Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 05/2011/TTLT-BVHTTDL-BGTVT

Toàn quốc
Công báo số 111+112
Thông tư liên tịch 05/2011/TTLT-BVHTTDL-BGTVT
Thông tư liên tịch
12/03/2011
26/01/2011

Tóm tắt nội dung

Quy định về vận chuyển khách du lịch bằng ô tô và cấp biển hiệu cho xe ô tô vận chuyển khách du lịch

Thứ trưởng
2.011
 

Toàn văn

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Quy định về vận chuyển khách du lịch bằng ô tô và cấp biển hiệu cho xe ô tô vận chuyển khách du lịch

 _________________________________________

Căn cứ Luật Du lịch số 44/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005; Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008; Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải,

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ Giao thông vận tải quy định về hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô và cấp biển hiệu cho xe ô tô vận chuyển khách du lịch như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này quy định về hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô và cấp biển hiệu “xe ô tô vận chuyển khách du lịch” trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền, cơ quan, tổ chức tham gia quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô.

2. Doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh (gọi tắt là đơn vị kinh doanh) tham gia kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Nội thất, tiện nghi đối với xe ô tô vận chuyển khách du lịch

1. Ô tô dưới 09 chỗ ngồi phải có điều hoà nhiệt độ, thùng chứa đồ uống, dụng cụ y tế sơ cấp cứu, túi thuốc dự phòng.

2. Ô tô từ 09 chỗ ngồi đến dưới 24 chỗ ngồi, ngoài các quy định tại khoản 1 điều này phải có rèm cửa chống nắng, bảng hướng dẫn an toàn, bình chữa cháy, búa sử dụng để thoát hiểm, thùng chứa rác, tên và số điện thoại của chủ phương tiện tại vị trí phía sau ghế của người lái xe.

3. Ô tô từ 24 chỗ ngồi trở lên (trừ ô tô chuyên dụng caravan hoặc ô tô hai tầng), ngoài các quy định tại khoản 2 Điều này phải trang bị micro, tivi và khu vực cất giữ hành lý cho khách du lịch.

4. Ô tô chuyên dụng caravan hoặc ô tô hai tầng, ngoài các quy định tại khoản 3 Điều này phải có chỗ sơ cấp cứu (đối với ô tô hai tầng) và phòng nghỉ tạm thời (đối với ô tô chuyên dụng caravan).

Điều 4. Quy định đối với lái xe và nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận chuyển khách du lịch

1. Lái xe ô tô vận chuyển khách du lịch, ngoài việc phải đáp ứng các quy định của pháp luật đối với người lái xe, phải có Giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ du lịch.

2. Nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận chuyển khách du lịch phải có Giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ du lịch, trừ trường hợp nhân viên phục vụ trên xe vận chuyển khách du lịch đồng thời là Hướng dẫn viên du lịch hoặc Thuyết minh viên.

3. Giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ du lịch do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức tập huấn và cấp theo mẫu Phụ lục 5. Nội dung tập huấn bao gồm: Tổng quan về du lịch Việt Nam; Lễ tân và văn hóa giao tiếp, ứng xử; Tâm lý và phong tục, tập quán của khách du lịch; Sơ cứu, cấp cứu y tế và tiếng Anh theo Khung chương trình quy định tại Phụ lục 6. Thời gian tập huấn là năm ngày.

Điều 5. Hồ sơ đề nghị cấp biển hiệu xe ô tô vận chuyển khách du lịch

1. Hồ sơ đề nghị xác nhận xe ô tô đạt tiêu chuẩn chuyên vận chuyển khách du lịch gửi đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi đơn vị kinh doanh đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh. Hồ sơ một bộ gồm có:

a) Giấy đề nghị xác nhận xe ô tô đạt tiêu chuẩn vận chuyển khách du lịch kèm theo danh sách xe đề nghị xác nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục 1;

b) Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế hoặc giấy đăng ký kinh doanh lữ hành (bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu);

c) Bản sao các loại giấy tờ: giấy chứng nhận đăng ký phương tiện của các xe có tên trong danh sách đề nghị; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện.

2. Hồ sơ đề nghị cấp biển hiệu xe ô tô đạt tiêu chuẩn vận chuyển khách du lịch gửi đến Sở Giao thông vận tải nơi đơn vị kinh doanh đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh. Hồ sơ một bộ gồm có:

a) Giấy đề nghị cấp biển hiệu xe ô tô đạt tiêu chuẩn vận chuyển khách du lịch theo mẫu quy định tại Phụ lục 3;

b) Giấy xác nhận xe ô tô đạt tiêu chuẩn vận chuyển khách du lịch của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (bản chính);

c) Giấy phép Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (bản sao);

d) Giấy tờ quy định tại điểm b và c khoản 1 điều này.

Điều 6. Thủ tục cấp biển hiệu xe ô tô vận chuyển khách du lịch

1. Trong thời gian tối đa là ba ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức thẩm định trên cơ sở hồ sơ và kiểm tra, đối chiếu trên thực tế từng phương tiện theo các quy định tại Điều 3 Thông tư này và cấp giấy xác nhận xe ô tô đạt tiêu chuẩn vận chuyển khách du lịch theo mẫu quy định tại Phụ lục 2. Trường hợp từ chối xác nhận phải thông báo bằng văn bản cho đơn vị kinh doanh và nêu rõ lý do.

2. Trong thời gian tối đa là hai ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Giao thông vận tải tổ chức cấp biển hiệu xe ô tô đạt tiêu chuẩn vận chuyển khách du lịch. Trường hợp từ chối cấp phải thông báo bằng văn bản cho đơn vị kinh doanh và nêu rõ lý do.

Điều 7. Biển hiệu và thời hạn biển hiệu xe ô tô vận chuyển khách du lịch

1. Biển hiệu xe ô tô đạt tiêu chuẩn vận chuyển khách du lịch có tên, chất liệu, kích thước, màu sắc, kiểu dáng theo mẫu quy định tại Phụ lục 4.

2. Biển hiệu xe ô tô đạt tiêu chuẩn vận chuyển khách du lịch có thời hạn 24 tháng và có giá trị trong phạm vi toàn quốc.

Điều 8. Ưu tiên đối với ôtô có biển hiệu xe ôtô vận chuyển khách du lịch

1. Được ưu tiên trong việc bố trí nơi dừng, đỗ thuận tiện để đón, tiễn khách du lịch tại bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng, bến thuyền, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở dịch vụ du lịch khác.

2. Được phép hoạt động không hạn chế về thời gian trên tuyến đường dẫn đến các khách sạn từ 3 sao trở lên.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Trách nhiệm của doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch

1. Sáu tháng một lần kể từ ngày phương tiện được cấp biển hiệu xe ô tô vận chuyển khách du lịch đưa vào hoạt động, đơn vị kinh doanh gửi báo cáo kết quả kinh doanh vận chuyển khách du lịch đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Sở Giao thông vận tải theo mẫu quy định tại Phụ lục 7.

2. Ít nhất mười lăm ngày trước khi biển hiệu xe ô tô đạt tiêu chuẩn vận chuyển khách du lịch hết thời hạn sử dụng, đơn vị kinh doanh phải gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đề nghị cấp lại biển hiệu; thủ tục cấp lại biển hiệu xe ô tô đạt tiêu chuẩn vận chuyển khách du lịch như cấp lần đầu.

3. Kinh phí tổ chức các lớp tập huấn, cấp giấy chứng nhận, cấp và cấp lại biển hiệu theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Trách nhiệm của Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch

1. Tháng 10 hàng năm, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch gửi báo cáo thống kê số lượng phương tiện được cấp biển hiệu ô tô đạt tiêu chuẩn vận chuyển khách du lịch, kết quả tổng hợp kinh doanh vận chuyển khách du lịch của các đơn vị kinh doanh vận chuyển khách du lịch trên địa bàn về Tổng cục Du lịch Việt Nam để tổng hợp báo cáo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;

2. Mỗi năm hai lần (vào tháng 5 và tháng 10) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi văn bản thống kê kết quả tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho lái xe và nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận chuyển khách du lịch đến Sở Giao thông vận tải để phối hợp quản lý.

3. Mỗi năm một lần (trừ trường hợp kiểm tra đột xuất), Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch và gửi báo cáo kết quả kiểm tra về Tổng cục Du lịch Việt Nam và Tổng cục Đường bộ Việt Nam để tổng hợp báo cáo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ Giao thông vận tải.

Điều 11. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

1. Tổ chức phân luồng giao thông bảo đảm để các xe ô tô được cấp biển hiệu xe ô tô vận chuyển khách du lịch được phép hoạt động quy định tại khoản 2, Điều 8 Thông tư này.

2. Tháng 10 hàng năm, Sở Giao thông vận tải gửi văn bản thống kê số lượng phương tiện đã cấp biển hiệu xe ô tô vận chuyển khách du lịch và báo cáo việc cấp biển hiệu xe ô tô vận chuyển khách du lịch về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải.

3. Mỗi năm hai lần (tháng 5 và tháng 10) Sở Giao thông vận tải gửi văn bản thống kê số lượng phương tiện đã cấp biển hiệu xe ô tô vận chuyển khách du lịch đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch để phối hợp quản lý.

4. Phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô.

Điều 12. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.

2. Tổng cục Du lịch Việt Nam (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giao thông vận tải để nghiên cứu, giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=26207&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận