Thông tưTHÔNG TƯ
LIÊN TỊCH
Hướng dẫn xử lý nợ quá hạn của các Ngân hàng
quốc doanh qua chấn chỉnh hoạt động Ngân hàng sau thanh tra
Để triển khai ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 25/TB ngày 17 tháng 03 năm 1997 và Công văn số 4086/KTTH ngày 15 tháng 8 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý nợ quá hạn các Ngân hàng thương mại quốc doanh, sau khi có sự trao đổi và thống nhất với Thanh tra Nhà nước, nay Liên Bộ hướng dẫn triển khai thực hiện như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi xử lý nợ quá hạn
1.1. Nợ quá hạn đến thời điểm 31 tháng 12 năm 1996 của các Ngân hàng thương mại quốc doanh mà dư nợ đó vẫn còn đến 30-9-1997.
1.2. Các khoản nợ quá hạn phát sinh sau thời điểm 31-12-1996 và những khoản nợ quá hạn tuy còn dư nợ đến 31-12-1996, nhưng sau đó Ngân hàng thương mại đã thu hồi thì không thuộc phạm vi xử lý tại Thông tư này.
1.3. Những khoản nợ quá hạn đã được Chính phủ cho phép khoanh từ năm 1995 về trước, sẽ được xử lý trong thanh toán công nợ giai đoạn II và các quy định khác của Chính phủ và Liên Bộ.
2. Đối tượng được xử lý nợ quá hạn
2.1. Các doanh nghiệp Nhà nước.
2.2. Các hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ hải sản, xây dựng...
2.3. Tư nhân, cá thể, hộ nông dân thuộc các ngành nghề; nông, lâm, ngư, diêm nghiệp.
II. PHÂN LOẠI VÀ PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ NỢ QUÁ HẠNA. NỢ QUÁ HẠN DO NGUYÊN NHÂN CHỦ QUAN.
1. Nợ quá hạn do nguyên nhân chủ quan về phía các Ngân hàng cho vay:
1.1. Xác định nguyên nhân gồm:
a. Vi phạm các quy định trong thể lệ tín dụng;
b. Cán bộ Ngân hàng thông đồng với khách hàng, vay ké, vay hộ, thu nợ không nộp Ngân hàng.
1.2. Hướng xử lý: Phải áp dụng các biện pháp tận thu, số còn lại phải quy trách nhiệm cụ thể (kể cả lãnh đạo và cán bộ nhân viên).
1.3. Thủ tục xử lý: Ngân hàng Nhà nước Trung ương hướng dẫn việc kiểm tra và xử lý cụ thể đối với loại nợ này, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo.
2. Nợ quá hạn do nguyên nhân khách hàng cố ý lừa đảo, chụp giật:
2.1. Hướng xử lý: Bằng mọi biện pháp tận thu.
2.2. Thủ tục xử lý: Sau khi áp dụng các biện pháp tận thu, các Ngân hàng thương mại quốc doanh đề nghị khởi tố trước pháp luật và báo cáo kết quả lên Ngân hàng Nhà nước.
3. Nợ quá hạn do nguyên nhân khách hàng là doanh nghiệp Nhà nước sử dụng vốn vay sai mục đích.
3.1. Hướng xử lý: Bảo đảm thu hồi nợ.
3.2. Thủ tục xử lý: Các Ngân hàng thương mại quốc doanh tổng hợp, báo cáo Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính để kiểm tra, làm rõ nguyên nhân và chỉ đạo các biện pháp thu hồi hoặc có biện pháp xử lý thích hợp.
B. NỢ QUÁ HẠN DO NGUYÊN NHÂN KHÁCH QUAN1. Nợ quá hạn do nguyên nhân khách quan, được xem xét cho xoá nợ:
1.1. Các nguyên nhân, gồm:
a. Nguyên nhân bất khả kháng: thiên tai, lũ lụt, mất mùa, dịch bệnh đối với các khách hàng vay thuộc đối tượng quy định tại điểm 2, mục I trên đây và là khách hàng không còn khả năng trả nợ Ngân hàng.
b. Đã có quyết định tuyên bố phá sản của Toà án Nhân dân hoặc quyết định giải thể đối với những khách hàng vay thuộc đối tượng quy định tại điểm 2.1. và 2.2, mục I trên đây, nay không còn khả năng trả nợ Ngân hàng.
c. Do khách hàng vay thuộc đối tượng quy định tại điểm 2.3 mục I trên đây đã chết hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết theo quy định của pháp luật (Điều 91 Bộ Luật dân sự) hoặc tuyên bố là mất tích (Điều 88), không còn khả năng và tài sản để trả nợ Ngân hàng, không còn người thừa kế tài sản theo quy định của pháp luật.
1.2. Hồ sơ, thủ tục.
a. Hồ sơ đề nghị xoá nợ đối với nguyên nhân ở tiết a điểm 1.1 phần B mục II trên đây, gồm:
Đề nghị của bên vay vốn.
Biên bản xác định thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, mất mùa, tai nạn, dịch bệnh đối với đối tượng vay vốn, ghi rõ mức độ và số vốn bị thiệt hại, có đề nghị hoặc xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương vào thời điểm xẩy ra thiệt hại, cụ thể như sau:
Doanh nghiệp Nhà nước: xác nhận của uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố; xác nhận của Cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp Nhà nước địa phương) hoặc Tổng cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp Trung ương); xác nhận của cơ quan chức năng có liên quan đến nguyên nhân này ở địa phương; xác nhận của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố và của Ngân hàng cho vay.
Hợp tác xã: xác nhận của uỷ ban Nhân dân cấp xã, phường; Uỷ ban Nhân dân huyện, quận; phòng tài chính huyện, quận; cơ quan chức năng có liên quan đến nguyên nhân này ở địa phương; Ngân hàng cho vay.
Tư nhân, cá thể, hộ sản xuất (thuộc điểm 2.3 mục I trên đây): xác nhận của uỷ ban Nhân dân cấp xã, phường; công an xã, phường và Ngân hàng cho vay.
Khế ước vay vốn (do Giám đốc chi nhánh Ngân hàng cho vay ký sao y)
b. Hồ sơ đề nghị xoá nợ đối với nguyên nhân thuộc tiết b điểm 1.1 phần B mục II trên đây, bao gồm:
Quyết định tuyên bố phá sản của Toà án hoặc quyết định giải thể (có công chứng).
Phương án giải thể, phương án phân chia tài sản của doanh nghiệp, báo cáo quyết toán quá trình giải thể doanh nghiệp (hoặc báo cáo thanh lý và tài sản doanh nghiệp);
Khế ước vay vốn (do Giám đốc chi nhánh Ngân hàng cho vay ký sao y).
c. Hồ sơ, thủ tục đề nghị xoá nợ đối với nguyên nhân thuộc tiết c điểm 1.1 phần B mục II trên đây, gồm: Các giấy tờ chứng minh việc khách hàng đã chết hoặc đã bị Toà án tuyên bố là đã chết theo quy định của pháp luật (trường hợp bị chết hoặc tuyên bố mất tích, bị chết của Toà án theo các Điều 60, 63, 88, 91 của Bộ Luật dân sự).
1.3. Hạch toán xoá nợ.
Căn cứ vào quyết định xoá nợ của ban chỉ đạo xử lý nợ quá hạn Trung ương và hồ sơ pháp lý liên quan, kế toán Ngân hàng thương mại quốc doanh cơ sở lập chứng từ ghi sổ để hạch toán:
Nợ: Tài khoản thích hợp (tuỳ theo nguồn vốn được chỉ định và quan hệ thanh toán cụ thể).
Có: Tài khoản nợ quá hạn (ứng với tài khoản nợ được xoá).
Xuất: Tài khoản ngoại bảng: lãi treo của khoản nợ được xoá.
2. Nợ quá hạn do nguyên nhân khách quan xét cho khoanh nợ từ 3 năm đến 5 năm, trong thời gian khoanh nợ khách hàng không phải trả lãi.
2.1. Đối tượng: Là doanh nghiệp Nhà nước.
2.2. Xác định các nguyên nhân, gồm:
a. Do những khách hàng vay có chức năng xuất - nhập khẩu hàng hoá trực tiếp bị ảnh hưởng của việc thay đổi cơ chế, chính sách của Nhà nước (cấm xuất khẩu gỗ, gạo, mất thị trường...);
b. Do sắp xếp lại doanh nghiệp;
c. Cho vay theo chỉ định hoặc quyết định của cấp trên (chủ yếu phát sinh tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, cho vay theo kế hoạch của Nhà nước, cho vay mua kén, mua lợn hơi để bình ổn về giá...).
2.3. Hồ sơ, thủ tục gồm:
a. Các văn bản có liên quan trực tiếp đến việc phát sinh nợ quá hạn của các doanh nghiệp.
b. Đề nghị của doanh nghiệp, có xác nhận của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành (doanh nghiệp Trung ương: Bộ chuyên ngành; doanh nghiệp địa phương: Uỷ ban Nhân dân các cấp quyết định thành lập doanh nghiệp), của Ngân hàng thương mại quốc doanh về nguyên nhân phát sinh nợ quá hạn.
c. Phương án kinh doanh có hiệu quả và kế hoạch trả nợ Ngân hàng sau khi hết thời hạn khoanh nợ được cơ quan quản lý chuyên ngành và Ngân hàng cho vay thoả thuận.
d. Khế ước vay vốn (do Giám đốc chi nhánh Ngân hàng cho vay ký sao y).
3. Nợ quá hạn do nguyên nhân khách quan xét cho giãn nợ từ 3 đến 5 năm, vẫn tính và thu lãi trong thời gian giãn nợ.
3.1. Đối tượng: Là doanh nghiệp Nhà nước;
3.2. Xác định nguyên nhân:
Đây là các khoản nợ Ngân hàng đã quá hạn do khách hàng vay là doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh thua lỗ, nhưng do yêu cầu của nền kinh tế hoặc của địa phương mà doanh nghiệp đó cần phải tiếp tục được duy trì hoạt động.
3.3. Hồ sơ, thủ tục, điều kiện đề nghị giãn nợ, gồm:
a. Văn bản đề nghị của doanh nghiệp, có xác nhận của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành (như mục II, phần B, điểm 2.3 tiết b trên đây) về sự cần thiết duy trì hoạt động của doanh nghiệp, phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và của Ngân hàng cho vay.
b. Phương án sản xuất - kinh doanh có hiệu quả và kế hoạch trả nợ Ngân hàng sau khi hết thời hạn giãn nợ được cơ quan quản lý chuyên ngành và Ngân hàng cho vay, thoả thuận.
c. Khế ước vay Ngân hàng (do Giám đốc chi nhánh Ngân hàng cho vay ký sao y).
III. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
1. Thành lập Ban chỉ đạo xử lý nợ quá hạn:
1.1. ở Trung ương: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm trưởng ban; các thành viên gồm: Lãnh đạo các Bộ Tài chính, Thanh tra Nhà nước. Mỗi Bộ, ngành nêu trên cử một cán bộ cấp Vụ và một số chuyên viên giúp việc.
1.2. ở Tỉnh, Thành phố: Chỉ tịch uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố quyết định thành lập Ban chỉ đạo gồm: Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố làm Trưởng ban; các thành viên gồm: Giám đốc sở Tài chính - Vật giá, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (Thường trực), Cục trưởng Cục Quản lý vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp, Thanh tra Nhà nước tỉnh. Mỗi ngành cử một số chuyên viên giúp việc.
2. Nhiệm vụ của các ngành, các cấp trong việc lập, kiểm tra và tổng hợp hồ sơ, mẫu biểu báo cáo phân loại nợ quá hạn:
2.1. Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Ngân hàng quốc doanh Việt Nam:
2.1.1. Chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc thực hiện việc tập hợp hồ sơ, thủ tục, báo cáo phân loại theo hướng dẫn tại Thông tư này. Các chi nhánh có trách nhiệm thực hiện những việc làm cụ thể sau đây:
a. Là đơn vị chịu trách nhiệm trong việc xác định các đối tượng khách hàng được xử lý theo quy định tại điểm 1 và 2, mục I Thông tư này. Cụ thể là:
Kiểm tra, xác định đúng các đối tượng khách hàng trong diện được xem xét xử lý nợ quá hạn;
Xác định đúng phạm vi và mức dư nợ quá hạn nhằm tránh trùng lặp trong việc xem xét xử lý nợ quá hạn.
b. Tập hợp đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định tại mục II Thông tư này, sắp xếp hồ sơ các khoản nợ theo từng loại nguyên nhân.
c. Trên cơ sở đối tượng khách hàng, phạm vi dư nợ quá hạn được xử lý và hồ sơ thủ tục trên đây, lập các mẫu biểu kèm theo Thông tư này, lấy xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền theo hướng dẫn tại Thông tư. Mẫu biểu đính kèm gồm:
Biểu X1, X2; Tổng hợp chi tiết nợ quá hạn xét cho xoá nợ;
Biểu K1, K2: Tổng hợp nợ quá hạn xét cho khoanh nợ;
Biểu G1, G2: Tổng hợp nợ quá hạn xét cho giãn nợ.
d. Các Chi nhánh Ngân hàng thương mại quốc doanh gửi hồ sơ về Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố, đồng gửi về Hội sở chính Ngân hàng thương mại quốc doanh Việt Nam, thời gian hoàn thành trước 15-12-1997.
2.1.2. Tiếp nhận và tổ chức kiểm tra bảo đảm chính xác, đúng đắn, đầy đủ của hồ sơ pháp lý về phân loại các khoản nợ do chi nhánh trực thuộc gửi lên sau khi đã có xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền trên hồ sơ theo quy định tại phần B mục II Thông tư này.
2.1.3. Tổng hợp các mẫu biểu báo cáo phân loại nợ quá hạn của hệ thống Ngân hàng mình, gửi Ban chỉ đạo Trung ương theo đúng hướng dẫn tại Thông tư này. Thời gian hoàn thành: trước ngày 31-12-1997.
2.1.4. Kiểm tra, xác định rõ những khoản nợ quá hạn Ngân hàng do khách hàng vay có ý đồ lừa đảo, chụp dựt..., phối hợp với các cơ quan chức năng để có biện pháp tận thu hoặc đề nghị khởi tố trước pháp luật (khi cần thiết). Thời gian hoàn thành trong tháng 1-1998.
2.2. Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố:
2.2.1. Chỉ đạo các Chi nhánh Ngân hàng thương mại quốc doanh trên địa bàn thực hiện việc lập hồ sơ theo hướng dẫn tại phần B mục II Thông tư này.
2.2.2. Tổ chức kiểm tra, xác định tính đúng đắn, đầy đủ và ký xác nhận theo trách nhiệm trên hồ sơ pháp lý về phân loại các khoản nợ theo hướng dẫn tại Thông tư này. Thời gian hoàn thành: trước ngày 15 tháng 12 năm 1997.
2.3. Ngân hàng Nhà nước Trung ương:
2.3.1. Hướng dẫn việc kiểm tra và xử lý cụ thể nợ quá hạn do nguyên nhân chủ quan tại phần A, mục II Thông tư này.
2.3.2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Thanh tra Nhà nước các nội dung công việc về:
a. Trình Thủ tướng Chính phủ về nguồn vốn bù đắp cho Ngân hàng Nhà nước do đã xử lý xoá nợ đối với các Ngân hàng thương mại quốc doanh.
b. Kiểm tra, hướng dẫn cụ thể việc xử lý (chuyển vốn, hạch toán, kế toán) để thực hiện điểm 3 tại Công văn số 4086/KTTH ngày 15-8-1997 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các phương pháp xoá nợ quy định tại điểm 1, phần B mục II "Đối với các khoản nợ được xoá, các Ngân hàng thương mại quốc doanh được hạch toán dần vào chi phí, quỹ bù đắp rủi ro của Ngân hàng, hoặc được giảm nợ vay Ngân hàng Nhà nước".
Hướng dẫn phương pháp cho khoanh nợ quy định tại điểm 2, phần B, mục II và phương pháp cho giãn nợ quy định tại điểm 3, phần B, mục II tại Thông tư này đối với các Ngân hàng thương mại quốc doanh.
c. Làm rõ để kiến nghị cơ quan chức năng xử lý những khách hàng vay đã sử dụng vốn vay Ngân hàng sai mục đích có khả năng thất thoát.
2.4. Ban chỉ đạo Trung ương:
2.4.1. Chỉ đạo các Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố và các Ngân hàng thương mại quốc doanh thực hiện theo đúng các nội dung hướng dẫn tại Thông tư này.
2.4.2. Tổ chức kiểm tra hồ sơ, thủ tục và báo cáo phân loại nợ quá hạn; tổng hợp số liệu của các Ngân hàng thương mại quốc doanh gửi lên đề nghị xoá, khoanh và giãn nợ theo phần B, mục II Thông tư; thống nhất biện pháp xử lý từng trường hợp cụ thể, giao Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện theo nội dung (2.3.2 b) điểm 2, mục III Thông tư này.
2.4.3. Báo cáo kết quả xử lý nợ quá hạn lên Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 1998.
3. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành. Trong quá trình thực hiện, có khó khăn, vướng mắc phản ánh về Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương (Ngân hàng Nhà nước Trung ương) để nghiên cứu, giải quyết./.