Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 03/2014/TTLT-BNV-BQP-BLĐTBXH

Trần Thị Hà
Thông tư liên tịch 03/2014/TTLT-BNV-BQP-BLĐTBXH
Thông tư liên tịch
...
10/10/2014

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”

Lao động - Thương binh và Xã hội Nội vụ Quốc phòng
Thứ trưởng
2.014
Bộ Nội vụ

Toàn văn

 

THỒNG TƯ LIÊN TỊCH

hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 56/2013/NĐ-CP

ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết

và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định Danh hiệu

 vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”

________________

 

Căn cứ Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Căn cứ Nghị định số 58/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện khoản 1 Điều 2, Điều 4, Điều 5 và Điều 7 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (sau đây gọi tắt là Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ).

Điều 2. Một số quy định chung

1. Những bà mẹ được tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” là những bà mẹ có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

2. Con đẻ, con nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi phải được pháp luật thừa nhận hoặc chính quyền cấp xã xác nhận.

3. Điều kiện liên quan đến mẹ của liệt sĩ nêu trong Thông tư liên tịch này đồng thời là điều kiện liên quan đến mẹ của thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên quy định tại Điều 2 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều 3. Đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”

Đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thực hiện theo Điều 2 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định sau:

1. Trường hợp liệt sĩ là con đẻ đồng thời là con nuôi

Xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho cả hai bà mẹ nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

Ví dụ: Bà A có 02 con đẻ là liệt sĩ, trong đó có 01 con là con nuôi của bà B; bà B có 01 con đẻ là liệt sĩ và 01 con nuôi (con của bà A) là liệt sĩ, thì cả bà A và bà B đều được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

2. Liệt sĩ là con của bà mẹ này lại là chồng của bà mẹ khác

Xét tặng hoặc truy tặng đối với bà mẹ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; trường hợp cả hai bà mẹ đều đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho cả hai bà mẹ.

Ví dụ: Bà C có 02 con là liệt sĩ, trong đó có 01 con là chồng của bà H; bà C đủ điều kiện được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Bà H có chồng là liệt sĩ (con của bà C) và có 01 con là liệt sĩ, bà H cũng được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

3. Bà mẹ là vợ liệt sĩ tái giá hoặc bà mẹ là mẹ liệt sĩ tái giá

a) Xét tặng hoặc truy tặng cho bà mẹ là vợ liệt sĩ tái giá nhưng vẫn có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ của liệt sĩ và nuôi con của liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc vì thực hiện nhiệm vụ hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc con hoặc bố, mẹ của liệt sĩ. Các trường hợp này phải được chính quyền cấp xã nơi lập hồ sơ xác nhận.

b) Xét tặng hoặc truy tặng cho bà mẹ là mẹ liệt sĩ tái giá mà con của mẹ là liệt sĩ bao gồm con của chồng trước và con của chồng sau.

4. Trường hợp mẹ đẻ của 02 liệt sĩ đã chết khi 2 liệt sĩ đều chưa đến tuổi thành niên, mẹ kế có công nuôi dưỡng cả 2 liệt sĩ và đã được hưởng trợ cấp tiền tuất của 2 liệt sĩ thì mẹ kế được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

5. Bà mẹ có nhiều con nhưng đều đã chết, người con là liệt sĩ được xem là người con duy nhất.

Chỉ xét tặng hoặc truy tặng đối với bà mẹ mà những người con khác đều đã chết trước khi người con là liệt sĩ tham gia cách mạng.

Điều 4. Hồ sơ đề nghị xét tặng hoặc truy tặng

Hồ sơ đề nghị xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định sau:

1. Hồ sơ đề nghị xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” phải có văn bản xác nhận của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về liệt sĩ, thương binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và người thân của liệt sĩ, thương binh.

2. Những trường hợp đã thực hiện chế độ, quyền lợi gia đình liệt sĩ nhưng Bằng “Tổ quốc ghi công” bị mất, hư hỏng, hoặc chưa được cấp.

a) Trường hợp Bằng “Tổ quốc ghi công” bị mất, hư hỏng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương căn cứ hồ sơ liệt sĩ đang quản lý và thực hiện chế độ ưu đãi để thực hiện việc kiểm tra, xác nhận và hoàn thiện hồ sơ, chuyển Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng cấp tỉnh) thẩm định.

b) Trường hợp chưa được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”, đối với những bà mẹ được đề nghị xét truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm thủ tục đề nghị cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” theo hướng dẫn tại Điều 15 Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” trước khi lập danh sách đề nghị.

Đối với những bà mẹ được đề nghị xét phong tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ hồ sơ liệt sĩ đang quản lý và thực hiện chế độ ưu đãi để thực hiện việc kiểm tra, xác nhận và hoàn thiện hồ sơ, chuyển Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng cấp tỉnh) thẩm định. Trường hợp không có hoặc không còn hồ sơ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập danh sách chuyển Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người thân liệt sĩ cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã trong thời gian tối thiểu là 45 ngày và lập biên bản kết quả niêm yết công khai, nếu không có ý kiến khiếu nại, tố cáo của nhân dân thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác nhận và hoàn thiện hồ sơ, chuyển Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng cấp tỉnh) thẩm định. Sau đó Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm thủ tục đề nghị cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” theo hướng dẫn tại Điều 15 Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”.

3. Trường hợp bà mẹ cư trú ở nhiều địa phương nhưng không còn người lập hồ sơ đề nghị xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thì chính quyền cấp xã nơi bà mẹ có hộ khẩu thường trú và hưởng trợ cấp tiền tuất lập hồ sơ đề nghị xét tặng hoặc truy tặng.

4. Trường hợp bà mẹ đã từ trần, việc đề nghị truy tặng do người được gia đình, họ tộc ủy quyền thực hiện, mà người đó không ở nơi bà mẹ cư trú khi còn sống thì hồ sơ phải có văn bản xác nhận của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ thương binh, liệt sĩ; văn bản của chính quyền địa phương nơi bà mẹ cư trú khi còn sống xác nhận về việc chưa lập hồ sơ đề nghị truy tặng và tình trạng nhân thân của bà mẹ (có mấy con, có tái giá hay không, thái độ chính trị, việc chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước).

5. Đối với bà mẹ được truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thì khoản tiền một lần và hiện vật khen thưởng được trao cho người chồng; nếu người chồng đã từ trần thì trao cho con hoặc vợ liệt sĩ thường xuyên giữ trách nhiệm thờ cúng bà mẹ; trường hợp bà mẹ không còn chồng, con thì trao cho người thân gần nhất chịu trách nhiệm thờ cúng, chăm sóc phần mộ của bà mẹ, theo đề nghị bằng văn bản của chính quyền cấp xã nơi bà mẹ cư trú khi còn sống.

Điều 5. Trình tự, thủ tục

Trình tự, thủ tục đề nghị xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ và những quy định sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận hồ sơ; tổ chức họp xét duyệt hồ sơ theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ theo quy định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ, tổ chức thực hiện việc xác nhận liệt sĩ, thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, chuyển Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng cấp tỉnh) thẩm định, tổng hợp và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ (qua Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương).

4. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương):

a) Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc đề nghị xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”;

b) Tiếp nhận hồ sơ đề nghị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ;

c) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thiện hồ sơ; tổ chức thực hiện việc xác nhận liệt sĩ, thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; phối hợp với Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng cấp tỉnh) trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để trình Thủ tướng Chính phủ.

3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an:

Chỉ đạo cơ quan quân sự, công an phối hợp xét tặng, truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”;

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ và các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện việc đề nghị xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” theo đúng quy định, đảm bảo chính xác, kịp thời.

Điều 7. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 25 tháng 11 năm 2014.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, thực hiện Thông tư liên tịch này.

3. Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Thông tư liên tịch này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nội vụ (qua Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) tổng hợp để phối hợp nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=37379&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận