hành lý nhập khẩu: Chậm nhất là 30 ngày kể từ khi hàng hoá, hành lý nhập khẩu về tới cửa khẩu; chủ hàng phải làm thủ tục hải quan.
b. Đối với hàng hoá xuất khẩu: Phải hoàn thành thủ tục hải quan chậm nhất trước 2 giờ, giờ phương tiện vận tải chuyên chở hàng hoá đó khởi hành.
c. Đối với hành lý mang theo người khi xuất cảnh: Phải làm thủ tục hải quan chậm nhất trước 1 giờ, giờ phương tiện vận tải chuyên chở hành lý khởi hành.
d. Đối với phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh:
Chậm nhất là 12 giờ sau khi phương tiện nhập cảnh và 2 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh khởi hành người điều khiển phương tiện vận tải phải nộp tờ khai hải quan và các tờ khai khác theo quy định cho Hải quan cửa khẩu.
2.4. Nghĩa vụ nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu:
- Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu căn cứ vào tờ khai hải quan và kết quả kiểm tra hải quan được xác nhận về tên hàng, ký mã hiệu, nhãn hiệu của hàng hoá, số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng và tình trạng hàng hoá, đồng thời căn cứ vào trị giá và thuế suất để tính ra số thuế phải nộp.
Số thuế phải nộp được ghi trên tờ khai hải quan và thông báo số thuế cho chủ hàng, riêng đối với hàng kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phải thông báo bằng giấy báo thuế, trong đó ghi rõ số thuế phải nộp, thời gian phải nộp. Chủ hàng có nghĩa vụ nộp đúng, nộp đủ thuế theo luật định và làm nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và nộp lệ phí hải quan (nếu có).
2.5. Xác nhận hoàn thành thủ tục hải quan:
Đối tượng kiểm tra hải quan được xác nhận hoàn thành thủ tục hải quan là:
a. Đối với hàng hoá kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu: đã làm xong thủ tục hải quan, trong đó đã nộp đủ thuế hoặc đã ký và xác nhận số thuế phải nộp, thời hạn nộp thuế.
b. Đối với hàng hoá phi mậu dịch xuất khẩu, nhập khẩu, đã làm xong thủ tục hải quan, trong đó đã nộp đủ thuế và lệ phí hải quan (nếu có).
Đối tượng kiểm tra hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan, Hải quan đóng dấu "đã làm thủ tục hải quan" lên trang đầu của tờ khai, đồng thời giao chủ đối tượng kiểm tra hải quan giữ một bản.
3. Điều 43 của Bản quy định về giám sát hải quan gồm:
3.a. Giám sát xếp dỡ hàng hoá, hành lý:
Tất cả hàng hoá, hành lý xuất khẩu, nhập khẩu khi xếp lên phương tiện vận tải để xuất khẩu và dỡ từ phương tiện vận tải xuống, đều chịu sự giám sát hải quan.
Cơ sở để Hải quan tiến hành giám sát hàng hoá, hành lý xếp dỡ là: Đối với hàng hoá, hành lý xuất khẩu là tờ khai hải quan có đóng dấu "Đã làm thủ tục hải quan".
- Đối với hàng nhập khẩu là bản "Lược khai hàng hoá" đã được hải quan đóng dấu tiếp nhận.
3.b. Giám sát kho bãi:
- Hàng hoá xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng chưa thực xuất; hàng hoá, hành lý nhập khẩu chưa hoàn thành thủ tục hải quan đều chịu sự giám sát hải quan.
Hải quan tiến hành giám sát bằng 2 phương thức:
- Niêm phong, cặp chì từng kiện hàng hoá, hành lý, hoặc niêm phong từng công-ten-nơ chứa hàng hoá, hành lý, hoặc niêm phong, cặp chì cửa kho (khi kho không hoạt động).
- Cử nhân viên hải quan giám sát trực tiếp tại kho khi kho hoạt động.
Tất cả hàng hoá, hành lý xuất khẩu, nhập khẩu khi xuất kho, nhập kho đều phải có phiếu xuất kho, nhập kho đều phải chịu sự kiểm tra hải quan và xác nhận của nhân viên hải quan giám sát kho.
3.c. Giám sát hàng hoá, hành lý xuất khẩu, nhập khẩu vận chuyển:
Hàng hoá, hành lý xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan, vận chuyển từ kho đến phương tiện vận tải tại cửa khẩu để xuất khẩu hoặc vận chuyển thẳng tới cửa khẩu để xuất khẩu, hàng hoá, hành lý nhập khẩu chưa hoàn thành thủ tục hải quan vận chuyển từ phương tiện vận tải về kho. Hải quan tiến hành giám sát hải quan bằng 2 phương thức:
- Niêm phong hoặc cặp chì từng kiện hàng hoá, hành lý, hoặc công-ten-nơ chứa hàng hoá, hành lý, hoặc niêm phong, cặp chì của phương tiện vận tải nếu là phương tiện vận tải chuyên dụng;
- Cử nhân viên hải quan áp tải.
Việc tiến hành phương thức áp tải nào cũng đều phải ghi nhận vào tờ khai hải quan (hoặc giấy vận chuyển) để thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát hải quan của đơn vị tiến hành thủ tục hải quan tiếp theo.
4. Đối với hàng hoá kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu:
Thủ tục hải quan đối với các loại hàng hoá kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu gồm:
a. Khai báo và nộp tờ khai hải quan:
- Phải khai trên tờ khai do Tổng cục Hải quan ấn hành.
- Phải viết hoặc đánh máy bằng một thứ mực, không được khai bằng mực đỏ.
- Không được tẩy xoá, viết đè lên nhau, viết hoặc đánh máy thêm vào giữa 2 dòng chữ. Nếu có sửa chữa, thêm bớt chữ vào tờ khai, phải có xác nhận của người khai và phải được nhân viên Hải quan đăng ký tờ khai ghi nhận.
- Mỗi tờ khai chỉ khai cho 1 giấy phép (1 giấy phép có thể khai trên nhiều tờ khai) khai bằng tiếng Việt thành 3 bản giống nhau (có thể ghi thêm bằng tiếng nước ngoài).
- Phải khai đầy đủ các cột mục của tờ khai (phần dành cho chủ hàng khai) phải khai rõ tên hàng, số hiệu của tên hàng theo đúng như quy định trên biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu; khai đúng đơn giá và trị giá thanh toán theo hợp đồng và được Bộ Thương nghiệp xác nhận trên giấy phép (nếu là hàng xuất khẩu bán theo giá CIF hoặc Cand F; hàng nhập khẩu mua theo giá FOB hoặc Cand F thì phải cung cấp cho Hải quan các chứng từ về I và F (bảo hiểm và vận tải).
- Người khai hàng phải là người chủ của lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu hoặc là người được uỷ nhiệm của chủ hàng hoá. Phải có tư cách pháp nhân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai của mình.
Tờ khai phải kèm theo:
+ Giấy phép của Bộ Thương nghiệp.
+ Bản khai chi tiết (đối với hàng đóng gói không đồng nhất).
+ Vận đơn (bản sao) đối với hàng nhập khẩu.
b. Tiếp nhận đăng ký tờ khai:
- Kiểm tra tờ khai và các hồ sơ hải quan.
- Trong trường hợp nghi vấn về: tên hàng, giá, xuất xứ của hàng hoá, hợp đồng, giấy phép, Hải quan có thể tạm ngừng làm thủ tục, đồng thời thông báo ngay cho Bộ Thương nghiệp (phòng cấp giấy phép) xác minh để làm rõ hồ sơ hải quan và báo cáo ngay Tổng cục Hải quan.
- Nếu tờ khai và hồ sơ hợp lệ thì tiếp nhận đăng ký:
+ Cho số và đóng dấu ngày tiếp nhận đăng ký.
+ Vào sổ đăng ký tờ khai theo quy định của Tổng cục Hải quan.
c. Kiểm tra hải quan:
- Hải quan cùng chủ hàng thoả thuận ấn định ngày giờ, địa điểm tiến hành kiểm tra hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
- Việc kiểm tra hải quan với tỷ lệ cao hay thấp: kiểm nguyên đai, nguyên kiện; kiểm đại diện; hoặc kiểm toàn bộ là căn cứ vào tính chất của từng loại hàng hoá mà Hải quan tiến hành. Song phải đạt được yêu cầu là: xác định được tên hàng, ký mã hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ của hàng hoá, khối lượng, trọng lượng, số lượng và tình trạng của hàng hoá. Đảm bảo hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với tờ khai và giấy phép, đảm bảo thu thuế chính xác.
- Kết quả kiểm tra hải quan phải được ghi nhận đầy đủ tình tiết vào tờ khai.
- Nhân viên kiểm tra hải quan phải ký tên vào tờ khai, và yêu cầu chủ hàng (hoặc người thay mặt chủ hàng) ký xác nhận.
d. Làm nghĩa vụ nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu:
Căn cứ vào tờ khai hải quan và kết quả kiểm tra do nhân viên hải quan xác nhận về tên hàng, số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng, đơn giá về trị giá của hàng hoá, đồng thời căn cứ vào ngày đăng ký tờ khai để áp dụng tỷ giá và thuế suất đúng như quy định của luật thuế. Số thuế xuất khẩu, nhập khẩu phải nộp được ghi trên tờ khai hải quan và ghi trên giấy báo thuế, ghi rõ số thuế phải nộp, thời gian phải nộp, yêu cầu chủ hàng ký nhận. Chủ hàng có nghĩa vụ nộp đúng, nộp đủ thuế theo luật định, làm nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và nộp lệ phí hải quan (nếu có). Khi thu thuế phải cấp biên lai thu và ký tên vào tờ khai.
- Trường hợp theo hợp đồng: Số lượng hàng hoá giao nhiều hơn số lượng ghi trên vận đơn (B/L) để bù cho sự hao hụt, đổ vỡ trong quá trình xếp dỡ hàng hoá, Hải quan căn cứ vào trị giá thanh toán để tính thuế.
e. Sau khi tiến hành thủ tục hải quan:
Hải quan đóng dấu "Đã làm thủ tục Hải quan" vào trang đầu của tờ khai, giao chủ hàng một bản. Hàng xuất được phép xuất ra nước ngoài, hàng nhập khẩu được phép lưu thông trong nội địa Việt Nam.
5. Đối với nguyên liệu, hàng hoá nhập khẩu để làm hàng gia công xuất khẩu:
Nguyên liệu, hàng hoá nhập khẩu để làm hàng gia công xuất khẩu phải được coi là "Hàng tạm nhập" và khi hàng xuất khẩu được coi là "Hàng tái xuất". Do đó phải chịu sự giám sát hải quan kể từ khi nguyên liệu, hàng hoá nhập khẩu cho tới khi hàng hoá tái xuất khẩu.
Hải quan cấp tỉnh có đơn vị làm hàng gia công xuất khẩu phải có biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan nhằm đảm bảo cân đối giữa nguyên liệu, hàng hoá nhập khẩu (tạm nhập) với hàng xuất khẩu (tái xuất).
Liên bộ Bộ Thương nghiệp - Tổng cục Hải quan sẽ quy định cụ thể chế độ kiểm tra, giám sát đối với hàng gia công xuất khẩu.
6. Đối với hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu của tổ chức đầu tư và chuyển giao công nghệ:
- Thủ tục hải quan tiến hành như đối với hàng hoá kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu và Điều 8 của Bản quy định.
Riêng về thuế nhập khẩu, theo Điều 78 của Nghị định số 28/HĐBT ngày 6-2-1991 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư... như sau:
Xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên hợp doanh được miễn thuế nhập khẩu trong những trường hợp sau đây:
a. Thiết bị, máy móc, phụ tùng, các phương tiện sản xuất kinh doanh (gồm cả phương tiện vận tải) và các vật tư góp vào vốn của xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc vào vốn để sản xuất kinh doanh.
b. Thiết bị, máy móc, phụ tùng và các vật tư được nhập khẩu bằng vốn là một phần của tổng vốn đầu tư của xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tiến hành đầu tư xây dựng cơ bản hình thành xí nghiệp.
c. Nguyên liệu, bộ phận rời, phụ tùng và các vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu.
Hàng hoá ghi ở các điều a, b, c của Điều 78 Nghị định số 28/HĐBT ghi trên đây nếu như bán tại thị trường Việt Nam thì phải khai báo với Hải quan và phải nộp thuế nhập khẩu... theo pháp luật Việt Nam.
7. Đối với hàng quá cảnh, mượn đường Việt Nam:
Hàng quá cảnh là hàng từ một nước qua Việt Nam (nước thứ 2) để tới nước thứ ba.
Hàng mượn đường là hàng từ một nước qua Việt Nam (nước thứ hai) để trở về nước đó.
a. Khai báo và nộp tờ khai hải quan:
Hàng quá cảnh, mượn đường Việt Nam phải khai trên tờ khai hải quan riêng do Tổng cục Hải quan ấn hành.
Trên tờ khai ngoài việc khai rõ: tên hàng, ký mã hiệu, số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của hàng hoá, chủ hàng còn phải khai rõ:
- Cửa khẩu nhập;
- Cửa khẩu xuất;
- Phương tiện chuyên chở;
- Đường vận chuyển;
- Thời gian di chuyển.
Nếu hàng hoá tạm lưu kho tại Việt Nam, để chờ vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, hoặc để tái chế (đối với hàng xuất khẩu quá cảnh) phải khai báo với Hải quan và chịu giám sát hải quan theo quy định tại điều 4 của Bản quy định.
Trường hợp đặc biệt hàng hoá phải tiêu thụ tại Việt Nam, phải được phép của Bộ Thương nghiệp và phải làm thủ tục hải quan như hàng hoá kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
Phải kèm theo tờ khai hàng:
- Đối với hàng quá cảnh:
+ Giấy phép của Bộ Thương nghiệp;
+ Bản khai chi tiết hàng;
+ Vận đơn (bản sao đối với hàng nhập khẩu);
- Đối với hàng mượn đường:
+ Giấy phép của Tổng cục Hải quan.
b. Kiểm tra, giám sát hải quan:
- Hải quan tiến hành kiểm nguyên đai, nguyên kiện, trừ trường hợp có nghi vấn và có lệnh của cấp từ trưởng Hải quan cửa khẩu trở lên, thì mới yêu cầu chủ hàng mở những kiện hàng nghi vấn để kiểm tra hải quan.
c. Trách nhiệm của Hải quan cửa khẩu nhập:
- Ghi nhận số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng hàng hoá. Ghi rõ tình trạng bao bì, ký mã hiệu của từng loại hàng hoá...;
- Tiến hành niêm phong, hoặc cặp chì từng kiện hàng hoá hoặc công-ten-nơ chứa hàng hoá, hoặc niêm phong của phương tiện vận tải nếu là phương tiện vận tải chuyên dụng và ghi rõ việc niêm phong vào tờ khai;
- Ghi thời gian vận chuyển, đường vận chuyển, cửa khẩu xuất khẩu;
- Giao chủ phương tiện vận tải hoặc chủ hàng hoá 1 tờ khai, 1 tờ khai cho vào phong bì để chuyển cho Hải quan cửa khẩu xuất (nếu không có nhân viên Hải quan áp tải);
- Trường hợp có nhân viên Hải quan áp tải (nói chung là cần tổ chức áp tải) thì giao tờ khai và hồ sơ hải quan cho nhân viên Hải quan giữ;
- Thu lệ phí hải quan theo quy định.
d. Trách nhiệm của Hải quan cửa khẩu xuất:
- Tiếp nhận tờ khai;
- Đối chiếu giữa tờ khai với hàng hoá thực tế. Nếu thấy phù hợp thì cho hàng xuất khẩu và ghi hàng thực xuất vào tờ khai trả lại chủ hàng hoặc người điều khiển phương tiện vận tải 1 bản, 1 bản gửi trả lại cửa khẩu nhập;
- Hàng quá cảnh uỷ thác cho tổ chức kinh tế Việt Nam thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu thì tổ chức được uỷ thác phải thực hiện thủ tục hải quan theo quy định của điều này.
8. Đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu để dự hội chợ triển lãm:
- Hàng xuất khẩu để dự hội chợ triển lãm coi là hàng tạm xuất.
- Hàng nhập khẩu để dự hội chợ triển lãi coi là hàng tạm nhập.
Chủ hàng phải làm thủ tục hải quan và hàng hoá phải chịu sự giám sát hải quan cho tới khi hàng tái nhập, tái xuất.
- Chủ hàng phải khai báo và làm tờ khai riêng cho từng loại: hàng tạm xuất, tạm nhập, hàng bán trong hội chợ, triển lãm; hàng bán sau hội, chợ triển lãm; hàng để làm quá biếu trong hội chợ, triển lãm và sau hội chợ, triển lãm.
- Hàng xuất khẩu, nhập khẩu để dự hội chợ, triển lãm nhưng không tái nhập, tái xuất tiến hành thủ tục hải quan như đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu.
- Hàng hoá để làm quà biếu trong hội chợ, triển lãm hoặc sau hội chợ, triển lãm tiến hành thủ tục hải quan đối với quà biếu xuất khẩu, nhập khẩu. Việc miễn, giảm thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với loại hàng quà biếu này do Bộ Tài chính quy định.
9. Đối với hàng mẫu, hàng quảng cáo xuất khẩu, nhập khẩu.
- Hàng mẫu, hàng quảng cáo không có giá trị thương mại được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
- Hàng mẫu có giá trị thương mại phải nộp thuế xuất khẩu, nhập khẩu như hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
- Mẫu hàng dùng để làm vật đối chứng theo hợp đồng, nếu đã tính vào giá thì tính theo giá phải thanh toán.
10. Đối với hàng hoá mua, bán, trao đổi với chủ phương tiện vận tải nước ngoài:
- Hàng hoá mua bán trao đổi với chủ phương tiện vận tải nước ngoài tại khu vực cảng biển, cảng hàng không dân dụng quốc tế là hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ, thủ tục hải quan tiến hành như hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và phải nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu mậu dịch.
- Hàng cung ứng cho tầu biển, thủ tục hải quan được tiến hành như sau:
+ Cơ quan cung ứng lập bản giao hàng cho tầu (kèm theo đơn yêu cầu của thuyền trưởng hoặc người thay mặt) nộp cho Hải quan cửa khẩu.
+ Khi giao hàng lên tầu phải qua sự kiểm tra và xác nhận của nhân viên hải quan.
11. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của các cửa hàng miễn thuế trong khu vực cảng biển, cảng hàng không dân dụng quốc tế:
- Hàng nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan như hàng tạm nhập và chịu sự giám sát hải quan cho tới khi tái xuất.
- Hàng nhập khẩu miễn thuế chỉ được bán cho khách xuất cảnh, không được lưu thông vào nội địa Việt Nam.
- Hàng xuất phải làm thủ tục hải quan và chịu sự giám sát hải quan cho tới khi thực xuất. Những hàng có thuế phải nộp thuế xuất khẩu mậu dịch.
12. Hàng hoá mua bán, trao đổi phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của cư dân biên giới:
Chỉ có cư dân thường trú tại các xã, phường, thị trấn được hoạch định là khu vực biên giới mới được đem hàng hoá, sản phẩm qua lại biên giới để trao đổi.
Ngoài sản phẩm do cư dân biên giới sản xuất còn được phép mang qua biên giới một số hàng hoá không thuộc danh mục hàng xuất xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch, theo quyết định của Bộ Thương nghiệp và Tổng cục Hải quan công bố từng thời gian.
Hàng hoá phải xuất, nhập qua cửa khẩu quốc gia, hoặc cửa khẩu phụ do UBND tỉnh quy định, phải làm thủ tục hải quan. Hàng hoá xuất, nhập quá tiêu chuẩn được miễn thuế, phải nộp thuế xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch. (Hải quan sẽ căn cứ vào Hiệp định biên giới do Nhà nước ta ký với nước láng giềng để thực hiện chế độ miễn thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của cư dân biên giới).
13. Đối với hàng viện trợ xuất khẩu, nhập khẩu:
Thủ tục hải quan tiến hành như hàng kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
Riêng về thuế: phải có quyết định miễn thuế của Bộ Tài chính mới được miễn thuế.
14. Đối với hàng tiếp tế và quà biếu xuất khẩu, nhập khẩu:
- Hàng hoá của người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi về nước thăm gia đình và hàng hoá của những người này gửi về nước để giúp đỡ người thân và ngược lại, được gọi là hàng tiếp tế hoặc quà biếu xuất khẩu, nhập khẩu.
- Cấm xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thuộc loại hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu phi mậu dịch.
- Hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu những hàng hoá thuộc loại hàng hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch.
- Chủ hàng phải làm tờ khai hải quan kèm theo sổ nhận hàng (nếu là người nhận hàng thường xuyên) hoặc giấy phép (nếu là người nhận hàng không thường xuyên).
- Để đảm bảo thu thuế được chính xác, hàng hoá là hàng tiếp tế quà biếu phải được kiểm tra hải quan đầy đủ và chu đáo.
Những hàng xuất khẩu, nhập khẩu có thuế, phải nộp thuế xuất khẩu,nhập khẩu phi mậu dịch.
- Hàng cấm xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu quá định lượng theo quy định của Bộ Thương nghiệp và Tổng cục Hải quan xử lý theo quy định của pháp luật.
15. Đối với hành lý, ngoại hối, tiền Việt Nam xuất khẩu, nhập khẩu:
- Đồ dùng cá nhân và vật dụng mang theo là hàng tạm nhập, khi hành khách xuất cảnh phải tái xuất, trừ những thứ được sử dụng trong thời gian lưu trú;
- Công dân Việt Nam xuất cảnh mang theo vật dụng là hàng tạm xuất, khi trở về phải mang về những thứ đó;
- Hàng hoá, vật dụng mang theo quá tiêu chuẩn hành lý theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng được coi là hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, phải làm thủ tục hải quan như đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và phải nộp thuế xuất nhập khẩu phi mậu dịch (nếu là hàng phải nộp thuế).
- Chủ hành lý phải khai hành lý xuất khẩu, nhập khẩu theo tờ khai do Tổng cục Hải quan ấn hành và nộp cho Hải quan cửa khẩu. Trong tờ khai phải khai đầy đủ những thứ phải khai (nếu có mang theo) mà tờ khai đã quy định, kể cả ngoại hối.
- Nhân viên hải quan có thể yêu cầu chủ hành lý xuất trình hàng hoá mang theo kể cả ngoại hối để Hải quan kiểm tra, đối chiếu.
- Sau khi kiểm tra, đối chiếu (hoặc không kiểm tra, đối chiếu) đều phải ghi vào tờ khai: "Hàng tạm nhập" ,"Hàng tạm xuất" xác nhận hoặc ghi nhận số lượng ngoại hối để thuận tiện cho việc làm thủ tục hải quan khi tái xuất hoặc tái nhập.
- Trong trường hợp phát hiện vi phạm về khai báo hải quan (kể cả việc có nhiều khai ít, hoặc có ít khai nhiều đối với ngoại hối và hàng hoá) phải lập biên bản vi phạm và phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
16. Đối với bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu:
- Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu qua đường bưu điện được gọi là bưu kiện, bưu phẩm xuất khẩu, nhập khẩu. Căn cứ vào tính chất của vật dụng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong bưu kiện, bưu phẩm thuộc đối tượng nào thì áp dụng quy định thủ tục hải quan theo đối tượng đó.
- Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải là hàng:
+ Không thuộc danh mục hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
+ Không thuộc danh mục cấm nhập khẩu của nước nhập;
+ Không trái với công ước của Liên minh bưu chính thế giới (UPU) pháp luật bưu điện và pháp luật hải quan.
- Bưu kiện, bưu phẩm xuất khẩu, nhập khẩu làm thủ tục hải quan với Hải quan bưu điện. Hải quan kiểm tra bưu kiện, bưu phẩm với sự có mặt của nhân viên bưu điện, cũng có thể kiểm tra bưu kiện, bưu phẩm trước mặt chủ hàng với sự chứng kiến của nhân viên bưu điện;
- Bưu điện chỉ chấp nhận gửi ra nước ngoài và phát cho người nhận những bưu kiện, bưu phẩm đã hoàn thành thủ tục hải quan.
Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện và Tổng cục Hải quan đã có Thông tư liên bộ số 13/LB-BĐ-HQ ngày 9-1-1991 hướng dẫn thực hiện cụ thể thủ tục hải quan đối với bưu kiện, bưu phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.
17. Đối với máy bay xuất cảnh, nhập cảnh:
Nhân viên hải quan sau khi tiếp nhận lược khai hàng hoá và hồ sơ hải quan của lái trưởng máy bay, phải đóng dấu "tiếp nhận", ghi rõ ngày, tháng, năm tiếp nhận, đồng thời ghi rõ "hồ sơ hải quan không được sửa chữa, thêm, bớt".
- Có thể yêu cầu người lái trưởng máy bay hoặc người thay mặt hướng dẫn để nhân viên hải quan kiểm tra kho chứa hàng hoá, hành lý và buồng chứa hành khách;
- Nếu kiểm tra các bộ phận của máy bay phải yêu cầu nhân viên kỹ thuật của hàng không mở;
- Bố trí nhân viên hải quan giám sát việc xếp dỡ hàng hoá, hành lý lên xuống máy bay.
18. Đối với tàu, thuyền xuất cảnh, nhập cảnh:
Sau khi tiếp nhận bản lược khai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và các hồ sơ hải quan do thuyền trưởng nộp, nhân viên hải quan phải đóng dấu "tiếp nhận" ghi rõ ngày, tháng, năm tiếp nhận, đồng thời ghi "hồ sơ hải quan không được sửa chữa, thêm, bớt".
- Nhân viên hải quan có thể yêu cầu thuyền trưởng hoặc người thay mặt hướng dẫn đi kiểm tra các kho chứa lương thực, thực phẩm của tầu, những hòm chứa hàng hoá, hành lý...;
- Nếu cần kiểm tra các bộ phận của tầu, nhân viên hải quan phải yêu cầu nhân viên kỹ thuật của tầu mở;
- Có thể niêm phong, hoặc cặp chì những kho lương thực, thực phẩm thừa, nhất là những vật phẩm hàng hoá thuộc loại hàng cấm nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu vào Việt Nam;
- Tổ chức giám sát trong thời gian tàu, thuyền neo, đậu (nếu thấy cần thiết);
- Tổ chức giám sát hải quan khi xếp, dỡ hàng hoá, hành lý... lên xuống tầu;
- Trong thời gian tầu, thuyền neo, đậu nếu có yêu cầu của tầu, thuyền xin mở niêm phong, cặp chì để lấy lương thực, thực phẩm cho tầu, thuyền sử dụng, Hải quan cửa khẩu cử nhân viên hải quan xuống mở niêm phong, cặp chì cho lấy một số lượng hợp lý ra để sử dụng, rồi tiến hành niêm phong, cặp chì lại. Tầu, thuyền khi xuất cảnh ra khỏi phao số "0" được tự mở niêm phong, cặp chì hải quan.
19. Đối với tầu liên vận quốc tế xuất cảnh, nhập cảnh bằng đường sắt:
Liên Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện cùng Tổng cục Hải quan sẽ ra Thông tư liên bộ hướng dẫn thi hành thủ tục hải quan theo Điều 25 của Nghị định 171/HĐBT quy định.
20. Đối với ô tô xuất cảnh, nhập cảnh:
Ô tô Việt Nam xuất cảnh là "tạm xuất" phải "tái nhập", ô tô của nước láng giềng nhập cảnh là "Tạm nhập" phải "tái xuất".
Hải quan các tỉnh biên giới cần có biện pháp để theo dõi để "tạm xuất", "tạm nhập". Nhưng ô tô "tạm xuất" không "tái nhập" và những ô tô "tạm nhập" không "tái xuất" là vi phạm pháp lệnh Hải quan, phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Hành khách xuất cảnh, nhập cảnh phải làm tờ khai Hải quan theo mẫu của Tổng cục Hải quan;
- Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu quá tiêu chuẩn hành lý, theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng được coi là hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, phải làm thủ tục hải quan như đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và phải nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phi mậu dịch.
- Hải quan cửa khẩu sau khi tiếp nhận các tờ khai do người lái xe, hoặc chủ hàng hoá, hành lý nộp, có thể tiến hành kiểm tra, đối chiếu giữa hàng hoá, hành lý khai báo với hàng hoá, hành lý thực xuất khẩu, nhập khẩu;
- Ghi nhận hàng thực xuất, thực nhập vào tờ khai.