THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn việc tạm nhập khẩu, nhập khẩu hoặc mua miễn thuế tại Việt Nam, xuất khẩu, tái xuất khẩu, chuyển nhượng và tiêu hủy những vật dụng cần thiết phục vụ cho nhu cầu công tác và sinh hoạt của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam
_________________________
Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 30 tháng 07 năm 1994 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;
Liên Bộ Công Thương - Tài chính - Ngoại giao thống nhất hướng dẫn việc tạm nhập khẩu, nhập khẩu hoặc mua miễn thuế tại Việt Nam, xuất khẩu, tái xuất khẩu, chuyển nhượng và tiêu huỷ những vật dụng cần thiết phục vụ cho nhu cầu công tác và sinh hoạt của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam như sau:
I. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập như quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 của Nghị định số 73/CP ngày 30 tháng 07 năm 1994.
2. Viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự và viên chức thuộc cơ quan đại diện tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tương đương theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
3. Nhân viên hành chính và kỹ thuật của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và nhân viên thuộc cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tương đương theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
II. Quy định về danh mục và định lượng các vật dụng được tạm nhập khẩu, nhập khẩu hoặc mua miễn thuế tại Việt nam
1. Đối tượng nêu tại Mục I Thông tư này được tạm nhập khẩu, nhập khẩu hoặc mua tại Việt Nam những vật dụng theo danh mục và định lượng tại Phụ lục 1, Phụ lục 2, Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này và được miễn các loại thuế, phí, lệ phí, trừ phí lưu kho, cước vận chuyển và cước phí về những dịch vụ tương tự theo quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam, cụ thể như sau:
a) Phụ lục 1: Danh mục và định lượng vật dụng cần thiết phục vụ cho nhu cầu công tác và sinh hoạt của đối tượng nêu tại khoản 1 Mục I Thông tư này.
b) Phụ lục 2: Danh mục và định lượng vật dụng cần thiết phục vụ cho nhu cầu công tác và sinh hoạt của đối tượng nêu tại khoản 2 Mục I Thông tư này.
c) Phụ lục 3: Danh mục và định lượng vật dụng cần thiết phục vụ cho nhu cầu công tác và sinh hoạt của đối tượng nêu tại khoản 3 Mục I Thông tư này. Đối tượng này chỉ được tạm nhập khẩu, nhập khẩu hoặc mua miễn thuế tại Việt Nam các vật dụng theo định lượng tại Phụ lục 3 ban hành kèm Thông tư này trong vòng 6 tháng kể từ ngày đối tượng đó được Bộ Ngoại giao cấp chứng minh thư sau khi đến nhận nhiệm vụ tại cơ quan đại diện tại Việt Nam.
2. Ngoài những vật dụng nêu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này, đối tượng nêu tại khoản 1 Mục I Thông tư này được phép nhập khẩu hoặc mua tại Việt Nam các vật dụng, hàng hóa cần thiết khác ở mức tối thiểu để phục vụ cho nhu cầu công tác, sinh hoạt và được miễn các loại thuế, phí và lệ phí, trừ phí lưu kho, cước vận chuyển và cước phí về những dịch vụ tương tự theo quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam.
Nếu vật dụng ngoài danh mục nêu trên thuộc loại hàng hóa nhập khẩu không có điều kiện, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm xem xét giải quyết.
Nếu vật dụng ngoài danh mục nêu trên thuộc loại hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp nhận và kiến nghị tới Bộ Công Thương, Bộ Công Thương có trách nhiệm xem xét giải quyết.
Vật dụng, hàng hoá mua miễn thuế tại Việt Nam phải không thuộc danh mục hàng hoá cấm kinh doanh. Vật dụng, hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam phải không thuộc danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu.
3. Khi có nhu cầu hợp lý, đối tượng nêu tại khoản 1 Mục I Thông tư này được tạm nhập khẩu, nhập khẩu hoặc mua tại Việt Nam vượt định lượng hoặc ngoài danh mục đối với vật dụng tại Phụ lục 1, được miễn các loại thuế, phí và lệ phí, trừ phí lưu kho, cước vận chuyển và cước phí về những dịch vụ tương tự theo quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam.
4. Căn cứ vào sổ định mức hàng miễn thuế hoặc công văn của Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan được Bộ Ngoại giao ủy quyền, đối tượng nêu tại Mục I Thông tư này làm thủ tục tại cơ quan hải quan.
5. Các đối tượng nêu tại Mục I Thông tư này khi mua hàng tại các địa điểm Nhà nước Việt Nam cho phép bán hàng miễn thuế thì mới được miễn các loại thuế, phí, lệ phí.
III. Quy định về điều kiện được tạm nhập khẩu hoặc mua miễn thuế tại việt nam các vật dụng là xe ô tô, xe mô tô
1. Đối tượng nêu tại khoản 2 Mục I được hưởng tiêu chuẩn miễn thuế xe ô tô, xe mô tô tại Phụ lục 2 ban hành kèm Thông tư này nếu thoả mãn điều kiện sau:
a) Có thời gian công tác tại cơ quan đại diện tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày đăng ký tạm trú và được Bộ Ngoại giao cấp giấy chứng minh thư.
b) Thời gian công tác theo chứng minh thư được cấp còn từ 6 tháng trở lên.
2. Đối tượng nêu tại khoản 3 Mục I được hưởng tiêu chuẩn miễn thuế xe ô tô, xe mô tô tại Phụ lục 3 ban hành kèm Thông tư này nếu thoả mãn điều kiện sau:
a) Có thời gian công tác tại cơ quan đại diện tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày đăng ký tạm trú và được Bộ Ngoại giao cấp giấy chứng minh thư.
b) Điều kiện về thời hạn nêu tại điểm c khoản 1 Mục II.
3. Việc tạm nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng theo hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2 Mục này phải tuân thủ điều kiện, trình tự, thủ tục nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài; Quyết định số 35/2005/QĐ-BGTVT ngày 21 tháng 07 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTM-BGTVT-BTC-BCA ngày 31 tháng 03 năm 2006 của liên Bộ Thương mại, Giao thông Vận tải, Tài chính, Công an hướng dẫn việc nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi đã qua sử dụng theo Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ.
IV. Quy định về tái xuất khẩu, xuất khẩu, chuyển nhượng và tiêu huỷ những vật dụng tạm nhập khẩu hoặc mua miễn thuế tại Việt Nam
1. Tái xuất khẩu và xuất khẩu:
a) Khi tái xuất khẩu xe ô tô, xe mô tô đã tạm nhập khẩu hoặc xuất khẩu xe ô tô, xe mô tô đã mua miễn thuế tại Việt Nam, các đối tượng nêu tại Mục I Thông tư này được miễn các loại thuế, phí và lệ phí liên quan theo quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam.
b) Sau khi tái xuất khẩu hoặc xuất khẩu, các đối tượng nêu tại Mục I Thông tư này được tạm nhập khẩu hoặc mua miễn thuế tại Việt Nam bổ sung đủ định lượng xe ô tô, xe mô tô theo các điều kiện quy định tại Mục III Thông tư này. Riêng đối với đối tượng nêu tại khoản 2, khoản 3 Mục I phải thoả mãn điều kiện: thời gian công tác tại Việt Nam theo chứng minh thư được cấp còn tối thiểu từ 6 tháng trở lên kể từ ngày hoàn thành thủ tục tái xuất khẩu hoặc xuất khẩu.
2. Chuyển nhượng:
a) Các đối tượng nêu tại Mục I Thông tư này đã tạm nhập khẩu hoặc mua miễn thuế tại Việt Nam xe ô tô, xe mô tô được chuyển nhượng tại Việt Nam trong các trường hợp sau đây:
- Tính từ thời điểm được cấp Giấy phép đăng ký lưu hành xe, đã sử dụng tại Việt Nam quá thời gian sau:
+ Đối với đối tượng nêu tại khoản 1 Mục I Thông tư này: ít nhất sau 24 tháng.
+ Đối với đối tượng nêu tại khoản 2, khoản 3 Mục I Thông tư này: ít nhất sau 12 tháng.
- Khi kết thúc thời gian công tác tại Việt Nam (đối với đối tượng nêu tại khoản 2, khoản 3 Mục I Thông tư này).
b) Xe ô tô, xe mô tô bị tai nạn, hoả hoạn, thiên tai, không thể tiếp tục sử dụng phục vụ công tác ngoại giao phải được Bộ Công an Việt Nam hoặc cơ quan giám định có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản. Trong trường hợp thời gian công tác tại Việt Nam còn từ 6 tháng trở lên, các đối tượng nêu tại khoản 2, khoản 3 Mục I Thông tư này mới được tạm nhập khẩu, nhập khẩu hoặc mua miễn thuế tại Việt Nam xe ô tô, xe mô tô thay thế.
c) Các đối tượng nêu tại Mục I Thông tư này chuyển nhượng cho nhau thì được miễn các loại thuế, phí, lệ phí liên quan và trừ vào định lượng tại các Phụ lục 1, Phụ lục 2, Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này của đối tượng được chuyển nhượng (người mua). Mọi trường hợp chuyển nhượng khác, đối tượng chuyển nhượng (người bán) phải nộp đủ các loại thuế, phí và lệ phí theo quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam.
d) Sau khi kết thúc thủ tục chuyển nhượng, các đối tượng nêu tại khoản 1 Mục I Thông tư này được tạm nhập khẩu hoặc mua miễn thuế tại Việt Nam để bổ sung đủ định lượng xe ô tô, xe mô tô tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
Đ. Trừ trường hợp nêu tại điểm b khoản 2 Mục này, trước khi chuyển nhượng đối tượng nêu tại khoản 2, khoản 3 Mục I Thông tư này phải có văn bản gửi Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) cam kết trong thời gian công tác còn lại ở Việt Nam không nhập khẩu miễn thuế hoặc mua tại các địa điểm Nhà nước Việt Nam cho phép bán hàng miễn thuế xe ô tô, xe mô tô để thay thế cho vật dụng đã chuyển nhượng.
3. Tiêu huỷ:
a) Đối tượng nêu tại Mục I Thông tư này có nhu cầu tiêu hủy hoặc bắt buộc phải tiêu huỷ các vật dụng tạm nhập khẩu, nhập khẩu hoặc mua miễn thuế tại Việt Nam do không còn đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng phải gửi văn bản yêu cầu đến Bộ Ngoại giao trên cơ sở văn bản giám định của cơ quan giám định có thẩm quyền.
b) Việc tiêu huỷ xe ô tô, xe mô tô tạm nhập khẩu hoặc mua miễn thuế tại Việt Nam theo quy định tại Thông tư này chỉ được thực hiện khi có sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Ngoại giao.
c) Sau khi tiêu hủy, các đối tượng nêu tại Mục I Thông tư này được tạm nhập khẩu hoặc mua miễn thuế tại Việt Nam bổ sung định lượng đối với xe ô tô, xe mô tô theo các điều kiện quy định tại Mục III Thông tư này. Riêng đối với đối tượng nêu tại khoản 2, khoản 3 Mục I Thông tư này phải thỏa mãn điều kiện: Thời gian công tác tại Việt Nam theo chứng minh thư được cấp còn tối thiểu từ 6 tháng trở lên kể từ ngày hoàn thành thủ tục tiêu hủy.
d) Việc tiêu huỷ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
V. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan
1. Bộ Ngoại giao:
a) Xác định đối tượng được hưởng ưu đãi theo hướng dẫn tại Thông tư này.
b) Thông báo Thông tư này cho các đối tượng nêu tại Mục I.
c) Xem xét, giải quyết việc cho phép đối tượng thuộc khoản 1 Mục I được tạm nhập khẩu, nhập khẩu hoặc mua miễn thuế tại Việt Nam đối với hàng hoá, vật dụng vượt định lượng quy định trong Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
d) Xem xét, giải quyết việc cho phép đối tượng thuộc khoản 1 Mục I được tạm nhập khẩu, nhập khẩu hoặc mua miễn thuế tại Việt Nam hàng hoá, vật dụng không thuộc loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện hoặc nhập khẩu có điều kiện ngoài danh mục quy định trong Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
đ) Tiếp nhận yêu cầu của đối tượng thuộc khoản 1 Mục I về việc tạm nhập khẩu, nhập khẩu hoặc mua miễn thuế tại Việt Nam hàng hóa, vật dụng ngoài danh mục quy định trong Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này thuộc loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện hoặc nhập khẩu có điều kiện. Sau khi tiếp nhận yêu cầu, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm kiến nghị Bộ Công Thương quyết định.
e) Xem xét, giải quyết việc tiêu huỷ xe ô tô, xe mô tô tạm nhập khẩu hoặc mua miễn thuế tại Việt Nam theo quy định tại Thông tư này.
g) Cấp và quản lý sổ định mức hàng miễn thuế.
2. Bộ Tài chính:
a) Ban hành và hướng dẫn việc sử dụng sổ định mức hàng miễn thuế theo Phụ lục 1, Phụ lục 2, Phụ lục 3.
b) Hướng dẫn và giải quyết thủ tục hải quan đối với các vật dụng khi tạm nhập khẩu, nhập khẩu hoặc mua tại địa điểm bán hàng miễn thuế, tái xuất khẩu, xuất khẩu, chuyển nhượng, tiêu huỷ theo quy định của Thông tư này và các văn bản pháp luật có liên quan.
3. Bộ Công Thương:
Xem xét, giải quyết yêu cầu của đối tượng thuộc khoản 1 Mục I về việc tạm nhập khẩu, nhập khẩu hoặc mua miễn thuế tại Việt Nam hàng hóa, vật dụng ngoài danh mục quy định trong Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này thuộc loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện hoặc nhập khẩu có điều kiện trên cơ sở kiến nghị của Bộ Ngoại giao.
4. Các đối tượng nêu tại Mục I Thông tư này:
a) Có trách nhiệm sử dụng các vật dụng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu và mua miễn thuế tại Việt Nam đúng mục đích và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
b) Các đối tượng nêu tại khoản 2, khoản 3 Mục I Thông tư này phải tái xuất khẩu, xuất khẩu, chuyển nhượng hoặc tiêu hủy xe ô tô, xe mô tô trong thời hạn ít nhất là 30 (ba mươi) ngày trước khi kết thúc thời gian công tác tại Việt Nam theo đăng ký tạm trú và chứng minh thư được cấp. Trong trường hợp không kịp tái xuất, xuất khẩu, chuyển nhượng hoặc tiêu hủy xe ô tô, xe mô tô, đối tượng này phải làm thủ tục trả biển số và huỷ đăng ký xe tại cơ quan cảnh sát giao thông và phải ủy quyền cho cơ quan đại diện giải quyết việc tái xuất khẩu, chuyển nhượng hoặc tiêu hủy; vật dụng đó được bảo quản tại cơ quan đại diện.
c) Trong trường hợp kết thúc thời gian công tác tại Việt Nam, đối tượng nêu tại khoản 2, khoản 3 Mục I Thông tư này chưa hoàn thành các thủ tục tái xuất khẩu, chuyển nhượng xe ô tô, xe mô tô thì cơ quan đại diện có trách nhiệm hoàn thành thủ tục nêu trên trong vòng 6 tháng kể từ ngày đối tượng nêu tại khoản 2, khoản 3 Mục I Thông tư này kết thúc nhiệm kỳ.
d) Phải trả lại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sổ định mức hàng miễn thuế trong thời hạn ít nhất 07 (bảy) ngày kể từ khi kết thúc thời gian công tác tại Việt Nam đối với đối tượng nêu tại khoản 2 Mục I và khi sổ hết hạn sử dụng đối với đối tượng nêu tại khoản 3 Mục I.
VI. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày đăng công báo.
2. Thông tư này thay thế các Thông tư liên bộ số 04/TTLB ngày 12 tháng 02 năm 1996, Thông tư liên bộ số 04BS/TTLB ngày 20 tháng 10 năm 1996 của liên Bộ Thương mại - Ngoại giao - Tài chính - Tổng cục Hải quan và các văn bản hướng dẫn liên quan khác.
3. Trong quá trình thực hiện, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính sẽ phối hợp xem xét giải quyết kịp thời những phát sinh, vướng mắc và hàng năm tổ chức họp rút kinh nghiệm việc thực hiện các hướng dẫn tại Thông tư này./.