Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 06/TTLN

 
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Thông tư liên tịch 06/TTLN
Thông tư liên tịch
20/09/1996
20/09/1996

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn xử lý tội trốn thuế

 
1.996
 

Toàn văn

Thông tư

THÔNG TƯ

LIÊN NGÀNH CỦA VIỆN KIỂM

SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ NỘI VỤ

Hướng dẫn xử lý tội trốn thuế

Để góp phần đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi trốn thuế, nhằm chống thất thu thuế, bảo đảm các nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ nội vụ thống nhất hướng dẫn xử lý tội trốn thuế như sau:

1- Theo khoản 1 Điều 169 Bộ luật hình sự thì người trốn thuế với số lượng lớn hoặc đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm là người phạm tội trốn thuế.

Chủ thể của tội trốn thuế có thể là:

- Cá nhân có đăng ký kinh doanh hoặc không có đăng ký kinh doanh; - Người của tổ chức tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước, cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức khác đã có chủ trương hoặc trực tiếp thực hiện việc trốn thuế.

2- Người trốn thuế với số lượng dưới 50 triệu đồng, nếu chưa bị xử lý hành chính về hành vi trốn thuế, thì chưa coi là phạm tội trốn thuế. Trường hợp này phải bị xử lý hành chính.

Người trốn thuế với số lượng dưới 50 triệu đồng, nhưng đã bị xử lý hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án nhưng chưa được xoá án về tội trốn thuế thì bị coi là phạm tội trốn thuế và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 169 Bộ luật hình sự.

3- Người trốn thuế với số lượng từ 50 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng thì bị coi là trốn thuế với số lượng lớn và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 169 Bộ Luật hình sự.

4- Người trốn thuế với số lượng từ 150 triệu đồng trở lên bị coi là phạm tội trốn thuế với số lượng rất lớn và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 169 Bộ Luật hình sự.

5- Người trốn thuế với số lượng từ 50 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng, nếu đã bị kết án nhưng chưa được xoá án về tội trốn thuế hoặc về một trong các tội quy định ở các Điều 96a, 97, 165, 166, 167, 168, 173 và 183 Bộ luật hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 169 Bộ Luật hình sự.

6- Trường hợp trốn thuế mà còn có hành vi phạm tội khác có liên quan đến việc trốn thuế như: đưa hối lộ, chống người thi hành công vụ v.v... thì coi là phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 169 Bộ luật hình sự; ngoài ra còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng theo quy định của Bộ Luật hình sự.

Người có trách nhiệm của Doanh nghiệp Nhà nước, cơ quan Nhà nước đã phạm tội trốn thuế mà còn có hành vi phạm tội liên quan đến số tiền thuế đáng lẽ phải nộp (chiếm đoạt, sử dụng trái nguyên tắc, chế độ quản lý kinh tế...) thì coi là phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 169 Bộ Luật hình sự; Ngoài ra còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng theo quy định của Bộ Luật hình sự.

7- Thông tư này có hiệu lực từ ngày ban hành và thay thế điểm 4 Thông tư số 11/TTLN ngày 20-11-1990 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp.

Đối với những hành vi trốn thuế đã thực hiện trước ngày ban hành Thông tư này mà việc điều tra, truy tố, xét xử chưa kết thúc hoặc sau ngày ban hành Thông tư này mới điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm, thì áp dụng Thông tư này để điều tra, truy tố, xét xử.

Đối với những bản án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày ban hành Thông tư này và vụ án đã được xét xử theo đúng hướng dẫn tại diểm 4 Thông tư số 11/TTLN ngày 20-11-1990 thì không áp dụng các hướng dẫn tại Thông tư này để kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu thấy có vướng mắc, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử cần báo cáo ngay cho Bộ Nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao để có hướng dẫn kịp thời.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=8936&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận