THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn thực hiện một số điểm về lập và phân tích cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam
______________________________
Căn cứ Điều 42 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 164/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ về quản lý cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại hướng dẫn thực hiện một số điểm về lập và phân tích cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam (sau đây gọi tắt là cán cân thanh toán) như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Đối tượng áp dụng:
1.1. Các bộ, ngành theo quy định tại Điều 7, 9, 10, 11 và 12 của Nghị định số 164/1999/NĐ-CP (gọi chung là cơ quan).
1.2. Các tổ chức, cá nhân là Người cư trú, Người không cư trú có hoạt động ngoại hối tại Việt Nam và tham gia các giao dịch kinh tế theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 164/1999/NĐ-CP.
2. Nội dung và hình thức cung cấp thông tin để lập cán cân thanh toán:
2.1. Các cơ quan cung cấp số liệu và thông tin cho Ngân hàng Nhà nước theo các mẫu biểu tại các Phụ lục của Thông tư này.
2.2. Các tổ chức tín dụng cung cấp số liệu để lập cán cân thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về chế độ báo cáo kế toán và thống kê ngân hàng.
2.3. Các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng và cá nhân cung cấp số liệu cho Ngân hàng Nhà nước:
a) Các tổng công ty và công ty thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cung cấp số liệu trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước theo các mẫu biểu tại Phụ lục III của Thông tư này.
b) Các tổ chức kinh tế và cá nhân cung cấp số liệu theo yêu cầu của các bộ, ngành phù hợp với các mẫu biểu tại các Phụ lục của Thông tư này để tổng hợp gửi Ngân hàng Nhà nước.
c) Các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin theo các chương trình điều tra thống kê quốc gia hoặc các cuộc điều tra ngoài chương trình điều tra quốc gia do Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật về thống kê.
3. Nguyên tắc cung cấp thông tin:
Các cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp thông tin cho Ngân hàng Nhà nước để lập cán cân thanh toán thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
3.1. Đảm bảo tính trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ và đúng chỉ tiêu, phương pháp tính, đơn vị tiền tệ và thời hạn quy định tại các mẫu biểu của Phụ lục Thông tư này.
3.2. Không trùng lặp, chồng chéo giữa các mẫu biểu số liệu cung cấp.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
MỤC 1.
LẬP CÁN CÂN THANH TOÁN THỰC TẾ VÀ DỰ BÁO
4. Nguyên tắc lập cán cân thanh toán:
4.1. Các giao dịch kinh tế được thống kê trong cán cân thanh toán bao gồm toàn bộ giao dịch kinh tế giữa Người cư trú và Người không cư trú của Việt Nam trong một thời gian nhất định. Người cư trú và Người không cư trú của Việt Nam theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối. Các giao dịch kinh tế trong cán cân thanh toán được phân loại theo phương pháp thống kê cán cân thanh toán do Quỹ tiền tệ quốc tế ban hành năm 1993 áp dụng cho các nước thành viên như sau:
a) Các giao dịch trong cán cân vãng lai bao gồm: Các giao dịch giữa Người cư trú và Người không cư trú về hàng hoá, dịch vụ, thu nhập của người lao động, thu nhập từ đầu tư trực tiếp, thu nhập từ đầu tư vào giấy tờ có giá, lãi vay và lãi tiền gửi nước ngoài, chuyển giao vãng lai một chiều.
b) Các giao dịch trong cán cân vốn và tài chính bao gồm: Các giao dịch giữa Người cư trú và Người không cư trú về chuyển vốn từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển vốn từ Việt Nam ra nước ngoài trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp; đầu tư vào giấy tờ có giá; vay trả nợ nước ngoài, cho vay và thu hồi nợ nước ngoài; chuyển giao vốn một chiều; các hình thức đầu tư và các giao dịch khác .
4.2. Cán cân thanh toán được lập theo đơn vị tiền tệ là Đôla Mỹ.
4.3. Số liệu về giao dịch kinh tế được thống kê tại thời điểm chuyển giao quyền sở hữu.
4.4. Giá trị giao dịch kinh tế được tính theo giá thị trường và được quy đổi thành Đôla Mỹ. Giá trị các giao dịch kinh tế phát sinh bằng Đồng Việt Nam và ngoại tệ không phải là Đôla Mỹ được quy đổi thành Đôla Mỹ theo tỷ giá theo quy định của Bộ Tài chính về hướng dẫn quy đổi ngoại tệ ra Đồng Vịêt Nam sử dụng trong hạch toán kế toán của doanh nghiệp.
5. Số liệu để lập cán cân thanh toán thực tế do các cơ quan, tổ chức cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước:
5.1. Số liệu hàng hoá:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) cung cấp số liệu hàng hoá trên cơ sở tổng hợp số liệu hàng hoá của Tổng cục Hải quan và các tổ chức khác.
5.2. Số liệu dịch vụ:
a) Bộ Tài chính cung cấp số liệu về xuất, nhập khẩu dịch vụ Chính phủ.
b) Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cung cấp số liệu về dịch vụ vận tải hàng hải.
c) Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam cung cấp số liệu về dịch vụ vận tải hàng không.
d) Tổng công ty Bưu chính Việt Nam, Tổng công ty viễn thông I, Tổng công ty viễn thông II và các công ty khác thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông cung cấp số liệu về dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế.
e) Các tổ chức tín dụng cung cấp số liệu thanh toán xuất, nhập khẩu dịch vụ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về chế độ báo cáo kế toán và thống kê ngân hàng.
g) Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức thu thập số liệu dịch vụ từ các nguồn khác để bổ sung số liệu dịch vụ cho lập cán cân thanh toán.
5.3. Số liệu thu nhập đầu tư:
a) Bộ Tài chính cung cấp số lãi đến hạn phải trả và số lãi thực trả đối với các khoản vay nợ nước ngoài của Chính phủ.
b) Ngân hàng Nhà nước tổng hợp số lãi đến hạn phải trả và số lãi thực trả đối với các khoản vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp.
c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp số liệu lợi nhuận của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
d) Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam cung cấp số liệu lợi nhuận của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí.
5.4. Số liệu chuyển giao:
a) Bộ Tài chính cung cấp số liệu viện trợ của nước ngoài cho Việt Nam và của Việt Nam cho nước ngoài thuộc ngân sách nhà nước.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp số liệu viện trợ dưới hình thức trợ giúp kỹ thuật của nước ngoài cho Việt Nam.
c) Tổng công ty Bưu chính Việt Nam cung cấp số liệu chuyển tiền của Người không cư trú cho Người cư trú.
d) Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) cung cấp số liệu ngoại tệ chuyển vào và chuyển ra của các tổ chức và cá nhân khai báo khi xuất, nhập cảnh.
đ) Các tổ chức tín dụng cung cấp số liệu chuyển giao theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về chế độ báo cáo kế toán và thống kê ngân hàng.
5.5. Số liệu đầu tư trực tiếp:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp số liệu về đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài.
5.6. Số liệu đầu tư chứng khoán niêm yết:
Bộ Tài chính (Uỷ ban chứng khoán Nhà nước) cung cấp số liệu về hoạt động mua bán chứng khoán niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán/Trung tâm giao dịch chứng khoán giữa Người cư trú và Người không cư trú.
5.7. Số liệu nợ nước ngoài:
a) Bộ Tài chính cung cấp số liệu về nợ nước ngoài của Chính phủ theo chức năng quản lý Nhà nước về quản lý nợ nước ngoài.
b) Ngân hàng Nhà nước tổng hợp số liệu nợ nước ngoài của doanh nghiệp theo chức năng quản lý Nhà nước về quản lý nợ nước ngoài.
6. Số liệu để lập cán cân thanh toán dự báo do các cơ quan, tổ chức cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước:
6.1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp số liệu kế hoạch ngắn hạn, dài hạn về các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chủ yếu (tổng sản phẩm quốc dân; xuất, nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ; tổng đầu tư toàn xã hội; đầu tư trực tiếp nước ngoài, vay nợ nước ngoài).
6.2. Bộ Tài chính cung cấp số liệu về kế hoạch vay trả nợ nước ngoài của Việt Nam hàng năm.
7. Các cơ quan và tổ chức khác có liên quan đến số liệu lập cán cân thanh toán cung cấp số liệu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
MỤC 2.
THEO DÕI VÀ PHÂN TÍCH CÁN CÂN THANH TOÁN
8. Các bộ, ngành có trách nhiệm thực hiện việc theo dõi, phân tích cán cân thanh toán theo quy định tại Nghị định số 164/1999/NĐ-CP để thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình.
9. Định kỳ 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại tiến hành phân tích, đánh giá và đề xuất các giải pháp nhằm ổn định cán cân thanh toán.
MỤC 3.
THỜI HẠN BÁO CÁO VÀ THÔNG TIN TÌNH HÌNH SỐ LIỆU
10. Các Bộ, Ngành, các đơn vị được nêu tại khoản 5, khoản 6 mục 1 của Thông tư này có trách nhiệm thông tin tình hình, số liệu cho Ngân hàng Nhà nước theo các thời hạn quy định tại các Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
11. Thời hạn Ngân hàng Nhà nước báo cáo cán cân thanh toán Chính phủ và gửi các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại phục vụ thống kê kinh tế vĩ mô và yêu cầu quản lý:
a) Ngày 25 của tháng cuối mỗi quý, báo cáo cán cân thanh toán dự báo của quý tiếp theo; ngày 25 tháng 9 hàng năm, báo cáo cán cân thanh toán dự báo của năm tiếp theo;
b) Ngày làm việc cuối cùng của tháng đầu mỗi quý, báo cáo tình hình thực hiện cán cân thanh toán thực tế của quý trước; ngày 10 tháng 02 hàng năm báo cáo cán cân thanh toán thực tế của năm trước.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
12. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Thông tư số 05/2000/TT-NHNN1 ngày 28/3/2000 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành một số điểm về lập cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
13. Các bộ, ngành theo quy định tại Điều 7, 9, 10, 11 và 12 của Nghị định số 164/1999/NĐ-CP, các tổ chức tín dụng, các tổ chức và cá nhân là Người cư trú và Người không cư trú chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này./.