THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2009 - 2015
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu;
Căn cứ Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia;
Liên tịch Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2009 - 2015 như sau:
Điều 1. Quy định chung
1. Thông tư này hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu theo Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (sau đây gọi tắt là Chương trình) và được áp dụng từ niên độ ngân sách năm 2010.
2. Nguồn vốn thực hiện Chương trình gồm: Vốn ngân sách nhà nước cấp hàng năm (nguồn vốn ngân sách trung ương; ngân sách địa phương; vốn vay và vốn viện trợ), vốn đóng góp của các thành phần kinh tế và các nguồn vốn khác.
a) UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí chi ngân sách địa phương hàng năm, cùng với nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương (bao gồm cả vốn vay, vốn viện trợ) cho Chương trình, lồng ghép với các nguồn vốn khác trên địa bàn để thực hiện tốt mục tiêu của Chương trình.
b) Kinh phí ngân sách nhà nước (nguồn vốn trong nước) thực hiện theo quan điểm nêu tại khoản 1, mục I, Điều 1 Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
3. Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giao thực hiện các nhiệm vụ, dự án của chương trình có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí Chương trình bảo đảm đạt hiệu quả theo mục tiêu đề ra.
Điều 2. Nguồn kinh phí và nội dung chi thực hiện các nhiệm vụ, dự án của Chương trình
1. Chi từ nguồn kinh phí NSNN (bao gồm cả nguồn vốn nước ngoài):
1.1. Các nhiệm vụ chi từ nguồn sự nghiệp kinh tế:
a) Đánh giá mức độ biến đổi khí hậu, xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng;
b) Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của các Bộ, ngành, địa phương, bao gồm: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Xác định các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Tích hợp các vấn đề về biến đổi khí hậu trong chiến lược, chương trình, kế hoạch và quy hoạch của Bộ, ngành, địa phương; Thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác đến biến đổi khí hậu và nước biển dâng (bao gồm cả thực hiện các mô hình, dự án thí điểm ứng phó với biến đổi khí hậu có tính chất thường xuyên) thuộc trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương.
c) Tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu;
d) Xây dựng bộ khung tiêu chuẩn tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu trong xây dựng và thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Bộ, ngành, địa phương;
đ) Hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu: Tham gia các hoạt động đàm phán khu vực và quốc tế; trao đổi thông tin quốc tế về biến đổi khí hậu;
e) Xây dựng chương trình đào tạo và giáo dục về biến đổi khí hậu trong chương trình giáo dục các cấp học;
g) Tăng cường năng lực tổ chức, thể chế, chính sách về biến đổi khí hậu;
h) Chi Quản lý Chương trình.
1.2. Các nhiệm vụ chi từ nguồn sự nghiệp khoa học:
Xây dựng và triển khai chương trình khoa học công nghệ về biến đổi khí hậu, gồm:
a) Nghiên cứu về những hiện tượng, bản chất khoa học, những điều chưa biết rõ về biến đổi khí hậu; tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế - xã hội; phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
b) Lồng ghép các vấn đề về biến đổi khí hậu vào các chương trình bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên và phòng tránh thiên tai, chương trình nghiên cứu biển.
c) Nghiên cứu cơ sở khoa học nhằm tăng cường hệ thống giám sát về khí hậu và biến đổi khí hậu.
d) Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ đánh giá tác động của biến đổi khí hậu.
đ) Nghiên cứu các công nghệ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và các công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu.
e) Hợp tác quốc tế trong các hoạt động khoa học công nghệ, áp dụng và chuyển giao có hiệu quả các công nghệ thân thiện với khí hậu.
1.3. Nhiệm vụ chi từ nguồn vốn đầu tư phát triển:
- Cải thiện, nâng cấp hệ thống quan trắc khí hậu và cảnh báo sớm biến đổi khí hậu, thiên tai.
- Thực hiện các mô hình, dự án thí điểm ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai trên cơ sở thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, thực hiện huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế để thực hiện Chương trình theo quy định của pháp luật. Phối hợp lồng ghép với các chương trình, dự án khác có liên quan để thực hiện có hiệu quả Chương trình.
Điều 3. Một số mức chi cụ thể
Mức chi từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ, dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu thực hiện theo định mức, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành.
Một số văn bản hiện hành quy định mức chi cho từng nguồn kinh phí theo Phụ lục đính kèm Thông tư.
Điều 4. Lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí Chương trình
Việc lập dự toán, phân bổ và giao dự toán, cấp phát, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí thực hiện Chương trình, thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn hiện hành và quy định cụ thể tại Thông tư này.
1. Lập dự toán kinh phí thực hiện Chương trình hàng năm:
a) Hàng năm các Bộ, ngành và địa phương (cơ quan quản lý dự án của Chương trình) căn cứ vào các nhiệm vụ, dự án ban hành kèm theo Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 2/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, tiến hành đánh giá tình hình thực hiện Chương trình của năm báo cáo; xác định nhiệm vụ, kế hoạch triển khai Chương trình năm kế hoạch, lập dự toán nhiệm vụ, dự án gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời tổng hợp vào dự toán năm sau để gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành (riêng lập dự toán nhiệm vụ, đề tài thuộc chương trình khoa học công nghệ về biến đổi khí hậu thực hiện theo quy định hiện hành).
b) Đối với các địa phương khi xây dựng dự toán phải xác định nhiệm vụ, kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình, trong đó xác định rõ nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ, nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình do Ngân sách địa phương chủ động bố trí.
c) Bộ Tài nguyên và Môi trường lập dự toán kinh phí đối với các dự án, đề án, nhiệm vụ do Bộ thực hiện; tổng hợp, rà soát kinh phí thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ của các Bộ ngành và địa phương thực hiện, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại thời điểm lập dự toán ngân sách hàng năm.
Căn cứ tổng mức kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu được cấp có thẩm quyền thông báo, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến phân bổ kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, cả về cơ cấu và mức cụ thể cho các Bộ, cơ quan Trung ương và nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương (nếu có), phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ đã được phê duyệt; gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Chấp hành dự toán
a) Căn cứ kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao, các Bộ, ngành, địa phương phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc theo mã số 0351 - Các Dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Mã số này được sử dụng trong khâu chấp hành dự toán, kế toán và quyết toán ngân sách nhà nước.
b) Các cơ quan quản lý dự án của Chương trình chịu trách nhiệm lập, thẩm định, phê duyệt nội dung chi tiết của từng dự án, nhiệm vụ trong danh mục các dự án được giao thuộc Chương trình.
c) Các cơ quan, đơn vị được giao kinh phí thực hiện Chương trình tổ chức thực hiện dự án, quản lý, sử dụng kinh phí, thanh quyết toán và chấp hành chế độ báo cáo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.
d) Hàng năm thực hiện chế độ kiểm toán độc lập đối với việc sử dụng các nguồn vốn của Chương trình.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
a) Rà soát và tổng hợp kế hoạch và nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu hàng năm trên cơ sở đề nghị của các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định; chủ trì cung cấp cho các nhà tài trợ kế hoạch ngân sách năm và kế hoạch hoạt động của Chương trình theo Hiệp định đã ký (nếu có).
b) Chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các nhà tài trợ nước ngoài đánh giá tình hình thực hiện Chương trình; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; cung cấp các báo cáo thực hiện Chương trình cho các nhà tài trợ theo Hiệp định đã ký (nếu có).
c) Chủ trì xây dựng và phê duyệt các nhiệm vụ, dự án được giao theo danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 2/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ (mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung và dự toán kinh phí, phân kỳ vốn thực hiện từng năm). Tổ chức chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, dự án của Chương trình; phối hợp lồng ghép với các chương trình, dự án khác để thực hiện có hiệu quả.
d) Chỉ trì xây dựng, phổ biến, hướng dẫn hệ thống chỉ tiêu theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, đánh giá tác động của Chương trình.
đ) Định kỳ (6 tháng, hàng năm) tổng hợp Báo cáo tình hình thực hiện Chương trình gửi Ban Chủ nhiệm và Ban Chỉ đạo Chương trình, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; Nhà Tài trợ (đối với vốn ODA và vốn viện trợ, tài trợ). Báo cáo 6 tháng gửi trước ngày 15 tháng 8, báo cáo năm gửi trước ngày 30 tháng 4 năm sau.
e) Chủ trì việc lựa chọn đơn vị thực hiện Chương trình lập báo cáo đánh giá tác động của Chương trình;
g) Tổng hợp, lập báo cáo kết thúc Chương trình gửi Ban Chủ nhiệm, Ban Chỉ đạo Chương trình.
2. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Chịu trách nhiệm phê duyệt các nhiệm vụ, dự án được giao theo danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 2/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ (mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung và dự toán kinh phí, phân kỳ vốn thực hiện từng năm).
b) Tổ chức chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, dự án của Chương trình đã được giao theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và theo kế hoạch được duyệt. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả, không thất thoát và quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành.
c) Thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án khác để thực hiện Chương trình có hiệu quả.
d) Huy động sự đóng góp từ các thành phần kinh tế tư nhân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định của pháp luật.
đ) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện báo cáo cho các Nhà tài trợ theo Hiệp định đã ký (nếu có).
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính căn cứ vào nhiệm vụ, dự án của Chương trình, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành, địa phương, cân đối, bố trí vốn kế hoạch hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước để thực hiện Chương trình, đồng thời thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường biết để theo dõi, tổng hợp báo cáo Ban Chủ nhiệm Chương trình, Ban Chỉ đạo Quốc gia.
4. Các đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ, dự án định kỳ 6 tháng, năm có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện cho Bộ, ngành (đối với nhiệm vụ, dự án do Bộ, ngành chủ trì), báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đối với nhiệm vụ, dự án do địa phương chủ trì). Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp gửi báo cáo Ban Chủ nhiệm Chương trình (thông qua Văn phòng Chương trình đặt tại Bộ Tài nguyên và Môi trường), Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo 6 tháng gửi trước ngày 20 tháng 7, báo cáo năm gửi trước ngày 31 tháng 3 năm sau.
5. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.
6. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp./.