Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP

Tống Anh Hào
Toàn quốc
Công báo 631 + 632, năm 2012
Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP
Thông tư liên tịch
12/11/2012
18/09/2012

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính

Kiểm sát Tòa án Tư pháp
Phó Chánh án
2.012
- Kể từ ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành, trường hợp Tòa án xét xử người đã tiến hành tố tụng về hành vi ra bản án mà biết rõ là trái pháp luật hoặc ra quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án thì Tòa án tách việc giải quyết trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để giải quyết theo quy định của Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành. - Kể từ ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành, trường hợp đã có bản án, quyết định hình sự xác định người đã tiến hành tố tụng phạm tội ra bản án trái pháp luật hoặc tội ra quyết định trái pháp luật hoặc tội làm sai lệch hồ sơ vụ án mà đã giải quyết trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong bản án, quyết định hình sự đó, thì không áp dụng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này để tách việc giải quyết trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị đối với bản án, quyết định hình sự về việc giải quyết trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (nếu có) được thực hiện theo thủ tục tố tụng hình sự.
Toà án nhân dân tối cao

Toàn văn

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO -

VIỆN KIẾM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO –

BỘ TƯ PHÁP

__________
Số: 01/2012/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
______________________
 

Hà Nội, ngày 18 tháng 9 năm 2012

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính

___________________

 

Căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp thống nhất hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sau đây viết tắt là Luật TNBTCNN) về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với người bị thiệt hại về vật chất hoặc bị tổn hại về tinh thần do hành vi trái pháp luật của những người tiến hành tố tụng thuộc Tòa án (sau đây gọi chung là người đã tiến hành tố tụng) gây ra khi tiến hành các hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.

Điều 2. Các trường hợp Tòa án có trách nhiệm bồi thường

Tòa án có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính trong các trường hợp sau đây:

1. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (sau đây viết tắt là BPKCTT) trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính (trong các trường hợp được quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 28 Luật TNBTCNN)

a) Áp dụng BPKCTT trong hoạt động tố tụng dân sự

a1) Người đã tiến hành tố tụng tự mình ra quyết định áp dụng BPKCTT không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự số 24/2004/QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự số 65/2011/QH12 ngày 29 tháng 3 năm 2011 (sau đây viết tắt là BLTTDS).

Ví dụ: Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, nguyên đơn không có đơn yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT theo quy định tại khoản 9 Điều 102 và Điều 111 BLTTDS về việc cho bán hàng hóa là thực phẩm đông lạnh đang tranh chấp mà bị đơn đang chiếm giữ, nhưng Tòa án ra quyết định áp dụng BPKCTT buộc bị đơn đang chiếm giữ hàng hóa này phải bán ngay ra thị trường. Sau đó, đương sự khiếu nại đề nghị Tòa án hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT nêu trên. Tòa án có thẩm quyền đã ra quyết định hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT. Trong trường hợp này, nếu đương sự có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại và có thiệt hại thực tế phát sinh do việc áp dụng BPKCTT của Tòa án gây ra thì Tòa án có trách nhiệm xem xét việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.

a2) Người đã tiến hành tố tụng tự mình ra quyết định áp dụng BPKCTT thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 102 BLTTDS khi không có đủ các điều kiện theo quy định tại các điều 103, 104, 105, 106 và 107 của BLTTDS và hướng dẫn tại Mục 3 Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27 tháng 4 năm 2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định tại Chương VIII “Các biện pháp khẩn cấp tạm thời” của BLTTDS.

a3) Người đã tiến hành tố tụng ra quyết định áp dụng BPKCTT khác với BPKCTT mà cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu.

Ví dụ: Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, nguyên đơn có đơn yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT theo quy định tại khoản 8 Điều 102 và Điều 110 BLTTDS về việc cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp, nhưng Tòa án áp dụng BPKCTT kê biên tài sản đang tranh chấp theo quy định tại khoản 6 Điều 102 và Điều 108 BLTTDS. Đương sự khiếu nại yêu cầu hủy bỏ quyết định áp dụng BPKCTT của Tòa án nêu trên, Tòa án có thẩm quyền đã ra quyết định hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT. Trong trường hợp này, nếu đương sự có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại và có thiệt hại thực tế phát sinh do việc áp dụng BPKCTT của Tòa án gây ra thì Tòa án có trách nhiệm xem xét việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.

a4) Người đã tiến hành tố tụng ra quyết định áp dụng BPKCTT vượt quá yêu cầu áp dụng BPKCTT của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Ví dụ: Công ty A có đơn yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT theo quy định tại khoản 10 Điều 102 và Điều 112 BLTTDS về việc phong tỏa tài khoản năm trăm triệu đồng tại Ngân hàng Z của Công ty B. Tuy nhiên, Tòa án đã ra quyết định áp dụng BPKCTT phong tỏa toàn bộ tài khoản 10 tỷ đồng của Công ty B tại Ngân hàng Z. Công ty B có đơn khiếu nại quyết định áp dụng BPKCTT của Tòa án, Tòa án có thẩm quyền đã ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng BPKCTT nêu trên.

Trong trường hợp này, nếu người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường thiệt hại và có thiệt hại thực tế phát sinh do Tòa án áp dụng BPKCTT vượt quá yêu cầu của người yêu cầu, thì Tòa án có trách nhiệm xem xét việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.

b) Áp dụng BPKCTT trong hoạt động tố tụng hành chính

b1) Người đã tiến hành tố tụng tự mình ra quyết định áp dụng BPKCTT khi không có đơn yêu cầu của người yêu cầu.

b2) Người đã tiến hành tố tụng áp dụng BPKCTT không đúng với yêu cầu của đương sự.

Ví dụ: Ủy ban nhân dân tỉnh N ra quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 1000 ha đất cho doanh nghiệp A để xây dựng khu đô thị mới. Khi doanh nghiệp A đang tiến hành xây dựng khu đô thị thì người dân cư trú xung quanh khu đô thị đang được xây dựng khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp A của Ủy ban nhân dân tỉnh N vì cho rằng quyết định này là trái pháp luật và việc bồi thường giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng. Đồng thời với đơn khởi kiện, người dân có yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT buộc doanh nghiệp A phải tạm dừng việc xây dựng một phần khu đô thị giáp với nơi người dân đang sinh sống. Tuy nhiên, Tòa án ra quyết định áp dụng BPKCTT buộc doanh nghiệp A phải tạm dừng việc xây dựng toàn bộ khu đô thị. Doanh nghiệp A khiếu nại đề nghị Tòa án hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT nêu trên. Tòa án có thẩm quyền đã ra quyết định hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT. Trong trường hợp này, nếu doanh nghiệp A có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại và có thiệt hại thực tế phát sinh do việc áp dụng BPKCTT của Tòa án gây ra thì Tòa án có trách nhiệm xem xét việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.

2. Ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án (quy định tại khoản 4 Điều 28 Luật TNBTCNN) khi có đủ hai điều kiện sau đây:

a) Bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính đã bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;

b) Có văn bản xác định hành vi trái pháp luật quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch này.

Điều 3. Văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người đã tiến hành tố tụng

1. Văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người đã tiến hành tố tụng ra quyết định áp dụng BPKCTT (trong các trường hợp được quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 28 Luật TNBTCNN và được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch này) là quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị cuối cùng của Chánh án Tòa án có thẩm quyền hoặc của Hội đồng xét xử theo quy định tại Điều 125 BLTTDS hoặc Điều 71 Luật Tố tụng hành chính.

2. Văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người đã tiến hành tố tụng ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án (quy định tại khoản 4 Điều 28 Luật TNBTCNN và được hướng dẫn tại khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch này) là một trong các văn bản sau đây:

a) Bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật xác định người đã tiến hành tố tụng đó phạm tội ra bản án trái pháp luật hoặc tội ra quyết định trái pháp luật hoặc tội làm sai lệch hồ sơ vụ án;

b) Các quyết định gồm Quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 164 Bộ Luật tố tụng hình sự, Quyết định đình chỉ vụ án của Viện kiểm sát theo quy định tại khoản 1 Điều 169 Bộ Luật tố tụng hình sự, Quyết định đình chỉ vụ án của Tòa án theo quy định tại Điều 180 Bộ Luật tố tụng hình sự vì lý do người đã tiến hành tố tụng ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 25 Bộ Luật hình sự.

c) Quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo của Chánh án Tòa án xác định người đã tiến hành tố tụng có hành vi ra bản án mà biết rõ là trái pháp luật hoặc ra quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án trong trường hợp người đã tiến hành tố tụng chưa bị khởi tố hoặc đang bị điều tra, truy tố, xét xử về những hành vi này thì bị chết.

d) Quyết định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức đối với người đã tiến hành tố tụng có hành vi ra bản án mà biết rõ là trái pháp luật hoặc ra quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án trong trường hợp người đã tiến hành tố tụng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những hành vi này.

Điều 4. Thủ tục ban hành văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người đã tiến hành tố tụng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch này

1. Trường hợp người bị thiệt hại cho rằng mình bị thiệt hại do hành vi ra bản án mà biết rõ là trái pháp luật hoặc ra quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án của người đã tiến hành tố tụng nhưng người đã tiến hành tố tụng chưa bị khởi tố hoặc đang trong quá trình bị điều tra, truy tố, xét xử về những hành vi này thì bị chết, thì người bị thiệt hại có quyền khiếu nại, tố cáo tới Chánh án Tòa án quản lý người đã tiến hành tố tụng.

2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản khiếu nại, tố cáo của người khiếu nại, tố cáo, Chánh án Tòa án quản lý người đã tiến hành tố tụng xét thấy việc khiếu nại, tố cáo của người khiếu nại, tố cáo là có căn cứ, thì ban hành quyết định thành lập Hội đồng tư vấn gồm ít nhất ba thành viên giúp Chánh án xem xét hành vi ra bản án mà biết rõ là trái pháp luật hoặc ra quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án của người đã tiến hành tố tụng bị khiếu nại, tố cáo.

Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn được ban hành theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

Thành viên Hội đồng tư vấn phải có đủ điều kiện theo hướng dẫn tại các điểm b và c khoản 2 Điều 12 Thông tư liên tịch này.

3. Hội đồng tư vấn có nhiệm vụ nghiên cứu, xem xét có hay không có hành vi ra bản án mà biết rõ là trái pháp luật hoặc ra quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án của người đã tiến hành tố tụng bị khiếu nại, tố cáo. Ý kiến của Hội đồng tư vấn được lập thành văn bản có chữ ký xác nhận của từng thành viên Hội đồng tư vấn. Trường hợp các thành viên Hội đồng tư vấn có ý kiến khác nhau thì văn bản báo cáo Chánh án cần ghi rõ ý kiến của từng thành viên.

4. Trên cơ sở báo cáo của Hội đồng tư vấn, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định thành lập Hội đồng tư vấn, Chánh án Tòa án xem xét ra quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo, xác định có hay không có hành vi ra bản án mà biết rõ là trái pháp luật hoặc ra quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án của người đã tiến hành tố tụng bị khiếu nại, tố cáo.

Chánh án Tòa án ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo Mẫu số 02, kết luận nội dung tố cáo theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này. Quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo này phải được gửi ngay cho người khiếu nại, tố cáo và người đã tiến hành tố tụng bị khiếu nại, tố cáo.

5. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo của Chánh án Tòa án cấp huyện hoặc Chánh án Tòa án cấp tỉnh, người khiếu nại, tố cáo và người đã tiến hành tố tụng bị khiếu nại, tố cáo có quyền khiếu nại tới Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp của Chánh án Tòa án đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại của người khiếu nại, tố cáo hoặc người đã tiến hành tố tụng bị khiếu nại, tố cáo, Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Quyết định của Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp là quyết định cuối cùng và phải được gửi ngay cho người khiếu nại, tố cáo, người đã tiến hành tố tụng bị khiếu nại, tố cáo và Tòa án đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đối với quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành vi ra bản án mà biết rõ là trái pháp luật hoặc ra quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án của người đã tiến hành tố tụng thuộc Tòa án nhân dân tối cao, thì quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cuối cùng.

Điều 5. Thời hiệu yêu cầu bồi thường

1. Đối với yêu cầu bồi thường trong trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 28 Luật TNBTCNN, thời hiệu yêu cầu bồi thường là hai năm, kể từ ngày Chánh án Tòa án có thẩm quyền hoặc Hội đồng xét xử ban hành văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người đã tiến hành tố tụng quy định tại khoản 1 Điều 3 của Thông tư liên tịch này.

2. Đối với yêu cầu bồi thường trong trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 28 Luật TNBTCNN, thời hiệu yêu cầu bồi thường là hai năm, kể từ ngày văn bản xác định hành vi trái pháp luật theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch này được ban hành.

Trường hợp văn bản xác định hành vi trái pháp luật là bản án, quyết định hình sự của Tòa án có thẩm quyền xác định người đã tiến hành tố tụng phạm tội ra bản án trái pháp luật hoặc tội ra quyết định trái pháp luật hoặc tội cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án thì thời hiệu yêu cầu bồi thường là hai năm, kể từ ngày bản án, quyết định hình sự đó có hiệu lực pháp luật.

Điều 6. Trách nhiệm báo cáo về việc giải quyết bồi thường

1. Sau khi thực hiện việc giải quyết bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người đã tiến hành tố tụng gây ra đối với mỗi vụ việc, Tòa án có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết bồi thường và báo cáo Tòa án cấp trên trực tiếp và Tòa án nhân dân tối cao về các nội dung sau đây để phục vụ công tác quản lý nhà nước về bồi thường:

a) Thụ lý đơn yêu cầu bồi thường;

b) Ban hành quyết định giải quyết bồi thường;

c) Người bị thiệt hại khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về bồi thường nhà nước;

d) Thực hiện thủ tục chi trả tiền bồi thường;

e) Thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người đã tiến hành tố tụng.

Kèm theo báo cáo phải có bản sao các tài liệu có liên quan đến việc giải quyết bồi thường.

2. Sau khi giải quyết vụ án tranh chấp về bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, Tòa án đã giải quyết tranh chấp gửi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật cho Tòa án cấp trên trực tiếp và Tòa án nhân dân tối cao để phục vụ công tác quản lý nhà nước về bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.

3. Định kỳ sáu tháng và hàng năm, Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Tòa án nhân dân tối cao về công tác giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính của Tòa án các cấp địa phương mình.

Chương II

XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI ĐƯỢC BỒI THƯỜNG

Điều 7. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

1. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được xác định theo Điều 45 Luật TNBTCNN. Trong trường hợp tài sản bị xâm phạm là quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất thì thiệt hại được bồi thường cũng được xác định theo quy định tại Điều 45 Luật TNBTCNN và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Thời gian tính lãi đối với các khoản tiền quy định tại khoản 4 Điều 45 Luật TNBTCNN được tính từ ngày các khoản tiền được nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bị tịch thu, thi hành án, khoản tiền đã đặt để bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền (kê biên tài sản tranh chấp, phong tỏa tài khoản,...) đến ngày ban hành quyết định giải quyết bồi thường của Tòa án có trách nhiệm bồi thường hoặc bản án, quyết định của Tòa án về việc giải quyết vụ án tranh chấp bồi thường nhà nước.

Điều 8. Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút

1. Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của cá nhân

Thu nhập thực tế của cá nhân quy định tại Điều 46 Luật TNBTCNN được xác định như sau:

Trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề của người đó trước khi xảy ra thiệt hại làm căn cứ để xác định khoản thu nhập thực tế.

Trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà người bị thiệt hại có việc làm và hàng tháng có thu nhập nhưng không ổn định thì lấy mức thu nhập trung bình của ba tháng liền kề trước thời điểm xảy ra thiệt hại làm căn cứ để xác định khoản thu nhập thực tế.

Trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà người bị thiệt hại là nông dân, ngư dân, người làm muối, người trồng rừng, người làm thuê, người buôn bán nhỏ, thợ thủ công, lao động khác có thu nhập nhưng theo mùa vụ hoặc không ổn định thì lấy mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương; nếu không xác định được thu nhập trung bình thì lấy mức lương tối thiểu đối với cơ quan Nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường làm căn cứ để xác định khoản thu nhập thực tế.

2. Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của tổ chức

Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của tổ chức quy định tại Điều 46 Luật TNBTCNN được xác định trên cơ sở thu nhập trung bình của hai năm liền kề trước thời điểm xảy ra thiệt hại và được xác định theo báo cáo tài chính hợp pháp của tổ chức; trường hợp không có báo cáo tài chính, tổ chức có thể chứng minh thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút bằng các tài liệu, chứng cứ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Trường hợp tổ chức được thành lập chưa đủ hai năm tính đến thời điểm xảy ra thiệt hại thì thu nhập thực tế của tổ chức được xác định trên cơ sở thu nhập bình quân trong thời gian hoạt động thực tế của tổ chức đó.

Chương III

THỦ TỤC GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG

Điều 9. Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại

Người bị thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án có trách nhiệm bồi thường giải quyết việc bồi thường khi có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người đã tiến hành tố tụng quy định tại Điều 3 của Thông tư liên tịch này.

Điều 10. Hồ sơ yêu cầu bồi thường

1. Hồ sơ yêu cầu bồi thường bao gồm các văn bản sau đây:

a) Đơn yêu cầu bồi thường theo Mẫu số 04a hoặc Mẫu số 04b ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;

b) Tài liệu, chứng cứ kèm theo bao gồm:

b1) Trường hợp yêu cầu bồi thường theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 28 Luật TNBTCNN thì hồ sơ yêu cầu bồi thường phải có một trong các văn bản quy định tại khoản 1 Điều 3 của Thông tư liên tịch này.

b2) Trường hợp yêu cầu bồi thường theo quy định tại khoản 4 Điều 28 Luật TNBTCNN thì hồ sơ yêu cầu bồi thường phải có một trong các văn bản quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch này và quyết định giám đốc thẩm hoặc quyết định tái thẩm hủy bản án, quyết định trái pháp luật do người đã tiến hành tố tụng đã ban hành.

b3) Tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường như các giấy tờ chứng minh thu nhập, giấy tờ chứng minh thiệt hại,…

2. Trường hợp vì lý do khách quan, người yêu cầu chưa thể nộp ngay đầy đủ các tài liệu, chứng cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, thì người yêu cầu phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết bồi thường.

Trường hợp người yêu cầu đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập tài liệu, chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể làm văn bản yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm bảo đảm cho việc giải quyết bồi thường đúng đắn.

Điều 11. Gửi và thụ lý đơn yêu cầu bồi thường

1. Người yêu cầu bồi thường gửi 01 bộ hồ sơ yêu cầu bồi thường đến Tòa án có trách nhiệm bồi thường bằng một trong các phương thức sau đây:

a) Nộp trực tiếp tại Tòa án.

b) Gửi đến Tòa án qua đường bưu điện.

2. Khi nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường, Tòa án phải kiểm tra và xác định tính hợp lệ của đơn và các tài liệu, chứng cứ kèm theo; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì Tòa án thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu bồi thường biết để họ sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu bồi thường và các tài liệu, chứng cứ hợp lệ, nếu xác định yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì Tòa án đã nhận hồ sơ phải thụ lý và thông báo cho người yêu cầu bồi thường, người đã tiến hành tố tụng có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

Trường hợp Tòa án đã nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường, sau đó xét thấy không thuộc trách nhiệm giải quyết bồi thường của mình thì thông báo trả lại hồ sơ yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này và hướng dẫn người yêu cầu bồi thường gửi đơn đến Tòa án có trách nhiệm giải quyết.

Điều 12. Phân công cán bộ giải quyết bồi thường

1. Ngay sau khi thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, Chánh án Tòa án có trách nhiệm bồi thường phải ra quyết định cử người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường (sau đây gọi tắt là người đại diện) theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

Trường hợp Chánh án Tòa án là người đã tiến hành tố tụng gây ra thiệt hại hoặc là người thân thích của người đã tiến hành tố tụng gây ra thiệt hại hoặc là người thân thích của người bị thiệt hại thì tập thể lãnh đạo Tòa án cùng thảo luận, thống nhất cử một cán bộ đại diện chịu trách nhiệm về việc giải quyết bồi thường.

Người thân thích của người đã tiến hành tố tụng hoặc của người bị thiệt hại là vợ (hoặc chồng), ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi (bên vợ hoặc bên chồng), con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột (bên vợ hoặc bên chồng), cháu nội, cháu ngoại, con rể, con dâu, anh em kết nghĩa, quan hệ thông gia, quan hệ công tác, quan hệ kinh tế,… với người đã tiến hành tố tụng hoặc người bị thiệt hại mà có căn cứ rõ ràng chứng minh là trong cuộc sống giữa họ có mối quan hệ tình cảm thân thiết.

2. Người đại diện phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đối với Tòa án cấp huyện thì người đại diện là Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện; đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì người đại diện là lãnh đạo cấp phòng trở lên; đối với Tòa án nhân dân tối cao thì người đại diện là lãnh đạo cấp vụ trở lên;

b) Có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực phát sinh trách nhiệm bồi thường;

c) Không phải là người thân thích của người đã tiến hành tố tụng gây ra thiệt hại hoặc của người bị thiệt hại.

3. Trong trường hợp không có người đại diện đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, thì Tòa án có trách nhiệm bồi thường cử 01 Thẩm phán đại diện giải quyết bồi thường.

Điều 13. Xác minh thiệt hại

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, người đại diện phải tổ chức việc xác minh thiệt hại. Thời hạn xác minh thiệt hại là 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường; trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn xác minh có thể kéo dài nhưng không quá 40 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường.

2. Việc xác minh thiệt hại được thực hiện theo quy định tại Điều 18 Luật TNBTCNN. Trường hợp cần phải tiến hành định giá tài sản, giám định thiệt hại về tài sản để xác định thiệt hại về tài sản, thì Tòa án có trách nhiệm giải quyết bồi thường áp dụng tương tự quy định tại Điều 90 và Điều 92 BLTTDS và các văn bản pháp luật có liên quan. Chi phí định giá, giám định được thực hiện theo quy định của Pháp Lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng và được bảo đảm từ ngân sách Nhà nước.

Điều 14. Thương lượng việc bồi thường

Thương lượng việc bồi thường được thực hiện theo quy định tại Điều 19 Luật TNBTCNN. Biên bản thương lượng việc bồi thường thiệt hại thực hiện theo Mẫu số 08 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

Điều 15. Ban hành quyết định giải quyết bồi thường

Ngay sau khi kết thúc việc thương lượng, người đại diện phải hoàn thành dự thảo quyết định giải quyết bồi thường để báo cáo Chánh án Tòa án có trách nhiệm bồi thường.

Căn cứ vào kết quả xác minh thiệt hại, kết quả thương lượng với người bị thiệt hại và ý kiến của các cơ quan có liên quan (nếu có), Tòa án có trách nhiệm bồi thường ban hành quyết định giải quyết bồi thường theo quy định tại Điều 20 Luật TNBTCNN. Quyết định giải quyết bồi thường được ban hành theo Mẫu số 09 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

Hiệu lực của quyết định giải quyết bồi thường được xác định theo quy định tại Điều 21 Luật TNBTCNN.

Điều 16. Chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường

1. Quyết định giải quyết bồi thường phải được gửi cho người bị thiệt hại, Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án có trách nhiệm bồi thường, Tòa án nhân dân tối cao và người đã tiến hành tố tụng có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại.

2. Việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại được thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TNBTCNN.

3. Quyết định giải quyết bồi thường được gửi cho Tòa án cấp trên của Tòa án có trách nhiệm bồi thường và Tòa án nhân dân tối cao kèm theo báo cáo về việc giải quyết bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch này.

Điều 17. Khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về bồi thường nhà nước Người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về bồi thường nhà nước trong các trường hợp sau đây:

1. Người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường của Tòa án có trách nhiệm bồi thường được ban hành theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật TNBTCNN.

2. Hết thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật TNBTCNN mà Tòa án có trách nhiệm bồi thường không ra quyết định giải quyết bồi thường.

Điều 18. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về bồi thường nhà nước

1. Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về bồi thường nhà nước là Tòa án nhân dân cấp huyện theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật TNBTCNN.

2. Trường hợp Tòa án nhân dân cấp huyện theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật TNBTCNN là Tòa án có trách nhiệm bồi thường thì Tòa án nhân dân cấp huyện báo cáo Tòa án nhân dân cấp trên trực tiếp để Tòa án nhân dân cấp trên trực tiếp của Tòa án đó lấy vụ án lên giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.

Điều 19. Thủ tục giải quyết tranh chấp về bồi thường nhà nước

Thủ tục giải quyết tranh chấp về bồi thường nhà nước tại Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Điều 20. Chi trả tiền bồi thường

Căn cứ vào quyết định giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có trách nhiệm bồi thường hoặc bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án giải quyết vụ án tranh chấp về bồi thường nhà nước, Tòa án có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của Chương VI Luật TNBTCNN và văn bản hướng dẫn thi hành.

Chương IV

THỦ TỤC THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM HOÀN TRẢ

CỦA NGƯỜI ĐÃ TIẾN HÀNH TỐ TỤNG

Điều 21. Thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả

1. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày đã thực hiện xong việc chi trả tiền bồi thường, Chánh án Tòa án có trách nhiệm bồi thường phải ban hành quyết định thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả (sau đây gọi tắt là Hội đồng) theo Mẫu số 10 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

Trường hợp Chánh án Tòa án là người đã tiến hành tố tụng đã gây thiệt hại thì tập thể lãnh đạo Tòa án có trách nhiệm bồi thường cùng thảo luận, thống nhất ban hành quyết định thành lập Hội đồng.

2. Thành phần Hội đồng bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là Chánh án Tòa án có trách nhiệm bồi thường.

Trường hợp Chánh án Tòa án là người đã tiến hành tố tụng gây ra thiệt hại hoặc là người thân thích của người đã tiến hành tố tụng gây ra thiệt hại hoặc của người bị thiệt hại thì tập thể lãnh đạo Tòa án có trách nhiệm bồi thường cùng thảo luận, thống nhất cử một Phó Chánh án là Chủ tịch Hội đồng;

b) Đại diện tổ chức công đoàn của Tòa án có trách nhiệm bồi thường;

c) Đại diện bộ phận tổ chức, cán bộ của cơ quan đang quản lý người đã tiến hành tố tụng gây ra thiệt hại;

d) Người phụ trách công tác tài chính - kế toán của Tòa án có trách nhiệm bồi thường;

đ) Chuyên gia về ngành kinh tế, kỹ thuật và pháp lý có liên quan.

Trường hợp có nhiều người đã tiến hành tố tụng thuộc các Tòa án khác nhau cùng gây ra thiệt hại thì đại diện lãnh đạo của các Tòa án này phải tham gia Hội đồng.

Người tham gia Hội đồng không được là người thân thích của người đã tiến hành tố tụng gây ra thiệt hại hoặc của người bị thiệt hại.

Điều 22. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng

Hội đồng có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Xem xét, đánh giá mức độ thiệt hại của người bị thiệt hại, mức độ lỗi của từng người đã tiến hành tố tụng gây ra thiệt hại;

2. Xác định điều kiện kinh tế của từng người đã tiến hành tố tụng gây ra thiệt hại;

3. Kiến nghị với Chánh án Tòa án có trách nhiệm bồi thường hoặc Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp nếu Chánh án Tòa án có trách nhiệm bồi thường là người gây ra thiệt hại về mức hoàn trả và phương thức hoàn trả đối với từng người gây thiệt hại;

4. Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 23. Ban hành quyết định hoàn trả

1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đã thực hiện xong việc chi trả tiền bồi thường, Chánh án Tòa án có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào kiến nghị của Hội đồng để ban hành quyết định hoàn trả theo Mẫu số 11 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

Trường hợp Chánh án Tòa án là người đã tiến hành tố tụng gây ra thiệt hại thì Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp có thẩm quyền ban hành quyết định hoàn trả.

2. Trường hợp người có thẩm quyền ban hành quyết định hoàn trả có ý kiến khác với kiến nghị của Hội đồng thì có quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định đó.

Điều 24. Thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền hoàn trả

1. Người có nghĩa vụ hoàn trả phải thực hiện đúng thời hạn, mức và phương thức hoàn trả ghi trong quyết định hoàn trả.

2. Trường hợp đã có một trong những văn bản quy định tại các điểm a, b khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch này xác định hành vi trái pháp luật của người đã tiến hành tố tụng, thì người đã tiến hành tố tụng có nghĩa vụ hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

3. Trường hợp đã có một trong những văn bản quy định tại khoản 1, các điểm c và d khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch này xác định hành vi trái pháp luật của người đã tiến hành tố tụng, thì việc xác định mức hoàn trả của người đã tiến hành tố tụng có hành vi trái pháp luật thực hiện theo quy định của Điều 57 Luật TNBTCNN và Điều 16 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TNBTCNN.

4. Tòa án có trách nhiệm bồi thường phải thu và nộp đầy đủ, kịp thời toàn bộ khoản tiền hoàn trả vào ngân sách nhà nước theo quy định của Luật TNBTCNN và văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 25. Xử lý người đã tiến hành tố tụng không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả

1. Người có nghĩa vụ hoàn trả đã được Tòa án có trách nhiệm bồi thường thông báo đến lần thứ ba về việc hoàn trả mà không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả thì bị kỷ luật theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp người có nghĩa vụ hoàn trả đã chuyển công tác đến cơ quan khác trong bộ máy nhà nước thì cơ quan nhà nước đang trực tiếp quản lý người có nghĩa vụ hoàn trả có trách nhiệm đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ hoàn trả và quyết định biện pháp xử lý theo quy định tại khoản 1 của Điều này và thông báo với Tòa án có trách nhiệm bồi thường, người đã ra quyết định hoàn trả.

3. Trường hợp người có nghĩa vụ hoàn trả không còn làm việc trong các cơ quan nhà nước thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện các biện pháp thu hồi khoản tiền hoàn trả theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Xử lý trách nhiệm hoàn trả khi Tòa án có trách nhiệm bồi thường ban hành quyết định hoàn trả trong trường hợp người có trách nhiệm hoàn trả bị chết

Trường hợp Tòa án có trách nhiệm bồi thường đã ban hành quyết định hoàn trả mà người có trách nhiệm hoàn trả bị chết, thì những người thừa kế di sản của người có trách nhiệm hoàn trả phải thực hiện nghĩa vụ của người có trách nhiệm hoàn trả.

Trường hợp những người thừa kế di sản của người có trách nhiệm hoàn trả không thực hiện nghĩa vụ, thì Tòa án có trách nhiệm bồi thường thực hiện các biện pháp thu hồi khoản tiền hoàn trả theo quy định của pháp luật.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 11 năm 2012.

2. Kể từ ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành, trường hợp Tòa án xét xử người đã tiến hành tố tụng về hành vi ra bản án mà biết rõ là trái pháp luật hoặc ra quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án thì Tòa án tách việc giải quyết trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để giải quyết theo quy định của Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3. Kể từ ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành, trường hợp đã có bản án, quyết định hình sự xác định người đã tiến hành tố tụng phạm tội ra bản án trái pháp luật hoặc tội ra quyết định trái pháp luật hoặc tội làm sai lệch hồ sơ vụ án mà đã giải quyết trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong bản án, quyết định hình sự đó, thì không áp dụng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này để tách việc giải quyết trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị đối với bản án, quyết định hình sự về việc giải quyết trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (nếu có) được thực hiện theo thủ tục tố tụng hình sự.

Điều 28. Tổ chức thực hiện

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị cá nhân, cơ quan, tổ chức phản ánh về Tòa án nhân dân tối cao để Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp nghiên cứu, giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=27844&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận