Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 01/2005/TTLT/BTTUBTWMTTQVN-BNV

Đỗ Duy Thường
Toàn quốc
Công báo số 25 - 05/2005;
Thông tư liên tịch 01/2005/TTLT/BTTUBTWMTTQVN-BNV
Thông tư liên tịch
Hết hiệu lực toàn bộ
14/06/2005
12/05/2005

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn quy trình bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệmTrưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố

Phó Chủ tịch
2.005
 

Toàn văn

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn quy trình bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm

Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Quy trình bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố của Quy chế Tổ chức và hoạt động của thôn và Tổ dân phố (ban hành kèm theo Quyết định số 13/2002/QĐ-BNV ngày 06 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ).

Để thực hiện thống nhất các quy định về quy trình bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố, Bộ Nội vụ và Ban Thường trực ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn một số điểm sau đây:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG CỦA VIỆC BẦU, MIỄN NHIỆM, BÃI NHIỆM TRƯỞNG THÔN, TỔ TRƯỞNG TỔ DÂN PHỐ

Việc Tổ chức bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố (sau đây gọi chung là Trưởng thôn); việc xem xét đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh Trưởng thôn, phải thực sự dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng.

II. QUY TRÌNH BẦU TRƯỞNG THÔN

A. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ

1. Chậm nhất 30 ngày trước ngày bầu cử Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) ra quyết định công bố ngày bầu cử Trưởng thôn và thành lập Tổ bầu cử.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp xây dựng kế hoạch bầu cử, hướng dẫn nghiệp vụ và giúp đỡ tổ chức hội nghị bầu cử.

3. Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã chủ trì, phối hợp với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch bầu cử.

- Thành phần hội nghị:

Trưởng thôn (hoặc Trưởng thôn lâm thời), Bí thư chi bộ thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận, Bí thư Chi đoàn Thanh niên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn và một số đoàn viên, hội viên thuộc các chi hội đoàn thể nêu trên nếu thấy cần thiết.

- Nội dung hội nghị:

+ Đại diện Uỷ ban nhân dân cấp xã công bố quyết định của chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã về ngày bầu cử và thành lập Tổ bầu cử.

+ Đại diện Uỷ ban nhân dân cấp xã phổ biến kế hoạch bầu cử, nhiệm vụ của Tổ bầu cử, trách nhiệm của Trưởng thôn, các điều kiện bảo đảm cho công tác bầu cử.

+ Đại diện Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã phổ biến công tác hiệp thương giới thiệu người ứng cử Trưởng thôn, việc bầu cử, kiểm phiếu, công bố kết quả và báo cáo kết quả bầu cử công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đi bầu cử.

+ Hội nghị thảo luận và quán triệt công tác bầu cử.

+ Kết luận hội nghị của đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã.

B. CÔNG TÁC HIỆP THƯƠNG

Bước một: dự kiến danh sách người ứng cử.

1. Căn cứ tiêu chuẩn Trưởng thôn (quy định tại Điều 11 - Quy chế Tổ chức và hoạt động của thôn và Tổ dân phố) Trưởng ban công tác Mật trận báo cáo với Chi bộ về dự kiến giới thiệu người ứng cử Trưởng thôn và kế hoạch tổ chức bầu Trưởng thôn.

2. Ban công tác Mặt trận họp dự kiến giới thiệu người ứng cử.

a) Thành phần hội nghị Trưởng ban công tác Mặt trận triệu tập và chủ tọa hội nghị gồm toàn bộ các thành viên của Ban công tác Mặt trận.

b) Nội dung, thủ tục, trình tự

- Giới thiệu mục đích, yêu cấu hội nghị và đọc quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã về ngày bầu cử và thành lập Tổ bầu cử.

- Giới thiệu tiêu chuẩn Trưởng thôn (theo quy định tại Điều 11 Quy chế Tổ chức và hoạt động của thôn và Tổ dân phố) .

- Trưởng ban công tác Mặt trận nêu dự kiến giới thiệu người ứng cử (có thể giới thiệu từ 1 đến 2 người). Hội nghị thảo luận, nhận xét người được dự kiến.

- Trưởng ban công tác Mật trận kết luận ý kiến của hội nghị nhận xét người được dự kiến. Hội nghị lập biên bản ghi rõ số người được triệu tập, số người có mặt, nội dung hội nghị, ý kiến nhận xét của Hội nghị về người được dự kiến giới thiệu ứng cử (theo Mẫu số 1).

Bước hai: Tổ chức Hội nghị cử tri để thảo luận tiêu chuẩn và danh sách những người ứng cử.

1. Thành phần Hội nghị

- Toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ;

- Toàn thể thành viên của Ban công tác Mặt trận;

- Trưởng thôn, Phó trưởng thôn; Tổ trưởng, Tổ phó Tổ dân phố.

Trưởng Ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với Trưởng thôn mời cử tri họp. Ở thôn, tổ dân phố có từ 100 hộ trở xuống thì họp toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ. Hội nghị chỉ được tiến hành khi có quá nửa số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ dự họp. Nơi có trên 100 hộ thì không nhất thiết họp toàn thể, mà tổ chức hội nghị đại biểu cử tri là đại diện hộ ở các Tổ liên gia hoặc Tổ nhân dân tự quản hoặc của các xóm, đội sản xuất; nhưng phải mời ít nhất là đại diện của 50% số hộ trong thôn dự hội nghị; Hội nghị chỉ được tiến hành khi có quá nửa số cử tri thuộc thành phần mời họp tham dự.

Trưởng Ban công tác Mật trận gửi giấy mời đến các thành phần dự hội nghị nêu trên và mời đại diện Ban thường trực Uỷ ban Mật trận Tổ quốc cấp xã.

Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mật trận chủ tọa hội nghị cử tri.

2. Nội dung, thủ tục, trình tự

a) Trưởng ban công tác Mật trận tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu dự Hội nghị.

b) Trưởng ban công tác Mật trận giới thiệu thư ký Hội nghị và phải được đa số cử tri dự Hội nghị biểu quyết giơ tay tán thành.

c) Trưởng thôn công bố quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã về ngày bầu cử và thành lập Tổ bầu cử.

d) Trưởng thôn báo cáo công tác nhiệm kỳ qua và tự phê bình trước Hội nghị cử tri.

e) Trưởng ban công tác Mặt trận đọc tiêu chuẩn Trưởng thôn và giới thiệu danh sách dự kiến người ra ứng cử Trưởng thôn của Ban công tác Mật trận.

h) Hội nghị thảo luận danh sách những người được Ban công tác Mặt trận dự kiến giới thiệu. Cử tri có thể giới thiệu người ứng cử hoặc tự ứng cử.

i) Hội nghị thảo luận và quyết định thành phần cử tri bầu Trưởng thôn (toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ).

k) Thông qua biên bản hội nghị cử tri (theo Mẫu số 2).

l) Trưởng thôn kết thúc Hội nghị để Ban công tác Mật trận họp ấn định danh sách người ứng cử.

Bước ba: Tổ chức Hội nghị Ban công tác Mặt trận để ấn định danh sách chính thức những người ứng cử.

1. Thành phần Hội nghị:

Trưởng ban công tác Mật trận triệu tập và chủ tọa Hội nghị bao gồm: đại diện lãnh đạo tổ chức cơ sở Đảng, Chi đoàn Thanh niên, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Nông dân, Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Người cao tuổi.

2. Nội dung, thủ tục, trình tự.

- Trưởng ban công tác Mặt trận nêu mục đích Hội nghị và giới thiệu đại biểu; sau đó đọc danh sách những người được Ban công tác Mặt trận và cử tri giới thiệu, người tự ứng cử (nếu có).

- Hội nghị căn cứ vào tiêu chuẩn Trưởng thôn để thảo luận và ấn định danh sách chính thức những người ứng cử Trưởng thôn. Số người ứng cử phải ít nhất là hai người để cử tri lựa chọn bầu một người.

- Hội nghị lập biên bản ghi rõ thành phần Hội nghi, tổng số người được triệu tập, số người có mặt, nội dung Hội nghị, diễn biến Hội nghị và thỏa thuận cuối cùng của Hội nghị lập danh sách chính thức những người ứng cử Trưởng thôn (theo Mẫu số 3). Danh sách những người ứng cử Trưởng thôn được niêm yết công khai 7 ngày trước ngày tổ chức bầu cử (theo Mẫu số 4).

C. CÔNG TÁC BẦU CỬ

Căn cứ Quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã thành lập tổ bầu cử và quyết định nhiệm vụ của Tổ bầu cử, Tổ trưởng tổ bầu cử chỉ đạo công việc bầu cử theo quy định tại Mục 3, Mục 4 - Điều 13 của Quy chế Tổ chức và hoạt động của thôn và Tổ dân phố (ban hành kèm theo Quyết định số 13/2002/QĐ-BNV ngày 06 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ).

1. Thành phần cử tri và hình thức bầu cử:

Thành phần cử tri bầu Trưởng thôn là toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ do hội nghị cử tri quyết định tại cuộc họp cử tri quy định tại điểm i, bước hai, Mục B, Phần II của Thông tư này.

Việc bầu cử có thể bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Nếu thôn, bản, ấp, tổ dân phố có từ 100 hộ trở xuống thì có thể bầu cử bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do hội nghị quyết định; có trên 100 hộ thì bầu cử bằng hình thức bỏ phiếu kín.

2. Trình tự bầu cử:

2.1. Nếu bầu bằng hình thức giơ tay, thì hội nghị cử 3 người trực tiếp đếm số phiếu.

2.2. Nếu bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín: hội nghị cử tri bầu ban kiểm phiếu từ 3 đến 5 người do Tổ trưởng tổ bầu cử giới thiệu trong số những người không ứng cử Trưởng thôn.

a) Tổ bầu cử chuẩn bị hòm phiếu, phiếu bầu có đóng dấu của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã. Trên phiếu bầu ghi rõ họ tên những người ứng cử. Khi bầu cử, cử tri chỉ được lựa chọn một ứng cử viên trong danh sách ứng cử (không gạch họ tên người được lựa chọn) và gạch họ, tên những người mà cử tri không tín nhiệm. Nếu ở địa phương nào không có điều kiện in phiếu bầu thì cử tri tín nhiệm người nào trong danh sách người ứng cử Trưởng thôn do Ban công tác Mật trận ấn định thì ghi rõ họ và tên người đó vào phiếu bầu để trắng đã có đóng dấu của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã.

b) Ban kiểm phiếu tiến hành kiểm phiếu tại nơi bỏ phiếu ngay sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu. Trước khi Ban kiểm phiếu mở hòm phiếu, Tổ bầu cử phải thống kê, lập biên bản niêm phong số phiếu bầu không sử dụng đến và mời hai cử tri không phải là người ứng cử có mặt tại đó chứng kiến việc kiểm phiếu. Tổ bầu cử có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu.

Những phiếu sau đây là không hợp lệ:

- Phiếu bầu không phải là phiếu theo mẫu của Tổ bầu cử phát ra.

- Phiếu không có dấu của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã.

- Phiếu để số người được bầu là hai người trở lên.

- Phiếu gạch xóa hết tên những người ứng cử.

- Phiếu ghi tên người ngoài danh sách ứng cử hoặc phiếu có viết thêm.

c) Kiểm phiếu xong, Ban kiểm phiếu bàn giao biên bản kiểm phiếu (theo Mẫu số 5) và phiếu bầu cho Tổ trưởng Tổ bầu cử. Biên bản kiểm phiếu phải ghi rõ:

- Tổng số cử tri của thôn theo thành phần toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ.

- Số cử tri đã tham gia bỏ phiếu.

- Số phiếu phát ra.

- Số phiếu thu vào.

- Số phiếu hợp lệ.

- Số phiếu không hợp lệ.

- Số phiếu bầu cho mỗi người ứng cử.

Người trúng cử Trưởng thôn là người được quá nửa số phiếu bầu hợp lệ và được nhiều phiếu hơn.

Kết quả bầu cử chỉ có giá trị khi có ít nhất quá nửa số cử tri trong danh sách tham gia bỏ phiếu.

Biên bản kiểm phiếu lập thành 03 bản, có chữ ký của các thành viên Ban kiểm phiếu và 02 người chứng kiến việc kiểm phiếu để gửi đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã và Tổ trưởng Tổ bầu cử giữ 01 bản.

d) Thông qua biên bản kiểm phiếu.

Trường hợp số cử tri tham gia bỏ phiếu chưa được quá nửa số cử tri ghi trong danh sách hoặc vi phạm các quy định về bầu cử thì phải Tổ chức bầu lại. Ngày bầu cử lại do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định, nhưng chậm nhất không quá 15 ngày kể từ ngày tổ chức bầu cử lần đầu. Nếu bầu lần thứ hai mà vẫn không bầu được Trưởng thôn thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định cử Trưởng thôn lâm thời trong số những người ứng cử chính thức để hoạt động cho đến khi bầu được Trưởng thôn mới.

D. CÔNG NHẬN KẾT QUẢ BẦU CỬ

Căn cứ Biên bản kết quả kiểm phiếu và báo cáo kết quả hội nghị bầu Trưởng thôn của Tổ bầu cử, chậm nhất không quá 5 ngày làm việc, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét ra Quyết định công nhận người trúng cử Trưởng thôn hoặc quyết định bầu cử lại. Trưởng thôn chính thức hoạt động khi có quyết định công nhận của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã.

III. QUY TRÌNH XEM XÉT MIỄN NHIỆM, BÃI NHIỆM TRƯỞNG THÔN

1. Quy trình miễn nhiệm Trưởng thôn

1.1. Các trường hợp miễn nhiệm Trưởng thôn:

Trưởng thôn có thể được miễn nhiệm chức danh Trưởng thôn, do sức khỏe, do hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác.

1 2. Thủ tục, trình tự miễn nhiệm:

a) Người xin miễn nhiệm phải có đơn, trong đó nêu rõ lý do của việc xin miễn chức danh Trưởng thôn gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã và Trưởng ban công tác Mật trận thôn. Trường hợp Trưởng thôn được điều động làm công tác khác thì không cần có đơn xin miễn nhiệm.

b) Việc miễn nhiệm Trưởng thôn được thực hiện theo một trong hai hình thức sau đây:

- Tổ chức hội nghị cử tri ở thôn, tổ dân phố để bỏ phiếu miễn nhiệm. Trình tự thủ tục miễn nhiệm được áp dụng tương tự như quy trình bãi nhiệm Trưởng thôn quy định tại tiết d, đ, e, g, điểm 2.2 Mục 2 Phần III của Thông tư này.

- Ban công tác Mặt trận họp xem xét, thống nhất việc miễn nhiệm Trưởng thôn và làm văn bản đề nghị miễn nhiệm kèm theo biên bản họp Ban công tác Mặt trận gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã.

c) Chậm nhất là 5 ngày kể từ ngày nhận được các văn bản nêu trên, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã phải xem xét ra quyết định miễn nhiệm chức danh Trưởng thôn.

Việc bầu Trưởng thôn mới phải được tiến hành trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ra quyết định miễn nhiệm chức danh Trưởng thôn.

2. Quy trình bãi nhiệm Trưởng thôn:

2.1. Các trường hợp bãi nhiệm

Trưởng thôn khi không còn được nhân dân tín nhiệm, Trưởng thôn không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, tham nhũng, lãng phí, không phục tùng sự chỉ đạo điều hành của Uỷ ban nhân dân cấp xã, vi phạm pháp luật và các quy định của cấp trên thì có thể bị cử tri bãi nhiệm theo đề nghị của Ban công tác Mặt trận thôn.

2.2. Thủ tục, trình tự bãi nhiệm.

a) Bản tự kiểm điểm của Trưởng thôn trong đó nêu rõ khuyết điểm, nguyên nhân khách quan, chủ quan và tự nhận hình thức kỷ luật gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã và Trưởng ban công tác Mặt trận thôn.

b) Ban công tác Mặt trận họp bỏ phiếu tín nhiệm Trưởng thôn theo hướng dẫn của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Thông tri số 06 ngày 25 tháng 01 năm 2005).

c) Nếu phiếu tín nhiệm thấp dưới 50% thì Ban công tác Mặt trận làm văn bản đề nghị Tổ chức Hội nghị cử tri thôn xem xét bãi nhiệm chức danh Trưởng thôn kèm theo Biên bản bỏ phiếu tín nhiệm Trưởng thôn gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã.

d) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã căn cứ văn bản đề nghị của Ban công tác Mặt trận để ra quyết định tổ chức ngày bỏ phiếu bãi nhiệm chức danh Trưởng thôn và thành lập Ban tổ chức bãi nhiệm do Trưởng ban công tác Mặt trận làm Trưởng ban và các thành viên là đại diện của tổ chức Đảng và đại diện một số đoàn thể như Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Người cao tuổi của thôn. Nhiệm vụ của Ban Tổ chức bãi nhiệm áp dụng nhiệm vụ của Tổ bầu cử Trưởng thôn. Thành phần cử tri bãi nhiệm áp dụng như thành phần cử tri bầu Trưởng thôn.

đ) Hình thức bãi nhiệm phải tổ chức bỏ phiếu kín, phiếu ghi rõ họ và tên Trưởng thôn, đóng dấu Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã. Cử tri đồng ý bãi nhiệm chức danh Trưởng thôn thì gạch ngang họ và tên người đó. Nếu không đồng ý bãi nhiệm thì để nguyên phiếu.

e) Việc thành lập Ban kiểm phiếu, thủ tục bỏ phiếu, kiểm phiếu, giá trị pháp lý của số phiếu bãi nhiệm áp dụng theo quy định tại, Mục C, Phần II - công tác bầu cử tại Thông tư này.

g) Chậm nhất là 5 ngày kể từ ngày nhận được biên bản kiểm phiếu và báo cáo kết quả bỏ phiếu bãi nhiệm chức danh Trưởng thôn của Trưởng Ban công tác Mặt trận; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã phải xem xét ra quyết định công nhận kết quả bỏ phiếu bãi nhiệm chức danh Trưởng thôn.

Việc bầu Trưởng thôn mới phải được tiến hành trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận kết quả bãi nhiệm.

IV. HIỆU LỰC THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần được giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung, thì Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh phản ánh cho Bộ Nội vụ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để giải quyết.

3. Ủy ban nhân dân các cấp, Sở Nội vụ, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương, Ban công tác Mặt trận có trách nhiệm thi hành Thông tư này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=18075&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận