Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 06/2005/TTLT/BTM-BCN

Lê Danh Vĩnh
Toàn quốc
Công báo số 05 - 04/2005;
Thông tư liên tịch 06/2005/TTLT/BTM-BCN
Thông tư liên tịch
21/04/2005
01/04/2005

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn thực hiện chuyển nhượng hạn ngạch hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ năm 2005

Thứ trưởng
2.005
Bộ Thương mại

Toàn văn

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện chuyển nhượng hạn ngạch hàng dệt

may xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ năm 2005

Căn cứ Nghị định số 29/2004/NĐ-CP ngày 16-01-2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thương mại;

Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28-05-2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;

Căn cứ Văn bản số 708/VPCP-KTTH ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, đồng ý với nội dung đề xuất của Bộ Thương mại tại công văn số 0134/TM-DM về việc chuyển nhượng hạn ngạch hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ năm 2005;

Căn cứ Văn bản số 1536/VPCP-KTTH ngày 28 tháng 3 năm 2005 của Văn phòng Chính Phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng quy chế điều hành cụ thể việc chuyển nhượng hạn ngạch hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ giữa các doanh nghiệp sản xuất dệt may;

Căn cứ Thông tư Liên tịch của Bộ Thương mại - Bộ Công nghiệp số 4/2004/TTLT-BTM-BCN ngày 28/7/2004 về hướng dẫn việc giao và thực hiện hạn ngạch hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ;

Xét đề nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam,

Liên tịch Bộ Thương mại - Bộ Công nghiệp hướng dẫn việc thực hiện chuyển nhượng hạn ngạch hàng dệt may vào thị trường Hoa Kỳ năm 2005 như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi, đối tượng áp dụng việc chuyển nhượng hạn ngạch

Hạn ngạch được phép chuyển nhượng là hạn ngạch hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ năm 2005 của thương nhân được Liên Bộ Thương mại - Công nghiệp giao theo thành tích xuất khẩu của thương nhân, kể cả hạn ngạch ứng trước thành tích xuất khẩu.

Hạn ngạch phân bổ theo tiêu chí chuỗi được phân giao theo thành tích xuất khẩu của thương nhân là thành viên của một chuỗi hợp lệ, được phép chuyển nhượng giữa các thành viên trong chuỗi đó.

Hạn ngạch được phân bổ theo các tiêu chí khác ngoài tiêu chí thành tích và chuỗi không được phép chuyển nhượng.

Thương nhân chuyển nhượng hạn ngạch, sau đây gọi là Thương nhân Chuyển nhượng, là thương nhân được giao hạn ngạch được phép chuyển nhượng và có nhu cầu chuyển nhượng hạn ngạch.

Thương nhân nhận hạn ngạch chuyển nhượng, sau đây gọi là Thương nhân Nhận Chuyển nhượng, là thương nhân có năng lực sản xuất hàng dệt may và có nhu cầu trực tiếp xuất khẩu chủng loại hàng dệt may được chuyển nhượng.

Hợp đồng Chuyển nhượng là thỏa thuận bằng văn bản về việc chuyển nhượng, di chuyển, vay nhường, điều hòa hạn ngạch giữa Thương nhân Chuyển nhượng và Thương nhân Nhận Chuyển nhượng, giữa các thành viên của Tổng công ty, giữa công ty mẹ - con, giữa các thành viên trong chuỗi theo mẫu 01 của Thông tư này.

2. Quy định về hạn ngạch và thương nhân liên quan tới việc chuyển nhượng:

2.1 Nguyên tắc chuyển nhượng:

2.1.1 Số lượng hạn ngạch được phép chuyển nhượng của một thương nhân không vượt quá số lượng hạn ngạch của loại hạn ngạch được phép chuyển nhượng đã được cấp và chưa được sử dụng của thương nhân đó.

2.1.2 Chuyển nhượng hạn ngạch phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, trực tiếp, công khai giữa các thương nhân có nhu cầu thông qua Hợp đồng Chuyển nhượng.

Nghiêm cấm thực hiện chuyển nhượng thông qua môi giới, trung gian.

2.1.3 Phần hạn ngạch đã nhận chuyển nhượng không được chuyển nhượng tiếp.

2.1.4 Phần hạn ngạch đã nhận chuyển nhượng không được sử dụng để chuyển đổi.

2.2 Đối với Thương nhân Chuyển nhượng:

Thương nhân Chuyển nhượng (sở hữu có tên trong Bản Thông báo giao hạn ngạch) có thể chuyển nhượng hạn ngạch được phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc từng phần, cho một hoặc nhiều thương nhân khác.

2.3. Đối với Thương nhân Nhận Chuyển nhượng:

Trường hợp không sử dụng hết một phần hoặc toàn bộ số lượng hạn ngạch nhận chuyển nhượng, Thương nhân Nhận Chuyển nhượng phải báo cáo Liên Bộ Thương mại - Công nghiệp để giải quyết.

3. Xuất khẩu hàng dệt may sử dụng hạn ngạch chuyển nhượng sẽ được tính vào thành tích xuất khẩu của Thương nhân Nhận Chuyển Nhượng.

4. Tất cả các khoản thu từ hoạt động chuyển nhượng phải được kê khai đầy đủ và hạch toán vào kinh doanh của thương nhân. Nghiêm cấm việc tư lợi, tiêu cực trong chuyển nhượng hạn ngạch.

5. Khuyến khích các thương nhân có nhu cầu chuyển nhượng hạn ngạch vào Trang mạng của Hiệp hội Dệt may Việt Nam www.textilevietnam.org.vn để gửi thông tin về nhu cầu chuyển nhượng của mình.

II. QUY TRÌNH CHUYỂN NHƯỢNG HẠN NGẠCH

6. Các thương nhân có nhu cầu chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng lập Hợp đồng chuyển nhượng bằng văn bản. Hợp đồng chuyển nhượng hạn ngạch của thương nhân được coi là hợp lệ nếu các chủ thể Hợp đồng và đối tượng chuyển nhượng đáp ứng được các quy định nêu tại phần I của Thông tư này.

Thương nhân Chuyển nhượng mang hồ sơ tới Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực, sau đây gọi tắt là Phòng QLXNK khu vực, để xác nhận. Hồ sơ gồm:

- Hợp đồng chuyển nhượng hạn ngạch hợp lệ. (4 bản chính).

- Biên bản của Đoàn Kiểm tra Liên ngành (theo Mẫu 02 tại Thông tư này) xác nhận năng lực sản xuất của Thương nhân Nhận Chuyển nhượng. (Nếu Thương nhân Nhận Chuyển nhượng là thương nhân mới, thương nhân chưa có thành tích chủng loại hàng có nhu cầu nhận chuyển nhượng).

- Thông báo giao hạn ngạch của Thương nhân chuyển nhượng. (bản chính và 2 bản sao).

7. Phòng QLXNK khu vực nơi quản lý Thương nhân Chuyển nhượng tiến hành:

- Xác nhận trên tất cả các bản hợp đồng nếu bộ hồ sơ xuất trình là hợp lệ;

- Xác nhận số lượng hạn ngạch chuyển nhượng trên cơ sở hợp đồng chuyển nhượng vào các bản Thông báo giao hạn ngạch của Thương nhân (cả bản chính và bản sao) và của Phòng QLXNK, ghi rõ tên và địa chỉ của Thương nhân Nhận Chuyển nhượng.

8. Sau khi có xác nhận của Phòng QLXNK, hồ sơ chuyển nhượng hạn ngạch được chuyển đến:

- Thương nhân Nhận Chuyển nhượng hạn ngạch

- Phòng QLXNK khu vực nơi Thương nhân Nhận Chuyển nhượng tiến hành thủ tục xuất khẩu hàng dệt may. (Nếu khác với Phòng QLXNK khu vực quản lý Thương nhân Chuyển nhượng).

- Lưu tại Phòng QLXNK nơi xác nhận chuyển nhượng.

9. Việc cấp visa cho hạn ngạch chuyển nhượng được thực hiện tại Phòng QLXNK nơi Thương nhân Nhận Chuyển nhượng hạn ngạch đăng ký làm thủ tục visa.

Hồ sơ cấp visa, ngoài các chứng từ theo quy định hiện hành, bao gồm cả bộ hồ sơ chuyển nhượng đã được xác nhận.

Phòng QLXNK tiến hành cấp visa cho Thương nhân Nhận Chuyển nhượng với số lượng và chủng loại đã được xác nhận trên Hợp đồng chuyển nhượng và Bản sao Thông báo giao hạn ngạch liên quan tới việc chuyển nhượng bởi Phòng QLXNK quản lý Thương nhân Chuyển nhượng.

10. Các Phòng QLXNK khu vực mở sổ theo dõi việc chuyển nhượng hạn ngạch của thương nhân và lưu các hồ sơ chuyển nhượng, hàng tuần gửi báo cáo về Ban Điều hành Hạn ngạch Dệt may theo mẫu 03 kèm theo Thông tư này.

11. Thông tin về chuyển nhượng hạn ngạch (tên, số lượng thương nhân, chủng loại và số lượng hạn ngạch chuyển nhượng, giá cả) được cập nhật hàng tuần trên trang mạng của Bộ Thương mại và được gửi cho Hiệp hội dệt may Việt Nam để Hiệp hội cập nhật lên mạng của mình.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN, GIÁM SÁT VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

12. Hiệp hội dệt may Việt Nam phát huy vai trò đầu mối của mình trong việc tăng cường tính công khai, minh bạch hóa và hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp về việc chuyển nhượng hạn ngạch, tạo điều kiện cho việc tận dụng hết nguồn hạn ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam, đảm bảo giá chuyển nhượng hợp lý, trên tinh thần hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, tránh chèn ép, trục lợi.

13. Tổng công ty, Công ty mẹ, Trưởng chuỗi chủ động điều phối, ưu tiên việc di chuyển, vay nhường, chuyển nhượng hạn ngạch thành tích giữa các thương nhân của mình để đảm bảo tính kinh tế, giảm thiểu chi phí.

14. Đoàn Kiểm tra Dệt may Liên ngành, do Sở Thương mại/Thương mại - Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Công nghiệp, Sở Kế hoạch Đầu tư, căn cứ đề nghị của thương nhân đầu tư mới, thương nhân chưa có thành tích xuất khẩu chủng loại đang phân giao, có nhu cầu nhận chuyển nhượng hạn ngạch, tổ chức kiểm tra năng lực sản xuất của thương nhân đó theo hướng dẫn của Liên Bộ Thương mại - Công nghiệp.

15. Tổ Giám sát Liên Bộ phối hợp cùng Ban điều hành hạn ngạch dệt may, Hiệp hội dệt may tiến hành kiểm tra đột xuất và định kỳ việc thực hiện chuyển nhượng hạn ngạch.

16. Các trường hợp sai phạm liên quan tới việc chuyển nhượng sẽ bị xử lý như sau:

- Thương nhân và các chủ sở hữu, lãnh đạo, nhân viên của thương nhân thực hiện các hành vi gian lận trong quá trình chuyển nhượng sẽ bị thu hồi toàn bộ hạn ngạch các loại, không được cấp tiếp hạn ngạch và/hoặc hồ sơ vụ việc liên quan sẽ được đưa tới cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Cán bộ, công chức có hành vi cố ý sai phạm trong quá trình xác nhận năng lực sản xuất, xác nhận số lượng chuyển nhượng, cấp visa liên quan tới việc chuyển nhượng sẽ bị kỷ luật theo quy định của của pháp luật hiện hành.

Thông tư Liên tịch này có hiệu lực 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=17302&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận