Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 01/2008/TTLT-BTNMT-BTC

Nguyễn Văn Đức
Toàn quốc
Công báo số 271+272;
Thông tư liên tịch 01/2008/TTLT-BTNMT-BTC
Thông tư liên tịch
02/06/2008
29/04/2008

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn lập dự toán công tác bảo vệ môi trường thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường

Thứ trưởng
2.008
Bộ Tài nguyên và Môi trường

Toàn văn

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn lập dự toán công tác bảo vệ môi trường thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Liên Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán công tác bảo vệ môi trường từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này hướng dẫn việc lập dự toán kinh phí sự nghiệp môi trường chi thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ (dưới đây gọi chung là dự án), do ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương bảo đảm theo phân cấp nhiệm vụ chi tại Thông tư liên tịch số 114/2006/TTLT-BTC-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài chính – Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường (sau đây gọi là Thông tư liên tịch số 114/2006/TTLT-BTC-BTNMT).

2. Dự toán kinh phí sự nghiệp môi trường được lập gồm đầy đủ các khoản mục chi phí để hoàn thành các công việc theo quy trình, quy phạm và các quy định kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc căn cứ vào nội dung công việc, khối lượng cần thực hiện, mức chi được quy định tại các văn bản hiện hành và một số mức chi cụ thể được quy định tại Thông tư liên tịch số 114/2006/TTLT-BTC-BTNMT.

3. Việc thanh quyết toán các dự án về bảo vệ môi trường thực hiện theo quy định hiện hành.

II. PHƯƠNG PHÁP LẬP DỰ TOÁN DỰ ÁN, ĐỀ ÁN, NHIỆM VỤ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

A. Lập dự toán kinh phí đối với dự án có định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá sản phẩm:

Dự toán kinh phí được lập trên cơ sở khối lượng công việc nhân (x) đơn giá sản phẩm và các chi phí khác (nếu có).

1. Đơn giá sản phẩm bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí quản lý chung

1.1. Chi phí trực tiếp, bao gồm: chi phí nhân công; chi phí vật liệu; chi phí công cụ dụng cụ; chi phí năng lượng; chi phí nhiên liệu; chi phí khấu hao máy móc, thiết bị.

a) Chi phí nhân công: gồm chi phí lao động kỹ thuật và chi phí lao động phổ thông (nếu có) tham gia thực hiện dự án.

- Chi phí lao động kỹ thuật = số (số công nhân lao động kỹ thuật theo định mức) x (đơn giá ngày công lao động kỹ thuật).

Đơn giá ngày công lao động kỹ thuật gồm: tiền lương cơ bản, lương phụ, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo lương và các chế độ khác cho người lao động theo quy định hiện hành, trong đó:

+ Đơn giá ngày công lao động kỹ thuật


=

Tiền lương một tháng theo cấp bậc kỹ thuật trong định mức

+

Các khoản phụ cấp một tháng theo chế độ

26 ngày

 

+ Tiền lương một tháng theo cấp bậc kỹ thuật quy định trong định mức thực hiện theo hệ số lương ban hành tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước và mức lương tối thiểu theo quy định hiện hành.

+ Các khoản phụ cấp một tháng theo chế độ bao gồm:

Phụ cấp lương;

Lương phụ: tiền lương chi trả cho các ngày lễ tết, hội họp, học tập, mức tính 11% lương cấp bậc kỹ thuật;

Các khoản đóng góp (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn): 19% lương cấp bậc kỹ thuật;

Các khoản phụ cấp khác theo quy định hiện hành (nếu có).

- Chi phí lao động phổ thông (nếu có) = (số công lao động phổ thông theo định mức) x (đơn giá ngày công lao động phổ thông).

Đơn giá ngày công lao động phổ thông căn cứ theo giá của từng địa phương.

b) Chi phí vật liệu: là giá trị vật liệu chính, vật liệu phụ dùng trực tiếp trong quá trình thực hiện dự án.

Chi phí vật liệu = (Tổng số lượng từng loại vật liệu theo định mức) x (đơn giá từng loại vật liệu), trong đó:

- Số lượng vật liệu được xác định theo định mức sử dụng vật liệu do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

- Đơn giá vật liệu (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng): căn cứ theo giá của từng địa phương.

c) Chi phí công cụ, dụng cụ: là giá trị công cụ, dụng cụ được phân bố trong quá trình thực hiện dự án.

Chi phí công cụ, dụng cụ

=

(Số ca sử dụng công cụ, dụng cụ theo định mức)

x

(Đơn giá sử dụng công cụ, dụng cụ phân bổ cho một ca)

Trong đó:

Đơn giá sử dụng công cụ, dụng cụ phân bổ cho một ca

=

Đơn giá công cụ, dụng cụ

[Niên hạn sử dụng công cụ, dụng cụ theo định mức (tháng)]

x

26 ngày

Đơn giá công cụ, dụng cụ (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng): căn cứ theo giá của từng địa phương.

Số ca sử dụng và niên hạn sử dụng công cụ, dụng cụ theo định mức của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

d) Chi phí năng lượng: là chi phí sử dụng năng lượng dùng cho máy móc thiết bị vận hành trong thời gian tham gia dự án, được tính như sau:

Chi phí năng lượng

=

(Năng lượng tiêu hao theo định mức)

x

(Đơn giá do nhà nước quy định)

đ) Chi phí nhiên liệu: để sử dụng trong quá trình thực hiện dự án.

Chi phí nhiên liệu = (số lượng nhiên liệu tiêu hao theo định mức) x (đơn giá nhiên liệu).

Số lượng nhiên liệu tiêu hao được xác định theo định mức kinh tế kỹ thuật do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định.

Đơn giá nhiên liệu: căn cứ theo giá của từng địa phương.

e) Chi phí khấu hao máy móc, thiết bị: là hao phí về máy móc thiết bị sử dụng trong quá trình thực hiện dự án, được xác định theo danh mục máy, số ca sử dụng máy theo định mức kinh tế kỹ thuật do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành và mức khấu hao một ca máy.

Chi phí khấu hao = (số ca máy theo định mức) x (mức khấu hao một ca máy).

Trong đó:

Mức khấu hao một ca máy

=

Nguyên giá

(số ca máy sử dụng 1 năm)

x

(số năm sử dụng)

1.2. Chi phí quản lý chung: Được xác định theo tỷ lệ 20% tính trên chi phí trực tiếp.

Chi phí quản lý chung (chi phí gián tiếp) là chi phí có tính chất chung của đơn vị trực tiếp thực hiện như: Chi phí tiền lương và các khoản có tính chất lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn) cho bộ máy quản lý; chi phí điện, nước, điện thoại, xăng xe, công tác phí, văn phòng phẩm, công cụ, dụng cụ cho bộ máy quản lý; chi phí sửa chữa thiết bị, công cụ, dụng cụ đối với đơn vị sự nghiệp (hoặc chi phí khấu hao tài sản cố định phục vụ bộ máy quản lý đối với doanh nghiệp); chi phí di chuyển, thuê nhà trọ cho lực lượng thi công, chi phí nghiệm thu, bàn giao sản phẩm của đơn vị trực tiếp thực hiện; chi hội nghị sơ kết, tổng kết công tác và các chi khác mang tính chất quản lý có liên quan đến việc thực hiện dự án bảo vệ môi trường.

2. Chi phí khác: bao gồm chi xây dựng, thẩm định, xét duyệt đề cương dự án; chi lập mẫu phiếu điều tra; chi hội thảo, tổng kết nghiệm thu dự án và chi phí khác có liên quan trực tiếp đến dự án bảo vệ môi trường được tính theo khối lượng công việc cụ thể và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành của nhà nước.

Phương pháp lập dự toán nêu trên áp dụng cho đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án. Khi xác định dự toán kinh phí đối với dự án do cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp được giao biên chế, được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động chi thường xuyên, dự toán phải trừ toàn bộ kinh phí đã bố trí cho số biên chế của đơn vị trong thời gian tham gia thực hiện dự án (bao gồm tiền lương, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo lương, các khoản chi thường xuyên) và không tính chi phí khấu hao tài sản cố định.

Việc lập dự toán kinh phí dự án theo kết cấu chi phí tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

B. Lập dự toán kinh phí đối với dự án chưa có định mức kinh tế kỹ thuật:

Dự toán kinh phí được lập căn cứ vào khối lượng công việc cụ thể, một số mức chi quy định tại Thông tư liên tịch số 114/2006/TTLT-BTC-BTNMT, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành của nhà nước và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nội dung chi bao gồm:

1. Chi phí trực tiếp:

1.1. Chi phí nhân công: gồm chi phí công lao động kỹ thuật, công thuê ngoài, chi phí lao động phổ thông (nếu có) tham gia thực hiện dự án.

a) Chi phí công lao động kỹ thuật = (số công lao động kỹ thuật cần thiết) x (đơn giá ngày công lao động kỹ thuật).

Chi phí công lao động kỹ thuật tính trên cơ sở tiền lương cơ bản, phụ cấp lương, lương phụ, các khoản đóng góp của số cán bộ kỹ thuật, nhân viên của đơn vị trực tiếp thực hiện dự án, trong đó:

- Lương phụ: tiền lương chi trả cho các ngày lễ tết, hội họp, học tập, mức tính 11% lương cấp bậc kỹ thuật;

- Các khoản đóng góp (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn): 19% lương cấp bậc kỹ thuật.

Chi phí công lao động kỹ thuật chỉ được áp dụng cho đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm kinh phí hoạt động; doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án.

b) Chi phí công thuê ngoài: được tính cho nội dung công việc cần thiết phải thuê đơn vị, cá nhân bên ngoài thực hiện.

Công thuê ngoài = (số công thuê ngoài cần thiết) x (đơn giá công thuê ngoài).

c) Chi phí lao động phổ thông (nếu có) = (số công lao động cần thuê ngoài) x (đơn giá công lao động phổ thông).

1.2. Chi phí vật liệu, nhiên liệu là giá trị vật liệu chính, vật liệu phụ, nhiên liệu dùng trực tiếp trong quá trình thực hiện dự án.

Chi phí vật liệu, nhiên liệu = (khối lượng vật liệu cần sử dụng) x (đơn giá vật liệu).

1.3. Chi phí công cụ, dụng cụ: được tính theo số lượng cần thiết để phục vụ trực tiếp cho dự án và theo đơn giá thực tế tại địa phương.

1.4. Chi phí năng lượng: được tính theo số lượng cần sử dụng cho dự án nhân (x) đơn giá do nhà nước quy định.

1.5. Chi phí khấu hao máy móc, thiết bị (nếu có): là hao phí về máy móc thiết bị sử dụng trong quá trình thực hiện dự án, được xác định theo mức khấu hao ca máy nhân (x) số ca máy cần sử dụng (chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp).

1.6. Chi phân tích mẫu (chỉ áp dụng trong trường hợp đơn vị không có đủ điều kiện phân tích phải thuê bên ngoài thực hiện): căn cứ theo quy định hiện hành về giá phân tích mẫu.

1.7. Chi công tác phí cho cán bộ đi điều tra, khảo sát: theo quy định hiện hành của nhà nước về chế độ công tác phí.

1.8. Chi phân tích, đánh giá theo chuyên đề; báo cáo tổng kết dự án; căn cứ theo quy định hiện hành.

1.9. Chi xây dựng, thẩm định, xét duyệt đề cương dự án; chi lập mẫu phiếu điều tra; căn cứ vào nội dung dự án, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành để tính dự toán kinh phí.

1.10. Chi hội thảo, tổng kết nghiệm thu dự án; căn cứ theo quy định hiện hành.

2. Chi phí quản lý chung:

Chi phí quản lý chung (chi phí gián tiếp) là chi phí có tính chất chung của đơn vị trực tiếp thực hiện như: Chi phí tiền lương và các khoản đóng góp theo lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn) cho bộ máy quản lý; chi phí điện, nước, điện thoại, xăng xe, công tác phí, văn phòng phẩm, công cụ, dụng cụ cho bộ máy quản lý; chi phí sửa chữa thiết bị, công cụ, dụng cụ đối với đơn vị sự nghiệp (hoặc chi phí khấu hao tài sản cố định phục vụ bộ máy quản lý đối với doanh nghiệp); chi phí nghiệm thu, bàn giao sản phẩm của đơn vị trực tiếp thực hiện; chi hội nghị sơ kết, tổng kết của đơn vị; các chi khác mang tính chất quản lý có liên quan đến việc thực hiện dự án về bảo vệ môi trường.

Chi phí quản lý chung được xác định theo tỷ lệ 20% tính trên chi phí trực tiếp đối với đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động, các doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động chi thường xuyên; trực tiếp thực hiện dự án về môi trường được tính chi phí quản lý chung tối đa 15 triệu đồng/năm/nhiệm vụ, dự án, đề án, đối với dự án có tổng chi phí trực tiếp đến 5 tỷ đồng; trường hợp dự án có tổng chi phí trực tiếp lớn hơn 5 tỷ đồng thì cứ 1 tỷ đồng tăng thêm được bổ sung 0,003 của phần tăng thêm.

3. Chi phí khác liên quan trực tiếp đến dự án (nếu có)

Việc lập dự toán kinh phí dự án theo kết cấu chi phí tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Bộ, cơ quan Trung ương phê duyệt các dự án bảo vệ môi trường do ngân sách Trung ương đảm bảo; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt các dự án bảo vệ môi trường do ngân sách địa phương đảm bảo.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có thay đổi về chính sách, chế độ, đơn giá sản phẩm, khối lượng công việc dẫn đến thay đổi dự toán kinh phí thì trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh lại dự toán dự án về bảo vệ môi trường.

3. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=24020&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận